Soạn Ông đồ trang 8-10, sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2

I – VĂN BẢN

ÔNG ĐỒ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

II – ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Câu 1 (Soạn Ông đồ trang 8-10): Phân tích hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ nho ngày Tết trong hai khổ thơ đầu và hình ảnh của chính ông ở khổ 3, 4. Hãy so sánh để làm rõ sự khác nhau giữa hai hình ảnh đó. Sự khác nhau này gợi cho người đọc cảm xúc gì về tình cảnh ông đồ?

Trả lời:

+ Hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ Nho ngày Tết trong hai khổ thơ đầu: Tết đến Xuân về trên phố đông người qua lại, ông đồ ngồi viết câu đối giống như người nghệ sĩ được mọi người thừa nhận, yêu quý, chen nhau xin chữ, khơi ngợi tài năng của cụ đồ.

+ Hình ảnh ông đồ ở khổ 3 và 4: Vẫn tết đến xuân về nhưng không gian vắng vẻ không người qua lại. Ông đồ vẫn ngồi đó viết câu đối nhưng mọi người thờ ơ, không ai quan tâm đến sự hiện diện của ông đồ.

+ So sánh hình ảnh ông đồ ở 2 đoạn trên cho thấy hình ảnh đáng thương của cụ đồ khi thú chơi chữ đang dần bị lãng quên dần thay vào đó là những trào lưu văn hóa phương Tây xâm nhập vào Việt Nam.

Câu 2 (Soạn Ông đồ trang 8-10): Tâm tư nhà thơ được thể hiện qua bài thơ như thế nào?

Trả lời:

Tâm tư của nhà thơ Vũ Đình Liên được thể hiện qua bài thơ “Ông đồ” khi diễn tả sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại, sự cảm thương ông đồ và giá trị văn hóa truyền thống; nhung nhớ, luyến tiếc cảnh cũ người xưa.

Câu 3 (Soạn Ông đồ trang 8-10): Bài thơ hay ở những điểm nào? (Gợi ý: cách dựng hai cảnh cùng miêu tả ông đồ ngồi viết thuê ngày Tết bên phố nhưng rất khác nhau gợi sự so sánh, những chi tiết miêu tả đầy gợi cảm; sử dụng thể thơ năm chữ và ngôn ngữ giản dị mà cô đọng, nhiều dư vị…) Trả lời:

+ Cách dựng hai cảnh cùng miêu tả ông đồ ngồi viết thuê ngày Tết bên phố nhưng rất khác nhau. Cảnh đầu tiên là tấp nập đông vui với những nét chữ như phượng múa rồng bay, khen ngợi tài thì cảnh thứ hai là buồn bã hiu hắt, giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu, ông đồ vẫn ngồi đó mà qua đường không ai hay.

+ Tác giả kết thúc bài thơ theo kết cấu “đầu cuối tương ứng” nhưng ông đồ ở cuối bài thơ cứ nhạt nhòa, lui dần vào dĩ vãng, lùi bước cho văn hóa phương Tây du nhập.

+ Thể thơ năm chữ truyền thống, ngôn ngữ giản dị, cô đọng, để lại nhiều dư vị cho người đọc.

Câu 4 (Soạn Ông đồ trang 8-10): Phân tích để làm rõ cái hay của đoạn thơ sau:

“Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu”

“Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay”

Theo em những câu thơ trên tả cảnh hay tả tình?

Trả lời:

+ Những câu thơ trên tả cảnh nhưng ngụ tình. Tác giả đã nhân hóa “giấy đỏ” “mực” những vật tưởng chừng vô tri vô giác nhưng vẫn mang cảm xúc buồn sầu như con người- dường như những vật đó thấu hiểu được tâm trạng của ông đồ.

+ “Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài giời mưa bụi bay” lá vàng rơi cho thấy sự tàn tạ, lỗi thời gợi nên sự cô đơn lạnh lẽo giữa trời mưa bụi bay. Dường như đất trời cũng cảm thông, thấu hiểu được cảnh ngộ mà ông đồ đang phải trải qua.