Viết bài tập làm văn số 2 đề 1
Hãy kể về một kỉ niệm đáng nhớ của em đối với một con vật nuôi mà em yêu thích.
Gợi ý dàn ý:
- Mở bài:
– Đầu tiên, các bạn giới thiệu khái quát về con vật nuôi mà bạn yêu thích.
Ví dụ: mèo Mimi là người bạn thân thiết của tôi. Nó là giống mèo Ba Tư, là món quà bố tặng tôi vào dịp sinh nhật lần thứ 12.
- Thân bài:
– Tả về dáng vẻ của con vật nuôi đó. Các bạn có thể thả bao quát từ bên ngoài cho đến từng bộ phận. Các bạn cũng nhắc tới về những sở thích, thói quen sinh hoạt của con vật. Các bạn có thể miêu tả thêm về môi trường sống của nó.
Ví dụ như:
+ Mèo Mimi có bộ lông trắng mượt mà. Đôi mắt xanh màu ngọc bích lóng lánh. Mimi là cô mèo nàng điệu đà và dịu dàng. Dường như biết được vẻ kiêu sa của mình nên cô nàng rất biết giữ dáng. Mimi thường ăn uống một cách từ tốn chứ không vồ vập như mấy bạn mèo trước đây. Mimi có thói quen ăn trưa xong là ra ban công sưởi nắng và ngắm hoa. Vì nhà không có chuột nên Mimi thường tìm kiếm niềm vui qua những việc ngắm nghía bông hoa khoe sắc rực rỡ. Mỗi ngày cuối tuần, tôi thường cùng Mimi ra ban công ngồi đọc sách và ăn bánh.
– Các bạn cũng có thể nhắc về những kỷ niệm đáng nhớ vớ vật nuôi.
Ví dụ: Tôi nhớ mãi lần Mimi tham gia cuộc thi “Đẳng cấp thú cưng” do hội Những người yêu mèo tổ chức. Hôm đó, khi Mimi xuất hiện trên sân khấu, khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng vì tự hào và hạnh phúc. Bởi Mimi rất tự tin. Cô nàng bước đi trên sàn diễn rất chuyên nghiệp và đỏm dáng. Những khán giả hôm đó xem cũng phải trầm trồ….
- Kết bài:
Ở phần kết bài, các bạn thường phát biểu cảm nghĩ với vật nuôi.
Ví dụ: Đến nay, Mimi đã gắn bó với gia đình tôi gần hai năm. Với tôi, Mimi là một người bạn vô cùng thân thiết. Hè này, tôi dự định sẽ đưa Mimi đi du lịch để thưởng cho cô nàng vì đã xuất sắc rinh giải Nhất cuộc thi đó.
Dàn ý viết bài tập làm văn đề số 2
Kể về một lần em mắc khuyết điểm khiến thầy, cô giáo buồn.
Gợi ý dàn bài
- Mở bài:
– Ở phần này, các bạn giới thiệu qua về vấn đề cần viết.
Ví dụ: Trong cuộc sống, ai cũng có lúc phạm lỗi và mắc khuyết điểm, nhất là lứa tuổi học trò. Tôi cũng vậy! Tôi đã từng mắc lỗi khiến thầy, cô giáo phiền lòng.
- Thân bài:
– Ở thân bài, các bạn kể lại hoàn cảnh, thời gian xảy ra sự việc mắc lỗi của mình. Các bạn nhắc lại nguyên nhân vì sao mình mắc lỗi. Hậu quả bạn đã nhận được do lỗi lầm đó. Cùng với cảm xúc, suy nghĩ của bản thân.
Ví dụ: Chuyện xảy ra vào hồi đầu năm tôi học lớp 7. Đó là buổi sáng thứ 7, lớp tôi có học tiết tăng cường. Vì đây là tiết học phụ nên tôi đã nói dối cô là thầy Truyền thông gọi tôi đi tập văn nghệ. Thế là tôi đã trốn lên phòng nhảy và ở đó ngủ nướng. Đến tầm giờ ăn trưa, bỗng chuông điện thoại réo rắt liên tục. Tôi giật mình tỉnh giấc và nghe điện thoại thì có tiếng cô giáo ở bên kia đầu dây. Cô lo lắng hỏi tôi đang ở đâu? Sao không về ăn cơm trưa cùng lớp. Lúc đó tôi mới choàng tỉnh. Tôi vội vàng xuống lớp thì bắt gặp ngay ánh mắt buồn bã của cô. Đợi tôi ăn xong, cô đã hẹn tôi ra Cầu thang vàng để nói chuyện. Thầy Truyền thông bảo hôm nay không tập văn nghệ. Cô đã rất lo lắng khi không gọi được cho tôi. Và cô rát thất vọng vì cư xử của tôi. Cô không phạt tôi nhưng cô nhắc nhở, nêu lần sau có mệt thì hãy xin phép cô trung thực. Nói dối như vậy không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn liên lụy đến người khác… Nghe cô nói xong, tôi cảm thấy vô cùng hối hận và xấu hổ.
- Kết bài:
Ở phần kết bài, các bạn có thể rút ra bài học cho bản thân để không có sự việc tiếp theo xảy ra.
Ví dụ: Sau lần đó, tôi tự hứa sẽ không bao giờ tái phạm. Bởi cô đã luôn tin tưởng tôi. Tôi không muốn mất đi niềm tin ấy lần nào nữa.
Dàn ý viết tập làm văn số 2 đề 3
Kể về một việc em đã làm khiến bố mẹ rất vui lòng.
Gợi ý dàn bài
- Mở bài:
– Ở phần này, các bạn cũng giới thiệu qua về vấn đề cần viết
Ví dụ: Bạn đẫ bao giờ khiến bố mẹ vui lòng và tự hào chưa? Tôi thì đã có rồi đấy.
- Thân bài:
– Trong phần thân bài, các bạn nêu sự việc cụ thể mình đã làm khiến bố mẹ vui lòng. Các bạn kể lại hoàn cảnh sự việc đó xảy ra. Kết quả bạn nhận được ssau khi sự việc đó xảy ra như thế nào…
Ví dụ như: Tôi vốn khá sợ các môn thể dục thể thao. Thế nhưng trong trận đấu vừa rồi của lớp, tôi đã làm điều được bất ngờ. Hôm đó, là trận Chung kết. Tôi là cầu thủ dự bị. Hôm đó, bố mẹ tôi cũng tới theo dõi để cổ vũ. Tôi cùng bố mẹ ngồi ngoài sân cổ vũ các bạn. Thế rồi khi gần cuối Hiệp 2, một bạn lớp tôi bị chấn thương và phải ra sân. Lúc này, thầy giáo bảo tôi vào sân thay vị trí thủ môn. Vì đây là lần đầu tôi được chính thức nên tôi rất lo lắng. Tôi nhìn sang bố mẹ vẻ e ngại. Dường như hiểu đuộc điều đó trong mắt tôi, bố đã vỗ vai tôi động viên vầ trao niềm tin. Và rồi tôi đã ra sân. Tôi hít thở sâu, tập trung thi đấu hết mình. Và rồi trận đấu đó, lớp tôi đã giành chiến thắng. Chúng tôi vui mừng sung sướng. Và bố mẹ tôi vào sân ôm chầm lấy tôi. Bố xoa đầu tôi bảo: “hom nay con đã thi đấu rất tốt! Bố mẹ rất vui và tự hào về con”. Nghe bố nói vậy, tôi cảm thấy thật sung sướng. Thế là tôi đã chiến thắng chính mình. Nhờ sự thi đấu tập trung của tôi, lớp đã giành chiến thắng trận Chung kết. và hơn hết, là bố mẹ đã rất vui.
- Kết bài:
– Ở phần kết bài, các bạn nêu lại ý nghĩa của sự tự tin vào bản thân.
Ví dụ: sự tự tin vào bản thân không chỉ giúp mình khám phá thêm nhiều tiềm năng của chính mình, mà còn mang niềm vui tới mọi người xung quanh.
Dàn ý viết bài tập làm văn số 2 đề 4
Nếu là người được chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo trong truyện ngắn của Nam Cao thì em sẽ ghi lại câu chuyện đó như thế nào?
Gợi ý dàn bài
- Mở bài:
– Đầu tiên, các bạn cần mở bài bằng cách dẫn dắt tới việc làm sao bạn có thể chứng kiến chuyện lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo.
Ví dụ: Câu truyện lão Hạc học hồi sáng đã ám ảnh tôi. Để rồi tối hôm đó, tôi đã mơ và được đi vào câu chuyện ấy và được chứng kiến cảnh lão Hạc đang kể chuyện bán chó với ông giáo.
- Thân bài:
– Đầu tiên, các bạn nêu trình tự các sự việc chính xảy ra. Sau đó là nêu cảm xúc, suy nghĩ về lão Hạc cũng như khi trực tiếp thấy cảnh đó.
Ví dụ: Chuyện xảy ra trong mơ mà giờ với tôi vẫn như thật. Tôi nhớ, khi tôi xuất hiện, lão Hạc vừa gặp ông giáo. Lúc đó, lão liền nói “bán rồi”. Thế rồi, lão cười mà như mếu với đôi mắt ầng ậc nước. Và rồi, lão nức nở khóc hu hu như một đứa trẻ vừa bị mất đi thứ gì đó quý giá. Lão nông già với cái miệng móm mém méo xệch đi, trông thật thảm hại. Rồi lão nói trong sự ân hận dằn vặt, vì đã nhẫn tâm lừa một con chó. Nghe lão nói vậy, tôi cũng không kìm được nước mắt.
- Kết bài:
– Qua hoàn cảnh của lão Hạc, bạn nói lên suy nghĩ của mình về thân phận người nông dân trong xã hội cũ trước cách mạng tháng Tám.
Ví dụ: Học về tác phẩm Lão Hạc đã khiến tôi rất xúc động, nhưng khi được trực tiếp chứng kiến chuyện lão nói với ông giáo, tôi càng thấy cảm động hơn. Dường như người nông dân trong xã hội cũ, dù cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh nhưng nhân phẩm của họ lại rất thanh cao, lương thiện.