Trong tác phẩm Chữ người tử tù, ngoài nhân vật Huấn Cao, thì viên quản ngục cũng là một người để lại cho độc giả nhiều ấn tượng sâu sắc. Phân tích hình tượng viên quản ngục sẽ giúp các bạn hiểu hơn về một nhân vật “biệt nhỡn liên tài”, yêu cái đẹp và biết trân trọng cái tài.

Mở bài chi tiết

Trước khi đi vào phân tích hình tượng viên quản ngục, chúng ta cần khái quát qua về tác giả Nguyễn Tuân.

Ông là một trong những nhà văn nổi tiếng trên văn đàn văn học Việt Nam. Ông được độc giả biết đến với những tập truyện như Vang bóng một thời, Người lái đò sông Đà… Trước Cách mạng tháng 8, văn ông được gói gọn trong chữ “ngông” với những chủ đề như xê dịch, đi tìm kiếm cái đẹp truyền thống đã mai một… Nhưng sau Cách mạng, văn chương ông đã khởi sắc, tươi trẻ hơn với những chủ đề xoay quanh về tình yêu đất nước quê hương.

Với tác phẩm Chữ người tủ tù trong tập Vang bóng một thời, ngoài nhân vật Huấn Cao, độc giả còn nhớ tới nhân vật viên quản ngục. Ông được ví như một thanh âm trong trẻo giữa bản nhạc hỗn loạn xô bồ.

phan tich hinh tuong vien quan nguc

Phần thân bài chi tiết

Luận điểm 1: hình tượng viên quản ngục là người “biệt nhỡn liên tài”

Sự “biệt nhỡn liên tài” yêu cái đẹp và trân trọng người tài của ông thể hiện ngay từ khi biết tin người tử tù là Huấn Cao.

“Nhận được phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường, Viên quan coi ngục quay lại hỏi thầy thơ lại giúp việc trong đề lao:

– Này, thầy bát, cứ công văn này, thì chúng ta sắp nhận được sáu tên tù án chém. Trong đó, tôi nhận thấy tên đứng đầu bọn phản nghịch là Huấn Cao. Tôi nghe ngờ ngợ. Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?”.

Qua điều này, chứng tỏ, viên quản ngục là một người hiểu rộng biết nhiều. Ông cũng quan tâm tới cái đẹp và cái tài trong thiên hạ. Mặc dù ông bảo dọn dẹp cái phòng cho tử tù ở cuối cùng, vì sợ Huấn Cao bẻ khóa vượt ngục, nhưng thực ra ông đã chuẩn bị tinh thần cho một việc khác.

Sau khi Huấn Cao vào trại giam, khác với mọi khi, viên quản ngục lại đối xử rất ân cần và dịu dàng, đến nỗi quân lính phải nhắc khéo để đề phòng, còn những tên tử tù cũng ngạc nhiên trước thái độ của viên quản ngục: “hôm nay viên quan coi ngục nhìn sáu tên tù mới vào với cặp mắt hiền lành. Lòng kiêng nể, tuy cố giữ kín đáo mà cũng đã rõ quá rồi. Khi kiểm điểm phạm nhân, ngục quan lại còn có biệt nhỡn đối riêng với Huấn Cao”.

Suốt nửa tháng Huấn Cao ở tù, viên quản ngục đều khúm núm mang cơm rượu thịt đến phòng giam của Huấn Cao để biệt đãi. Mặc dù Huấn Cao tỏ thái độ khinh miệt, còn yêu cầu viên quản ngục đừng bước vào buồng giam thì viên quản ngục đều lễ phép “xin lĩnh ý”. Cứ như tử tù Huấn Cao là cấp trên, là giai cấp trên còn viên quả ngục lại là kẻ cấp dưới. Thật là một tình cảnh trắng đen lẫn lộn. Viên quản ngục làm tất cả điều đó cũng chỉ với một mong muốn lớn lao là xin được chữ Huấn Cao treo trong nhà. “Quản ngục mong mỏi một ngày gần đây ông Huấn sẽ dịu bớt tính nết, thì y sẽ nhờ ông viết, ông viết cho… cho mấy chữ trên chục vuông lụa trắng đã mua sẵn và can lại kia. Thế là y mãn nguyện”. Nếu không xin được chữ của Huấn Cao,  viên quản ngục sẽ ân hận suốt đời.

phan tich hinh tuong vien quan nguc

Thật là một con người đáng quý, dù cuộc sống rối ren nhưng viên quản ngục vẫn giữ được cho mình cái “biệt nhỡn liên tài”. Ông vẫn luôn trân trọng cái đẹp và cái tài của Huấn Cao. Để rồi sự chân thành của viên quản ngục đã được Huấn Cao đền đáp và sẵn sàng cho chữ.

Tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của viên quản ngục không chỉ làm tử tù Huấn Cao cảm động mà còn khiến thầy thơ lại cảm phục. Thế nên, sau khi nghe tâm sự của viên quản ngục, thầy thơ đã vội vàng đến phòng giam bày tỏ với Huấn Cao: “Thầy thơ lại cảm động nghe xong chuyện, nói: “Dạ bẩm, ngài cứ yên tâm, đã có tôi”. Rồi chạy ngay xuống phía trại giam ông Huấn, đấm cửa buồng giam, hớt hơ hớt hải kể cho tử tù nghe rõ nỗi lòng viên quản ngục, và ngập ngừng báo luôn cho ông Huấn biết việc về kinh chịu án tử hình”.

Có thể nói, nếu thể hiện sự chân tình thì sẽ đáp lại chân tình. Viên quản ngục  thực sự đã khiến cho những người nhận thấy tấm lòng của ông đều phải động lòng trắc ẩn.

Luận điểm 2: hình tượng viên quản ngục là một tâm hồn thanh sạch trong chốn bùn đen

Phân tích hình tượng viên quản ngục trong Chữ người tử tù, độc giả nhận thấy, nhà văn Nguyễn Tuân đã miêu tả ông không chỉ là một người biết yêu, biết thưởng thức cái đẹp, biết quý và trân trọng cái tài, mà còn là một con người có tâm hồn thanh cao. “Viên quan coi ngục ngấc đầu, lấy que hương khêu thêm một con bấc. Ba cái tim bấc được chụm nhau lại, cháy bùng to lên, soi tỏ mặt người ngồi đấy. Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đấy, giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ.

Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.

Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”.

Qua những miêu tả của nhà văn Nguyễn Tuân, độc giả nhận ra viên quản ngục là một con người có tâm hồn thanh cao. Ông được ví như một thanh âm trong trẻo giữa một bản nhạc luật hỗn loạn xô bồ. Có thể do cuộc đời đưa đẩy là con người tốt như viên quảng ngục phải làm công việc của một người cai quản lũ cặn bã. Không chỉ nhà văn Nguyễn Tuân xây dựng hình tượng viên quản ngục thanh bạch, lương thiện mà sau khi tiếp xúc, Huấn Cao cũng nhận ra điều đó. Vốn là người anh hùng trong thiên hạ, Huấn Cao dễ dàng nhận ra ai là kẻ tiểu nhân xấu xa, nịnh bợ, ai là đại nhân biết trọng nghĩa tình, bác ái nhân văn. Bởi thế, sau khi cảm nhận được tấm chân tình, sự thực lòng của viên quản ngục với tài năng của mình, Huấn Cao đã sẵn lòng cho chữ ngay chốn lao ngục tăm tối. Huấn Cao cũng tỏ ra ân hận và xấu hổ khi tỏ ra khinh miệt viên quản ngục, và thiếu chút nữa, Huấn Cao đã “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Chỉ có những con người cùng chí hướng, đều có trái tim lương thiện đồng điệu về quan niệm cái đẹp cái tài thì mới hiểu ý và hợp nhau đến vậy, mặc dù không nói quá và giao tiếp với nhau quá nhiều. Để rồi, khi cho chữ xong, Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục một cách chân tình: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?… Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.

phan tich hinh tuong vien quan nguc

Huấn Cao cho rằng, viên quản ngục vốn thực là người thiện lương, thì hãy nên về nơi thanh sạch, chứ ở đây rối ren, cái thiện lương kia cũng dễ mất đi và đời cũng trở nên nhem nhuốc. Chữ ông cho đấy nhưng nơi ngục tối này không hợp để treo bức lụa trắng với nét chữ vuông ấy được.

Nghe những lời chân tình thấm đẫm xương máu của Huấn Cao, viên quản ngục xúc động “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh””.

Có lẽ cả đời nay, viên quản ngục chưa gặp được ai có những lời khuyên răn chí lý như vậy. Nên ông như gặp được tri kỷ, thấy được cả con đường sống phía trước. Để rồi nghẹn ngào xin bái lĩnh ý của Huấn Cao. Giọt nước mắt của viên quản ngục thể hiện niềm hạnh phúc khi thỏa ý nguyện, nhưng đồng thời đó cũng là giọt nước mắt của niềm vui khi nhận ra một tâm hồn tri kỷ. Mặc dù con người ấy sớm phải ra đi nhưng chắc chắn viên quản ngục sẽ nghe theo lời Huấn Cao để sống cuộc đời thanh bạch, và trong sáng, không bị vẩn đục bởi nơi ngục tù tăm tối.

Luận điểm 3: cảm nhận về nhân vật viên quản ngục

Qua hình tượng viên quản ngục, độc giả có thể cảm nhận được tâm sự của nhà văn Nguyễn Tuân. Đó là theo ông, mặc dù xã hội thối nát, cuộc đời hỗn loạn rối ren nhưng ỏ đâu đó vẫn có những con người biết yêu cái đẹp và trân trọng cái tài. Ở đâu đó vẫn có những tâm hồn thiện lương, mặc dù xã hội có chà đạp, có đưa đẩy họ tới những chốn bùn đen của xã hội.

Hình tượng viên quản ngục giống như đóa hoa sen trong bùn lầy, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Trong xã hội ngày nay, vẫn có những con người giống như viên quản ngục. Họ là những tấm gương người tốt việc tốt trong sự loạn lạc của xã hội.

Luận điểm 4: nghệ thuật xây dựng nhân vật viên quản ngục

Phân tích hình tượng viên quản ngục trong tác phẩm Chuyện người tử tù, các bạn bạn không thể không nói tới tài năng xây dựng nghệ thuật nhân vật của nhà văn Nguyễn Tuân. Mặc dù viên quản ngục xuất hiện không nhiều nhưng qua những lời nói, hành động và dáng vẻ nghĩ ngợi cũng đủ làm nổi bật rõ nét của viên quản ngục. Với lối dẫn dắt truyện hấp dẫn và lôi cuốn, nhà văn Nguyễn Tuân đã khắc họa hình tượng viên quản ngục nổi bật lên là một con người lương thiện và biết trọng tình nghĩa. Ngôn ngữ và hình ảnh đậm chất

Kết bài phân tích viên quản ngục

Quá trình phân tích hình tượng viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù, các bạn biết thêm một nhân vật đẹp trong tác phẩm. Có thể nói, nhân vật Huấn Cao nổi bật không thể thiếu sự xuất hiện của viên quản ngục.

Khái quát lại hình tượng nhân vật này, độc giả có thể thấy viên quản ngục là một con người lương thiện, có tâm hồn thanh cao. Đặc biệt, ông cũng là một người học rộng biết nhiều, yêu cái đẹp, quý cái tài và vô cùng trọng nghĩa tình. Ông giống như đóa sen trong bùn lầy vậy!