Đã có rất nhiều phân tích bài thơ Chiều tối. Đó đều là những cảm nhận sâu sắc nhất về cuộc sống, tinh thần vượt lên mọi khó khăn nơi ngục tù của người chiến sĩ. Càng phân tích bài thơ Chiều tối ta càng thấy được sự tinh tế của Hồ Chí Minh trong cách khai thác chất liệu cuộc sống đưa vào thơ ca.
Mở bài
Hồ Chí Minh là cái tên gắn bó với tất cả con dân Việt Nam. Không chỉ là một nhà cách mạng lỗi lạc, một vị lãnh tụ tài ba, Hồ Chí Minh còn là một nhà thơ, nhà văn lớn. Người đã để lại cho di sản văn học Việt Nam rất nhiều giá trị cao quý. “Nhật ký trong tù” là một trong những tập thơ nổi tiếng của người. Trong đó, “chiều tối” là bài thơ tiêu biểu trong tập nhật ký ấy, thể hiện tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và ý chí vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt.
Thân bài
- Luận điểm 1: Phân tích bài thơ Chiều tối – bức tranh thiên nhiên trên đường chuyển lao
Bài thơ Chiều tối được viết trong một buổi chiều nơi thôn dã, khi Bác Hồ bị giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Ngay từ những câu thơ đầu, Bác đã vẽ nên bức tranh chiều tối dưới con mắt của người tù chính trị tay đeo gông chân vướng xiềng vô cùng rõ nét:
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Dịch nghĩa:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Bức tranh thiên nhiên được Bác tô vẽ một cách chân thực, bằng những hình ảnh “chim mỏi”, “chòm mây”. Buổi chiều tối là thời gian vạn vật nghỉ ngơi, những cánh chim tìm về với tổ sau một ngày dài kiếm ăn. Sự mệt mỏi của cánh chim được liên tưởng đến sự mệt mỏi của người tù chính trị phải đi liên tục. Nhưng cánh chim dù mỏi thì giờ đây đã được trở về tổ nghỉ ngơi, còn người tù chính trị dù có mỏi mệt vẫn phải tiếp bước đi. Tổ chính là động lực thúc đẩy để cánh chim không ngừng cố gắng, còn người tù lại chẳng có chút động lực nào. Dường như thông qua hình ảnh cánh chim ấy, là ẩn sâu nỗi nhớ nhà, nhớ nước. Nỗi nhớ da diết trong lòng nhưng không thể nào làm gì được.
Lại nhắc đến chòm mây, khi cánh chim tìm về với tổ thì chòm mây vẫn “trôi nhẹ giữa tầng không”. Chòm mây le lỏi giữa bầu trời chiều tối ấy, giống như sự lẻ loi của người tù giữa không gian mênh mông của rừng núi, đi một cách vô định, không biết nơi nào là bến đỗ. Nhưng có lẽ, chòm mây ấy cũng là khao khát của Hồ Chí Minh. Khao khát được tự do tự tại bay đi muôn nơi, thoát khỏi sự kìm kẹp của kẻ thù.
Chỉ bằng hai câu thơ, Hồ Chí Minh đã phác họa nên bức tranh thiên nhiên vô cùng bình dị, gần gũi. Dù đang trong hoàn cảnh chẳng mấy vui vẻ, nhưng Bác Hồ vẫn có cái nhìn thật tinh tế, nhạt cảm về thiên nhiên xung quanh. Phải là người yêu thiên nhiên, bản lĩnh thế nào mới có thể lạc quan đến nhường ấy.
- Luận điểm 2: Bức tranh đời sống sinh hoạt của con người
Trong khung cảnh thiên nhiên mênh mông, đượm nét u buồn, Hồ Chí Minh bỗng nhận ra bức tranh đời sống thật bình dị mà cũng thật đẹp:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng
Dịch thơ
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng
Giữa không gian mênh mông của trời đất, giữa cái buồn hiu quạnh của thiên nhiên bỗng xuất hiện một cô sơn nữ. Đó như một điểm sáng làm bức tranh vôn yên tĩnh lạ thường trở nên sinh động, vui tươi và có hồn hơn.
Hình ảnh “cô em xóm núi xay ngô tối” thể hiện nét đẹp lao động đáng quý của con người. Khi mọi vật đã tìm về chốn nghỉ ngơi thì con người vẫn tiếp tục với guồng quay của lao động. Đó là nét đẹp vô cùng đáng quý, thể hiện sức dẻo dai của những người lao động chân chất. Ở đây, Bác đã lặp hai hai từ “bao túc” như muốn nói sự tuần hoàn của thời gian, sự bền bỉ của con người. Đó là nét tinh tế mà chỉ có trong thơ Bác mới có được.
Bức tranh sinh động nhờ hình ảnh lao động khỏe khoắn của cô em xóm núi, và vừa ấm áp bởi ánh lửa bên bếp than hồng. Hình ảnh lò than rực hồng giữa rừng núi mênh mông một màu đen ấy như nhen nhóm trong lòng Bác bao niềm vui, niềm lạc quan yêu đời. Chính nhờ lò than rực hồng đã xua đi cảm giác lạnh lẽo, cô đơn của người tù chính trị đang xa xứ. Hồ Chí Minh đã khéo léo sử dụng nghệ thuật lấy sáng tả tối, lấy không gian tả thời gian mang đến bức tranh càng thêm sinh động.
Ở đây, Hồ Chí Minh đã khai thác mạch thơ vô cùng tinh tế, đó là miêu tả từ tối đến sáng, từ buồn đến vui. Đó là thể hiện tinh thần lạc quan, khát khao hướng tới tương lai của tác giả. Dù đang trong hoàn cảnh gông tù, nhưng hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn luôn nhen nhóm trong lòng Người.
Bài thơ chiều tối mang đậm tinh thần của Hồ Chí Minh, đó là một tinh thần lạc quan, yêu đời, vượt lên mọi hoàn cảnh để nhìn cuộc sống tươi đẹp hơn. Tinh thần ấy khó lòng ai có được. Đặc biệt, bài thơ đã thể hiện sự tài hoa trong nghệ thuật của Bác Hồ. Bằng bút pháp chấm phá tinh tế, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình sâu sắc, cùng với cách dùng từ ngữ linh hoạt, Hồ Chí Minh đã mang đến cho người đọc những xúc cảm rất thật. Không cần dùng quá nhiều tới ngôn từ, nhưng mỗi từ ngữ được sử dụng để gợi nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Lời kết
“Chiều tối” là bài thơ thực sự thành công của Hồ Chí Minh khi đã vẽ nên bức tranh hoàn hảo về thiên nhiên, về con người và lồng ghép trong đó những ý niệm sâu sắc. Càng phân tích bài thơ chiều tối ta càng thêm yêu tài năng và phẩm chất của nhà thơ, nhà văn, nhà cách mạng lỗi lạc Hồ Chí Minh.