Soạn Tình yêu và thù hận Trang 197-201 Ngữ văn 11 Tập 1
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
(Soạn Tình yêu và thù hận)
Câu 1: Đoạn trích có mười sáu lời thoại. Sáu lời thoại đầu có gì khác biệt với những lời thoại sau? Hình thức của những lời thoại đó là gì?
Trả lời:
Đoạn trích có mười sáu lời thoại (những chữ in nghiêng là phần chỉ dẫn sân khấu), trong đó sáu lời thoại đầu khác hẳn với các lời thoại còn lại. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, trong sáu lời thoại đầu, hai nhân vật không đối thoại với nhau, cho dù trong lời thoại họ đều có nhắc đến tên nhau. Xét về mặt hình thức, sáu lời thoại đầu là những độc thoại. Các nhân vật nói về nhau chứ không nói với nhau (độc thoại là nói một mình, nói với mình). Vì các độc thoại này là “tiếng lòng” của nhân vật, nên xét về bản chất nó là các độc thoại nội tâm. Trong kịch, dù là lời độc thoại nội tâm thì nhân vật cũng phải nói to (để khán giả nghe được) và giả định như nhân vật kia không nghe thấy.
Có thể nói, vì là lời độc thoại nội tâm nên sáu lời thoại đầu chứa đựng cảm xúc yêu thương chân thành, đằm thắm. Ngôn từ mượt mà cùng cách nói ví von, so sánh rất phù hợp với tâm trạng phấn chấn, rạo rực chen lẫn những bồn chồn, mong nhớ của người đang yêu. Lời độc thoại có định hướng đối tượng, có tính đối thoại nên nó rất sinh động. Ví như trong những lời của Rô-mê-ô chẳng hạn, lúc thì như chàng đang nói với Giu-li-ét khi nàng xuất hiện bên cửa sổ (“Vầng dưươg dẹp tươi ơi…”; “Hỡi nàng tiên lộng lẫy, hãy nói nữa đi…”), lúc thì lại như đang đối thoại với chính mình (“Kìa! Nàng tì má lên bàn tay! Ước gì ta là chiếc bao tay, để được mơn trớn gò má ấy!”; “Mình cứ nghe thêm nữa, hay mình nên lên tiếng nhỉ?”).
Mười lời thoại còn lại mang hình thức đối thoại, tức là các lời thoại ấy hướng vào nhau, các nhân vật nói cho nhau nghe. Tính chất hỏi – đáp, đối đáp xuất hiện. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật cũng đầy chất thơ. Romeo đã dùng một loạt hình ảnh so sánh tuyệt vời nhất để miêu tả vẻ đẹp của nàng Juliet. “Nguyên là hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời có việc phải đi vắng đã tha thiết nhờ mắt nàng lấp lánh chờ đến lúc sao về”.
Câu 2: Tìm những cụm từ chứng minh tình yêu của Rô–mê–ô và Giu–li–ét diễn ra trong bối cảnh hai dòng họ thù địch.
Trả lời:
+ Những cụm từ chứng minh tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-et diễn ra trong hoàn cảnh thù địch của hai dòng họ:
– Xuất hiện 3 lần trong lời thoại của Rô-mê-ô:
+ Từ nay, tôi sẽ không bao giờ còn là Rô-mê-ô nữa.
+ Tôi thù ghét cái tên tôi.
+ Chẳng phải Rô-mê-ô cũng chẳng phải Môn-ta-ghiu.
– Xuất hiện 5 lần trong lời thoại của Giu-li-et:
+ Chàng hãy khước từ cha chàng và từ chối dòng họ của chàng đi.
+ Chỉ có tên họ của chàng là thù địch của em thôi.
+ Nơi tử địa
+ Họ mà bắt gặp anh.
+ Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi đây.
Nỗi ám ảnh về hận thù giữa hai dòng họ xuất hiện ở Giu-li-ét nhiều hơn. Điều đó cho thấy nỗi lo kèm theo sự ái ngại về hoàn cảnh của Giu-li-ét. Song Giu-li-ét không chỉ lo cho mình mà còn lo cho cả người mình yêu. Thái độ của Rô-mê-ô đôi với hận thù giữa hai dòng họ quyết liệt hơn. Chàng sẵn sàng từ bỏ dòng họ của mình, thể hiện sự dũng cảm để đến với tình yêu.
Điều mà Rô-mê-ô sợ là sợ không có được, không chiếm được tình yêu của Giu-li-ét, sợ nàng nhìn mình bằng ánh mắt của sự hận thù (“ánh mắt của em còn nguy hiểm cho tôi hơn hai chục lưỡi kiếm của họ; em hãy nhìn tôi âu yếm là tôi chẳng ngại gì lòng hận thù của họ nữa đâu”).
Cả hai đểu ý thức được sự thù hận đó, song nỗi lo chung của hai người là lo họ không được yêu nhau, họ không có được tình yêu của nhau. Chính vì thế, cả hai đều nhắc tới hận thù song không nhằm khơi dậy, khoét sâu hận thù mà chỉ để hướng tới vượt lên trên hận thù, bất chấp hận thù. Sự thù hận của hai dòng họ tuy là cái nền nhưng tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét không xung đột với hận thù ấy. Đây là sự khẳng định quyết tâm xây đắp tình yêu của hai người.
Câu 3: Phân tích diễn biến tâm trạng của Rô–mê–ô qua hình thức so sánh liên tưởng trong lời thoại đầu tiên của nhân vật này.
Trả lời:
Tâm trạng của Rô-mê-ô trong lời thoại đầu tiên:
– Bối cảnh đêm khuya trăng sáng.
– Tâm trạng của Rô-mê-ô: khao khát yêu đương, bị lôi cuốn, ngây ngất trước tiếng gọi của tình yêu.
+ Say đắm vẻ đẹp tuyệt trần của Giu-li-et.
+ Ước ao mãnh liệt.
+ Sự yêu mến, say mê Rô-mê-ô dành cho Giu-li-et được thể hiện qua hàng loạt so sánh được thể hiện dưới dạng thức tương đồng hoặc tương phản.
⇒ Cảm xúc mãnh liệt, tình yêu nồng nàn, chân thành, trong sáng.
– Đây là lời thoại dài nhất và là lời thoại độc thoại nội tâm của nhân vật. Lời thoại được viết rất trau chuốt với nhiều hình ảnh đẹp, nhiều liên tưởng độc đáo, thú vị, những so sánh bất ngờ, táo bạo. Tất cả nhằm bộc lộ tâm trạng yêu đương nồng cháy, đam mê, ngỡ như không có gì cản được của Romeo khi trèo tường đến bên dưới phòng ngủ của Juliet.
– Trong tâm trạng đó, Romeo chỉ còn nhìn thấy một số điều đó là Juliet đẹp như một nàng tiên lộng lẫy át cả vẻ đẹp của trăng sao trên bầu trời; chỉ còn biết làm một việc duy nhất là tìm những lời đẹp đẽ nhất, những hình ảnh rực rỡ nhất để ca ngợi nhan sắc tuyệt mỹ của nàng.
– Đây là tâm trạng của chàng trai mà tình yêu đầy ắp trong tim, đã trào ra và tuôn chạy ào ạt như một khúc nhạc ái tình nồng nàn, ngây ngất, đắm say.
Câu 4: Lời thoại “Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi…” cho thấy diễn biến nội tâm phức tạp của Giu–li–ét. Phân tích diễn biến nội tâm của Giu–li–ét để làm rõ Sếch–xpia đã miêu tả tuyệt vời tâm trạng người thiếu nữ đang yêu.
Trả lời:
+ Tâm trạng của Giu-li-et:
– Qua lời độc thoại nội tâm:
+ Vừa gặp Romeo, trở về phòng đứng bên cửa sổ thổ lộ nỗi lòng của mình “Chàng hãy khước từ… hãy thề yêu em đi” “chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi”.
=> Tình yêu mãnh liệt không chút che giấu, ngượng ngùng. Cách đặt vấn đề của Juliet rất hồn nhiên, tha thiết. Nàng tự chất vấn mình, rồi lại tự tìm cách trả lời: “Cái tên nó có nghĩa gì đâu? Rồi lại tự đề xuất các giải pháp: “Chàng hãy từ bỏ tên họ đi”.
– Qua lời đối thoại với Romeo.
+ “Anh làm thế nào… và tới làm gì ?: Câu hỏi để giải toả băn khoăn vì chưa thật tin vào tình yêu mới bất ngờ của chàng.
+ “Anh làm thế nào tới được chốn này… người nhà em bắt gặp nơi đây”: Thể hiện nỗi lo lắng giằng xé tâm can Juliet.
+ “Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi đây”: tế nhị chấp nhận tình yêu của Romeo, trái tim nàng đã hoàn toàn hướng về Romeo.
⇒ Cũng như Rô-mê-ô, Giu-li-et chìm đắm trong khát khao yêu đương hồn nhiên, trong sáng. Tâm trạng của nàng vừa mãnh liệt những cảm xúc yêu đương vừa day dứt, lo lắng.
+ Qua ngôn ngữ sống động và đầy chất thơ nhà văn đã thể hiện được diễn biến nội tâm đầy phức tạp nhưng phù hợp với tâm trạng của người đang yêu. Thể hiện một tình yêu mãnh liệt trong trắng vượt lên trên sự hận thù truyền kiếp của hai dòng họ.
Câu 5: Chứng minh rằng vấn đề Tình yêu và thù hận đã được giải quyết xong trong mười sáu lời thoại này.
Trả lời:
+ Chứng minh vấn đề Tình yêu và thù hận đã được giải quyết trong 16 lời thoại:
– Trong toàn vở Rô-mê-ô và Giu-li-ét, xung đột cơ bản là xung đột giữa tình yêu và thù hận. Tuy nhiên trong đoạn trích này, thù hận không xuất hiện như là một thế lực cản trở tình yêu. Thù hận chỉ hiện ra qua suy nghĩ của các nhân vật, song không phải là động lực chi phối, điều khiển, quyết định hành động của nhân vật.
– Đối với Rô-mê-ô, chàng đã gặp Giu-li-ét, đã có được tình yêu của nàng và đã sẵn sàng làm tất cả vì tình yêu ấy.
– Đối với Giu-li-ét, sự xuất hiện cảm thức về những bức tường cản trở tình yêu là có thực. Điều này phản ánh sự chín chắn trong suy tư của nàng, song đây không phải là sự tính toán thiệt hơn. Điều mà Giu-li-ét cần là tình yêu chân thật của Rô-mê-ô và tình yêu kia đối với nàng là tất cả. Thế nên, khi biết và khẳng định chắc chắn Rô-mê-ô đến với mình bằng tình yêu chân ihành thì mọi nghi ngại không còn, các băn khoăn cũng chấm dứt.
=> Như vậy, trong đoạn trích gồm mười sáu lời thoại này, tình yêu không xung đột với thù hận mà chỉ diễn ra trên nền thù hận. Thù hận bị đẩy lùi, bị xoá đi vĩnh viễn, chỉ còn lại tình người và tình đời bao la, phù hợp với lí tưởng nhân văn. Chính vì lẽ đó, tác phẩm Rô-mê-ô và Giu-li-ét đã trở thành bài ca ca ngợi và khẳng định tình yêu cao đẹp. Vấn đề tình yêu và thù hận về cơ bản đã được giải quyết.
LUYỆN TẬP
(Soạn Tình yêu và thù hận)
Câu 1(Soạn Tình yêu và thù hận): Qua đoạn trích Tình yêu và thù hận, chứng minh rằng: “Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người”.
Trả lời:
Đoạn trích Tình yêu và thù hận kể về cảnh Rô-mê-ô sau cuộc gặp gỡ với Giu-li-ét ở dạ hội hoá trang tại nhà nàng, chờ lúc đêm khuya đã quay trở lại, leo lên bức tường đối diện với phòng ngủ của Giu-li-ét để thổ lộ lòng mình. Sếch-xpia đã miêu tả tuyệt vời tâm trạng của hai người trẻ tuổi vừa bị trúng mũi tên của thần Ái tình Cupid. Mối thù truyền kiếp của hai dòng họ không thể ngăn cản tình yêu mãnh liệt ấy. Thái độ của tác giả là đồng tình và ca ngợi, bởi: Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người.
Rô-mê-ô choáng váng trước vẻ đẹp thánh thiện của Giu-li-ét nên trái tim đã thôi thúc chàng quay trở lại khu vườn nhà nàng, dẫu biết rằng điều đó là vô cùng nguy hiểm. Đúng lúc ấy, Giu-li-ét cũng đến bên cửa sổ trông xuống khu vườn để thổ lộ lòng mình. Chúng ta hãy nghe Rô-mê-ô bày tỏ cảm xúc thật lãng mạn mà cũng thật chân thành khi nhìn thấy Giu-li-ét.
Trước đôi mắt của kẻ si tình thì vẻ đẹp của cô gái mình yêu là tuyệt vời hơn tất thảy: … Ánh sáng nào vừa loé trên cửa sổ kia? Đấy là phương đông, và nàng Giu-li-ét là mặt trời! – Vừng dương đẹp tươi ơi, hãy hiện lên đi… Đấy là người ta quý. Ôi! Đấy là người ta yêu! Ôi, giá nàng biết nhỉ !… Vẻ rực rỡ của đôi gò má nàng sẽ làm cho các vì tinh tú ấy phải hổ ngươi, như ánh sáng ban ngày làm cho đèn nến phải thẹn thùng; còn cặp mắt nàng trên bầu trời sẽ rọi khắp không gian một làn ánh sáng tưng bừng đến nỗi chim chóc sẽ lên tiếng hót vang… Hỡi nàng tiên lộng lẫy, hãy nói nữa đi! Bởi đêm nay, nàng toả ánh hào quang, trên đầu ta, như một sứ giả nhà trời có cánh, đang cưỡi những áng mây lững lờ lướt nhẹ trên không trung, khiến những kẻ trần tục phải cố ngước đôi mắt… lên mà chiêm ngưỡng.
Khi Giu-li-ét nghĩ đến Rô-mê-ô thì điều đầu tiên khiến nàng băn khoăn là mối thù lâu đời giữa hai dòng họ, nhưng mối thù ấy không thể ngăn cản nàng đến với tình yôu, với người yêu: Ôi, Rô-mê-ô, chàng Rô-mê-ô! Sao chàng lại là Rô-mê-ô nhỉ? Chàng hãy khước từ cha chàng và từ chối dòng họ của chàng đi; hoặc nếu không thì chàng hãy thề là yêu em đi, và em sẽ không còn là con cháu nhà Ca-piu-lét nữa.
Tình yêu sét đánh khiến hai người sống trong tâm trạng bay bổng, say đắm, tuy nhiên ở họ vẫn còn sự dẫn dắt sáng suốt của lí trí. Những diễn biến trong tâm trạng Giu-li-ét chứng tỏ Sếch-xpia đã miêu tả tuyệt vời người thiếu nữ đang yêu: Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi. Nếu chẳng phải là người họ Môn-ta-ghiu thì chàng cũng vẫn cứ là chàng. Môn-ta-ghiu là cái gì nhỉ? Đó đâu phải là bàn tay, hay bàn chân, hay cánh tay, hay mặt mũi, hay một bộ phận nào đấy của cơ thể con người. Chàng ơi! Hãy mang tên họ nào khác đi! Cái tên đó có nghĩa gì đâu? Bông hồng kia, giá chúng ta gọi bằng một tên khác thì hương thơm cũng vẫn ngọt ngào.
Vậy nếu chàng Rô-mê-ô chẳng mang tên Rô-mê-ô nữa, thì mười phân chàng vẫn vẹn mười… Rô-mê-ô chàng ơi, chàng hãy vứt bỏ tên họ của chàng đi; chàng hãy đem tên họ ấy, nó đâu phải xương thịt của chàng, đổi lấy em đây! Trong câu nói ấy của Giu-li-ét chứa đựng quyết tâm vượt qua mọi trở lực ghê gớm và mong muốn Rô-mê-ô hãy quên đi mối hận thù truyền kiếp giữa hai dòng họ để đến với mình.
Sếch-xpia ca ngợi tình yêu vì tình yêu là thứ tình cảm tốt đẹp và kì diệu nhất của con người. Có một thi sĩ đã nói: Không có tình yêu hoa không nở. Nhà thơ lãng mạn Xuân Diệu say đắm thốt lên: Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi, Trong vườn thơm ngát của hồn tôi. Nhà thơ cách mạng Tố Hữu cũng sáng tác những vần thơ bất hủ ca ngợi tình yêu: Có gì đẹp trên đời hơn thế, Người yêu người sống để yêu nhau. Tình yêu đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại vì nó là nền tảng của cuộc sống nhân loại trên Trái Đất này.
Câu 2(Soạn Tình yêu và thù hận): Nhập vai Rô–mê–ô và Giu–li–ét, trình bày lại cảnh gặp gỡ qua hình thức một màn kịch ngắn.
Trả lời:
– Học sinh tự bắt cặp phân vai và nhập vai Rô – mê – ô và Giu – li – ét trước lớp.