Hình tượng người phụ nữ đã trở thành một trong những đề tài mang tới nhiều xúc cảm nhất cho các nhà văn nhà thơ Việt Nam. Mỗi người đều cách thể hiện cảm nhận riêng của mình nhưng tất cả đều có chung niềm thương yêu vô bờ bến đối với các hình tượng nhân vật. Phân tích Thương vợ Trần Tế Xương, độc giả càng thấy rõ hơn điều đó.
Phân tích Thương vợ Trần Tế Xương chi tiết
Mở bài
Nhà thơ Tú Xương được các thế hệ độc giả biết đến là một trong những thi nhân trào phúng bậc nhất của nền văn học Việt Nam. Thơ ông phần lớn sử dụng những câu từ hình ảnh nhằm lấy tiếng cười làm vũ khí chế giễu và đả kích xã hội thực dân nửa phong kiến. Nhưng bên cạnh đó, độc giả còn nhớ tới ông với những tác phẩm mang âm hưởng trữ tình, chan chứa nỗi niềm của nhà nho nghèo. Trong đó, tác phẩm “Thương vợ” nổi tiếng hơn cả.
Phân tích Thương vợ Trần Tế Xương, người đọc có thể dễ dàng nhận ra, bài thơ vừa là lời tâm sự cảu một người chồng về cuộc sống gia đình, về người vợ tảo tần của mình. Nhưng đó vừa là bài thơ thế sự nói về nỗi lòng của những đấng nam nhi quân tử nhưng phải chịu nhiều ê chề, nhục nhã dưới một chế độ xã hội bạc bẽo, bất công.
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò nơi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không!”
Thân bài chi tiết Thương vợ Trần Tế Xương
- Luận điểm 1: Hai câu đề
Ngay những câu thơ đầu tiên, tác giả đã giới thiệu về hoàn cảnh của bà Tú:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”
Bà Tú hiện ra trước mắt độc giả là một người phụ nữ mang nặng gánh nặng gia đình trên hai vai. Bà không chỉ lo cho bản thân, phải chăm 5 người con mà còn phải cưu mang thêm người chồng. Đáng lẽ ra, người chồng ấy là trụ cột cùng bà chống đỡ việc gia đình. Ấy vậy mà giờ, bà phải “nuôi” thêm chồng, không khác gì thêm một người con trưởng thành. Đã thế, việc làm của bà lại không ổn định, quanh năm chỉ buôn thúng bán mẹt ở cái mom sông. Một rìa đất chứa đầy sự bấp bênh nguy hiểm. Bà Tú thật đang ở trong một hoàn cảnh vô cùng trái ngang và éo le. Với cách sử dụng từ “một chồng”, “năm con” ông Tú cúi đầu tự nhận mình là đứa con đặc biệt thứ 6 của vợ. Một ý thơ làm nhói đau trong lòng người viết lẫn người đọc. Kết hợp với lối ngắt nhịp 4/5, càng thể hiện sự cực nhọc của bà Tú. Nhưng đồng thời cũng là ca ngợi sự đảm đang, chịu thương chịu khó, chu toàn mọi việc trong gia đình của bà Tú.
- Luận điểm 2: Hai câu thực
Sau khi đã trình bày về hoàn cảnh oái oăm đó, nhà thơ tiếp tục khắc họa sâu sắc và rõ nét về dáng vẻ, ngoại hình và một phần tâm tư của bà Tú qua công việc hàng ngày:
“Lặn lội thân cò nơi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
Từ lâu, ông cha đã ví von hình ảnh người phụ nữ lam lũ như thân cò lặn lội bờ sông. Và ở đây, Tế Xương đã ứng dụng ngay điều đó để lột tả về người vợ tần tảo của mình. “Thân cò” gầy guộc, khẳng khiu ở càng tô đậm thêm cho nhân vật người vợ sự đơn chiếc lẻ loi, côi cút. Từ láy “lặn lội” được nhà thơ sử dụng cũng càng nhấn mạnh hơn nỗi gian truân, đầy khổ cực của bà Tú. Không chỉ miêu tả bà Tú là người phụ nữ với dáng vẻ như thân cò, mà nhà thơ còn xoáy sâu vào nội tâm của nhân vật qua hành động “eo sèo”, “đò đông”. Đây là hình ảnh gợi cho người đọc tới hình ảnh chen lấn xô đẩy, giằng co nơi chợ búa. Ai cũng muốn khách hàng mua của mình nên liên tục xảy ra cảnh cò kéo, giành giật. Một cảnh sống khiến con người ta đôi khi muốn lươn thiện mà không được. Sống trong hoàn cảnh bất trắc đó, người phụ nữ thường phải ma ranh, phải khôn ngoan mới có thể kiếm ăn được.
Phân tích Thương vợ Trần Tế Xương, các bạn cần lưu ý tới những biện pháp nghệ thuật độc đáo mà tác giả sử dụng để miêu tả bà Tú. Bằng nghệ thuật đảo ngữ, hoán dụ, ẩn dụ, sử dụng thêm điển tích ca dao tục ngữ… tác giả đã tôn lên vẻ đẹp của bà Tú trong lao động. Dù cuộc sống lam lũ, vất vả nhưng bà Tú vẫn vượt qua, cảm thông cho chồng và chăm chút cho gia đình. Để rồi từ đó, ta cũng cảm nhận được tình cảm thương xót vợ của ông Tú ẩn giấu phía sau.
- Luận điểm 3: Hai câu luận
Từ đầu bài thơ, bà Tú không nói câu gì nhưng không có nghĩa bà là một người phụ nữ nhu nhược, cam chịu. Sở dĩ bà chấp nhận số phận bởi bà không chỉ yêu chồng con, bà con hiểu chuyện hiểu về đời:
“Một duyên hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa dám quản công”
Bà thấu hiệu đạo lý làm vợ đó là đã có duyên thì có nợ. Sự thấu hiểu của bà Tú cũng chính là lời tự sự của ông Tú. Ông tự nhận mình là “món nợ” của vợ. Vì thế, cả ông cả bà đều có duyên và có nợ với nhau. Vì thế, dù cho năm nắng, mười mưa bà cũng chẳng dám kể công. Câu thơ vừa thể hiện sự đau lòng của tác giả trước sự bất lực của bản thân, vừa là sự cảm phục của ông trước đức hy sinh cao quý, sự kiên trì nhẫn nại vì gia đình của người vợ. Hai câu thơ, tác giả đã sử dụng từ những ý của thành ngữ rất sáng tạo. Các từ số lượng, phiếm chỉ càng nhấn mạnh khắc họa rõ nét hơn tầng tầng lớp lớp sự hy sinh vì người khác của bà Tú.
- Luận điểm 4: Hai câu kết
Mỗi câu ca đều lẩn khuất nỗi lòng của tác giả. Nhưng tiếng lòng của ông được bộc lộ rõ hơn cả ở hai câu thơ cuối:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không”
Phân tích Thương vợ Trần Tế Xương đến đây, độc giả mới thấu sự bất mãn của nhà thơ trước hiện thực cuộc sống. Ông quá thương vợ, không biết làm thế nào đành lên tiếng chửi đời thay vợ. Ông tố cáo cái thói đời ăn ở bạo bẽo đã bó buộc người phụ nữ khiến họ chịu nhiều cay đắng. Cái xã hội ấy quá bất công, khiến người phụ nữ không thể sống cho bản thân mình. Trách đời nhưng ông cũng không quên trách chính mình. Giận đời bao nhiêu thì Tú Xương càng giận mình bấy nhiêu. Ông giận sự hờ hững của xã hội và cũng nhận khuyết điểm, ăn bám vợ của bản thân. Ông tự nhận mình là người chồng chưa tròn trách nhiệm, có mà cũng như không.
Kết bài
Mỗi tác phẩm văn học luôn sống mãi trong lòng độc giả không chỉ vì nội dung đặc sắc, nhân vật điển hình mà còn bởi những biện pháp nghệ thuật tiêu biểu. Phân tích Thương vợ Trần Tế Xương, ta càng khẳng định tài năng sử dụng các biện pháp ẩn dụ, hoán dụ điển tích của tác giả. Những lời tự sự vốn của riêng tác giả nhưng lại có thể toát lên nỗi lòng của cả một xã hội. Kết hợp với lối đảo ngữ, câu từ gần gũi, quen thuộc, tác phẩm đã giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận ý nghĩa chứ không đánh đố. Nhờ thế, độc giả càng dễ cảm thông với số phận hẩm hiu của tác giả và người vợ.
Trước đây, phụ nữ dưới chế độ cũ bị bó buộc và truyền thống “tam tòng tứ đức” nhưng ngày nay thì khác. Phụ nữ thời này ngoài những đức tính hy sinh vĩ đại, cần cù đảm đang việc nhà thì còn rất giỏi việc nước, biết yêu bản thân. Có thể nói, phụ nữ thời nào rồi cũng cần phải biết sống cho mình và cho người khác. Nếu chỉ biết hy sinh hết mình vì người khác thì người phụ nữ ấy mãi lam lũ, tảo tần. Nếu chỉ biết đến mình thì họ cũng như người bỏ đi. Do đó, cần biết sống cho mình và cho người hợp lý và đúng nghĩa nhé!
>> Đọc thêm: Phân tích 2 đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam chi tiết nhất