Soạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga Trang 109-116 Ngữ văn 9 Tập 1

I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Câu 1(Soạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga): Truyện Lục Vân Tiên được kết cấu theo kiểu thông thường của các loại truyện truyền thống xưa như thế nào? Đối với loại văn chương nhằm tuyên truyền đạo đức thì kiểu kết cấu đó có ý nghĩa gì?

Trả lời:

+ Truyện Lục Vân Tiên được kết cấu theo trình tự thời gian.

– Đây là kiểu kết cấu thường thấy trong truyện cổ tích. Tình tiết câu chuyện mạch lạc, rõ ràng. Bằng kiểu kết cấu này, sẽ thuận lợi hơn khi chuyển tải truyện này theo hình thức “kể thơ”, “nói thơ”, người đọc người nghe dễ theo dõi hơn.

– Truyện có giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh, sau đó trình bày theo trình tự sự kiện nào diễn ra trước kể trước, sự kiện nào diễn ra sau kể sau. Truyện kết thúc có hậu.

+ Kết cấu này có tác dụng thể hiện khát vọng cháy bỏng của nhân dân: ở hiền gặp lành, cái thiện chiến thắng cái ác.

Câu 2(Soạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga): Đọc đoạn trích, em cảm nhận Lục Vân Tiên là một con người như thế nào? Hãy phân tích những phẩm chất của nhân vật qua hành động đánh cướp và cách cư xử với Kiều Nguyệt Nga.

Trả lời:

Đọc đoạn trích em cảm nhận Lục Vân Tiên là một người hào hiệp, trượng nghĩa, dũng cảm, có tài năng và tấm lòng vị tha, sẵn sàng cứu giúp người gặp khó khăn hoạn nạn. Cụ thể:

– Hành động đánh cướp bộc lộ trước hết tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của Vân Tiên. Chàng chỉ có một mình, hai tay không trong khi bọn cướp đông người, gươm giáo đầy đủ, thanh thế lầy lừng “Người đều sợ nó có tài khôn dương”. Vậy mà Vân Tiên vẫn bẻ cây làm gậy xông vô đánh cướp.

Hình ảnh Vân Tiên trong trận đánh được miêu tả thật đẹp – vẻ đẹp của người dũng tướng cũng theo phong cách văn chương thời xưa nghĩa là so sánh với những mẫu hình lí tưởng như dũng tướng Triệu Tử Long mà người Việt Nam, đặc biệt là người Nam Bộ – vốn mê truyện Tam Quốc – không mấy ai không thán phục!

– Hành động của Vân Tiên chứng tỏ cái đức của con người “vị nghĩa vong thân” (vì việc nghĩa quên thân mình), cái tài của bậc anh hùng và sức mạnh bênh vực kẻ yếu, chiến thắng những thế lực bạo tàn.

– Thái độ cư xử của Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga sau khi đánh cướp lại bộc lộ tư cách con người chính trực, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, cũng rất từ tâm, nhân hậu. Thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, Vân Tiên “động lòng” tìm cách an ủi họ “Ta đã trừ dòng lâu la” và ân cần hỏi han.

Khi nghe họ nói muốn được lạy tạ ơn. Vân Tiên vội gạt đi ngay “Khoan khoan ngồi đó chớ ra.” Ở đây có phần câu nệ của lễ giáo nhưng chủ yếu là do đức tính khiêm nhường của Vân Tiên “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Chàng không muốn nhận cái lạy tạ ơn của hai cô gái, từ chối lời mời về thăm nhà của Nguyệt Nga, để cha nàng đền đáp, và ờ đoạn từ chối nhận chiếc trâm vàng của nàng, chỉ cùng nhau xướng họa một bài thơ rồi thanh thản ra đi, không hề vấn vương.

Dường như đối vơi Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên, con người trọng nghĩa khinh tài ấy không coi đó là công trạng. Đó là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của các bậc anh hùng hảo hán.

=> Với những nét tính cách đó, hình ảnh Lục Vân Tiên là một hình ảnh đẹp, hình ảnh mà Nguyễn Đình Chiêu gửi gắm niềm tin và ước vọng của mình.

Câu 3: Với tư cách là người chịu ơn, Kiều Nguyệt Nga trong đoạn trích này đã bộc lộ những nét đẹp tâm hồn như thế nào? Hãy phân tích điéu đó qua ngôn ngữ, cử chỉ của nàng.

Trả lời:

+ Với tư cách là người chịu ơn, Kiều Nguyệt Nga trong đoạn trích này đã bộc lộ nhiều nét đẹp trong tâm hồn.

– Trước hết, đó là lời lẽ của một cô gái khuê các, thùy mị, nết na, có học thức: cách xưng hô: “quân tử”, “tiện thiếp” khiêm nhường; cách nói năng văn vẻ, dịu dàng, mực thước (“Làm con đâu dám cãi cha”, “Chút tôi liễu yếu đào tơ, Giữa đường gặp phải bụi dơ đã phần”), cách trình bày vấn đề rõ ràng, khúc chiết, vừa đáp ứng đầy đủ những điều thăm hỏi ân cần của Lục Vân Tiên, vừa thể hiện chân thành niềm cảm kích, xúc động của mình:

Trước xe quân tử tạm ngồi,

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.

– Nguyệt Nga là người chịu ơn, lại là một cái ơn trọng, không chỉ là ơn cứu mạng, mà còn cứu cả cuộc đời trong trắng của nàng (đối với người con gái, điều đó còn quý hơn tính mạng)

Lâm nguy chằng gặp giải nguy,

Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.

Nàng thấy rất áy náy, băn khoăn tìm cách trả ơn chàng, đủ hiểu rằng có đền đáp đến mấy cũng là chưa đủ:

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.

Bởi thế, cuối cùng nàng đã tự nguyện gắn bó cuộc đời với chàng trai khảng khái, hào hiệp đó, và đã dám liều mình để giữ trọn ân tình, thủy chung với chàng.

Nét đẹp tâm hồn đó đã làm cho hình ảnh Kiều Nguyệt Nga chinh phục được tình cảm yêu mến của nhân dân, những con người bao giờ cũng rất xem trọng ơn nghĩa “ơn ai một chút chẳng quên”.

=> Nhân vật trong đoạn truyện được miêu tả qua hoạt động, cử chỉ, lời nói. Nhân vật ở đây thường được đặt trong những mối quan hệ xã hội, trong những tình huống, những xung đột của đời sống rồi bằng hoạt động cử chỉ, lời nói của mình, nhân vật tự bộc lộ tính cách và chiếm lĩnh tình cảm yêu hay ghét của người đọc, người nghe. Thêm vào đó nhiệt tình ngợi ca hay phê phán của tác giả cũng làm cho nhân vật trở nên sống động, để lại những ấn tượng khó quên.

Câu 4: Theo em, nhân vật trong đoạn trích này được miêu tả chủ yếu qua ngoại hình, nội tâm hay hành động, cử chỉ? Điều đó cho thấy Truyện Lục Vân Tiên gần với loại truyện nào mà em đã học?

Trả lời:

+ Theo em nhân vật trong đoạn trích được miêu tả chủ yếu qua hành động, ngôn ngữ, cử chỉ.

  • Hành động của Vân Tiên dũng cảm, mạnh mẽ, lời nói thì dứt khoát, thẳng thắn.
  • Hành động của Nguyệt Nga thì e dè kính cẩn, lời nói thì dịu dàng, nhỏ nhẹ.

Một phần là vì Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ mù, cảm nhận mọi việc xung quanh chủ yếu là hành động lời nói tốt hơn.

+ Truyện Lục Vân Tiên gần với thể loại truyện Nôm khuyết danh và thể loại truyện kể dân gian (truyện cổ tích, truyền thuyết)…kể theo trình tự thời gian và nhân vật có tính chất nhất quán, đại diện cho chính nghĩa và phe phản diện..

Câu 5: Em có nhận xét gì về ngôn ngữ của tác giả trong đoạn thơ trích?

Trả lời:

Ngôn ngữ của tác giả là ngôn ngữ bình dị, mộc mạc, khoáng đạt gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Ngôn ngữ mang màu sắc địa phương Nam Bộ với các từ địa phương: nhằm làng, xông vô, kêu rằng, tại mầy, xe nầy, tiểu thơ…Các từ ngữ này làm cho màu sắc Nam Bộ rất đọc đáo, được người dân Nam Bộ yêu thích, truyền tụng. Ngoài ra, ngôn ngữ kể chuyện khá linh hoạt, đa dạng. Miêu tả trận đánh, lời lẽ Phong Lai, khác hẳn với việc miêu tả cuộc trò chuyện của chàng với hai cô gái. Ngôn ngữ thơ ca rất phù hợp với diễn biến, tình tiết truyện.

II. LUYỆN TẬP

Hãy phân biệt sắc thái riêng trong từng lời thoại của mỗi nhân vật trong đoạn trích (Phong Lai, Vân Tiên, Nguyệt Nga).

Trả lời:

Đoạn trích có bốn nhân vật: Vân Tiên, Phong Lai, Nguyệt Nga, Kim Liên, mỗi nhân vật có một sắc thái riêng trong lời thoại.

– Lời lẽ Vân Tiên khi xông vào làng rất chủ động, đàng hoàng, cảnh cáo sự làm càn hại dân của đảng hung đồ. Lục Vân Tiên khi nói với Nguyệt Nga và Kim Liên giọng điệu ôn tồn, lại kèm theo cả tiếng cười vui vẻ trước sự thành tâm lo lắng đền ơn của Nguyệt Nga.

– Trong khi đó, Nguyệt Nga nói năng dịu dàng, lễ phép: “Thưa rằng: Tôi Kiều Nguyệt Nga- Con nầy tì tất tên là Kim Liên”. Nguyệt Nga gọi Vân Tiên là quân tử, tự xưng là tiện thiếp (một cách khiêm xưng), chứng tỏ nàng rất tôn trọng Vân Tiên.

– Còn Phong Lai: Giọng ngang tàng, hống hách, kiêu căng: “Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây”.