Soạn Tinh thần thể dục (Nguyễn Công Hoan) trang 172 – 177, sách giáo khoa Ngữ Văn 11 tập 1
HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM
Câu 1 (Soạn Tinh thần thể dục (Nguyễn Công Hoan): Bố cục và cách dựng truyện của Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn trào phúng này có gì đặc biệt?
Trả lời:
+ Bố cục truyện ngắn “Tinh thần thể dục” là:
– Phần 1 (Từ đầu đến “Nay sức, Lê Thăng”): Giới thiệu lệnh của quan trên tới dân làng.
– Phần 2 (tiếp theo đến “Vâng”): Cảnh những người bị bắt đi xem bóng đá xin ông lý trưởng.
– Phần 3 (còn lại): Cảnh bắt người đi xem bóng đá.
+ Cách dựng truyện của Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn trào phúng đó là sự mâu thuẫn giữa quần chúng nhân dân với chính quyền khi đi xem đá bóng phải bắt cho đủ số người, ai ai cũng né tránh, lẩn trốn và bọn lý trưởng nhân cơ hội bòn rút của cải của dân chúng. Đây là cảnh tượng có một không hai của một xã hội thối nát.
Câu 2 (Soạn Tinh thần thể dục (Nguyễn Công Hoan): Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện? Trên cơ sở của mâu thuẫn cơ bản đó, mâu thuẫn trào phúng riêng từng cảnh là gì? Phân tích truyện để làm rõ mâu thuẫn cơ bản và những mâu thuẫn riêng đó.
Trả lời:
+ Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện?
– Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện Tinh thần thể dục là giữa chính quyền thực dân nửa phong kiến với người dân, khi bọn quan lại bắt nhân dân đi xem cổ vũ bóng đá thì người dân lại mong ở nhà thậm chí là trốn tránh.
+ Trên cơ sở của mâu thuẫn cơ bản đó, mâu thuẫn trào phúng riêng từng cảnh là gì?
Trên cơ sở của mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn trào phúng riêng từng cảnh đó là:
– Cảnh 1: Quan lại bắt người dân đi xem đá bóng trong khi đi xem đá bóng là hoạt động giải trí dựa trên tinh thần tự nguyện.
– Cảnh 2: Anh Mịch phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị nên van xin ông Lý miễn cho việc đi xem đá bóng nhưng không được chấp thuận.
– Cảnh 3: Chồng bị đau ốm nên bác Phô gái xin cho chồng không phải đi xem đá bóng nhưng ông Lý bảo ốm gần chết cũng phải đi.
– Cảnh 4: Bà Phó Bính dùng tiền đút lót ông Lý để thuê người đi thay, miệng thì nói nhưng tay đã đút tiền vào túi.
– Cảnh 5: Người dân thì chạy chọt, van xin trốn tránh để không phải đi xem đá bóng còn ông Lý cứ bắt người đi xem.
+ Phân tích truyện để làm rõ mâu thuẫn cơ bản và những mâu thuẫn riêng đó.
Mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn riêng được thể hiện rõ nét qua các lời thoại của các nhân vật qua ngòi bút châm biếm của Nguyễn Công Hoan.
Khi anh Mịch bày tỏ với ông Lý: “Lạy ông, ông làm phúc tha cho con, mai con phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị, kẻo ông ấy đánh chết”. “Cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy”, “nếu không vợ con con chết đói”, “ông thương phận nào con nhờ phận ấy”. Nhưng Lý trưởng vẫn tỉnh bơ khi đáp: “kệ mày”, “chết đói hay chết no tao đây không biết”, “tao thương chúng bay, nhưng ai thương tao”.
Còn bác Phô gái “dịu dàng đặt cành cau lên bàn”, “Lạy thầy nhà con thì chưa cắt cơn… lạy thầy quyền phép trong tay thầy, thầy tha cho nhà con đừng bắt nhà con đi xem bóng đá vội” để rồi nhận lại sự vô tâm, không một chút thương cảm của ông Lý: “Ốm gần chết cũng phải đi. Lệnh quan như thế. Ai cũng lấy cớ ốm yếu mà không đi thì người ta đá bóng cho chó xem à”.
“Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, bà cụ Phó Bính lấy tiền mua chuộc “thì lòng thành ông lý cứ nhận đi cho cháu” ông Lý “đục nước béo cò”, miệng nói nhưng tay đút 3 hào vào túi.
Tiếng cười nghiệt ngã còn được phát ra từ nhà thằng Cò ôm con trốn trong đống rơm “Tôi đi thì tôi mất cả ngày. Mai mà mất buổi làm thì tôi với cháu nhịn đói… mấy lị tôi không mượn đâu được quần áo”. Quả thực, tinh thần thể dục nhưng không khác nào đi tra tấn, tù đày của chế độ thực dân nửa phong kiến với người dân nghèo.
Câu 3 (Soạn Tinh thần thể dục (Nguyễn Công Hoan): Hãy nêu ý nghĩa phê phán của truyện “Tinh thần thể dục”.
Trả lời:
Truyện ngắn “Tinh thần thể dục” của Nguyễn Công Hoan qua việc nêu mâu thuẫn giữa việc phải đi cổ vũ bóng đá của quan trên và thái độ trốn tránh của nhân dân. Câu truyện là tiếng cười châm biếm chính quyền thực dân và bè lũ tay sai nhằm phê phán và lật tẩy âm mưu “sức khỏe nòi giống” phải “tinh thần thể thao” song đây là cách để chúng đánh lạc hướng quần chúng nhân dân không quan tâm đến tinh thần yêu nước của mình.