Mở bài
Từ xa xưa, quan niệm “ở hiền gặp lành”, “cây ngay không sợ chết đứng” đã được ngợi ca rất nhiều trong các tác phẩm văn học. Cũng có quan niệm yêu cái thiện, khao khát công bằng, Nguyễn Dữ đã viết nên Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên. Phân tích Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên, người đọc sẽ hiểu được tiếng nói ngợi ca sự dũng cảm, hướng về cái thiện, lẽ công bằng trong xã hội bấy giờ.
Thân bài
Nguyễn Dữ sống vào thế kỉ XVI, xuất thân trong gia đình khoa bảng nên tài năng văn chương bộc lộ rất sớm. Ông đã từng ra làm quan, nhưng sau đó lui về, tập trung sáng tác. Sống trong khoảng thời gian nhiều biến động trong xã hội, các tác phẩm của Nguyễn Dữ phản ánh đa chiều hình ảnh đời sống bấy giờ. Vì vậy, đọc tác phẩm của ông, cũng là tìm hiểu rõ hơn về xã hội thuở trước.
Trong các tác phẩm, “Truyền kỳ mạn lục” được đánh giá là nổi bật và đặc sắc nhất. “Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên” nằm trong 20 câu truyện trong tác phẩm, kể về chức quan trông coi việc phán xử tại đền Tản Viên. Phân tích Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên, ta sẽ hiểu hơn sự ngợi ca tinh thần cương trực, dũng cảm và niềm tin mãnh liệt về lẽ công bằng của tác giả.
- Luận điểm 1: phân tích nhân vật Ngô Tử Văn
“Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên” kể về câu chuyện của nhân vật Ngô Tử Văn, người Yên Dũng, Lạng Giang. Ngô Tử Văn vốn có tính nóng nảy, khảng khái, thấy việc gian tà thì không chịu được. Chính vì vậy, đây là nhân vật đại diện cho cái thiện, sự dũng cảm và yêu chuộng công lý. Nguyễn Dữ đã giới thiệu nhân vật một cách ngắn gọn, không hề hoa mĩ, rườm rà. Điều này đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc về một con người đơn giản nhưng chính trực. Cùng với giọng điệu ngợi ca khi miêu tả, phân tích Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên, ta sẽ thấy rõ được sự yêu quý của tác giả đối với nhân vật này.
- Luận điểm 2: Phân tích cuộc đấu tranh trên trần gian
Câu chuyện được mở ra mới sự đấu tranh của nhân vật Ngô Tử Văn khi còn trên trần gian. Với tính tình khảng khái vốn có, chàng vô cùng tức giận trước sự lộng hành, hống hách của hồn ma tướng giặc Mộc Thạch. Hắn tử trận, trở thành “yêu quái trong nhân gian”. Hồn ma của hắn không những cướp quyền của thần Việt mà còn nhũng nhiễu, làm hại dân chúng.
Tức giận trước sự lộng hành ấy của tên bại tướng, “Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền”. Cái tức giận của chàng không chỉ xuất phát từ cá nhân cảm thấy chướng mắt với hồn ma độc ác, mà còn là sự tức giận thay cho dân chúng. Hành động “tắm gội sạch sẽ” thể hiện sự trong sạch của mình. Đốt đền, không phải để tỏ vẻ, để làm càn, mà là hành động vì chính nghĩa, được suy tính và quyết định rất kỹ lưỡng. Chàng muốn được trời và người cùng chứng giám và ủng hộ, tiếp thêm cho mình sự tự tin và vững tâm hơn khi ra tay vì lẽ phải. Mặc cho người xung quanh “lẽ lưỡi, lắc đầu, lo sợ” cho bản thân, Tử Văn vẫn “vung tay không cần gì cả”. Hành động ấy dứt khoát, là cái vung tay đầy nghĩa khí của một người có bản lĩnh. Rồi việc đốt đền ấy có phạm phải trời cao hay không, số phận chàng sẽ ra sao, dù không trực tiếp hiện lên trong câu từ, nhưng người đọc đều hiểu và cảm thấy hồi hộp, lo lắng cho số phận Tử Văn. Đây cũng chính là tài hoa của Nguyễn Dữ trong việc xây dựng cốt truyện giàu kịch tính, gây tò mò cho độc giả.
Và như lo lắng của người đọc, sau hành động đốt đền đầy dũng cảm ấy, Ngô Tử Văn “thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo, bụng run run…sốt nóng, sốt rét”. Trong cơn mê man, chàng thấy hiện lên hình ảnh tên giặc đội lốt một kẻ sĩ: cao lớn, khôi ngô, đầu đội mũ trụ. Hắn ta tỏ vẻ hiểu biết của một người hiểu lễ nghĩa: “nhà ngươi đã theo nghiệp nho, đọc sách vở của thánh hiền, há không biết cái đức của quỷ thần sao?”. Rồi hắn yêu cầu Tử Văn phải xây trả lại ngôi đền kẻo sẽ gặp phải điều không hay. Không những thế, hắn còn đe dọa sẽ xuống Minh Ti kiện Tử Văn. Đối mặt trước sự giả dối của hắn, Tử Văn tỏ thái độ bình tĩnh: “mặc kệ, cứ ngồi ngất ngưởng, tự nhiên”, khiến tên giặc phải tức tối bỏ đi. Hành động, thái độ ấy của Tử Văn càng thể hiện sự ngạo nghễ, không lo sợ kẻ gian.
Đến khi thổ thần xuất hiện thật, chàng tỏ thái độ kính trọng, tin tưởng, cảm thông vì sự chèn ép của tên bại tướng đối với ngài. Đối mặt với sự lộng hành của tên giặc, thổ thần chỉ có thể im lặng, vì không đủ sức lực chống lại cái ác. Ngài chỉ có thể “khư khư một tấm lòng thành thực”, ấy là giấu cái cương trực, nghĩa khí ấy, không dám kêu than. Nỗi lo sợ của thổ thần không chỉ cho bản thân mình mà còn cho cả Tử Văn nữa.
- Luận điểm 3: Đấu tranh dưới âm Ti
Ở trần gian, Tử Văn có thế mạnh, bởi chính con người và sức mạnh của mình. Tuy nhiên khi xuống âm ti, chàng lại gặp nhiều khó khăn hơn. Tên bách hộ họ Thôi tỏ vẻ đáng thương, khép nép, kêu gào oan ức, khiến Diêm Vương thương cảm, trách mắng Tử Văn vì hành xử ngoan cố, lộng hành. Thế nhưng vẫn giữ được tâm thế tự tin, Tử Văn vẫn điềm nhiên, không kinh hãi, chùn bước trước khó khăn. Chàng một mực kêu oan trước sự giả dối của tên giặc. Trước sự chính trực ấy của chàng, Diêm Vương đã thấu hiểu và trả lại sự trong sạch cho Tử Văn. Cuộc chiến ấy thể hiện được ước mơ về lẽ công bằng, tình yêu công lý của nhân dân.
- Luận điểm 4: Ngô Tử văn nhận chức phán sự
Sau chiến thắng vẻ vang của mình, Ngô Tử Văn trở về trần thế, được nhận chức phán sự đền Tản Viên, chăm lo việc xử án của vùng. Đây là phần thưởng dành cho sự thẳng thắn, cương trực và dũng cảm của chàng. Không những thế, chàng đã giành lại được danh dự cho thổ công, diệt trừ tận gốc cái ác. Nỗi oan khuất của chàng cũng được sáng tỏ. Kết cục như vậy thể hiện khát vọng của nhân dân về một vị quan chính trực, thanh liêm, yêu thương dân chúng và đứng về lẽ phải. Điều đó còn được biểu hiện rõ qua sự việc quan phán sự và người quen cũ gặp nhau, thể hiện niềm tin về một vị quan thanh liêm, giúp dân, trợ nước.
Phân tích Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên, ta thấy được niềm tin vào công lí, ước mơ về một xã hội công bằng, cái ác được diệt trừ, cái thiện được báo đáp. Đời sống xã hội nhiễu nhương, nhiều oan trái, nhũng nhiễu của quan lại,… dưới ngòi bút của Nguyễn Dữ cũng được hiện lên rất rõ ràng. Tác giả phê phán sự hèn nhát, không dám đứng lên đấu tranh bảo vệ lẽ phải của một bộ phận dân chúng và quan lại. Đồng thời ngợi ca sự khẳng khái, dũng cảm đấu tranh đứng lên bảo vệ công lý, ước mơ về cái thiện lành được khẳng định.
Với ngòi bút độc đáo, kết hợp giữa tả thực và kì ảo, mượn truyện kì ảo để nói chuyện thực, Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên mang giá trị thời đại cao. Cốt truyện kịch tính, hấp dẫn, logic, có mở đầu, nút thắt và kết thúc với các chi tiết lôi cuốn, li kì. Vì vậy Nguyễn Dữ đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật hiện lên sinh động và ẩn chứa nhiều gửi gắm của chính tác giả.
Kết bài
Phân tích Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên, ta không chỉ hiểu rõ hơn phong cách và tài năng của tác giả Nguyễn Dữ mà còn nhận được những bài học sâu sắc về cuộc đời. Thông qua những bài học ấy, người đọc có nhiều niềm tin về cuộc sống, nuôi dưỡng nhân cách và tin yêu vào lẽ phải và sự công bằng.
>> Xem thêm: Phân tích nhân vật viên quản ngục trong tác phẩm “Chữ người tử tù”