Soạn Về luân lý xã hội ở nước ta Trang 84-88 Ngữ văn 11 Tập 2
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
(Soạn Về luân lý xã hội ở nước ta)
Câu 1: Cấu trúc đoạn trích gồm ba phần. Hãy nêu ý chính của từng phần và xác lập mối liên hệ giữa chúng. Chủ đề tư tưởng của đoạn trích là gì?
Trả lời:
+ Cấu trúc đoạn trích gồm ba phần. Ý chính của từng phần là:
- Phần đầu: Từ đầu…Cái chủ ý bình thiên hạ đã mất đi từ lâu rồi => Khẳng định nhà nước ta không có luân lí xã hội. Người nước ta còn hoàn toàn xa lạ với khái niệm luân lí xã hội.
- Phần hai: Tiếp…Xã hội chủ nghĩa trong nước Việt Nam ta không có cũng là vì thế => Thực trạng đen tối của xã hội khi không có luân lí
- Phần ba: Còn lại => Truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam
+ Mối quan hệ giữa các phần:
Ba phần trên của bài luận thuyết liên hệ chặt chẽ với nhau theo mạch diễn giải: Hiện trạng chung – biểu hiện cụ thể – giải pháp.
- Tác giả đã đưa ra lời khẳng định nhà nước ta không có luân lí xã hội để người đọc có cái nhìn tổng quan, từ đó mới đưa các dẫn chứng, lí lẽ so sánh xã hội ta với các nước phát triển ở phương Tây để thấy được thực trạng đen tối của xã hội Việt Nam đương thời. Cuối cùng, đưa ra con đường, giải pháp để thoát khỏi cái hầm đen tối ấy.
+ Chủ đề tư tưởng của tác phẩm:
- Đề cao tư tưởng đoàn thể (vì sự tiến bộ, tương lai tươi sáng của đất nước) cần phải truyền bá chủ nghĩa xã hội ở nước Việt Nam để gây dựng đoàn thể vì sự tiến bộ, hướng tới mục đích giành độc lập, tự do.
Câu 2: Trong phần 1 của đoạn trích, tác giả đã chọn cách vào đề như thế nào để tránh sự hiểu lầm của người nghe về khái niệm luân lí xã hội?
Trả lời:
+ Trong phần 1 của đoạn trích, tác giả đã lựa chọn cách vào đề một cách trực tiếp, không vòng vo: khẳng định nước ta tuyệt nhiên không có luân lí xã hội.
+ Ông đã đưa ra các lập luận:
– Phủ định một tiếng bạn bè không thể thay cho luân lí xã hội được
– Đưa ra tư tưởng của Khổng – Mạnh “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa bản chất của nó, thậm chí có kẻ còn xuyên tạc nguyên lí ấy.
– Để đánh tan những ngộ nhận có thể có ở người nghe về sự hiểu biết của chính họ trên vấn đề này, tác giả dùng cách nói phủ định: “Xã hội luân lý thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến, so với quốc gia luân lý thì người mình còn dốt nát hơn nhiều”. Tiếp đó, lường trước khả năng hiểu đơn giản, thậm chí xuyên tạc vấn đề của không ít người, tác giả đã khẳng định: “Một tiếng bè bạn không thể thay cho xã hội luân lý được, cho nên không cần cắt nghĩa làm gì”.
=> Điều này không chỉ cho thấy sự sống động trong tư duy và sự nhạy cảm trong quan hệ giao tiếp của tác giả mà còn bộc lộ uy lực lời nói của tác giả.
+ Việc vào đề một cách trực tiếp để tránh sự hiểu lầm của người nghe về khái niệm luân lí xã hội. Đồng thời cho ta thấy một sự kiên quyết, đanh thép đầy mạnh mẽ trong giọng điệu của tác giả. Cách vào đề này cho thấy tư duy sắc sảo, nhạy bén của nhà cách mạng Phan Châu Trinh.
Câu 3: Trong phần 2, ở hai đoạn đầu, tác giả đã so sánh “bên Âu châu”, “bên Pháp” với “bên ta” về điều gì?
Trả lời:
+ Trong phần 2, ở đoạn đầu tác giả đã so sánh bên Âu châu”, “bên Pháp” với “bên ta” về ý thức, nghĩa vụ của mỗi người trong nước
+ Cụ thể là:
– Bên Âu Châu, bên Pháp: Người ta ý thức sâu sắc về nghĩa vụ, mối quan hệ giữa người với người; dân chủ, tiến bộ, quyết đấu tranh tới cùng vì quyền lợi của con người
– Dẫn chứng: “Cái xã hội chủ nghĩa bên Âu châu rất thịnh hành như thế, đã phóng đại ra như thế…”; “Bên Pháp, mỗi khi người có quyền thế, hoặc chính phủ, lấy sức mạnh mà đè nén quyền lợi riêng của một người hay một hội nào, thì người ta hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận dụng kì cho đến được công bình mới nghe”
– Bên ta: Không biết được nghĩa vụ của mình, không biết tự do dân chủ, không biết đấu tranh vì quyền lợi của cá nhân, thờ ơ, bàng quan giữa người với người
– Dẫn chứng: “Người mình thì phải ai tai nấy, ai chết mặc ai! Đi đường gặp người bị tai nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt cũng ngơ mắt đi qua, hình như người bị nạn khốn ấy không can thiệp gì đến mình”
Câu 4: Ở các đoạn sau của phần 2, tác giả chỉ ra nguyên nhân của tình trạng “dân không biết đoàn thể, không trọng công ích” là gì? Tác giả đã đả kích chế độ vua quan chuyên chế ra sao?
Trả lời:
+ Nguyên nhân của tình trạng “dân không biết đoàn thể, không trọng công ích”:
- Bọn vua quan ham quyền tước, vinh hoa nên tìm cách thiết pháp luật, phá tan tành đoàn thể của quốc dân. Bọn học trò trong nước ham quyền tước, vinh hoa của các triều vua mà giả dối, nịnh hót, chỉ biết vua mà không biết dân. Kiếm cách dựng nên pháp luật, phá tan tành đoàn thể của quốc dân để giữ túi tham đầy mãi, địa vị được giữ vững
+ Tác giả đả kích chế độ vua quan chuyên chế là những kẻ ăn trên ngồi chốc, tham lam, đốn mạt, ra sức vơ vét, nhũng nhiễu dân thường; ông gọi đó là lũ ăn cướp có giấy phép
- Một người làm quan cả nhà có phước, tham lam, quấy rối, vơ vét, rút tỉa của dân không ai dám bình phẩm
- Lấy lúa của dân mua ruộng vườn, nhà cửa không ai chê bai
- Người nhà dựa hơi quan nhũng nhiễu
- Chen nhau vào chốn quan trường, ganh đua, nịnh hót
- Những kẻ làm quan thì ngu ngốc, không có học thức, hiểu biết gì, làm quan dễ như mua mớ rau ngoài chợ
- Thái độ bàng quan, không thương dân chúng đói khổ mà còn lợi dụng dân ngu để ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý.
- Thói chạy theo quyền tước, mua quan bán chức, vun vén cá nhân trở thành xu thế.
- Trước sự lộng quyền, nhũng nhiễu của bọn vua quan: không ai phẩm bình, không ai chê bai, không ai khen chê, không ai khinh bỉ.
Tất cả những bằng chứng được tác giả đưa ra đều xác đáng, chính là hiện thực tối tăm của xã hội đương thời được phơi bày bằng một giọng điệu nghi luận biến đổi linh hoạt, lúc từ tốn, mềm mỏng; lúc kiên quyết, đanh thép; lúc mạnh mẽ, lúc nhẹ nhàng mà đầy sức thuyết phục.
⇒ Phan Châu Trinh bày tỏ thái độ khinh bỉ, căm ghét đối với bọn vua quan và nỗi đau xót trước sự ngu dốt, khốn khổ của đông đảo dân chúng.
Câu 5: Nhận xét về cách kết hợp yếu tố biểu cảm với yếu tố nghị luận trong đoạn trích.
Trả lời:
+ Bài văn có sự kết hợp giữa yếu tố nghị luận với yếu tố biểu cảm. Tác giả đã kết hợp nhuẫn nhuyễn, khéo lẽo giữa yếu tố biểu cảm và yếu tố nghị luận trong đoạn trích.
– Yếu tố nghị luận là các lập luận, lí lẽ thể hiện tư tưởng, quan điểm của tác giả về luân lí xã hội của nước ta lúc bấy giờ. Với cách lập luận chặt chẽ, lôgic nêu chứng cứ cụ thể, xác thực, giọng văn mạnh mẽ hùng hồn, dùng từ đặt câu chính xác, biểu hiện lý trí tỉnh táo, tư duy sắc sảo, đạt hiệu quả cao về nhận thức tư tưởng.
– Tác giả đã phát biểu chính kiến của mình không chỉ bằng lý trí tỉnh táo mà còn bằng trái tim dạt dào cảm xúc thấm thìa nỗi xót đau trước tình trạng tăm tối, thê thảm của xã hội Việt Nam đương thời nhờ yếu tố biểu cảm biểu hiện qua các câu cảm thán, các câu than, câu nhận xét như: “Thương hại thay!… Dân khôn mà chi! Dân ngu mà chi!…Thương ôi!…”; các câu mở rộng thành phần để nhấn mạnh ý (“Luân lý của bọn thượng lưu – tôi không gọi bọn ấy là thượng lưu, tôi chỉ mượn hai chữ thượng lưu nói cho anh em dễ hiểu mà thôi – ở nước ta là thế đấy!”); những cụm từ ẩn chứa tình cảm đồng bào, tình cảm dân tộc sâu nặng, thắm thiết (người nước ta, người trong nước, người mình, ông cha mình, quốc đán, anh em, người trong một làng đối với nhau, dân Việt Nam này) lời văn nhẹ nhàng, từ tốn (“Là vì người ta có đoàn thể, có công đức biết giữ cái lợi chung vậy… Đã biết sống thì phải bênh vực nhau, ông cha mình ngày xưa cũng đã hiểu đến…”).
+ Ý nghĩa của việc kết hợp các yếu tố biểu cảm với nghị luận
– Những yếu tố biểu cảm ấy đã làm cho lý lẽ của bài diễn thuyết tăng thêm sức thuyết phục, lay chuyển mạnh mẽ nhận thức và tình cảm ở người nghe.
– Tạo ra sự linh hoạt trong giọng điệu nghị luận, tác giả không chỉ thể hiện quan điểm của mình bằng lí trí mà còn bằng tình cảm.
LUYỆN TẬP
(Soạn Về luân lý xã hội ở nước ta)
Câu 1(Soạn Về luân lý xã hội ở nước ta): Đọc lại Tiểu dẫn và hình dung hoàn cảnh sáng tác, tâm trạng của tác giả khi viết đoạn trích.
Trả lời:
+ Hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm:
- Năm 1925, phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam bắt đầu nổ ra và lan rộng. Phan Châu Trinh sang Pháp tìm cách thúc đẩy cải cách chính trị ở Đông Dương nhưng công việc không thành nên ông về nước, tuyên truyền và vận động thanh niên, trí thức và người yêu nước tại Sài Gòn bằng các bài diễn thuyết.
- Về luân lí xã hội ở nước ta là một đoạn trích trong phần ba của bài Đạo đức và luân lí Đông Tây (Gồm năm phần chính, kể cả phần nhập đề và kết luận), được diễn thuyết vào vào ngày 19/11/1925 tại nhà Hội Thanh niên ở Sài Gòn.
- Trong bài diễn thuyết này, cùng với việc thúc đẩy gây dựng tinh thần đoàn thể vì sự tiến bộ, Phan Châu Trinh vạch trần sự xấu xa, thối nát của chế độ vua quan chuyên chế là nhằm mục đích ấy.
+ Tâm trạng của tác giả khi viết đoạn trích: căm ghét bọn vua tôi quan lại của triều đình phong kiến; xót xa khi chứng kiến thảm cảnh đau đớn của nhân dân ta trong xã hội hiện thực, lo lắng cho đất nước, hi vọng và khao khát có một sự thay đổi tích cực trong xã hội và tương lai tươi sáng của đất nước.
Câu 2(Soạn Về luân lý xã hội ở nước ta): Có thể cảm nhận được gì về tấm lòng của Phan Châu Trinh cũng như tầm nhìn của ông qua đoạn trích này?
Trả lời:
+ Thông qua đoạn trích Về luân lí xã hội ở nước ta người đọc có thể cảm nhận được tấm lòng cũng như tầm nhìn của một con người yêu nước nồng nàn.
Bản thân là một người học rộng, hiểu biết, khao khát cả đời của Phan Châu Trinh là cứu dân, cứu nước thoát khỏi sự thống trị của thực dân Pháp. Khao khát ấy được bộc lộ ngay trong lập luận, tư tưởng của ông khi muốn cách tân đất nước, xây dựng một hệ thống luân lí xã hội. Ông có một tầm nhìn rất xa và một tư tưởng tiến bộ. Chứng kiến cảnh đất nước bị đô hộ, ngày càng trở nên xuống cấp, ông đã tìm được căn nguyên gốc rễ của sự đồi bại, nguyên nhân của tình trạng dân không biết đoàn thể, không tôn trọng công ích. Bằng một phong cách chính luận độc đáo, với giọng điệu biến đổi linh hoạt, ông đã phơi bày thực trạng đen tối của xã hội, thể hiện nỗi căm ghét đến tận xương tủy bọn vua tôi, quan lại của chế độ phong kiến thối nát.
Ông thấy được mối quan hệ mật thiết giữa truyền bá xã hội chủ nghĩa, gây dựng tinh thần đoàn thể với sự nghiệp giành tự do, độc lập. Tất nhiên, cái đích cuối cùng là giành độc lập, tự do nhưng lựa chọn bước đi phải tỉnh táo. Phan Châu Trinh nhận thấy sự thực dân trí nước ta quá thấp, ý thức đoàn thể của người dân rất kém (những điều gây trở ngại cho việc cứu nước), cho nên ông kêu gọi gây dựng đoàn thể (ý thức trách nhiệm với xã hội, quốc gia, dân tộc). Nhưng muốn có đoàn thể thì phải có tư tưởng mới, tư tưởng xã hội chủ nghĩa, vì thế phải “truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam này”.
Đồng thời ta cũng thấy được dũng khí của một người nam nhi đứng giữa thời cuộc rối ren, thật giả, trắng đen lẫn lộn và nỗi đau xót, thương cảm của ông với những người đồng bào của mình đang bị chà đạp, bóc lột, sách nhiễu.
Câu 3(Soạn Về luân lý xã hội ở nước ta): Chủ trương gây dựng nên nền luân lí xã hội ở Việt Nam của Phan Châu Trinh đến nay có còn ý nghĩa thời sự không? Tại sao?
Trả lời:
+ Với một tư tưởng tiến bộ và tầm nhìn vượt thời, tư tưởng gây dựng nên nền luân lí xã hội ở Việt Nam của Phan Châu Trinh đến nay vẫn còn có ý nghĩa thời sự.
+ Tại vì về bản chất, nền luân lí xã hội ở Việt Nam mà Phan Châu Trinh mong muốn chính là một xã hội có công đức tức là ý thức sẵn sàng làm việc chung, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau và tôn trọng quyền lợi của người khác.
Sự thực là xã hội hiện nay của ta đang cần một ý thức như thế bởi con người quá hẹp hòi, ích kỷ, nhỏ nhen chỉ biết đến lợi ích của mình mà không biết đến lợi ích chung của cả cộng đồng. Việt Nam là một nước có tỉ lệ người tốt nghiệp Đại học cao, số lượng Giáo sư, Tiến sĩ cũng nhiều, song lại là một trong những quốc gia không có đóng góp gì cho sự tiến bộ của loài người. Điều đó có nghĩa, chúng ta vẫn không biết được nghĩa vụ của con người với con người trong xã hội là gì, vẫn chỉ là danh tiếng và lợi ích cá nhân mà thôi.
Nó nhắc nhở về tầm quan trọng của việc gây dựng tinh thần đoàn thể vì sự tiến bộ, nhằm tạo nên ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với tương lai đất nước của mọi người sống trong xã hội. Nó cũng cảnh báo nguy cơ tiêu vong các quan hệ xã hội tốt đẹp nếu vẫn còn những kẻ ích kỉ, “ham quyền tước, ham bả vinh hoa”, tìm cách vơ vét cho đầy túi tham mà không muốn ai bị lên án.