Phân tích tác phẩm hồn trương ba da hàng thịt – Lưu Quang Vũ vốn là nhà thơ, nhà viết kịch luôn muốn gia nhập, muốn hòa mình vào dòng chảy của đời sống. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hiện thực đời sống được các tác giả đưa vào văn học, và kịch của Lưu Quang Vũ cũng không ngoại lệ.
Bài phân tích chi tiết
Tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được viết năm 1981 và công diễn lần đầu tiên là năm 1984. Vở kịch được diễn trong và cả ngoài nước. Thông qua một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ dựng nên một vở kịch nói hiện đại, lồng ghép và gửi gắm những ý niệm, triết lí vầ nhân sinh, về hạnh phúc. Đồng thời, vở kịch cũng phản ánh những tiêu cực trong lối sống của xã hội lúc bấy giờ.
Trương Ba là một ông lão ở tuổi gần sáu mươi. Ông là người yêu cái đẹp, giỏi đánh cờ, thích trồng vườn. Nhưng vì một sự nhầm lẫn của Nam Tào khi gạch nhầm tên đã khiến Trương Ba phải chết oan. Và theo lời khuyên của Đế Thích, Nam Tào và Bắc Đẩu đã thực hiện “sửa sai” bằng việc cho hồn Trương Ba được sống, nhưng trong thân xác của một anh hàng thịt mới chết.
Phân tích tác phẩm hồn trương ba da hàng thịt là đi vào phân tích 3 cuộc đối thoại của hồn Trương Ba với gia đình, với Đế Thích và với xác anh hàng thịt, để hiểu rõ về Trương Ba hay những thông điệp nhân sinh của tác phẩm.
- Luận điểm 1: Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thị
Trương Ba sau khi sống lại trong thân xác anh hàng thịt, bản tính ngay thẳng xưa kia đã dần thay đổi. Vì phải sống nhờ vào người khác, Trương Ba phải chiều theo một số những nhu cầu của xác thịt người khác và dần bị điều khiển bởi xác thịt. Và đáng sơn hơn, những tầm thường của xác thịt anh đồ tể đã dần làm nhiễm độc linh hồn Trương Ba.
Ý thức được điều này, hồn Trương Ba ngày càng đau khổ, tuyệt vọng. Hồn Trương Ba khao khát được tách khỏi xác thịt, nhưng đó là điều không thể. Xác hàng thịt luôn tuyên bố về sức mạnh của mình và ranh mãnh nói lời đe dọa hòng muốn hồn Trương Ba thỏa hiệp với lí lẽ rằng cả hai “đã hoà vào nhau làm một rồi”. Nhưng hồn Trương Ba chỉ càng thêm khinh bỉ và bi kịch hơn là phải quay trở vào xác thịt trong nỗi tuyệt vọng.
Trong cuộc đối thoại, Trương Ba phủ nhận sức mạnh của thể xác rằng thể xác “không có tiếng nói, mày chỉ là xác thịt âm u, đui mù”, “không có tư tưởng, không có cảm xúc”. Hồn Trương Ba cũng cho rằng những nhu cầu của xác thịt thật thấp hèn. Nhưng với xác hàng thịt, thì mình “cái bình để chứa đựng linh hồn” và xác hàng thịt luôn tự hào rằng thể xác có vai trò thỏa mãn những nhu cầu mà linh hồn đặt ra.
Mặc dù giận dữ trước những lí lẽ ti tiện của xác anh hàng thịt, Trương Ba trở nên tuyệt vọng vì dần đuối lí trước những phản bác của xác hàng thịt. Tình huống này thúc đẩy những diễn biến tiếp theo của tác phẩm thông qua các màn đối thoại khác của Trương Ba.
Phân tích tác phẩm hồn trương ba da hàng thịt có thể thấy, ở đây, hồn Trương Ba đại diện cho sự trong sạch, sự nhân hậu, khát vọng sống thanh cao, ý nghĩa; còn da hàng thịt là biểu hiện cho những gì tầm thường, dung tục.
- Luận điểm 2: Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và những người thân
Cuộc đối thoại giữa Trương Ba và người thân trong gia đình thể hiện rõ nỗi dằn vặt, đau khổ của Trương Ba giữa nghịch cảnh phải sống trong thân xác người khác. Và thái độ của vợ Trương Ba, con dâu và đứa cháu trước sự biến đổi và tha hóa bất đắc dĩ của Trương Ba càng khiến ông khao khát được thoát khỏi xác anh hàng thịt.
Vợ Trương Ba dù buồn khổ, tủi hổ nhưng là người đàn bà vị tha, bà nghĩ mình sẽ nhường Trương Ba cho cô vợ anh đồ tể. Nhưng người con dâu vốn hiểu lí lẽ, sâu sắc và chín chắn nên hiểu và thương bố chồng phải chịu đựng nghịch cảnh. Chị biết rằng ông “khổ hơn xưa nhiều lắm”.
Nhưng vì sự thay đổi của Trương Ba, cửa nhà như sắp sửa tan hoang, chị không thể không đau, không thể kiềm chế được mà thốt ra những lời xót xa. “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nối có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…”.
Đau khổ hơn, cái Gái, cháu Trương Ba, đứa trẻ vốn luôn yêu thương ông nội nay phản ứng dữ dội đến mức một mực từ bỏ tình thân. Câu nói “tôi không phải là cháu ông… Ông nội tôi chết rồi” là một cú đánh chí mạng vào nỗi đau vốn đã rất khổ sở của Trương Ba. Cũng bởi ông nội từng là người thanh nhã, tinh tế đến thế nào nay bỗng dưng trở nên tầm thường, dung tục. Nó từng yêu ông bao nhiêu nay ghét vô cùng cái con người có “bàn tay giết lợn”, bàn chân “to bè như cái xẻng”.
Ông nội Trương Ba của nó cũng không bao giờ làm gãy chồi non, không giẫm lên đám cây mới ươm trong vườn. Với cái Gái, “Ông nội đời nào thô lỗ, phũ phàng như vậy”. Nên nó giận dữ, nó xua đuổi: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”.
Trong quá trình phân tích tác phẩm hồn trương ba da hàng thịt, không khó nhận ra rằngc hính phản ứng của cô cháu gái đã đưa tình huống kịch đến một bước ngoặt mới, đó là Trương Ba thoát khỏi xác anh hàng thịt và độc thoại. Màn độc thoại mang ý nghĩa quyết định khi Trương Ba châm hương gọi Đế Thích để nhờ giúp đỡ.
- Luận điểm 3: Cuộc đối thoại giữa Trương Ba với Đế Thích và quyết định mang triết lí nhân sinh của Trương Ba
Khi gặp lại Đế Thích, Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết chối từ cảnh phải sống trong xác thịt người khác mà không có sự hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác. Ông muốn được là mình toàn vẹn. “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
Câu nói của Trương Ba với Đế Thích cũng chính là thông điệp mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm qua tác phẩm. Rằng con người là một thể thống nhất, hồn với xác phải hài hòa với nhau. Một tâm hồn thanh cao không bao giờ sống trong một thể xác phàm tục đầy tội lỗi.
Ban đầu, trước những lời nói của Trương Ba, Đế Thích đã rất ngạc nhiên. Vì cho rằng thế giới vốn không toàn vẹn, dù trên trời hay dưới đất, Đế Thích đã khuyên Trương Ba chấp nhận hiện thực. Nhưng Trương Ba tiếp tục chỉ những sai lầm trong lối suy nghĩ của Đế Thích. “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết”.
Cuộc sống của con người vốn không đơn giản. Cái ý nghĩa của việc sống là được là chính mình mà không đạt được, thì sống là vô nghĩa. Và khi giúp đỡ ai phải giúp bằng cái tâm, thứ lòng tốt hời hợt sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp.
Đế Thích đề nghị sửa sai bằng giải pháp cho Trương Ba nhập vào xác cu Tị. Nhưng Trương Ba kiên quyết từ chối. Bởi ông không thể sống trong cảnh giả tạo. Ông kêu gọi Đế Thích hãy trả lại linh hồn cho cu Tị, đó mới là điều đúng đắn, đó mới là việc làm sửa sai. Với sự thẳng thắn, kiên quyết của Trương Ba, cuối cùng Đế Thích đã thuận theo đề nghị. Nhưng Đế Thích cũng không hiểu những suy nghĩ, lí lẽ của hồn Trương Ba nên đã đã nói: “Con người hạ giới các ông thật kì lạ”.
Màn đối thoại của Trương Ba và Đế Thích không chỉ gửi gắm thông điệp vừa gián tiếp vừa trực tiếp về hiện thực cuộc sống mà còn muốn nhấn mạnh cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo, trái lẽ phải của người lao động để bảo vệ quyền sống toàn vẹn, có nhân cách.
Kết luận
Cuối cùng, Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt và chấp nhận cái chết để linh hồn mình được trong sách và luôn tồn tại bên người thân yêu với những kỉ niệm đẹp. Phân tích tác phẩm hồn trương ba da hàng thịt có thể thấy, cuộc sống muôn đời vẫn vậy, quy luật sinh lão bệnh tử không thể đảo ngược và một cuộc đời ý nghĩa là được sống đúng bản chất, sống hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác.
>> Xem thêm: Phân tích nhân vật Phùng trong tác phẩm Chiếc Thuyền Ngoài Xa