I. Đọc – hiểu văn bản

Câu 1. Mở đầu Thiên đô chiếu, Lý Công Uẩn viện dẫn sử sách Trung Quốc nói về việc các vua đời xưa bên Trung Quốc cũng từng có những cuộc dời đô. Sự viện dẫn đó nhằm mục đích gì?

Trả lời:

– Mở đầu Thiên đô chiếu, Lý Công Uẩn viện dẫn sử sách Trung Quốc. Nó nói về việc các vua đời xưa bên Trung Quốc cũng từng có những cuộc dời đô có mục đích là:

+ Thông báo, khẳng định việc dời đô đã từng có nhiều đời vua, nhiều đất nước từng thực hiện.

+ Nhấn mạnh vào lợi ích của việc dời đô. Đó là giúp đất nước mưa thuộc gió hòa, đời sống nhân dân. Con cháu đời sau luôn ấm no, phồn thịnh.

Câu 2: Theo Lý Công Uẩn, kinh đô cũ ở vùng núi Hoa Lư (Ninh Bình) của hai triều Đinh, Lê là không còn thích hợp, vì sao? (Xem lại chú thích (8) ở trên để hiểu lý do khiến hai triều Đinh, Lê vẫn phải dựa vào vùng núi Hoa Lư để đóng đô).

Trả lời:

– Theo Lý Công Uẩn, kinh đô cũ ở vùng núi Hoa Lư (Ninh Bình) của hai triều Đinh, Lê là không còn thích hợp, vì:

+ Nhà Đinh, Lê đã coi thường mệnh trời, không theo ý của nguyện của nhân dân. Vậy nên đất nước bị hao khí, triều đại sớm sụp đổ. 

– Trong thực tế, nhà Đinh và Lê lại chọn Hoa Lư làm kinh đô. Vì khi ấy đất nước còn yếu, quốc phòng chưa vững mạnh. Do đó nên phải dựa vào đồi núi để ẩn nấp quân địch.

Câu 3: Theo tác giả, địa thế thành Đại La có những thuận lợi gì để có thể chọn làm nơi đóng đô? (Chú ý vị trí địa lý, hình thế núi sông, sự thuận tiện trong giao lưu, phát triển về mọi mặt).

Trả lời:

– Theo tác giả, địa thế thành Đại La có những thuận lợi để có thể chọn làm nơi đóng đô là:

+ Là kinh đô cũ trước đây của Cao Vương.

+ Đại La tọa lạc ở trung tâm của đất trời, có thế rồng cuộn hổ ngồi, rất hợp phong thủy.

+ Vị trí lại bằng phẳng, đất đai khô ráo, khí hậu thoáng đãng, không sợ ngập lụt.

+ Nhiều loài sinh vật, cây tối trù phú, tươi tốt.

+ Là trung tâm giao lưu văn hóa thế giới

>> Đó là những lí do vì sao lựa chọn thành Đại La làm nơi đóng đô

Câu 4: Chứng minh Chiếu dời đô có sức thuyết phục lớn bởi có sự kết hợp giữa lí và tình.

(Gợi ý:

– Trình tự lí lẽ mà Lý Công Uẩn đưa ra để khẳng định việc cần thiết phải dời đô.

– Lời ban bố mệnh lệnh mà lại có những đoạn bày tỏ nỗi lòng, có những lời như đối thoại. Ngôn từ mang tính chất đối thoại, tâm tình ở hai câu cuối bài chiếu có tác dụng như thế nào?)

Trả lời:

Chiếu dời đô có sức thuyết phục lớn. Bởi có sự kết hợp giữa lí và tình là một nhận định đúng, vì:

+ Theo lí lẽ:

* Lý Công Uẩn đã dùng sử sách để khẳng định việc dời đô là hợp tự nhiên, đi theo ý trời.

* Đưa ra những lập luận rất xác đáng, thuyết phục về sự thuận lợi về địa hình, môi trường ở đất Đại La.

> Dẫn chứng: 

+ Đại La “ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước”.

=> Chính vì vậy nên Đại La xứng đáng “là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Sự “thắng thế” của thành Đại La so với kinh đô Hoa Lư là rất rõ ràng. Hơn nữa điều này lại được đánh giá bởi một vì vua anh minh, vì nước vì dân. Điều này càng làm cho nhân dân được khuyết phục. Bởi thế cũng dễ hiểu, dễ hình dung. Đến khi bài chiếu được ban bố, quần thần và toàn dân đã ủng hộ, nghe theo. Điều này giúp cho việc dời đô điễn ra nhanh chóng và rầm rộ ngay sau đó.

+ Lời ban bố mệnh lệnh mà lại có những đoạn bày tỏ nỗi lòng, có những lời như đối thoại. Ngôn từ mang tính chất đối thoại, tâm tình ở hai câu cuối bài chiếu có tác dụng là:

 “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”

* Tạo nên sự đồng cảm giữa triều đình và nhân dân. Triều đình và nhân dân phải đồng lòng, đồng sức thì việc dời đô mới có ý nghĩa, mới diễn ra suôn sẻ. 

* Tạo ra được tinh thần dân chủ, đất nước là của nhân nên việc rời đô cũng do dân quyết định. Không hề có chuyên quyền, không hề có sự ép buộc. Nếu “các khanh” không đồng lòng thì “trẫm” cũng sẽ không dời đô. Điều này tạo nên sự đoàn kết, dân chủ giữa vua – tôi. Đây là nghệ thuật dụng người, thu phục lòng người khéo léo của một vị vua anh minh.

* Làm tăng thêm sức thuyết phục cho bài chiếu. Nếu không có câu kết này, bài chiếu sẽ bị bỏ dở. Sau khi đã trình bày xong những luận điểm dời đô, cần có kết luận. Và kết luận chính là nằm ở nhân dân.

Câu 5*: Vì sao nói việc Chiếu dời đô ra đời phản ánh ý chí độc lập, tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt?

Trả lời:

– Nói việc Chiếu dời đô ra đời phản ánh ý chí độc lập, tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt vì:

– Thứ nhất, việc dời đô không chỉ có ý nghĩa là noi theo tấm gương của thế hệ trước. Đây còn là việc “tính kế muôn đời cho con cháu” ở sau này. Như vậy, quyết định dời đô thể hiện khát vọng mãnh liệt của vị vua anh minh. Khát vọng về một đất nước độc lập, thống nhất, phát triển giàu đẹp trong tương lai.

– Thứ hai, hai triều nhà Đinh, nhà Lê trước đó có thế và lực chưa đủ mạnh. Do vậy đã phải dựa vào vùng núi rừng Hoa Lư có thế hiểm trở. Đến triều Lí, nước ta dời đô từ nơi có núi non hiểm trở (thích hợp cho việc phòng thủ và chiến đấu) xuống vùng đồng bằng rộng lớn (khả năng phòng thủ thấp). Chính điều này đã chứng tỏ nước Nam ta có nội lực đã phát triển vững vàng. Từ đó mà triều đại mới mạnh mẽ. Cho nên dời đô cũng là biểu hiện lớn lao của một khát vọng tự lực, tự cường. Một khát vọng quyết tâm dựng nước đi liền với việc giữ nước. Đó là khát vọng hết sức cháy bỏng, mãnh liệt của dân tộc Đại Việt ta từ xưa tới nay.

II. Luyện tập

Câu hỏi: Chứng minh Chiếu dời đô có kết cấu chặt chẽ, lập luận giàu sức thuyết phục.

Trả lời:

– Khẳng định Chiếu dời đô có kết cấu chặt chẽ, lập luận giàu sức thuyết phục vì:

+ Ban đầu, Lý Công Uẩn sử dụng thông tin về các đời trước, nước khác: Xưa nhà Thương có vua Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân 

=> Khẳng định việc rời đô trước đây đã có nhiều nước, nhiều vua làm và nó là việc tự nhiên khi tuân theo ý trời, hợp với lòng dân.

+ Sau đó nêu ra những bất cập, điểm cần khắc phục khi nhà Đinh và Lê chọn Hoa Lư làm kinh đô:

theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời; triều đình không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi.

=> Lý Công Uẩn nhấn mạnh hai nhà Đinh và Lê chọn Hoa Lư làm kinh đô là không theo lệnh trời, ý dân nên sớm sụp đổ, nhân dân lầm than.

+ Nhấn mạnh, đưa ra những dẫn chứng, lý lẽ về lợi thế của đất Đại La:

kinh đô cũ của Cao Vương, ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi; địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng, nhân dân không phải chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật phong phú tốt tươi.

=> Lý Công Uẩn đã khôn khéo lồng vào bài chiếu những ưu điểm, thuận lợi của đất Đại La. Đó là ưu điểm đối với quốc phòng, an ninh, di chuyển, đất đai, hợp phong thủy,… 

+ Đưa ra những câu giao tiếp tự nhiên với nhân dân: Các khanh nghĩ thế nào?

=> Tác giả làm vậy để khẳng định việc rời đô là do nhân dân nước ta cùng nhau đồng lòng quyết định

=> tạo nên sự tin tưởng và thuyết phục.

=> Có thể nói, Lý Công Uẩn viết bài chiếu này như xây một bức thành kiên cố, không lối thoát, vô cùng chặt chẽ. Từ bước nêu dẫn chứng các nước khác đến nêu bất lợi khi ở Hoa Lưu. Nhấn mạnh sự thuận lợi khi rời đô về Đại La, đều làm nhân dân phải bị thuyết phục. Bài chiếu trang trọng như một đoạn hội chân tình giữa vua và dân. Làm cho nhân dân nghe hiểu, đồng cảm và đồng ý.