Định hướng
a, Kỉ niệm của bản thân
– Đó là những kỉ niệm được lưu giữ lại trong kí ức của mỗi người. Khi viết bài kể về kỉ niệm cần ghi nhớ lại những điều sau:
– Những điều thú vị là những gì, em có ấn tượng sâu sắc như thế nào? Ví dụ, ấn tượng về ngày đầu tiên đi học, em gặp bạn bè, thầy cô mới. Hình ảnh người mẹ đứng ngoài cổng vẫy tay khiến em rưng rưng nước mắt.
– Trong bài viết, ngôi được kể là ngôi thứ nhất, xưng “tôi”
b, Từ văn bản “Người thủ thư thời thơ ấu”, em rút ra được cách viết về một kỉ niệm của bản thân
– Xác định kỉ niệm được kể lại và nêu tên kỉ niệm đó ở nhan đề bài viết
Trả lời: Ví dụ trong tác phẩm “Người thủ thư thời thơ ấu” Tác giả có ấn tượng với một người là bác Hải với bộ râu quai nón đầy ấn tượng, bác làm thủ thư ở trường học
– Kỷ niệm đó xảy ra như thế nào? Có gì đặc sắc và đáng nhớ?
Trả lời: Trong tác phẩm “Người thủ thư thời thơ ấu” Tác giả thích đọc sách nhưng chưa đủ tuổi để được cấp thẻ đọc. Bác Hải là người đã cho tác giả mượn sách và kiểm tra kỹ năng đọc của cậu. Sau đó, bác đã làm thẻ thư viện cho tác giả có thể thỏa thích đọc sách
– Bài viết sử dụng ngôi kể nào?
Trả lời: Trong tác phẩm “Người thủ thư thời thơ ấu” sử dụng ngôi kể thứ nhất, xưng “tôi”
– Suy nghĩ về những ảnh hưởng, tác động của kỉ niệm ấy
Trả lời: Trong tác phẩm “Người thủ thư thời thơ ấu” Bác Hải đã khen tác giả và trở thành kỉ niệm đẹp đẽ giúp cậu tự hào và tự tin về bản thân mình. Chính điều đó đã giúp tác giả dám viết, dám nói lên suy nghĩ của mình
– Kết thúc: Nói lên mong ước và cảm nghĩ của tác giả
Trả lời: Trong “Người thủ thư thời thơ ấu” là những hồi ức đẹp đẽ của tác giả với người thủ thư già đã về hưu
Thực hành kể lại một kỉ niệm của bản thân
Bài tập: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè khi học ở trường tiểu học.
a) Chuẩn bị
Nhớ lại kỉ niệm sâu sắc của em trong trường học là gì?
Kỉ niệm này có thể là kỉ niệm ngày đầu tiên học lớp 1 hoặc kỉ niệm với bạn bè, thầy cô
b) Tìm ý và lập dàn ý về kỉ niệm của bản thân
-
Tìm ý:
– Em nhớ và định kể lại kỉ niệm gì?
Ví dụ: Em nhớ về kỉ niệm với cô giáo đã giúp đỡ em lúc em gặp khó khăn, trời mưa ướt áo, cô đưa em về nhà. Cô giúp các bạn hiểu hơn về em, không chê cười em. Cô giúp lớp đoàn kết hơn
– Câu chuyện xảy ra như thế nào?
Ví dụ: Hôm ấy trời mưa tầm tã, em bị ngã và ướt quần áo. Các bạn cười chê
Cô đã an ủi, động viên, đưa em về thay quần áo khác
– Vì sao kỉ niệm ấy sâu sắc, đáng nhớ?
Ví dụ: Kỉ niệm ấy giúp lớp em đoàn kết hơn, giúp em mạnh mẽ hơn và sống tích cực hơn
-
Lập dàn ý:
a) Mở bài: Nêu tên kỉ niệm đó và khái quát về kỉ niệm
Ví dụ: Tôi nhớ hôm đó là một ngày trời mưa tầm tã, tôi đến trường với bộ quần áo sũng nước, các bạn chê cười nhưng cô giáo Thu đã giúp tôi thay bộ khác.
b)Thân bài: Kể chi tiết về kỉ niệm của bản thân
Ví dụ:
+ Bố mẹ tôi là công nhân nên phải đi làm từ rất sớm, tôi thường tự mình đi học
+ Nhà cách trường gần 800m
+ Hôm đó là trời mưa nên đường rất trơn, tôi đã bị ngã vào vũng nước bên đường
+ Đến lớp học các bạn trêu đùa khiến tôi tủi thân khóc
+ Cô giáo xuất hiện lau lau nước mắt và đưa tôi về nhà thay quần áo
c) Kết bài: Nêu cảm nghĩ về kỉ niệm của bản thân với thầy cô
Ví dụ: Tôi rất xúc động và thầm cảm ơn cô vì đã giúp tôi ngày hôm đó
c) Thực hành viết bài kể về kỉ niệm của bản thân
Bài mẫu các em tham khảo
Tôi nhớ như in ngày hôm đó là một ngày trời mưa tầm tã. Tôi đến trường với bộ quần áo ướt sũng vì bị ngã. Các bạn trong lớp trêu đùa và cười nhạo tôi khiến tôi xấu hổ chỉ biết úp mặt xuống bàn khóc nức nở. Khi ấy, tôi cảm nhận được tiếng nói của cô giáo chủ nhiệm. Cô đã đến bên vỗ về, an ủi và giải vây tôi trước đám bạn và đưa tôi về thay quần áo khác.
Mỗi khi nhắc lại, tôi lại rưng rưng vì xúc động. Bố mẹ tôi làm công nhân, mỗi ngày phải đi sớm vì chỗ làm cách vài chục cây số. Để bố mẹ yên tâm làm việc, tôi đã xin phép tự đến trường từ năm học lớp 4. Trường cách nhà chỉ 800m nên bố mẹ tôi đồng ý để tôi tự đi.
Khi vào học kì II năm lớp 4, trời bắt đầu có những trận mưa rào trút nước. Và ngày hôm ấy cũng như mọi ngày, tôi khoác áo mưa và đi bộ tới trường. Trời mưa khá to, đường trơn trượt nên không may tôi bị ngã vào vũng nước bên đường. Bị ướt hết người nhưng gần đến trường và sắp đến giờ vào học. Tôi quyết định đội mưa tiếp tục đến trường vì sợ muộn.
Khi bước chân vào lớp, điều tôi nghe thấy đầu tiên là tiếng cười nhạo của các bạn. Không một ai quan tâm và hỏi han tôi, các bạn chê cười và bàn tán rất nhiều. Tôi vừa buồn vừa xấu hổ nên nhanh chóng về chỗ ngồi gục đầu xuống bàn khóc nức nở. Cảm giác vừa xấu hổ lại vừa tủi thân.
Cả lớp đang nhốn nháo thì phút chốc im bặt. Cô giáo bước vào lớp. Điều đầu tiên cô làm là đến bên hỏi han tôi. Tôi òa khóc nức nở, cô đã vỗ về an ủi, cô hỏi vì sao lại ướt quần áo. Khi đã biết về hoàn cảnh gia đình và nguyên nhân bị ướt quần áo, Cô nói: “Con đừng khóc nữa, các bạn cũng không ai còn chê cười con.” Cô còn nói: “Lớp chúng mình cần phải đoàn kết và giúp đỡ nhau lúc khó khăn”. Các bạn trong lớp cũng lần lượt tới xin lỗi và động viên tôi. Tôi lấy tay gạt nước mắt và chấp thuận lời xin lỗi của các bạn.
Sau đó, vì sợ tôi bị dính nước mưa ốm nên cô đã nhờ người trông giúp lớp học và cô đưa tôi về để thay quần áo. Trời khi ấy vẫn mưa to, cô không quản ngại khó khăn và không ngừng động viên tôi. Tôi trở lại lớp học với bộ trang phục tươm tất, khô ráo và được cả lớp vỗ tay chào đón. Tôi rất vui.
Đến bây giờ, khi nhớ lại tôi lại thấy rưng rưng đầy xúc động. Thầm cảm ơn cô đã giúp tôi ngày hôm ấy, cũng giúp cho lớp chúng tôi thêm đoàn kết, vững mạnh hơn. Tôi vẫn nhớ nụ cười và giọng nói ấm áp của cô. Và tôi thầm ước, sau này lớn lên tôi cũng sẽ trở thành một nhà giáo giống như cô.
d) Các em học sinh tự kiểm tra và chỉnh sửa bài viết của mình
Bước này giúp các em rà soát lỗi chính tả và chỉnh sửa bài viết của mình cho rõ ý, sạch đẹp hơn