Soạn Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội trang 14-17, sách giáo khoa Ngữ Văn 11 tập 1
I – HƯỚNG DẪN CHUNG
Câu 1(Soạn Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội ): Bố cục bài văn nghị luận
Trả lời:
– Mở bài: Giới thiệu và nêu vấn đề cần nghị luận
– Thân bài: Lần lượt triển khai luận điểm, luận cứ nhằm làm sáng tỏ vấn đề
– Kết bài: Cần tóm lại vấn đề và đưa ra hướng giải quyết về vấn đề đó, nêu cảm nghĩ riêng của người viết….
Câu 2 (Soạn Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội ): Lập luận
Trả lời:
– Cách xây dựng luận điểm:
+ Luận điểm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong một bài văn. Vì vậy các em phải đặt câu hỏi bám sát với đối tượng đề bài nêu ra, từ đó rút ra luận điểm chính xác nhất cho bài làm của mình.
+ Các em có thể sử dụng phương pháp diễn dịch, quy nạp, trình bày bối cảnh dẫn đến luận điểm hoặc kể một câu chuyện sau đó dẫn ra luận điểm của bài… sao cho nội dung được hấp dẫn người đọc.
– Tìm luận cứ:
+ Để triển khai được luận điểm, bắt buộc chúng ta phải có những luận cứ để chứng minh cho luận điểm đã được nêu. Luận cứ là tập hợp những lý lẽ, dẫn chứng có căn cứ để làm rõ luận điểm.
+ Các luận cứ yêu cầu phải hài hòa với luận điểm, có tính xác thực, nổi bật, không tách rời khỏi nội dung của luận điểm. Tất cả luận cứ phải xoay quanh nội dung chính của luận điểm nêu ra.
– Cách lập luận chính là cách chúng ta sắp xếp các luận cứ thành một hệ thống logic, rõ ràng về nghĩa và khoa học. Dựa vào nội dung yêu cầu của bài để các em lập luận cho đúng, đủ và hay.
– Các thao tác lập luận: để bài văn nghị luận không những chính xác, hay, hấp dẫn người đọc, bên cạnh hệ thống các luận điểm, luận cứ, lập luận, các em học sinh cần nắm rõ các thao tác lập luận để viết bài cho tốt hơn. Các em có thể vận dụng các thao tác như phân tích, giải thích, nêu ví dụ, con số, số liệu, liệt kê, so sánh….. để bài viết hay hơn.
II – GỢI Ý MỘT SỐ ĐỀ BÀI
Đề 1 (Soạn Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội ): Đọc truyện “Tấm Cám”, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc sống đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?
Lập dàn ý:
1. Mở bài:
– Dẫn dắt vấn đề xoay quanh câu chuyện Tấm Cám
– Nêu đối tượng nghị luận: Cuộc sống đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay.
“Tấm Cám là câu chuyện cổ tích tiêu biểu nói về thiện và ác trong cuộc sống, minh chứng cho thấy rằng cuộc đấu tranh giữa cái thiện và ác thì cái thiện bao giờ cũng giành được chiến thắng. Và vấn đề đó vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay”.
2. Thân bài
– Lý giải thiện – ác trong truyện Tấm Cám: Tấm là cô bé mồ côi mẹ từ nhỏ, sống cùng mẹ kế độc ác và người em cùng cha khác mẹ. Người mẹ kế đại diện cho cái ác trong xã hội xưa, còn Tấm đại diện cho những người có thân phận bé nhỏ nhưng có tấm lòng nhân hậu, thiện lương.
– Người xấu – người tốt trong xã hội xưa: Người xấu thường có dã tâm ác độc, nhiều thủ đoạn hòng đạt được mục đích đề ra ( Mẹ con Cám lên kế hoạch hãm hại Tấm rất nhiều lần). Tuy nhiên, cái thiện không đơn độc mà luôn nhận được sự giúp đỡ của nhiều người.
– Sự đấu tranh giữa cái thiện – ác: lúc đầu cái thiện bị cái ác lấn át, song cuối cùng những người tốt tự đấu tranh tìm lấy hạnh phúc cho riêng mình.
– Trong xã hội ngày nay, ác – thiện, người xấu – người tốt luôn tồn tại song hành cùng nhau. Tuy nhiên, từ xưa đến nay cổ nhân đã đúc rút:
+ Ác giả ác báo
+ Ở hiền gặp lành
+ Cha mẹ hiền lành để phúc cho con
– Cho dù là sống trong xã hội nào đi chăng nữa thì chiến thắng luôn thuộc về cái thiện và chắc chắn cái ác trước sau cũng bị trừng phạt thích đáng.
3. Kết bài
– Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác không chỉ tồn tại trong đời sống xã hội, mà còn tồn tại trong chính mỗi chúng ta, đó là sự đấu tranh giữa phần con và phần người.
– Mỗi chúng ta cần phải rèn luyện, hình thành nhân cách thiện lương để vững vàng vượt qua mọi cái ác dụ dỗ.
– Để xã hội tốt đẹp hơn, rất cần sự đấu tranh cái tốt từ mỗi cá nhân, tổ chức.
Đề 2 (Soạn Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội ): Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong “Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba – 1442”: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”.
Lập dàn ý:
1. Mở bài
– Dẫn dắt câu nói của Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”
– Giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển con người, quốc gia
“ Từ xa xưa, ở bất kỳ triều đại, thời kì lịch sử nào dân tộc Việt Nam đều chuộng người hiền tài và luôn đề cao vấn đề giáo dục là nền tảng phát triển của dân tộc. Chính vì vậy, trong “Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba – 1442” Thân Nhân Trung đã từng nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”.
2. Thân bài
– Giải thích câu nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”
+ Hiền tài: là người học rộng tài cao, có đạo đức, phẩm chất, nhân cách tốt.
+ Nguyên khí: được hiểu là “khí” quyết định sự sống của một dân tộc, một đất nước.
+ Như vậy “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” ý nói những người học rộng tài cao, đức độ, phẩm chất, khí chất phi thường chính là sinh khí quyết định vận mệnh cho cả dân tộc.
– Dẫn chứng những người hiền tài trong lịch sử quyết định đến sự phát triển thành – bại của cả đất nước:
+ Mạc Đĩnh Chi cậu học trò nghèo, không có tiền đi học phải đứng học lỏm bên ngoài nhưng vẫn học hành thành tài và được trọng dụng.
+ Các vị anh hùng Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt…. là những nhà lãnh đạo quân sự thiên tài cứu nguy bao phen xâm lược của giặc phương Bắc.
+ Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm….những nhà giáo gương mẫu, mẫu mực….
+ Nguyễn Ái Quốc vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX.
– Thực tế lịch sử 4000 năm của dân tộc cho thấy rằng: đất nước thực sự sẽ lâm nguy nếu không có hiền tài, đất nước thịnh hay suy là sự góp sức rất lớn từ các bậc anh tài hào kiệt.
3. Kết bài
– Hào kiệt, hiền tài đời nào cũng có nhưng biết cách trọng dụng nhân tài, sử dụng nhân tài để họ phát huy hết khả năng cũng vô cùng quan trọng.
– “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” vì vậy chúng ta phải đầu tư cho giáo dục, bởi đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai.
Đề 3 (Soạn Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội ): Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm: “học đi đôi với hành”.
Lập dàn ý
1. Mở bài
– Dẫn dắt đối tượng cần nghị luận: học đi đôi với hành
– Nêu suy nghĩ của cá nhân về câu nói trên.
“Học đi đôi với hành” là câu nói đã được đúc kết từ ngàn đời này. Nếu học mà không hành thì sẽ chỉ là lý thuyết suông, còn hành mà không có học bài bài thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy “học đi đôi với hành” là gì?
2. Thân bài
– Giải thích câu tục ngữ “ Học đi đôi với hành”
+ Nghĩa đen: học đi đôi với làm việc
+ Nghĩa bóng: những gì chúng ta học được cần phải được áp dụng trong cuộc sống có như vậy chúng ta mới hiểu hơn vấn đề, hiểu biết được rộng mở sâu sắc hơn.
– Ý kiến cá nhân về câu tục ngữ “học đi đôi với hành”:
+ Câu tục ngữ là kim chỉ nam cho mọi người có thể áp dụng. Việc học đi đôi với hành là rất quan trọng, bởi học lý thuyết chỉ thành công đem lại kết quả khi chúng ta áp dụng vào thực tế.
+ Tuy nhiên không phải những gì chúng ta học được đều mang ra áp dụng, như thế sẽ trở thành sáo rỗng, khuôn mẫu. Do vậy, mỗi chúng ta cần phải linh hoạt, tùy từng trường hợp để áp dụng câu nói trên.
+ Ngoài ra, bên cạnh học trong sách vở, nhà trường thầy cô, chúng ta còn phải học hỏi ở những người xung quanh, tiếp thu ý kiến hay những kinh nghiệm quý báu, hữu ích để làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.
+ Học đi đôi với hành sẽ phát triển con người một cách toàn diện.
– Trong mối quan hệ giữa học và hành thì học đóng vai trò quan trọng, quyết định đến thành – bại của việc hành. Vì không có kiến thức thì chúng ta không thể áp dụng được vào thực tế công việc.
3. Kết bài
– Học đi đôi với hành là câu tục ngữ luôn đúng trong bất kì hoàn cảnh nào.
– Mỗi chúng ta cần phải học đi đôi với hành để mang lại nhiều điều có ích cho cuộc sống và phát triển bản thân.
– Khẳng định lại một lần nữa câu nói học đi đôi với hành là đúng đắn.