ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Câu 1: Đọc kĩ văn bản để nắm được: Truyện viết về ai, về việc gì? Ai là nhân vật chính?

Trả lời:

– Truyện viết về các nhân vật: Thành, Thủy, ba mẹ của Thành Thủy, cô giáo Tâm, con Vệ Sĩ, con Em Nhỏ.

– Truyện kể về cuộc chia tay (Ly hôn) của bố mẹ Thành và Thủy kéo theo sự chia tay của hai anh em Thành, Thủy và 2 con búp bê Vệ Sĩ, Em Nhỏ vì thế mà cũng phải chia tay.

– Nhân vật chính là Thành và Thủy.

Câu 2: Hãy suy nghĩ và thảo luận với các bạn trong nhóm về những điểm sau:

a) Câu chuyện được kể theo ngôi thứ mấy? Việc lựa chọn ngôi kể này có tác dụng gì?

b) Tên truyện có liên quan đến ý nghĩa của truyện không? (Búp bê có chia tay không? Vì sao chúng phải chia tay? Búp bê có lỗi gì mà phải chia tay?)

Trả lời:

a) Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất.

– Người kể chính là Thành, người chứng kiến câu chuyện xảy ra, trực tiếp tham gia cốt truyện – tức là cùng chịu nỗi đau vì sự mất mát về tình cảm như em gái mình.

– Cách lựa chọn ngôi kể này giúp nhân vật chính có điều kiện trực tiếp thể hiện suy nghĩ, tình cảm và diễn biến tâm trạng của mình, tăng thêm tính chân thực của truyện, làm cho truyện hấp dẫn và sinh động hơn. Chính vì thế, mặc dù tiêu đề của truyện là Cuộc chia tay của những con búp bê nhưng người đọc vẫn hiểu là cuộc chia tay của Thành và Thuỷ.

b) Tuy nhiên, tiêu đề truyện còn một hàm ý khác. Những con búp bê thường gợi liên tưởng đến sự hồn nhiên, trong sáng, vô tư của trẻ con. Cuộc chia tay của những con búp bê tạo ra một tình huống tâm lí – đó là cuộc chia tay không đáng có, cũng như không đáng có cuộc chia tay giữa Thành và Thuỷ – hai anh em vốn rất mực gần gũi, thương yêu và luôn luôn quan tâm, chia sẻ cùng nhau. Tên truyện, vì thế đã gợi ra được một tình huống đáng chú ý khiến người đọc phải quan tâm theo dõi.

– Búp bê cuối cùng không phải chia tay, chúng không có lỗi gì cả.

Câu 3: Hãy tìm các chi tiết trong truyện để thấy hai anh em Thành, Thủy rất mực gần gũi thương yêu, chia sẻ và luôn quan tâm đến nhau.

Trả lời:

Các chi tiết trong truyện để thấy hai anh em Thành, Thủy rất mực:

– Chia sẻ, giúp đỡ và quan tâm đến nhau:

+ Thủy đem kim chỉ ra tận sân vận động vá áo cho anh.

+ Thành giúp em học bài, chiều nào cũng đón em đi học về.

– Rất mực gần gũi thương yêu nhau, nhường nhịn nhau:

+ Nắm tay nhau vừa đi vừa trò chuyện.

+ Chia đồ chơi. Thành “Anh cho em tất”, Thủy “Em để lại hết cho anh”, đem con Vệ Sĩ để đầu gường gác cho anh ngủ.

+ Khi chia tay nhau cả hai anh em đều bật khóc.

Câu 4: Lời nói và hành động của Thủy khi thấy anh chia hai con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ ra hai bên có gì mâu thuẫn? Có cách gì để giải quyết mâu thuẫn ấy không? Cách giải quyết của Thủy gợi lên cho em những suy nghĩ và tình cảm gì?

Trả lời:

– Sự mâu thuẫn của Thủy:

+ Thấy anh lấy con Vệ Sĩ và Em Nhỏ dang sang hai phía thì giận dữ tru tréo lên: “Sao anh ác thế?”

= > Vì không muốn hai con bút bê chia tay nhau.

+ Thế nhưng khi thấy anh để lại hai con búp bê cạnh nhau theo ý muốn của mình Thủy lại cũng kê lên: “Lấy ai gác đêm cho anh”.

= > Đây là sự mâu thuẫn “giữa sự thật cuộc đời cay đắng và tình người ngọt ngào êm dịu” (Vũ Dương Quỹ)

– Cách để giải quyết mâu thuẫn: Là gia đình Thành, Thủy bố mẹ không còn mâu thuẫn, không li hôn nhau nữa, đoàn tụ sum vầy để cho hai anh em không phải chia tay nhau và con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ cũng không phải chia lìa.

– Cách giải quyết của Thủy:

+ Quay lại, đi nhanh về phía chiếc giường, đặt con Em Nhỏ quàng tay vào con Vệ Sĩ.

+ Ý nghĩa: Lòng hi sinh vị tha của Thủy, chấp nhận thiệt thòi về mình để anh luôn có Vệ Sĩ canh gác giấc ngủ, không nỡ để hai con búp bê phải chia lìa nhau. Làm tăng thêm sự nhức nhối, nỗi xót xa về cuộc chia tay vô lí của hai anh em. Thể hiện niềm mong ước được ở bên, gắn bó, niềm khao khát cháy bỏng về một gia đình đầy đủ hạnh phúc, không muốn chia lìa.

Câu 5: Chi tiết nào trong cuộc chia tay của Thủy với lớp học làm cô giáo bàng hoàng và chi tiết nào khiến em cảm động nhất, Vì sao?

Trả lời:

– Chi tiết chia tay của Thủy với lớp học làm cô giáo bàng hoàng:

+ Cô giáo tặng Thủy quyển số và chiếc bút máy nắp vàng nhưng: “Em không dám nhận… Em không đi học nữa”. “Nhà bà ngoại em ở xa trường học lắm. Mẹ em bảo sẽ sắm cho em một thúng hoa để ra chợ ngồi bán”.

+ Ý nghĩa: Sự đau xót của số phận của Thủy em phải chịu mất mát quá lớn: vừa xa bố, xa anh, thiếu thốn tình thương còn phải chuyển từ thành phố về quê không được đi học và phải đi bán hoa phụ mẹ để kiếm sống lúc còn quá nhỏ.

– Chi tiết làm em cảm động nhất:

+ Chi tiết chia tay của Thủy với lớp học làm cô giáo bàng hoàng

+ Chi tiết cô giáo và cả lớp cùng khóc khi biết Thủy không còn được đi học nữa.

+ Chi tiết Thủy đã trèo lên xe, nhưng bỗng em lại tụt xuống đi về phía đầu giường, đặt con Em Nhỏ cạnh con Vệ Sĩ.

Câu 6: Em hãy giải thích vì sao khi dắt tay Thủy ra khỏi trường, tâm trạng của Thành lại: “kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”.

Trả lời:

Khi Thủy rời khỏi trường, Thành “kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”

– Anh em Thành đang trong tâm trạng đau buồn, không khí ảm đạm, bạn bè, thầy cô đau xót trước nỗi đau quá lớn hai anh em đang trải qua, nhưng ngoài đường cảnh vật và con người chẳng hề thay đổi. Thế nên, nỗi đau hai anh em đang trải qua ấy không hề tác động gì đến những người khác, chỉ các em phải gánh chịu.

– Thành vì quá đau xót nên Thành nghĩ ai cũng biết nỗi đau của hai anh em.

– Thiên nhiên vẫn đẹp một cách dửng dưng

Thể hiện sự kinh ngạc biểu hiện tâm trạng đau khổ tột cùng và hụt hẫng, trống rỗng của Thành.

Câu 7: Qua câu chuyện này, theo em, tác giả muốn nhắn gửi đến mọi người điều gì?

Trả lời:

Qua câu chuyện, tác giả muốn gửi đến chúng ta một lời nhắn nhủ rằng: mái ấm gia đình là một tài sản vô cùng quý giá đối với những đứa trẻ. Nó là nơi gìn giữ những tình cả cao quý và thiêng liêng. Vì vậy người lớn hãy gìn giữ nó, đừng bao giờ vì mâu thuẫn, sự ích kỉ của cá nhân mình mà làm tổn hại, phá vỡ đi những tình cảm cao quý và thiêng liêng vô giá ấy vì trong chuyện của người lớn trẻ em không hề có lỗi.