Mục lục

Soạn Viết bài làm văn số 2: Nghị Luận văn học Trang 53-55 Ngữ văn 11 Tập 1

(Soạn Viết bài làm văn số 2)

I. HƯỚNG DẪN CHUNG

Câu 1(Soạn Viết bài làm văn số 2): Đọc lại văn bản và bài học ở phần Văn học để nắm được giá trị nội dung, nghệ thuật của những tác phẩm, đoạn trích đã học từ tuần 1 đến tuần 5 (Từ bài Vào Phủ chúa Trịnh đến Bài ca phong cảnh Hương Sơn)

Trả lời:

1. Vào Phủ Chúa Trịnh – Lê Hữu Trác

a. Gía trị nội dung:

+ Đoạn trích mang giá trị hiện thực sâu sắc

– Cuộc sống sa hoa, quyền quý của chúa Trịnh và tầng lớp quan lại thực dân. Sự sa hoa trong cách bày trí, kiến trúc, nội thất ở đây hoàn toàn đối lập với sự nghèo đói, thiếu thốn, khổ cực của nhân dân ở ngoài kia

– Bộ máy quan lại, guồng máy phục vụ đông đúc, tấp nập với những nghi lễ kì lạ, sự kiểm soát nghiêm ngặt và những phép tắc, quy củ ngặt nghèo, ngay cả với việc khám bệnh cho thế tử

– Cuộc sống ăn chơi, trụy lạc, sa đọa dẫn tới bện tật của cha con chúa Trịnh Sâm, Trịnh Cán được hiện lên rõ nét chỉ bằng một vài chi tiết miêu tả của tác giả

+ Hình ảnh của người thầy thuốc Lê Hữu Trác:

– Thờ ơ, dửng dưng thậm chí là châm biếm, mỉa mai với cuộc sống sa hoa, giàu sang quyền quý trong phủ Chúa. Đồng thời cũng cho ta thấy được ông là một con người coi thường danh lợi, không để vinh hoa phú quý, tiền tài công danh ràng buộc

– Là một người thầy thuốc giỏi, có lương y, có đạo đức cao cả: ông bắt được ngay bệnh của chúa Trịnh Cán và có cách chữa trị từ cội nguồn, gốc rễ của bệnh. Dù biết có thể sẽ bị vướng chân vào vòng danh lợi nhưng lương tâm của người thầy thuốc không cho phép ông chữa bệnh theo cách cầm chừng, vô thưởng, vô phạt

– Là người cương trực, thẳng thắn, bảo vệ quan điểm, ý kiến của mình mặc dù ý kiến ấy không đồng thuật với số đông ý kiến của các lương y trong phủ Chúa lúc bấy giờ và cả chính quan Chánh đường, người đã tiến cử ông.

=> Quan điểm sống nhàn nhã, ẩn dật, thanh đạm để giữ mình trong sạch, không bị tiền tài, giàu sang phú quý ràng buộc của Lê Hữu Trác hoàn toàn đối lập với cuộc sống sa hoa, trụy lạc trong phủ Chúa.

b. Giá trị nghệ thuật

– Tài quan sát tinh tế và ngòi bút ghi chép chi tiết, chân thực, sắc sảo đã dựng nên bức tranh phủ chúa với hiện thực cuộc sống vô cùng sinh động

– Tác giả đã lựa chọn khắc họa những chi tiết đặc sắc tạo nên cái thần của cảnh vật. Những chi tiết đắt giá ấy đã giúp cho người đọc hình dung ngay về hiện thực, nhân vật mà tác giả đang nói tới.

– Sự đang xen thơ vào trong tác phẩm làm cho bài kí của ông đậm chất trữ tình.

2. Tự Tình – Hồ Xuân Hương

a. Giá trị nội dung

– Bài thơ nói lên bi kịch tình yêu, gia đình của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Đồng thời đó là tâm trạng vừa buồn tủi, vừa phẫn uất trước duyên phận éo le và cuộc sống, số phận cay đắng của họ, dù đã gắng gượng vương lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch của cuộc đời.

– Bài thơ cũng cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc – những điều vô cùng giản đơn, bình dị nhưng lại là khao khát, niềm mơ ước cả cuộc đời của Hồ Xuân Hương nói riêng, của tất cả những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung

b. Giá trị nghệ thuật

– Tác giả đã vận dụng sáng tạo thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật với ngôn ngữ tiếng Việt nhưng không làm mất đi giá trị của thể thơ mà trái lại nó còn mang đến cho thể thơ cổ điển ấy một vẻ đẹp mới, gần gũi, thân thuộc hơn với người Việt

– Sử dụng từ ngữ giản dị mà đặc sắc với những động từ mạnh (xiên ngang mặt đất/đâm toạc chân mây), từ láy tượng thanh đã thể hiện khao khát đến cháy bỏng và sự nổi loạn trong tâm hồn của Hồ Xuân Hương

– Sử dụng những hình ảnh giàu sức gợi (trăng khuyết chưa tròn, rêu từng đám, đá mấy hòn…) để diễn tả các cung bậc cảm xúc, sự tinh tế, phong phú trong tâm trạng của người phụ nữ khi nghĩ đến thân phận của mình.

3. Câu cá mùa thu – Nguyễn Khuyến

a. Gía trị nội dung

– Vẻ đẹp bình dị, quen thuộc của cảnh thu điển hình cho cảnh sắc mùa thu của thiên nhiên vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những hình ảnh nhỏ bé, gần gũi với cuộc sống ở làng quê trong thơ Nguyễn Khuyến trở nên thật sống động trong khung cảnh cao rộng, trong veo của bầu trời. Thiên nhiên đầy sức sống với cuộc sống thanh bình, yên ả – Đó cũng là khát khao muôn đời của những người trí giả yêu nước dương thời.

– Đồng thời, bài thơ cũng có thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước và tâm trạng thời thế của Nguyễn Khuyến: Ông bỏ lại phía sau lưng lối sống mưu cầu danh lợi để trở về quê “buông cần bó gối” ngồi câu cá giữa thiên nhiên đất trời. Lối sống thanh nhàn, ẩn dật ấy cũng là lối sống mà nhiều bậc trí giả đương thời lựa chọn để giữ mình thanh cao giữa dòng đời xô bồ, đen tối.

b. Giá trị nghệ thuật

– Bài thơ thất ngôn bát cú với cách gieo vần độc đáo vần “eo” đi vào thơ của Nguyễn Khuyến rất tự nhiên, thoải mái chứ không hề bị gò bó, ép buộc hay khiên cưỡng để lại ấn tượng khó quên cho người đọc

– Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc trưng của văn học trung đại: chỉ bằng vài nét vẽ tinh tế, mùa thu của thiên nhiên đất trời vùng Bắc Bộ đã hiện lên thật đẹp. Đó cũng là cách để Nguyễn Khuyến thể hiện tình yêu của mình với quê hương, đất nước.

4. Thương vợ – Trần Tế Xương

a. Gía trị nội dung

– Xây dựng thành công hình ảnh của bà Tú – một người vợ tảo tần, giàu đức hi sinh, đã gánh vác gia đình với những gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên đôi vai gầy. Đồng thời, thông qua đó, người đọc cũng có thể cảm nhận được tình thương yêu, quý trọng người vợ của Trần Tế Xương

– Ẩn đằng sau hình ảnh của người vợ tảo tần sớm khuya ấy là hình ảnh của ông Tú với đầy những tâm sự. Bà Tú hiện lên càng đảm đang, tháo vát vất vả bao nhiêu thì ông Tú lại càng nhỏ bé, nhạt nhòa, vô dụng bấy nhiêu. Đây chính là sự bất lực của người trí sĩ đương thời trước dòng đời nổi trôi và xã hội quan liêu thối nát.

b. Giá trị nghệ thuật

– Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt bình dị, tự nhiên và giàu sức biểu cảm; cảm xúc chân thành tiêu biểu cho thơ trữ tình của Trần Tế Xương

– Vận dụng sáng tạo hình ảnh con cò và cách nói của văn học dân gian trong việc khắc họa hình ảnh của bà Tú

– Hình ảnh của bà Tú được nhắc đến với giọng điệu ngợi ca, đầy yêu thương còn hình ảnh của tác giả ẩn đằng sau đó lại được nhắc đến với giọng điệu trào phúng, bất lực

5. Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến

a. Gía trị nội dung

– Bài thơ Khóc Dương Khuê mang một nỗi niềm tiếc nuối sâu sắc về một tình bạn tri kỉ, góp phần khẳng định về tình cảm giữa những con người với nhau. Bài thơ đã để lại cái nhìn cao đẹp về tình bạn cũng như nhân cách cao đẹp của Nguyễn Khuyến.

b. Giá trị nghệ thuật

– Thể thơ song thất lục bát, đậm đà bản sắc dân tộc

– Ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu

– Sử dụng kết hợp các biện pháp nghệ thuật: nói giảm nói tránh + các câu hỏi tu từ + điệp từ…

6. Vịnh Khoa thi Hương – Tú Xương

a. Gía trị nội dung

– Vịnh khoa thi hương là bài thơ thuộc đề tài thi cử – một đề tài khá đậm nét trong sáng tác của Tú Xương. Qua việc tái hiện hình ảnh thảm hại của kì thi năm Đinh Dậu (1897) tại trường Hà Nam, nhà thơ bày tỏ sự xót xa, đau đớn của con người trước tình cảnh thảm hại của các nhà Nho vào thời kì mạt vận của Nho học.

– Một phần hiện thực nhốn nháo, ô hợp của xã hội thực dân nửa phong kiến buổi đầu đã được tái hiện lại đồng thời nói lên tâm sự của mình trước tình cảnh đất nước

b. Giá trị nghệ thuật

– Nghệ thuật đối, đảo ngữ

– Ngôn ngữ có tính chất khẩu ngữ, trong sáng, giản dị nhưng giàu sức biểu cảm.

7. Bài ca ngất ngưởng – Nguyễn Công Trứ

a. Giá trị nội dung

– Qua thái độ Ngất ngưởng, tác giả muốn thể hiện một phong cách sống tốt đẹp, một bản lĩnh cá nhân của mình trong khuôn khổ của xã hội phong kiến chuyên chế: Hết lòng vì vua, vì nước, bất chấp hết những được – mất, những lời khen – chê ở đời.

– Đồng thời, bài thơ cũng cho người đọc thấy được sự tự ý thức của tác giả về giá trị của bản thân mình: tài năng, địa vị, phẩm chất – một con người toàn tài với những giá trị mà không phải ai cũng có được.

b. Giá trị nghệ thuật

– Đây là tác phẩm được viết theo thể loại hát nói, với lối tự thuật, có hình thức tự do, phóng khoáng, đặc biệt là tự do về vần, nhịp thích hợp với việc thể hiện con người cá nhân.

– Bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa hệ thống từ ngữ Hán Việt với từ ngữ Nôm thông dụng trong đời sống hàng ngày

=> Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên có công đem đến cho hát nói một nội dung phù hợp với chức năng và cấu trúc của nó.

8. Bài ca ngắn đi trên bãi cát – Cao Bá Quát

a. Gía trị nội dung

– Sự chán ghét của Cao Bá Quát đối với con đường mưu cầu danh lợi tầm thường của hầu hết những con người trong xã hội đương thời. Gần như ai cũng bị ràng buộc bởi vòng luẩn quẩn của danh lợi, của tiền tài, kể cả chính ông cũng buộc lòng phải theo đuổi.

– Niềm khao khát đến mãnh liệt được đổi mới cuộc sống, được phá tung nhưng rào cản, lễ giáo phong kiến trong hoàn cảnh xã hội nhà Nguyễn bảo thủ, trì trệ. Qua đó, ta cũng thấy được khí phách hiên ngang của Cao Bá Quát – một con người có ý chí, có khát khao và hoài bão lớn.

b. Giá trị nghệ thuật

– Tác giả sử dụng thể hành (thể thơ cổ), có tính chất tự do, phóng khoáng, không bị gò bó về số câu, độ dài của câu, niêm luật, bằng trắc, vần điệu.

– Hình ảnh biểu tượng giàu ý nghĩa: Bãi cát dài, người say – tỉnh…

– Sử dụng bút pháp đối lập nhuần nguyễn, sáng tạo trong việc dùng điển tích, điển cố

9. Lẽ ghét thương – Nguyễn Đình Chiểu

a. Gía trị nội dung

– Trong đoạn trích Lẽ ghét thương, Nguyễn Đình Chiểu đề cập đến mối quan hệ giữa “ghét” và “thương”, thực ra là hai mặt đối lập mà thống nhất trong tình cảm của con người. Lời giãi bày đó thể hiện được quan điểm đạo đức yêu – ghét trước cuộc đời mà xuất phát của tình cảm đó là bởi vì cuộc sống của nhân dân. Bởi vậy có thế khẳng định tư tưởng cốt lõi của đoạn trích là ở tấm lòng yêu thương nhân dân sâu sắc, tha thiết của nhà thơ.

b. Giá trị nghệ thuật

– Bút pháp trữ tình nồng hậu

– Ngôn ngữ bình dị

– Sử dụng nhiều điệp từ “thương”, “ghét” (mỗi từ 12 lần)

– Sử dụng phép đối, phép tiểu đối.

10. Chạy giặc – Nguyễn Đình Chiếu

a. Giá trị nội dung

– Chạy giặc phản ánh hiện thực đau thương của nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời nói lên nỗi đau và lòng căm hận của tác giả trước tội ác của giặc; mong ước có một bậc anh hùng ra tay dẹp loạn.

– Bài thơ còn thể hiện tình cảm yêu nước tha thiết của nhà thơ. Đó là những giây phút đau thương trước cảnh nước mất nhà tan. Ông đã lên tiếng kêu gọi những người có trách nhiệm đứng lên đánh giặc cứu nước và thức tỉnh lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt.

b. Giá trị nghệ thuật

– Các biện pháp tu từ: từ láy, phép đối

– Hình ảnh thơ gợi hình, gợi cảm

– Ngôn ngữ thơ tinh tế, giàu cảm xúc

11. Bài ca phong cảnh Hương Sơn – Chu Mạnh Trinh

a. Gía trị nội dung

– Tác phẩm thể hiện tình yêu quê hương, đất nước hòa quyện với tâm linh, hướng con người tới niềm tự hào về đất nước.

b. Gía trị nghệ thuật

– Từ ngữ có giá trị tạo hình cao

– Giọng thơ nhẹ nhàng, sử dụng nhiều kiểu câu khác nhau

– Ngữ điệu tự do phù hợp với tư tưởng phóng khoáng.

Câu 2(Soạn Viết bài làm văn số 2): Ôn lại các bài: Phân tích đề, lập dàn ý bài văn nghị luận. Thao tác lập luận phân tích. Luyện tập thao tác lập luận phân tích.

Trả lời:

1. Phân tích đề, lập dàn ý bài văn nghị luận

Kiến thức cần nhớ:

a. Phân tích đề

– Phân tích đề là công việc quan trọng trước tiên khi làm bài văn nghị luận gồm các yêu cầu bắt buộc: đọc kĩ đề, chú ý từ then chốt quan trọng để xác định yêu cầu về kiến thức, giới hạn và hình thức phương pháp làm bài thích hợp.

– Phân tích đề được tiến hành nhằm để trả lời các câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?

b. Lập dàn ý

+ Các yêu cầu phải có:

– Xác lập luận điểm, luận cứ bằng cách trả lời các câu hỏi: Là gì? Được thể hiện như thế nào? Có thể rút ra bài học gì? Phải làm gì?

– Sắp xếp các luận điểm luận cứ theo một trật tự logic nhất định, cheặt chẽ và có thứ tự theo đề mục:

– Có hai loại dàn ý: dàn ý đại cương và dàn ý chi tiết

– Dàn ý tốt có tác dụng: giúp cho bài văn trở nên rõ ràng, mạch lạc, thuyết phục.

2. Thao tác lập luận phân tích

Kiến thức cần nhớ:

– Thao tác lập luận phân tích là chia nhỏ đối tượng thành các yếu tố bô phận để xem xét nội dung, hình thức và mối quan hệ bên trong cũng như bên ngoài của chúng rồi khái quát, phát hiện ra bản chất của đối tượng.

a. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận phân tích.

+ Mục đích của phân tích là làm rõ đặc điểm nội dung, hình thức, cấu trúc và các mối quan hệ bên trong, bên ngoài của đối tượng.

+ Yêu cầu:

  • Xác định vấn đề phân tích
  • Chia vấn đề thành những khía cạnh nhỏ (các yếu tố, phương diện cấu thành đối tượng, quan hệ giữa đối tượng với đối tượng khác…)
  • Khái quát tổng hợp (thái độ và đánh giá của người phân tích đối với đối tượng cần phân tích)

b. Cách phân tích

+ Cần dựa trên những tiêu chí, quan hệ nhất định:

  • Quan hệ giữa các yếu tố tạo nên đối tượng
  • Quan hệ nhân quả
  • Quan hệ giữa đối tượng với các đối tượng liên quan
  • Quan hệ giữa người phân tích và đối tượng phân tích

+ Khi phân tích cần đi sâu vào từng bộ phận, từng mặt, nhưng cần lưu ý đến quan hệ giữa chúng với nhau, cần khái quát để rút ra bản chất chung của đối tượng.

3. Luyện tập thao tác lập luận phân tích.

Kết quả cần đạt:

– Củng cố và nâng cao tri thức về lâp luận phân tích.

– Biết vận dụng thao tác lập luận phân tích trong bài văn nghị luận.

Câu 3(Soạn Viết bài làm văn số 2): Đọc lại bài làm văn số 1 của mình và tham khảo một vài bài khá của bạn để rút kinh nghiệm

Trả lời:

– Các em học sinh tự đọc kĩ lại bài làm văn số 1 của mình, xem lại những lỗi sai và sửa chúng.

– Mượn bài làm khá đạt điểm cao của một số bạn trong lớp để rút ra kinh nghiệm cho bản thân cũng như tham khảo để sửa lỗi cho bài viết của mình.

II. GỢI Ý MỘT SỐ ĐỀ BÀI

(Soạn Viết bài làm văn số 2)

Đề 1(Soạn Viết bài làm văn số 2:): Cảm nghĩ của anh chị về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ Chúa Trịnh (Trích Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác)

Trả lời:

Dàn bài gợi ý:

+ Mở bài: 

Giới thiệu đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh

+ Thân bài:

– Cảm nghĩ giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh”

+ Bức tranh hiện thực của phủ chúa Trịnh

Quang cảnh phủ chúa Trịnh

– Một nơi vô cùng xa hoa, tráng lệ và thâm nghiêm

– Màu sắc chủ đạo của phủ là đỏ và vàng

– Không khí ngột ngạt

=> Tác giả miêu tả rất chi tiết và sắc sảo

Cuộc sống và sinh hoạt trong phủ chúa Trịnh:

– Nơi nhiều nguyên tắc, luật lệ

– Cuộc sống xa hoa nhưng thiếu đi sinh khí

– Thể hiện sự lộng quyền của chúa Trịnh

+ Thái độ của tác giả đối với cung cảnh và cách sinh hoạt nơi phủ chúa

– Tác giả không đồng tình với cuộc sống xa xỉ và xa hoa của chúa Trịnh

– Lê Hữu Trác dửng dưng trước những quyến rũ lợi danh tại phủ chúa

– Cuộc đấu tranh nội tâm của tác giả

+ Kết bài:

Nêu cảm nhận của em về giá trị hiện thực của đoạn trích.

Đề 2(Soạn Viết bài làm văn số 2): Qua các bài thơ Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài Thương vợ của Trần Tế Xương, anh (chị) hiểu những gì về người phụ nữ Việt Nam thời xưa.

Trả lời:

Dàn ý tham khảo:

+ Mở bài:

– Giới thiệu hình ảnh người phụ nữ trong văn học nói chung.

– Cảm hứng về ng phụ nữ trong Tự tình của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương nói riêng.

+ Thân bài:

Các ý chính cần đạt là:

– Cảm hứng về người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương và thơ Trần Tế Xương.

– Qua ba bài thơ, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa được thể hiện nổi bật những phẩm chất sau: Người phụ nữ luôn chịu nhiều thiệt thòi, gian nan, vất vả

– Ở bài Bánh trôi nước là thân phận trôi nổi lênh đênh của người phụ nữ. Họ không có quyền lựa chọn quyết định tình duyên, thậm chí là cuộc sống của mình. Đó là hình ảnh người phụ nữ mang dáng dấp của những người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục trong ca dao xưa.

– Ở bài Thương vợ là hình ảnh người phụ nữ chịu thương chịu khó, lặn lội sớm khuya, vất vả quanh năm vì những gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình.

– Ở bài Tự tình là nỗi buồn về thân phận, về chuyện tình duyên, về hạnh phúc gia đình – những điều rất quan trọng và vô cùng có ý nghĩa đối với những người phụ nữ. – Người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp và khao khát yêu thương:

– Trong hai bài thơ của Hồ Xuân Hương, hình ảnh người phụ nữ còn hiện lên nổi bật với niềm khao khát yêu thương và khao khát được yêu thương mạnh mẽ.

– Ở bài Thương vợ, hình ảnh bà Tú nổi bật với vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam nhân hậu, đảm đang, giàu đức hi sinh, yêu chồng thương con hết mực.

+ Kết bài:

– Tổng kết và đánh giá vấn đề nghị luận. Nêu cảm nghĩ của bản thân.

Đề 3(Soạn Viết bài làm văn số 2): Nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát (Hoặc Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ)

Trả lời:

Dàn ý tham khảo:

+ Mở bài:

– Giới thiệu về nhân cách con người trong xã hội phong kiến xưa

– Bài ca ngắn đi trên bãi cát / Bài ca ngất ngưởng đều toát lên nhân cách cao đẹp của những nhà nho chân chính.

+ Thân bài:

– Giải nghĩa:

– Nhân cách là gì? Nó là tư cách, phẩm chất, là phần bên trong mỗi con người.

–  Nhà nho: cách gọi chung cho những người tri thức thời xưa, có học vấn và theo Nho học.

– Nhân cách nhà nho ở bài thơ này (Bài ca ngắn đi trên bãi cát) thể hiện đẹp đẽ và đáng nể ở tầm nhìn xa trông rộng của nhà thơ.

– Khi mà còn bao kẻ đang say hơi men công danh lợi lộc thì Cao Bá Quát tỉnh táo hơn, ông nhận thức rõ tính vô nghĩa của lối học khoa cử, lối học công danh xưa cũ.

– Từ câu chuyện bình thường như đi trên cát mà tác giả liên tưởng đến con đường danh lợi, đến chốn quan trường, đó thực là một sự liên tưởng ít gặp ở các bậc nho sĩ, thật sáng tạo và lô-gíc: sự sụt lún, sa lầy khi bước trên cát vô định giống như hơi men công danh mờ mịt giả dối đang vẫy gọi khiến đôi chân bao người lún sâu, không dứt ra được. Công danh, tiền bạc hão huyền đang kéo con người xuống vũng không lên được, mê muội.

– Nhìn trước được những sự mê muội đáng sợ đó, Cao Bá Quát cảm thấy mình cần phải cảnh tỉnh cho bao con người đang đi sâu vào vết lún, vào men say công danh biết mà tránh xa và thức tỉnh đi, đừng tiếp tục nữa, đến lúc nhìn lại sẽ thấy điều đó không xứng đáng.

+ Kết bài:

– Khẳng định nhân cách nhà nho chân chính của Cao Bá Quát

III. GỢI Ý CÁCH LÀM BÀI

(Soạn Viết bài làm văn số 2)

Câu 1(Soạn Viết bài làm văn số 2): Đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu của bài viết.

Ví dụ:

a. Phân tích một khía cạnh nội dung (giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích). Sau đó nêu cảm nghĩ riêng: Hiểu cụ thể, sâu sắc bức tranh cuộc sống xa hoa của phủ Chúa Trịnh, cảm thông, đồng tình với thái độ coi thường danh lợi của tác giả (Đề 1)

+ Yêu cầu của bài viết là:

  • Phân tích một khía cạnh về nội dung (cụ thể là giá trị hiện thực sâu sắc) của tác phẩm Vào Phủ Chúa Trịnh.
  • Nêu cảm nghĩ riêng của bản thân về bức tranh cuộc sống xa hoa bên trong phủ Chúa Trịnh.
  • Tỏ thái độ cảm thông, đồng tình với thái độ coi thường danh lợi của tác giả.

b. Phân tích thân phận và phẩm chất của người phụ nữ thời xưa qua các bài Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài Thương vợ của Trần Tế Xương (Đề 2)

+ Yêu cầu của bài viết là:

  • Phân tích thân phận của người phụ nữ thời xưa qua các bài Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài Thương vợ của Trần Tế Xương
  • Phân tích phẩm chất của người phụ nữ thời xưa qua các bài Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài Thương vợ của Trần Tế Xương

c. Phân tích những biểu hiện của nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát: Chán ghét danh lợi tầm thường, khao khát thay đổi cuộc sống (Đề 3)

+ Yêu cầu của bài viết là:

  • Phân tích những biểu hiện của nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát cụ thể là phẩm chất chán ghét danh lợi tầm thường và khát khao thay đổi cuộc sống của tác giả.

Câu 2: Lập dàn ý, viết thành bài văn một trong các đề trên.

Trả lời:

(Soạn Viết bài làm văn số 2)

Đề bài: Phân tích thân phận và phẩm chất của người phụ nữ thời xưa qua các bài Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài Thương vợ của Trần Tế Xương (Đề 2)

Dàn ý tham khảo:

+ Mở bài

– Thân phận người phụ nữ Việt Nam trong chế độ phong kiến.

– Hình tượng người phụ nữ Việt Nam thể hiện rõ nét qua hai tác phẩm Tự tình II và Thương vợ.

+ Thân bài

a. Người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, vất vả, gian nan

+ “Thương vợ”: hình ảnh người phụ nữ chịu khó, lặn lội sớm khuya, vất vả quanh năm để lo cơm áo gạo tiền.

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.”

– Buôn bán không lớn. Công việc diễn ra quanh năm, ngày đến ngày, tháng đến tháng, liên tục không có sự nghỉ ngơi diễn ra theo vòng tuần tự khép kín. Ngay cả người nông dân còn có lúc nông nhàn, nhưng với người làm nghề như bà Tú thì không có phút nào được nghỉ ngơi.

– “Ở mom sông”: chênh vênh, ba phía bốn mặt giáp sông và nước. Bà Tú bươn chải bán mua ở nơi nguy hiểm suốt năm suốt tháng, công việc ấy thật vất vả, gian nan.

– “Nuôi đủ năm con với một chồng”: gánh nặng bị đặt lên trên đôi vai của người phụ nữ mảnh mai yếu đuối. Người đàn bà làng chài còn có chồng chèo chống, còn bà Tú chỉ có một mình. Chồng đáng lẽ là trụ cột gia đình nay lại thành gánh nặng mưu sinh.

– “Đủ” hàm chứa bao nhiêu ý nghĩa: đủ ánh nặng chồng con: lo ăn lo học cho con, lo cho nhu cầu của chồng, của một ông Tú sĩ diện.

b. Người phụ nữ với nhiều nét đẹp tâm hồn

+ “Tự tình II”: là nỗi buồn về thân phận, về chuyện tình duyên, về hạnh phúc lứa đôi.

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

– Thời gian: “đêm khuya”, thời gian của những nỗi niềm sâu kín, lúc con người được sống thực với mình nhất.

– Không gian: yên tĩnh vắng lặng, quặng quẽ được gợi ra qua âm thanh của tiếng trống canh “văng vẳng”.

Con người xuất hiện đậm nét: “trơ”

– Khi cảnh vật chìm vào giấc ngủ thì chỉ có mình Xuân Hương cô đơn, trăn trở. Thao thức giữa đêm khuya, cái cô đơn của phận hồng nhan, của kiếp người nhỏ bé trước cái dài rộng của không gian thời gian.

– Từ “cái” thể hiện sự tầm thường, bình thường. Qua đó thấy được cảm giác chua xót, đau đớn cho thân phận của chính mình.

– Từ “trơ” không chỉ là nỗi cô đơn mà còn như là thách thức với cuộc đời. Đó là tâm sự của Xuân Hương, bên cạnh nỗi đau bao giờ cũng là sự trỗi dậy của cảm xúc.

“Chén rượu hương đưa say lại tình

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

– “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”: vầng trăng sắp tàn, vầng trăng hao khuyết, gợi lên liên tưởng về sự lụi tàn mơ hồ. Ở đây có sự đồng nhất giữa trăng và người, giữa ngoại cảnh và tâm cảnh.

– Hình ảnh vầng trăng gợi liên tưởng đến cuộc đời người phụ nữ đã ở bên kia dốc mà hạnh phúc vẫn chưa một lần trọn vẹn, duyên phận vẫn lỡ làng.

– Vầng trăng cuộc đời, vầng trăng tâm trạng nói lên sự dở dang, muộn màng của cuộc đời người.

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”

– Từ ‘ngán” đứng đầu câu cùng hai thanh trắc cuối câu “lại lại” làm câu thơ như nặng trĩu xuống.

– Hai từ “lại” thể hiện tâm trạng, nỗi niềm của chủ thể trữ tình. Mùa xuân của đất trời đi qua rồi lại trở lại, sự sống cứ thế tuần tự, tuần hoàn nhưng con người nhạy cảm trong Xuân Hương lại phát hiện ra một nghịch lý: xuân đất trời đi qua sẽ trở lại nhưng xuân của người một đi không trở lại.

– Trớ trêu hơn là người phụ nữ khao khát vẫn tràn đầy mà lại nhận ra hạnh phúc dến với mình quá ít ỏi: “mảnh tình” chỉ còn lại “tí con con”.

– Phép tăng tiến và cụm từ “tí con con” đã tô đậm những thua thiệt trong duyên phận của nữ sĩ.

+ “Thương vợ”: vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam: nhân hậu, đảm đang, giàu đức hi sinh.

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”

– “Lặn lội”: nhấn mạnh nỗi chuân chuyên của bà Tú.

– “Thân cò”: nỗi vất vả của bà Tú trong kiếp mưu sinh.

– Hai câu thơ gợi lên dáng hình gầy guộc mong manh và số phận nhọc nhằn của bà Tú: sinh ra là kiếp con cò nên phải lặn lội, tần tảo, mưu sinh.

– “Quãng vắng”: hiu quạnh, càng làm tăng thêm sự tội nghiệp, cái đáng thương.

– “Eo sèo mặt nước buổi đò đông”: không khí cạnh tranh, bấp bênh nơi bến nước.

– Công việc nơi bến nước hiểm nguy bon chen vậy nhưng bà Tú vẫn ngày qua ngày, tháng qua tháng làm lụng để nuôi chồng nuôi con. Đó là đức hi sinh của người mẹ với con, người vợ với chồng.

“Một duyên, hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không!”

– Ngay cả khi ý thức được nỗi vất vả, nhọc nhằn, nhận thức được người chồng “sĩ diện” của mình thì bà vẫn âm thầm lặng lẽ, chấp nhận tất cả nhọc nhằn về phía mình. Đó là sự hi sinh quên mình, là tấm lòng vị tha hết mực của bà Tú dành cho ông Tú và những đứa con.

+ “Tự tình II”: không cam chịu phận hẩm hiu, khao khát được yêu thương

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đã mấy hòn”

– Đám rêu mềm yếu, những hòn đá bé nhỏ vô tri: bình thường, tầm thường, bị vùi dập dưới bước chân của người đi đường.

– Nhưng trong cái nhìn của nhà thơ thì người nữ sĩ thì rêu mềm yếu mà “xiên ngang mặt đất”, đá vô tri mà “đâm toạc chân mây”.

– Phép đảo ngữ, động từ mạnh gợi cảm giác dữ dội của bức tranh thiên nhiên, tràn đầy sức sống mãnh liệt ngay cả trong bi thương.

– Tả cảnh thiên nhiên nhưng là để nói tâm trạng con người. Xuân Hương không cam chịu, chấp nhận phận hẩm hiu mà luôn muốn bứt phá, phản kháng, chống lại hoàn cảnh trớ trêu một cách mạnh mẽ với nghịch cảnh, tự tìn và đầy khát vọng.

– Ở hai câu luận ta không còn thấy cái bi lụy như bốn câu đầu nữa mà chỉ thấy những động thái đầy mạng mẽ của thiên nhiên cũng như là trong chính lòng người.

– Nỗi chán chường dù phận hẩm duyên hiu cũng là một biểu hiện của khao khát được yêu thương, khát vọng tình yêu của người phụ nữ.

+ Kết bài

– Nêu cảm nhận chung về hình tượng người phụ nữ trong hai bài thơ.

Bài làm tham khảo:

(Soạn Viết bài làm văn số 2)

Trong những năm từ thế kỉ mười bảy đến cuối thế kỉ mười chín, dưới sự suy tàn mục nát của chế độ phong kiến, số phận người phụ nữ bị gần như bị vùi dập trong vũng bùn đau khổ bởi lễ giáo phong kiến “trọng nam khinh nữ” hà khắc. Họ phải chịu chói buộc trong chế độ xã hội nam quyền độc đoán, đa thê… cùng với sự áp đặt của lễ giáo phong kiến: “Tam tòng, tứ đức” (tam tòng là: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử; tứ đức là: công, dung, ngôn, hạnh). Họ hầu như không có quyền quyết định cuộc đời mình mà phải an phận, phục tùng và cam chịu. Vì thế, họ gặp rất nhiều đau khổ trong cuộc sống, tình duyên thì lận đận, phải chịu cuộc đời làm lẻ, làm thiếp cho người ta… Cảm thông với số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, nhiều nhà văn nhà thơ đã thay họ đứng lên nói lên tiếng lòng của mình. Trong đó có Hồ Xuân Hương với “Tự tình” và Trần Tế Xương cùng “Thương vợ”.

Hai tác phẩm trên là lời khẳng định về nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong chế độ xưa. Họ đều là những con người đa tài, đa sắc như Hồ Xuân Hương đã gọi “hồng nhan” hay là tảo tần, thủy chung, và giàu đức hi sinh như Tú Xương lên tiếng.

Nếu như Bà chúa thơ nôm với cái tài và cái ngông của mình dám thách thức với cả trời đất, thiên nhiên để nói lên cái đẹp cái tài hoa của người phụ nữ trong xã hội bấy giờ:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

(Tự tình II)

Thì đến với Tú Xương lại thể hiện tâm thế và vị thế của một người mẹ hiền một người vợ đảm. Vì chồng, thương con mà bà cam chịu với cuộc sống khó khăn, vất vả:

“Lặn lội than cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

(Thương vợ)

Nhưng dân gian ta đã có câu: “Hồng nhan bạc phận”. Hồ Xuân Hương càng thể hiện cái tài, cái hồng nhan bao nhiêu thì lại càng làm nổi lên tâm trạng buồn đau, oán hận, cô độc trong đêm khuya vắng. Sự bẽ bàng, tủi hổ của Hồ Xuân Hương nói riêng cũng chính là của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại ấy nói chung.

Những con người hạnh phúc ít ỏi, duyên nợ hẩm hiu: “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Tuổi xuân thì qua đi mà hạnh phúc vẫn không trọn vẹn như vầng trăng đến lúc xế bóng mà vẫn chưa tròn. Mang than phận của một người vợ lẻ, tình yêu thì bị chia năm sẻ bảy chỉ còn lại tí con con: “Mảnh tình san sẻ tí con con”. Hồ Xuân Hương đã nói lên nỗi lòng của mình trước cái bất công của xã hội phong kiến. Còn với Tú Xương, ông đứng trên phương diện từ người đàn ông, người chồng, người con để thể hiện sự cảm thông, thương xót cho số phận của người phụ nữ:

“Một duyên, hai nợ âu đành phận

Năm nắng, mười mưa dám quản công”

Câu thơ vừa nói lên đức hy sinh cao quý của người phụ nữ mà cụ thể hơn ở đây là bà Tú, lại vừa thể hiện sự cam chịu trước số phận của mình. Nếu như đứng ở góc độ đạo lý, ta thấy rằng sự cam chịu của bà Tú chính là việc bà đang tuân thủ theo bổn phận làm vợ, làm mẹ của mình. Thế nhưng, theo góc độ tình cảm, ta thấy, việc bà Tú cam chịu, hi sinh tất cả vì chồng vì con thì ở bà lại hiện lên vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Đó chính là sự đảm đang, chịu thương chịu khó, đức hi sinh âm thầm vì chồng vì con.

Cảm thông trước sự vất vả của người vợ, Tú Xương đã lên tiếng oán trách thói đời, trách xã hội bất công:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không”.

Nói là trách đời nhưng thực ra qua hai câu sau ta thấy rằng ông đang trách mình. Mình đã không làm đúng vai trò của một người chồng. Câu thơ nói lên tiếng lòng của Trần Tế Xương đối với người phụ nữ. Vừa là lời cảm thông, vừa là sự bênh vực. Còn với Hồ Xuân Hương, ta lại thấy có lời oán trách táo bạo, giận cuộc sống đã đưa người phụ nữ vào chỗ lẻ loi, cô đơn, hiu hắt: “Oán giận trông ra khắp mọi chòm” (Tự Tình I). Hay phê phán cái xã hội thối nát, người đời bạc bẽo vô tâm: “Sau giận vì duyên để mỏi mòn” (Tự tình I). Đằng sau sự oán trách đó, là sự khát vọng và vươn lên, không để bị số phận làm khuất phục:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

(Tự tình II)

Bằng những động từ mạnh như “xiên”, “đâm”, kết hợp với bút pháp tu từ đảo ngữ càng nhấn mạnh sức phản kháng mãnh liệt và khát vọng bung tỏa bản lĩnh cá nhân. Và điều này cũng là nét đặc sắc của thơ Hồ Xuân Hương.

Tuy đứng ở hai khía cạnh, hai góc nhìn khác nhau về người phụ nữ, nhưng cả hai tác phẩm “Tự tình” và “Thương vợ” đều là những bài ca ca ngợ vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nếu như Hồ Xuân Hương đem đến cho người đọc về hình ảnh người phụ nữ tài sắc, thủy chung, nhưng lại chịu nhiều bất hạnh về cuộc sống và duyên phận thì Tú Xương mang đến cho chúng ta hình ảnh về đức hi sinh, sự can đảm chịu thương chịu khó của người phụ nữ. Hơn nữa, vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ càng đậm nét hơn khi chính họ là những con người bất hạnh nhưng luôn ngời sáng lên những ước mơ. Hai tác phẩm đều phản ánh khát vọng vươn lên làm chủ của người phụ nữ, bênh vực quyền sống, khát vọng hạnh phúc, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Phẩm chất truyền thống đẹp đẽ đó đã trở thành nét đẹp đương đại với phụ nữ Việt nam ngày nay: “Giỏi việc nước – đảm việc nhà”.