Bài mẫu phân tích
Mở bài
Cùng với truyền thuyết, truyện cổ tích, sử thi là một thể loại độc đáo và đồ sộ của Việt Nam. Trong sử thi, hình ảnh các vị anh hùng được khắc họa rất chi tiết. Trong đó, Đăm Săn Là nhân vật được yêu ái lưu ái với nhiều nét tính cách đáng trân trọng. Phân tích nhân vật Đăm Săn, ta sẽ hiểu hơn về ước mơ và khát vọng hòa bình, ấm no của nhân dân.
Thân bài
- Khái quát về tác phẩm
Đăm Săn là nhân vật chính trong Sử thi Đăm Săn, được sáng tạo bởi người đồng bào Ê-đê Tây Nguyên cổ đại. Đây là tác phẩm đồ sộ, có nội dung và ý nghĩa sâu sắc còn lưu giữ đến tận ngày nay, nổi bật cho loại hình sử thi Việt Nam. Tìm hiểu tác phẩm và phân tích nhân vật Đăm Săn, ta như được quay trở lại một thời hào hùng nơi buổi đầu khai phá, gây dựng cơ đồ của các các vị anh hùng, của cha ông ta.
Trong đó, Đăm Săn là nhân vật nổi bật cho thế hệ anh hùng ấy. Là nhân vật trung tâm của tác phẩm, Đăm Săn hiện lên với các vẻ đẹp phẩm chất, nhân cách đặc trưng, tốt đẹp nhất của cả cộng đồng. Vẻ đẹp đó được khắc họa chân thực và nổi bật trong đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây”. Đoạn trích nằm ở giữa bộ sử thi, miêu tả cuộc chiến đấu của Đăm Săn với kẻ thù để cứu vợ trở về. Với cách khắc họa đặc trưng của sử thi, hình ảnh vị anh hùng hiện lên trọn vẹn với đầy đủ vẻ đẹp về ngoại hình lẫn tài năng, tiêu biểu cho tinh thần và ý chí của nhân dân.
- Phân tích nhân vật Đăm Săn
Vẻ đẹp ngoại hình
Cũng như biết bao vị anh hùng khác, Đăm Săn hiện lên trước tiên với vẻ đẹp về ngoại hình. Ngoại hình của nhân vật không được miêu tả ngay từ đầu mà tập trung miêu tả ở cuối tác phẩm, sau khi Đăm Săn chiến thắng trở về. Tác giả xưa đã dùng những hình ảnh so sánh độc đáo để miêu tả ngoại hình vạm vỡ cường tráng của nhân vật: “Bắp chân chàng to bằng cây xà nàng, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy rầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc: Đăm Săn vốn đã ngang tàng từ trong bụng mẹ”. Đăm Săn hiện lên với vẻ đẹp hình thể phi thường, rắn rỏi và có khí chất ngay từ nhỏ. Đây là vẻ đẹp ngoại hình mà chỉ những vị anh hùng, những người làm nên nghiệp lớn mới có. Đăm Săn hiện lên với tất cả sự ngợi ca, ngưỡng mộ và trân trọng nhất.
Vẻ đẹp nhân cách, phẩm chất anh hùng
Không chỉ đẹp về ngoại hình, Đăm Săn còn hội tụ đầy đủ trong mình phẩm chất anh hùng, phẩm chất đó được thể hiện rõ trong trận chiến với Mtao Mxây. Mtao Mxây đã cướp vợ của Đăm Săn trong lúc chàng vắng nhà. Hắn ta ngạo mạn, khiêu khích, nhưng Đăm Săn vẫn giữ sự tự tin của mình, liên tục kêu hắn ra nghênh chiến: “Xuống ngay, diêng! Xuống, diêng”. Mặc dù mang lợi thế lớn, thế nhưng đầm xanh không thèm đánh lén mà trực tiếp đối mặt với kẻ thù. Chàng dũng cảm, hiên ngang, đối lập với sự hèn nhát của Mtao Mxây. Điều này đã thể hiện được Đăm Săn là một con người ngay thẳng, đàng hoàng, và cũng là biểu tượng của người dân tộc Ê-đê.
Những phẩm chất đáng ngưỡng mộ của Đăm Săn còn được thể hiện rõ hơn trong trận đấu với Mtao Mxây. Đây là cuộc đối đầu giữa hai tù trưởng, Đăm Săn chỉ chiến đấu với kẻ ngang hàng với mình, không sử dụng sức mạnh với những người yếu ớt hơn. Phẩm chất của anh hùng sử thi là ở đó, hiên ngang, anh dũng, không có chỗ cho kẻ hèn nhát. Sức mạnh của chàng cũng được thể hiện rõ rệt qua tiếng khiên độc đáo, trái ngược với tiếng “lộc cộc, lạch cạch” “như những quả mướp khô” của Mtao Mxây.
Trận chiến được miêu tả chi tiết và đặc sắc với ngôn ngữ đậm chất sử thi: “Một bước nhảy, chàng vượt qua mấy đồi tranh. Một bước lùi, vượt qua mấy đồi mía. Tiếng gió khiên rít vù vù như giông bão, cây cối nhà cửa ở xung quanh cũng nghiêng ngả…”. Tác giả xưa đã sử dụng liên tiếp các biện pháp nói quá, so sánh, đối xứng,… để tô đậm lên hình ảnh người anh hùng Đăm Săn trong lúc múa khiên. Chàng hiện lên với đầy đủ sự dũng mãnh, uy nghi và khéo léo.
Để nâng cao vị thế của vị tù trưởng, hình ảnh chiếc khiên cũng được miêu tả hết sức độc đáo: “Múa trên cao, tiếng khiên kêu như gió lốc gào. Múa dưới thấp, tiếng khiên kêu như tiếng nhạc rung. Múa đi, múa lại, mỗi bước nhảy vượt qua ba ngọn đồi, đồi sụt lở. Mỗi bước nhảy qua ba đồi tranh, tranh bị gió khiên thổi bật tung gốc. Chàng ném lao bên này, đỡ lao bên kia, tiến tới, thoái lui, mũi lao như những vệt sao băng chớp sáng…”. Đăm Săn hiện lên không những át đi kẻ thù mà dường như còn ngang hàng với thiên nhiên, vũ trụ.
Sức mạnh của chàng càng được nhân lên gấp bội nhờ sự tiếp sức của người vợ Hơ Nhị khi nàng ném trầu và thuốc cho chồng mình. Miếng trầu là hình ảnh biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng, cho thấy cuộc chiến đấu của Đăm Săn không chỉ có mình chàng đơn độc mà nhận được sự ủng hộ hết mình của người dân. Và với sức mạnh của cộng đồng, cùng sự giúp đỡ của ông trời, Đăm Săn đã chiến thắng, đâm chết kẻ thù, mang lại vinh quang cho bản thân và buôn làng. Ông trời – đại diện cho thần linh – cũng đứng về phía chàng, tiếp cho chàng sức mạnh và sự tự tin trong cuộc chiến khó khăn ấy. Chính vì vậy, Đăm Săn hiện lên là người tù trưởng có liên kết với siêu nhiên, dũng cảm, tài năng và có sức mạnh phi thường. Đăm Săn chiến đấu không chỉ vì bản thân và hạnh phúc gia đình mà còn vì danh dự, bình yên của cộng đồng, thị tộc. Cho thấy chàng là người có ý chí và hi sinh vì người khác. Đó chính là phẩm chất đáng ngưỡng mộ của một vị tù trưởng anh minh.
Sau chiến thắng, Đăm Săn trở về với sự hân hoan, chào mừng của cả buôn làng. Trong quá trình trở về, chàng và dân làng đã có 3 cuộc đối đáp, là lời thuyết phục của chàng và lời chấp thuận đi theo của dân làng. Ba cuộc đối đáp ấy đều là lời đồng lòng “không đi sao được” và có sự tăng tiến dần lên. Kết cục, Đăm Săn trở thành vị tù trưởng giàu có, chiến đấu để thỏa lòng mong mỏi và khát vọng của cả cộng đồng, nhận được sự yêu mến, tin tưởng của dân làng về tài năng và phẩm chất của Đăm Săm. Họ đã quyết tâm một lòng đi theo vị anh hùng ấy và ăn mừng chiến thắng cùng nhau, hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
Đăm Săn hiện lên cuối đoạn trích với lời tung hô, ca ngợi của cả cộng đồng: “dũng tướng chắc chết mười mươi cũng không lùi bước”. Chàng giờ đây không hiện lên với hình ảnh một vị anh hùng nữa mà như một vị thần với đầy đủ vẻ đẹp của thiên nhiên, núi rừng. Qua nhân vật Đăm Săn, tác giả thể hiện cái nhìn ngưỡng vọng, sùng kính của nhân dân về người anh hùng của cộng đồng. Điều đó làm cho tính sử thi của tác phẩm càng được đẩy lên cao.
Kết bài
Với cách kể hấp dẫn, giọng điệu trang trọng cùng ngôn ngữ khoa trương, phóng đại và các biện pháp tu từ độc đáo, hình tượng nhân vật Đăm Săn được khắc họa chi tiết với nhiều phẩm chất đáng ngưỡng mộ. Phân tích nhân vật Đăm Săn, vẻ đẹp của người xưa cùng khát vọng bình yên, hạnh phúc hiện lên, giúp thế hệ chúng ta thấu hiểu và trân trọng hơn những vẻ đẹp văn hóa đáng quý ấy.
>>Xem thêm: Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”