Kiểm tra tổng hợp cuối học kì 1

I. Những nội dung cơ bản cần chú ý

1. Phần đọc hiểu văn bản

a) Nội dung đọc – hiểu trong Ngữ văn 9, tập một tập trung vào bốn phần lớn sau đây:

– Truyện trung đại:

+ Gồm truyện văn xuôi: Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ); Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)

– Truyện văn vần (Truyện thơ Nôm) như Truyện Kiều (Nguyễn Du); Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)

– Truyện hiện đại:

+ Gồm một số tác phầm văn xuôi tiêu biểu như Làng (Kim Lân), Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)

+ Hai tác phẩm truyện văn xuôi nước ngoài: Cố Hương (Lỗ Tấn), Những đứa trẻ (Thời thơ ấu – M. Go-rơ-ki)

+ Thơ hiện đại sau 1945: Đồng chí (Chính Hữu), Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), Bếp lửa (Bằng Việt), Khúc hát ru những em bé lớn trên trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm), Ánh trăng (Nguyễn Duy), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)

– Văn bản nhật dụng: tập trung vào các chủ đề lớn như: vấn đề chiến tranh và hòa bình, vấn đề hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vấn đề quyền sống của con người,…

b) Khi ôn tập để chuẩn bị cho bài kiểm tra tổng hợp cuối học kì I, học sinh cần chú ý nắm được một số yêu cầu về nội dung và hình thức cơ bản sau đây:

– Tác giả tác phẩm

– Hoàn cảnh ra đời

– Nội dung và các nhân vật trong tác phẩm

– Nội dung chính mà tác phẩm muốn truyền tải và làm nổi bật

– Tác phẩm ca ngợi hay phê phán điều gì

– Phương thức biểu đạt chính của tác phẩm là gì

– Các yếu tố nghệ thuật nổi bật nào đã giúp tác giả thê hiện thành công nội dung tư tưởng của tác phẩm.

2. Phần tiếng Việt

a) Cung cấp kiến thức chưa được học ở lớp dưới như: các phương châm hội thoại, cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp, thuật ngữ, sự phát triển của từ vựng, trau dồi vốn từ,…

– Nắm bắt những kiến thức bổ sung mới cũng như ôn lại toàn bộ kiến thức về từ vựng đã được học ở các năm học trước như: từ và cấu tạo từ, nghĩa của từ, từ mượn, một số phép tu từ từ vựng,…

b) Yêu cầu cần đạt về kiến thức và kĩ năng tiếng Việt trong bài kiểm tra tổng hợp

– Nhận diện được các đơn vị tiếng Việt trong văn bản;

– Nêu được vai trò và tác dụng của các đơn vị tiếng Việt đó;

– Biết vận dụng các đơn vị này trong thực hành nói và viết;

3. Phần tập làm văn

a) Tập trung vào hai nội dung lớn:

– Tiếp tục học về văn bản thuyết minh với yêu cầu kết hợp phương thức biểu đạt này với với các phương thức biểu đạt khác như: thuyết minh kết hợp với một số biên pháp nghệ thuật. thuyết minh kết hợp miêu tả.

– Tiếp tục học về văn bản tự sư với các nội dung phát triển hơn các lớp dưới: tự sự kết hợp miêu tả nội tâm; kết hợp tự sự với nghị luận; về đối thoại và độc thoại trong văn bản tự sự, về người kể chuyện trong văn bản tự sự,…

– Ngoài ra còn có nội dung tóm tắt văn bản tự sựtập làm thơ tám chữ

b) Mục đích Tập Làm văn giúp học sinh viết được kiểu  văn bản nào đó.

II. Cách ôn tập và hướng kiểm tra đánh giá

1. Các kiến thức đọc – hiểu văn bản, tiếng Việt, tập làm văn đều dựa cùng vào một hệ thống văn bản chung để khai thác và hình thành. Khi ôn tập cần liên hệ và gắn các kiến thức của mỗi phần với các văn bản chung có trong sách giáo khoa.

2. Bài kiếm tra áp dụng một phần hình thức thi trắc nghiệm kết hợp với tự luận.

3. Cấu trúc bài kiểm tra gồm hai phần: Trắc nghiệm (30-40%) và tự luận (60-70%)

4. Theo tinh thần trên, việc kiểm tra, đánh giá tập trung vào hai phương diện:

– Đánh giá những kiến thức của học sinh về các vấn đề mở rộng, nâng cao ở hai kiểu văn bản thuyết minh và tự sự.

– Đánh giá khả năng tạo lập văn bản theo các kiểu văn bản được học với những nội dung nâng cao đã nói ở trên

5. Đề tham khảo – Kiểm tra tổng hợp cuối học kì 1 trang 224 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I – MÔN NGỮ VĂN LỚP 9

Phần I: Trắc nghiệm – Kiểm tra tổng hợp cuối học kì 1 trang 225 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1

Đọc kĩ đoạn trích sau và trả lời câu hỏi bằng cách chỉ khoanh tròn một chữ cái ở đầu câu trả lời đúng.

Ông Hai đi mãi đến sẩm tối mới về. Cái mặt buồn thỉu mỗi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy… Vừa đến ngõ, ông lão đã lên tiếng:

– Chúng mày đâu rồi, ra thầy chia quà cho nào.

Lũ trẻ ở trong nhà ùa ra, ông lão rút vội cái gói bọc lá chuối khô cho con bé lớn:

– Bánh rán đường đây, chia cho em mỗi đứa một cái.

Dứt lời ông lão lại lật đật đi thẳng sang gian bên bác Thứ.

Chưa đến bực cửa, ông lão đã bô bô:

– Bác Thứ đâu rồi? Bác Thứ làm gì đấy? Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính, ông ấy cho biết… cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả.

Bác Thứ chưa nghe thủng câu chuyện ra sao, ông lão đã lại lật đật bỏ lên nhà trên.

– Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ. Đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng em vừa lên cải chính… cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà. Ra láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả!

Cũng chỉ được bằng ấy câu, ông lão lại lật đật bỏ đi nơi khác. Còn phải để cho người khác biết chứ. Ông lão cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người. Ai ai cũng mừng cho ông lão.

(Ngữ văn 9, tập một)

1. Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào?

A – Làng

B – Chiếc lược ngà

C – Lặng lẽ Sa Pa

D – Cố hương

Đáp án: A – Làng

2. Nội dung chính tác giả muốn làm nổi bật qua đoạn trích trên là gì?

A – Cảnh ông hai chia quà cho các con.

B – Việc ông Hai khoe bác Thứ chuyện nhà mình bị đốt.

C – Việc ông Hai khoe với ông chủ nhà tin mới biết về làng Chợ Dầu.

D – Niềm vui của ông Hai khi biết tin làng mình không phải là Việt gian.

Đáp án: D – Niềm vui của ông Hai khi biết tin làng mình không phải là Việt gian.

3. Chi tiết nào thể hiện rõ nhất tâm trạng vui sướng của ông Hai?

A – “Vừa đến ngõ, ông lão đã lên tiếng”

B – “Ông Hai đi mãi đến sẩm tối mới về”.

C – “Ông lão cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người”.

D – “Dứt lời ông lão lại lật đật đi thẳng bên gian bác Thứ”.

Đáp án: C – “Ông lão cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người”.

4. Người kể chuyện trong đoạn trích trên là ai?

A – Ông Hai

B – Bác Thứ

C – Ông chủ tịch

D – Người kể giấu mình

Đáp án: D – Người kể giấu mình

5. Tác giả để ông Hai nhắc lại câu “Toàn là sai sự mục đích cả.” nhằm mục đích gì?

A – Chế giễu, châm biếm nhân vật.

B – Khắc họa sinh động tính cách nhân vật.

C – Miêu tả tâm trạng vui sướng của nhân vật.

D – Thể hiện sự nhiệt tình của ông Hai đối với cuộc kháng chiến.

Đáp án: C – Miêu tả tâm trạng vui sướng của nhân vật.

6. Trong đoạn trích chỉ thấy ông Hai nói, không thấy người khác nói lại, hình thức đó đã giúp nhà văn thể hiện được điều gì?

A – Thể hiện được thái độ xa lánh của mọi người đối với ông Hai.

B – Thể hiện được thái độ tôn trọng của mọi người đối với ông Hai.

C – Thể hiện được trạng thái đau khổ của ông Hai.

D – Thể hiện được niềm vui sướng vô bờ của ông Hai.

Đáp án: D – Thể hiện được niềm vui sướng vô bờ của ông Hai.

7. Các lời thoại trong đoạn trích diễn ra dưới hình thức nào?

A – Đối thoại

B – Độc thoại nội tâm

C – Độc thoại dưới hình thức đối thoại

D – Không thuộc ba hình thức trên

Đáp án: C – Độc thoại dưới hình thức đối thoại

8. Câu: “Bác Thứ chưa nghe thủng câu chuyện ra sao,…” có nghĩa là gì?

A – Bác Thứ chưa nghe hết câu chuyện của ông Hai.

B – Bác Thứ nghe nhưng chưa hiểu hết câu chuyện của ông Hai.

C – Bác Thứ không nghe được câu chuyện của ông Hai.

D – Bác Thứ không hiểu được câu chuyện của ông Hai.

Đáp án: A – Bác Thứ chưa nghe hết câu chuyện của ông Hai.

9. Dòng nào dưới đây liệt kê đúng và đủ các từ ngữ xưng hô trong lời ông Hai nói với bác Thứ?

A – Bác Thứ, nó, tôi, bác (ạ), ông chủ tịch, ông ấy, chúng tôi

B – Nó, tôi, bác (ạ), ông chủ tịch, ông ấy, chúng tôi

C – Bác Thứ, nó , tôi, bác (ạ), ông ấy, chúng tôi

D – Nó, tôi, bác (ạ), ông ấy, chúng tôi

Đáp án: A – Bác Thứ, nó, tôi, bác (ạ), ông chủ tịch, ông ấy, chúng tôi

10. Dòng nào dưới đây liệt kê đúng và đủ các từ ngữ địa phương (phương ngữ) trong đoạn trích?

A – Thầy, bực cửa, (chẳng có gì) sất

B – Trầu, thầy, bực cửa, (chẳng có gì) sất

C – Trầu, thầy, bực cửa, sự mục đích, (chẳng có gì) sất

D – Bỏm bẻm, trầu, thầy, bực cửa, sự mục đích, (chẳng có gì) sất

Đáp án: D – Bỏm bẻm, trầu, thầy, bực cửa, sự mục đích, (chẳng có gì) sất

11. Trong lời ông Hai nói với bác thứ có những loại câu nào?

A – Chỉ có câu trần thuật

B – Có hai loại câu: trần thuật và nghi vấn

C – Có ba loại câu: trần thuật, nghi vấn và cảm thán

D – Có đủ bốn loại câu: trần thuật, nghi vấn, cảm thán và cầu khiến

Đáp án: D – Có đủ bốn loại câu: trần thuật, nghi vấn, cảm thán và cầu khiến

12. Các câu nghi vấn trong lời ông Hai nói với bác Thứ dùng để làm gì?

A – Cả hai câu đều dùng để hỏi.

B – Cả hai câu đều dùng để chào.

C – Câu đầu dùng để hỏi, câu sau dùng để chào.

D – Câu đầu dùng để gọi, câu sau dùng để chào.

Đáp án: C – Câu đầu dùng để hỏi, câu sau dùng để chào.

Phần II: Tự luận – Kiểm tra tổng hợp cuối học kì 1

Câu 1 (2 điểm):

Tóm tắt truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long (hoặc truyện Cố Hương của Lỗ Tấn) trong nửa trang giấy thi.

Bài tham khảo:

Một ngày mùa đông lạnh giá, sau hai mươi năm xa cách, nhân vật “tôi” trở về quê hương. Lần trở về này với ý định từ giã nó lần cuối, để đi đến miền đất khác.

Trở về sau nhiều năm nên mọi cảnh vật đều trở nên khác biệt, cảnh tượng ngày càng xơ xác, hiu quạnh. Tất cả mọi người trong gia đình đều đón tiếp nồng nhiệt. Gặp lại những người quen cũ sau nhiều năm, “tôi” nhận ra có những sự thay đổi lớn: Cậu bé Thuận Nhổ ngày ấy giờ đã trở thành người đàn ông với nước da vàng sạm, khuôn mặt nhiều nếp nhăn sâu hoắm. Giữa hai người anh em thân thiết trước kia giờ tồn tại một khoảng cách vô hình. Nhưng chính trong những ngày cuối trước khi rời xa quê hương ấy, nhân vật tôi và gia đình vẫn nhận được rất nhiều tình cảm, sự quan tâm đáng quý từ chính những người hàng xóm thâm thuộc.

Một buổi chiều, họ rời quê hương của mình, trong sự trăn trở, nhớ thương về quê hương. Những hình ảnh thân thuộc dần dần mờ đi, họ hi vọng vào một tương lai tươi sáng, cùng mong ngóng một ngày trở về “cố hương” để gặp lại những người bạn thuở hàn vi.

Câu 2 (5 điểm):

Chọn một trong hai đề sau:

– Viết bài thuyết minh giới thiệu những nét chính về tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.

– Kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân, trong đó có sử dụng các yếu tố nghị luận và miêu tả nội tâm.

Bài tham khảo:

Chọn đề số 2

a) Mở bài:

– Câu chuyện đáng nhớ của bản thân tôi đó là một lần đi du lịch cùng bố và những người bạn của ông.

– Bố đã đưa tôi và các bác, các chú đi thăm biển Sầm Sơn.

b) Thân bài:

– Tôi nhớ rõ, thời điểm đi thăm quan lúc ấy là mùa hè, sau một năm học vô cùng căng thẳng

– Chuyến đi là phần thưởng dành cho những kết quả học tập mà tôi đạt được

– Sóng biển vỗ nhiều đợt, nước biển trong xanh và mát rượi

– Tôi xuống tắm biển vào buổi chiều, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, khung cảnh lúc ấy thật tuyệt vời.

– Tôi đã chụp rất nhiều ảnh, đó cũng là những tấm ảnh đầu tiên của tôi và bố, vì bố không thích chụp nên hầu như sau này tôi và bố không có thêm tấm hình chụp chung nào nữa.

– Đến tận bây giờ tôi vẫn giữ những tấm hình quý giá ấy.

– Chuyến đi vô cùng thú vị và bổ ích đã tạo cho tôi rất nhiều động lực để chuẩn bị cho năm học mới. Bố đã hứa với tôi rằng, sẽ cố gắng làm việc thật tốt để đưa tôi đi nhiều nơi hơn.

c) Kết bài:

Kỉ niệm đáng nhớ với tôi, vì đây là chuyến đi đầu tiên của tôi cùng bố.

Ôn tập phần tiếng việt

Viết bài tập làm văn số 3 – Văn tự sự