Nói đến nhà văn Kim Lân, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến truyện ngắn Làng. Có thể nói, đây là tác phẩm xuất sắc của ông thể hiện rõ nét tính cách tốt đẹp của người nông dân thời bấy giờ. Phân tích Làng chi tiết hơn, chúng ta sẽ cảm nhận được lòng yêu quê hương, đất nước và tinh thần cách mạng của người nông dân ấy.
Sơ lược về Kim Lân và truyện ngắn Làng
Kim Lân là nhà văn trưởng thành từ trước Cách Mạng Tháng 8 với nhiều truyện ngắn nổi tiếng. Nhờ gắn bó với thôn quê từ lâu nên ông khá am hiểu về tính cách, tâm hồn của người nông dân. Điều này đã được ông thể hiện rõ qua truyện ngắn Làng.
Truyện ra đời từ năm 1948 trong những ngày đầu của cuộc chiến chống thực dân Pháp. Nội dung chính của truyện xoay quanh nhân vật ông Hai và câu chuyện về làng chợ Dầu. Thông qua đó, chúng ta sẽ cảm nhận được nét đẹp về tính cách, tâm hồn của người nông dân lúc bấy giờ.
Phân tích Làng chi tiết qua các luận điểm cụ thể
Để hiểu rõ hơn về nội dung của tác phẩm, chúng ta sẽ đi sâu hơn qua các luận điểm dưới đây.
- Luận điểm 1: Tình huống truyện được xây dựng đối nghịch
Nhân vật ông Hai được xây dựng với niềm tự hào về làng quê. Thế nhưng, ông lại nghe tin làng theo giặc. Tình huống truyện được xây dựng vô cùng đối nghịch với tình cảm mãnh liệt của nhân vật. Điều này khác hoàn toàn so với cái suy nghĩ của ông về làng quê với tinh thần cách mạng.
Thông qua tình huống ấy, chúng ta sẽ thấy được diễn biến tâm trạng của nhân vật thay đổi có chiều sâu. Đây cũng chính là yếu tố góp phần thử thách lòng yêu làng quê, đất nước của ông Hai.
- Luận điểm 2: Nhân vật ông Hai được khắc họa với tình yêu làng, yêu nước sâu sắc
Tình yêu được thể hiện khi tản cư
Tình yêu làng được thể hiện rõ nét qua những ngày ông đi tản cư. Mặc dù xa làng nhưng ông vẫn nhớ về làng, nhớ về con đường, ngõ xóm. Ông yêu tất cả những gì quen thuộc, gần gũi với cái làng chợ Dầu ấy. Tình yêu còn được thể hiện qua niềm hạnh phúc khi được cùng mọi người đào đường, đắp ụ,…
Chưa dừng lại ở đó, ông còn luôn theo dõi tin tức về làng mặc dù đang tản cư. Ông đến phòng thông tin để nghe tin tức về cái làng của mình. Nhờ đó mà ông nắm được rất nhiều tin hay như “anh trung đội trưởng sau khi giết được tên giặc đã tự sát bằng quả lựu đạn cuối cùng”,… Những tin tức này khiến ông Hai cảm thấy vui vẻ và náo nức cả lên. Đi đến đâu, ông cũng tự hào và khoe về làng về tinh thần kháng chiến của cái làng chợ Dầu ấy.
Tình yêu được thể hiện khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc
Niềm vui về làng quê cách mạng của ông chưa được bao lâu thì lại nhận được cú sốc lớn: Làng chợ Dầu là Việt gian theo Tây. Cái tin này khiến cho mọi mọi thứ trong ông Hai như sụp đổ. Ông vừa bước ra khỏi phòng thông tin thì “lặng người đi, tưởng như đến không thể được”; “Ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi”. Tất cả những từ ngữ được sử dụng vô cùng chân thật để diễn tả sự bất ngờ xen chút đau đớn trong lòng ông Hai. Đây thực sự là cú sốc khiến ông hai rơi vào tột cùng. Những ngày sau đó, ông chỉ ở trong nhà chẳng dám đi đâu cả. Cái giọng của người bà đàn tản cư kia cứ in mãi trong đầu: ” đói khổ ăn cắp ăn trộm, bắt được người ta còn thương chớ cái giống Việt gian bán nước ấy thì cứ cho mỗi đứa một nhát”.
Hàng ngàn câu hỏi cứ vang lên trong đầu khiến ông giằng xé và đau đớn. Lúc này, nội tâm ông vẫn có sự đối lập. Bởi vì lòng yêu làng quá lớn nên ông không tin vào điều đó. Ông trò chuyện với đứa con út để vơi đi nỗi đau. Đồng thời, ông còn khẳng định rõ ràng niềm tin của mình vào cụ Hồ: “Các đồng chí biết cho bố con ông, Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông”. Dù yêu làng quê nhưng vẫn quyết báo thù nếu làng theo Tây. Chính điểm này đã cho chúng ta thấy rõ lý tưởng cách mạng và tình cảm của người nông dân có bước chuyển biến mới.
Tình yêu rõ nét hơn khi nghe tin tức được cải chính
Trải qua bao nhiêu sự đau đớn, giằng xé, ông Hai lại lần nữa phấn khởi hơn khi nghe tin tức được cải chính. Cái làng chợ Dầu của ông không có theo Tây. Ông lại được dịp khoe về làng, tự hào về tinh thần cách mạng của làng. Tình yêu ấy còn thể hiện mạnh mẽ hơn qua chi tiết nhà của ông bị đốt. Mặc dù mất nhà, mất tài sản nhưng ông lại rất vui.
Thông qua diễn biến tâm lý đặc sắc của ông Hai, chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc tình yêu với làng quê, đất nước. Ông tự hào, đau đớn và rồi vui sướng qua mỗi giai đoạn, hoàn cảnh thực tế.
- Luận điểm 3: Giá trị nghệ thuật đặc sắc
Đọc truyện Làng, chúng ta sẽ cảm nhận được giá trị nghệ thuật đặc sắc mà tác giả sử dụng. Ngôn ngữ vô cùng gần gũi mang đậm tính khẩu ngữ. Đây đều là những lời ăn tiếng nói quen thuộc của người nông dân. Đi kèm với đó là những lời nói trần thuật mang giọng điệu và sắc thái ấn tượng.
Nghệ thuật đắt giá nhất chính là diễn biến tâm lí nhân vật qua lời nói, độc thoại, ý nghĩ và hành vi.
Lời kết
Phân tích Làng, chúng ta sẽ cảm nhận được sâu sắc tình yêu làng quê, đất nước của những người nông dân. Mà trong đó, ông Hai là nhân vật đại diện tiêu biểu. Người nông dân với tình cách chất phác, thật thà chỉ luôn một lòng hướng về quê hương và sẵn sàng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Đồng thời, qua tác phẩm chúng ta còn hiểu rõ hơn về tài năng của Kim Lân. Ông không chỉ thành công trong việc xây dựng nhân vật mà còn thấu hiểu và đồng cảm cùng người nông dân. Chính ông cũng rất yêu nước, thương dân nên mới cho ra đời được tác phẩm đặc sắc mang đến nhiều giá trị và ý nghĩa đến vậy.