Trong nền văn học Việt Nam, nếu Nam Cao sống mãi trong lòng người đọc với nhân vật Chí Phèo, Nguyễn Tất Tố với nhân vật chị Dậu, Nguyễn Công Hoan với hình tượng Huyện Hinh thì Vũ Trọng Phụng lại là Xuân Tóc Đỏ. Để biết được lý do tại sao Xuân Tóc Đỏ lại để lại ấn tượng sâu sắc như vậy trong lòng độc giả, và còn từng được dựng thành phim thì hãy cùng làm bài phân tích nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia. Khi mổ xẻ nhân vật này dưới nhiều góc nhìn, chúng ta mới hiểu rõ được vì sao.
Bài mẫu phân tích nhân vật Xuân tóc đỏ
Nội dung “Số đỏ” xoay quanh cuộc đời bươn chải trong thế giới thượng lưu của anh chàng Xuân hay còn được người đời gọi bằng cái tên Xuân Tóc Đỏ. Có thể nói, trong tiểu thuyết “Số đỏ”, Xuân “tóc đỏ” là nhân vật trung tâm. Xuân đồng thời cũng là một trong những hình tượng điển hình bậc nhất của văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng tám.
Bức chân dung của Xuân Tóc Đỏ được nhà văn phác họa bằng những đường nét hài hòa, tổng hợp từ rất nhiều kiểu người trong xã hội xưa. Tuy trong Xuân chỉ xuất hiện thấp thoáng nhưng độc giả vẫn thấy rõ bộ mặt dối trá, lố bịch của hắn.
- Luận điểm 1: Xuất thân của Xuân Tóc Đỏ
Khi phân tích nhân vật Xuân Tóc Đỏ, ta nhận ra, hắn cũng có một hoàn cảnh xuất thân thật đáng thương như Chí Phèo của Nam Cao. Từ khi có mặt trên cõi đời, cuộc đời của Xuân Tóc Đỏ đã bắt đầu bằng gian truân và trắc trở. Vũ Trọng Phụng kể rằng, hắn sinh ra đã không cha không mẹ. Hắn sống ăn nhờ ở đậu họ hàng. Nhưng rồi, hắn sớm bị họ hàng đuổi đi vì có tính gian. Họ nhìn ra nuôi Xuân thể nào rồi cũng có ngày “nuôi ong tay áo”.
Thế là tuy còn tuổi thiếu niên nhưng Xuân đã phải lang bạt mọi ngõ ngách giữa phố thị Hà Nội nửa ta nửa Tây xô bồ để tự kiếm sống bằng nhiều nghề. Vì để có thể sống, vì để có cái đút vào miệng, hắn đã buộc phải hành nghề ăn cắp trộm. Mà trộm gì không trộm, chỉ trộm những trái me, trái sấu ven đường. Ấy thế nhưng khổ nỗi, những trái đó được xem là của quý của mấy tay cảnh sát trật tự trên đường phố Hà Nội. Cành cây kia không dễ trèo, nhiều kẻ đã bỏ mạng như chơi, nhưng vì đói, Xuân đã phải liều. May thay, trời có lẽ chút thương tình nên cho hắn sống sót. Kết thúc nghề trộm quả trong oanh liệt, hắn mon men sang nghề mới, nghề bán thuốc dạo. Hắn được trời phú cho cho cái tài hoạt ngôn và khôn lỏi. Sau thời gian bán thuốc dạo, hắn thuộc các bài quảng cáo như lòng bàn tay rồi tư vấn cho khách mua. Người ta có lẽ mua thuốc của hắn vì hắn nói hay hơn là vì công dụng của thuốc tốt. Hắn trở thành đốc tờ Xuân, được người người ca tụng. Khi cụ cố tổ chết cụ bà thốt lên: “Thiếu ông đốc tờ Xuân là thiếu tất cả, những ông thầy thuốc chính hiệu đã thất bại hoàn toàn”. Thế mới thấy, hắn có tài ăn nói ra sao.
- Luận điểm 2: Xuân Tóc Đỏ trở thành lưu manh và bị tha hóa
Qua tóm lược của Vũ Trọng Phụng, độc giả có thể nhận ra, Xuân Tóc Đỏ thực ra rất thông minh. Hắn không chỉ biết mình mà còn dường như biết đọc được suy nghĩ, tâm lý của người khác. Giả sử như hắn được nuôi dạy tử thế, có xuất thân đường hoàng thì có thể hắn đã trở thành một người thượng lưu chính nghĩa. Thế nhưng, khổ nỗi hắn lại có cuộc đời quá gian truân. Cả niên thiếu, hắn phải lang thang, sống vật vờ khắp Hà Nội. Hắn bị tiếp xúc, nhìn thấy với đủ thứ bẩn thỉu, đủ trò lố lắng của người đời. Vì thế, cái sự thông minh ấy của hắn lại được sử dụng vào những việc không tốt đẹp. Hắn dần bị tha hóa nhân cách. Hắn trở thành một kẻ lưu manh chính hiệu.
Nếu như Chí Phèo lưu manh hóa qua hành đồng rạch mặt ăn vạ, đâm thuê chém mướn thì Xuân Tóc Đỏ lại ngược lại. Hắn không hề liên quan đến bạo lực, máu me. Hắn tha hóa từ trong tận tâm hồn, qua cách ứng xử và lời ăn tiếng nói. Trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” ta có thể thấy rõ hơn điều đó: “Ông cho rằng Xuân có tài quảng cáo lắm, nói một lời là có vài nghìn bạc, nên sau khi được lời hứa quý hoá của ông bố vợ, ông trù tính ngay với Xuân một công cuộc doanh thương… “Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng!” Ông Xuân chỉ nói có thế mà làm cho ông thêm được vài ba nghìn bạc thì khi ông Xuân nói đại khái: “Thưa ngài, thứ hàng này tốt nhất, buôn ở Tây phương” chắc phải có giá trị hơn nữa. Ông muốn gặp ngay Xuân để trả nốt năm đồng, trước khi buôn bán cũng phải giữ chữ tín làm đầu”
“Xuân Tóc Ðỏ muốn bỏ quách ra chợt thấy ông Phán dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư… Nó nắm tay cho khỏi có người nom thấy, rồi đi tìm cụ Tăng Phú lạc trong đám ba trăm người đương buồn rầu và đau đớn về những điều sơ suất của khổ chủ”.
Có thể khẳng định, những xấu xa, trong xã hội phong kiến nửa thực dân đã kết tinh lại trong toàn bộ con người Xuân Tóc Đỏ. Vẻ ngoài của hắn rất thượng lưu nhưng bên trong thực chất là một tên xảo quyệt, lẻo mép, vô giáo dục, quen thói lọc lừa và ham hư vinh, phù phiếm. Đây cũng có thể gọi là một loại bi kịch của đời người, bởi sinh ra đã buộc phải thành kẻ xấu. Nhưng ở đây Xuân Tóc Đỏ lại tận dụng được cái tha hóa đó để thuận lợi trên con đường tiến thân.
- Luận điểm 3: Những bàn đạp giúp Xuân Tóc Đỏ thành “thượng lưu”
Phân tích nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong tiểu thuyết Số Đỏ nói chung và đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia nói riêng, ta có thể thấy, không phải ngẫu nhiên mà đời Xuân lên hương như diều gặp gió. Tất cả đều có sự hỗ trợ âm thầm của những kẻ tự xưng là tầng lớp quý tộc, thương lưu, sang chảnh. Thế nhưng, những kẻ đó lại không có nhân cách. Họ đại diện cho tầng lớp xã hội lúc đó chỉ ham muốn tiền tài, danh vọng, thích thể hiện, vui thú xác thịt… Cụ thể như bà Phó Đoan, cô Tuyết ngây thơ, ông cố Hồng, ông Phán… Cô Tuyết trong đám tang còn liếc mắt đưa tình với Xuân Tóc Đỏ. Thấu hết những thói hư tật xấu đó của giới thượng lưu nên Xuân Tóc Đỏ không mấy khó khăn để leo cao.
Có thể nói, Xuân Tóc Đỏ một tên đê tiện, lưu manh chính hạng. Hắn cũng dâm đãng, cuồng danh như thế giới hắn khát khao chen chân vào. Nhưng qua đó, ta cũng có thể thấy, Xuân Tóc Đỏ là một kẻ cực kỳ thông minh, nhạy bén với thời cuộc. Hắn có khả năng thay đổi để thích ứng vọi hoàn cảnh. Hắn cũng đủ tài trí, đủ khôn ngoan để ứng phó với đủ loại người. Thậm chí, hắn còn dễ dàng bắt thóp đám người tỏ luôn tỏ ra giỏi giang hơn người khác nhưng thực chất lại có đầu óc trống rỗng. Hắn biết hắn là ai, hắn không giấu giếm xuất thân bần tiện của mình mà thẳng thắn nhận: “Tôi thì danh giá quái gì, Hạ lưu. Ma cà bông. Nhặt banh quần. Không đứng đắn”. Chính cái sự thẳng thắn, sự khiêm tốn giả vờ của hắn lại của quý trong cái thế giới thượng lưu lươn lẹo, xảo trá ấy!
Quá trình phân tích nhân vật Xuân Tóc Đỏ giống như độc giả đang xem một bộ phim điện ảnh hấp dẫn. Xuân Tóc Đỏ sống mãi trong lòng độc giả không phải vì yêu thích mà là sự ghét bỏ. Người ta ám ảnh hình tượng Xuân bởi sự quá gian xảo, quá nham hiểm và ranh ma của hắn. Ở hắn, người ta nhìn thấy một tầng lớp người không chỉ có ngày xưa, trong thời phong kiến mà ngày nay đâu đó vẫn có. Ngày nay, vẫn có không ít người không ngại dùng các thủ đoạn tinh vi, xấu xa để đạt được mục đích tiến thân.
Một lần nữa, có thể khẳng định, cả đời Xuân Tóc là sản phẩm hoàn hảo, được nhào nặn bởi xã hội thối nát, xã hội mà đúng sai, thật giả lẫn lộn. Kết thúc truyện, đọc giả cũng không thể trách hắn được. Hắn sinh ra trong một xã hội như thế hắn buộc phải sử dụng chính sự lẻo mép bẩn thỉu, xảo ngôn để chống lại những kẻ tự xưng thượng lưu. Nếu không hắn sẽ chết như một Chí Phèo thứ hai.