Phân tích Những ngôi sao xa xôi cụ thể
Mở bài
Văn học Cách mạng luôn chiếm một vai trò quan trọng không chỉ với nền văn học nước nhà mà còn có ý nghĩa lớn với văn hóa, lịch sử. Văn học kháng chiến chống Mỹ luôn là những bông hoa đẹp, nở mãi trong dòng chảy văn học Việt Nam. Những cô gái thanh niên xung phong, dưới ngòi bút đầy yêu thương của các tác giả, hiện lên vô cùng trong trẻo, đầy nữ tính nhưng cũng rất quả cảm, gan dạ. Trong đó, “Những ngôi sao xa xôi” được đánh giá là tác phẩm nổi bật nhất viết về những con người nhỏ bé ấy. Phân tích Những ngôi sao xa xôi, ta sẽ không chỉ thấy được hiện thực chiến tranh ác liệt mà còn cảm nhận được vẻ đẹp của con người trong hoàn cảnh khốc liệt, đau thương.
Thân bài
- Luận điểm 1: Khái quát tác giả, tác phẩm
Lê Minh Khuê sinh năm 1949, quê huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Bà tham gia kháng chiến chống Mỹ và là một thanh niên xung phong nổi bật. Khoảng thời gian những năm 1970, bà bắt đầu sáng tác và cho ra đời nhiều tác phẩm đặc sắc. Bà sống, chiến đấu trong chiến trường Trường Sơn ác liệt như biết bao người chiến sĩ khác.
“Những ngôi sao xa xôi” là tác phẩm nổi bật nhất của Lê Minh Khuê, được sáng tác vào năm 1971. Đây là thời điểm cuộc chiến đấu của dân tộc đang diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt. Tác phẩm đã khắc họa lên hình tượng những cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Họ đẹp và nổi bật lên giữa khói lửa với tinh thần dũng cảm, lạc quan yêu đời, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đặc biệt là không sợ hi sinh khi chiến đấu. Họ là những con người tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trong thời kì kháng chiến chống Mỹ vô cùng oanh liệt của dân tộc.
- Luận điểm 2: Hoàn cảnh sống và chiến đấu
Trước hết, Lê Minh Khuê đã gợi ra ấn tượng cho người đọc về hoàn cảnh sống và chiến đấu đặc biệt của các nhân vật. Ba nhân vật trong truyện là ba cô gái Thao, Phương Định và Nho. Công việc của họ là làm ở tổ trinh sát mặt đường. Họ sống và làm việc trên một cao điểm giữa vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung bom đạn nguy hiểm. Chính vì vậy, công việc hàng ngày vừa khó khăn, vừa có thể đối mặt với tử thần bất cứ lúc nào.
“Đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay ầm ĩ xa dần. Thần kinh căng như dây chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ có thể bây giờ, có thể chốc nữa… Rồi khi xong việc, quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang”. Đó là việc nguy hiểm phải chạy trên cao điểm cả ngày, phơi mình giữa vùng trọng điểm bắn phá của máy bay địch. Ngoài ra sau mỗi trận bom, họ còn phải đo khối lượng đất đá, đánh dấu bom chưa nổ, phá bom để tiếp tục công việc vào những ngày tiếp theo. Dưới ngòi bút của Lê Minh Khuê, công việc và hoàn cảnh sống của ba cô gái nhỏ bé ấy vô cùng hiểm nguy, trắc trở. Để có thể tồn tại và chiến đấu, đòi hỏi ở họ sự gan dạ, bình tĩnh, quả cảm.
- Luận điểm 3: Nét đẹp của ba cô gái
Miêu tả chiến trường Trường Sơn gian khổ, Lê Minh Khuê không nhằm kể khổ, than vãn mà ngược lại, chính cái gian nan, hiểm nguy ấy đã làm nổi bật lên vẻ đẹp của các cô gái. Họ đều là những cô gái thanh niên xung phong còn trẻ, phải xa nhà, xa mái trường để lên đường đi chiến đấu vì miền Nam ruột thịt. Sự quả quyết của họ cho thấy một lớp người trẻ dũng cảm, dám hi sinh cái ích kỉ của bản thân để sống và chiến đấu cho lí tưởng chung của dân tộc.
Ba cô gái nhỏ bé ấy đều hiện lên với những nét đẹp giống nhau. Họ có một phẩm chất cao đẹp, đó là tinh thần trách nhiệm cao với công việc, dám xông pha, không sợ cái chết. Đối mặt với thử thách, họ vô cùng dũng cảm, gan dạ, luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ba cô gái ấy dám đối mặt với cái chết mà không nao núng dù nhiều lần họ bị bom vùi và làm bị thương, thậm chí đã có người hi sinh khi làm nhiệm vụ.
Không chỉ thế, họ còn dành rất nhiều tình cảm cho nhau. Ở họ, tinh thần đồng đội được miêu tả rất rõ ràng. Họ luôn gắn bó, thân thiết, được Lê Minh Khuê đặc tả ở tính tình và sự quan tâm chăm sóc chu đáo khi đồng đội bị thương do bom đạn. Qua những nhân vật ấy, tác giả đã khắc họa lên vẻ đẹp tâm hồn của ba cô gái thanh niên xung phong. Đó là những cô gái trẻ mơ mộng, dễ vui, dễ buồn nhưng cũng rất sâu lắng. Khói lửa chiến tranh không làm lu mờ đi nét nữ tính ở họ. Dù ở giữa chiến trường khói lửa, họ vẫn rất thích làm đẹp cho mình và cho cuộc sống. Ngoài ra, các cô gái nhỏ bé ấy còn vô cùng bình tĩnh, chủ động, lạc quan. Họ luôn nghĩ về tương lai sau này, khi đất nước hòa bình và bản thân sẽ tiếp tục theo đuổi những ước mơ riêng vẫn đau đáu trong tận sâu trái tim.
Ngoài ra, Lê Minh Khuê còn khắc họa lên từng nhân vật với những vẻ đẹp rất riêng. Nho là cô em út, tính nết trẻ con, ngây thơ và lạc quan vô cùng. Cô bé có dáng người nhỏ bé, thích ăn kẹo, tính cách nhẹ nhàng nhưng khi đối mặt với hiểm nguy cũng bản lĩnh, cứng cỏi, không sợ bất cứ điều gì. Chị Thao, người chị cả, ngược lại lại có những vẻ trái ngược trong chính con người mình. Chị thích hát bài hát do Phương Định bịa ra nhưng lại không hát trôi chảy bài nào, chỉ nghêu ngao với một niềm vui nhỏ bé. Chị vừa dũng cảm táo bạo nhưng ngược lại lại sợ máu, sợ vắt. Ở chị có sự nhút nhát mềm yếu của cô gái và cũng có những nét bản lĩnh riêng.
Phương Định là nhân vật được Lê Minh Khuê miêu tả kĩ càng nhất. Cô là cô gái Hà Nội vào chiến trường 3 năm. Phương Định rất hay hoài niệm về quê hương, mẹ, mái trường, mang những nỗi nhớ thường trực trong tim… Đây là một cô gái hồn nhiên mơ mộng với nhiều nét tính cách thể hiện rất rõ ràng: thích hát, thuộc nhiều bài hát, say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như chưa hề nghe thấy tiếng bom đạn nổ. Cô hiện lên với vẻ đẹp trong sáng hồn nhiên, đáng yêu của cô gái tuổi đôi mươi nhiều ước vọng về cuộc đời.
Phương Định còn là cô gái rất chu đáo, săn sóc, thể hiện ở cách cô chăm sóc chu đáo cho đồng đội cả ngày thường lẫn khi đồng đội bị thương. Cô còn là cô gái nhạy cảm, duyên dáng. Thế nhưng nhân vật này lại không biểu lộ tình cảm, tỏ ra kín đáo trước đám đông. Tiếp xúc với cô, người ta tưởng như kiêu kì nhưng bản thân cô lại tạo nên một sức hút tự nhiên, khiến mọi người đều yêu mến và chú ý. Qua ngòi bút của Lê Minh Khuê, Phương Định hiện lên rất đẹp, tượng trưng cho phẩm chất anh hùng của người Việt, đó là tinh thần trách nhiệm với công việc, gan dạ tự tin, thận trọng khi làm nhiệm vụ, đồng thời cũng luôn giữ trái tim yêu thương con người và yêu thương cuộc đời.
Kết bài
Bằng phương thức trần thuật thứ nhất, ngôn ngữ linh hoạt, giọng điệu nhịp nhàng theo từng mạch truyện cùng nghệ thuật miêu tả tâm lý và tính cách đa dạng, tài tình, Lê Minh Khuê đã tạo nên một “Ngôi sao xa xôi” thành công và có ý nghĩa lớn đến tận thế hệ sau. Đọc “Những ngôi sao xa xôi”, hiện thực chiến tranh ác liệt như hiện ra trước mắt ta, mà ở đó, con người nổi bật lên khỏi khói đạn với vẻ đẹp của phẩm chất gan dạ, trái tim giàu yêu thương và niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Khép lại trang sách, những vần thơ về các cô thanh niên xung phong nhỏ bé ấy như vẫn còn ám ảnh mãi trong lòng người đọc:
“Đất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh…”
>> Tham khảo thêm: Phân tích bài Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê chuẩn văn mẫu