Bài văn mẫu
Là cây bút viết truyện ngắn chuyên nghiệp, Kim Lân đã bỏ túi cho mình nhiều tác phẩm hay có thể kể đến như: Nên vợ nên chồng (1955), Làng (1948), Con chó xấu xí (1962). Ông được xem là nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với những gì thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn, tiêu biểu cho phong cách giản dị, mộc mạc này của Kim Lân là truyện ngắn Vợ nhặt. Vợ Nhặt ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang rơi vào nạn đói năm 1945, đến năm 1962 thì được cho ra mắt bạn đọc, in trong tập Con chó xấu xí. Hãy cùng phân tích Vợ nhặt để có thể thấy được tình cảnh của người nông dân Việt Nam sau chủ trương tàn bạo “nhổ lúa trồng đay” của phát xít Nhật và những đức tính tốt đẹp của họ dù đang ở ngay bên cạnh cái chết.
Sống trong thời hòa bình, ấm no có lẽ chúng ta ít hình dung được cái gọi là “nạn đói” sẽ như thế nào, để rồi khi đọc những dòng chữ của Kim Lân phải thốt lên rằng thật tàn khốc, ông viết “Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.” Xóm ngụ cư hiện lên tiêu điều và u ám, nạn đói đã làm cho đời sống nhân dân nơi đây trở nên thê thảm tột cùng. Xuất phát từ hoàn cảnh này chúng ta có nhan đề “Vợ nhặt”.
- Luận điểm 1: Ý nghĩa nhan đề
Vợ nhặt có nghĩa là nhặt được vợ chứ không phải lấy vợ, ý chỉ vợ cũng chỉ như một món đồ không hơn không kém có thể nhặt đâu đó ngoài đường, ngoài xá, qua đây thể hiện sự rẻ rúng của thân phận con người trong nạn đói, trong cảnh lầm than của đất nước, dân tộc.
- Luận điểm 2: Tình huống truyện
Kim Lân đã xây dựng nên một tình huyến truyện độc đáo, trong đó có nhân vật tên Tràng, một người dân ngụ cư xấu xí bần hàn bỗng dưng có được vợ qua cách “nhặt”, theo về không. Sự việc này thật sự bất ngờ với chính bản thân Tràng, với mẹ anh là bà cụ Tứ và với những người dân xung quanh. Hoàn cảnh gia đình, xã hội lúc bây giờ không cho phép Tràng lấy được vợ nhưng lại có người theo anh về không, cả hai người đều cùng cực, khó có thể trở thành chỗ dựa cho nhau vì vậy bên cạnh độc đáo, bất ngờ, đây là một tình huống hết sức éo le.
- Luận điểm 3: Nhân vật Tràng
Tràng là dân ngụ cư nên thường bị người đời nhìn vào khinh bỉ, vả lại anh mồ côi cha, chỉ có một người mẹ già bên cạnh, cuộc sống của hai mẹ con cũng vô cùng bấp bênh. Tràng hiện lên trước mắt người đọc là một anh chàng xấu xí, thô kệch “hai con mắt nhỏ tí”, “hai bên quai hàm bạnh ra”, “thân hình to lớn, vập vạp”, là người ngờ nghệch, vụng về. Ở Tràng chẳng có gì đáng chú ý thế nhưng Kim Lân đã mở ra một góc nhìn khác về Tràng, để người ta thấy rằng anh thật đặc biệt. Gặp cô gái kia lần đầu tiên, Tràng cất tiếng hò như một lời đùa vui bình thường của người lao động chứ chẳng có tình ý gì.
Ở lần gặp thứ hai, sau khi bị cô gái mắng anh chỉ toét miệng cười rồi hào phóng mời cô ta ăn bánh đúc dù bản thân chẳng hơn gì thân phận trôi nổi đầu đường xó chợ của cô, dù nghèo đến hạt cơm không có ăn. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để ta thấy rằng anh Tràng này là người hiền lành tốt bụng. Khi nghe thị quyết định theo mình về thật chứ chẳng phải đùa, ban đầu Tràng chợn nghĩ về việc đèo bòng thêm miệng ăn nhưng rồi anh tặc lưỡi “chậc, kệ”.
Hẳn đọc đến đây ta sẽ cho rằng Tràng bồng bột thế nhưng chậm rãi xem xét kỹ thì đây là một hành động dũng cảm, trong đó có sự khao khát hạnh phúc và cả tấm lòng biết yêu thương người có cùng cảnh ngộ. Dù chẳng cưới xin, lễ nghi tử tế thế nhưng Tràng rất ra dáng một người chồng, biết thị theo về anh liền đưa cô lên chợ tỉnh bỏ tiền ra mua đồ cho cô rồi cùng ăn một bữa thật no nê, điều này đã diễn tả được sự nghiêm túc của Tràng trước quyết định “lấy” vợ. Trên đường cùng cô “vợ nhặt” về nhà, tâm trạng của Tràng khác hẳn mọi khi, vẻ mặt “có cái gì hớn hở khác thường”, “tủm tỉm cười một mình”, “cảm thấy vênh vênh tự đắc”, Tràng thật sự đang trải qua cảm giác hạnh phúc và hãnh diện, cái cảm giác mà giữa cuộc sống đói khổ khó khi nào có được.
Anh còn là một người con biết lễ nghĩa thông qua cách thưa chuyện với mẹ mình là bà cụ Tứ về việc có thêm một người phụ nữ trong gia đình. Sáng hôm sau ngày bỗng nhiên có được vợ, Tràng nhận ra vai trò và vị trí quan trọng của người đàn bà trong gia đình đồng thời anh cũng thấy mình trưởng thành hơn, trong lúc ăn cơm trong suy nghĩ của con người giản đơn ấy có hình ảnh lá cờ bay phấp phới, đó là sự hy vọng khởi đầu cho một con đường mới, một tương lai tươi sáng hơn. Theo diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng, ta thấy rằng từ khi nhặt được vợ, suy nghĩ của anh đã có những biến đổi theo chiều hướng tốt điệp và qua sự “chuyển mình này”, Kim Lân muốn ca ngợi vẻ đẹp của con người trong cái đói, cái gian khổ.
- Luận điểm 4: Nhân vật người vợ nhặt
Cô là một người không có quê hương gia đình, thất thân thất thểu nơi đầu đường xó chợ, ngay cả tên cũng không có mà chỉ được gọi qua cái từ chẳng rõ ràng là “thị” và “vợ nhặt”. Cô là hình ảnh đại diện cho những con người đói khổ bị dứt ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn vào nạn đói năm 1945. Tuy quần áo tả tơi như tổ đỉa, thân hình thì gầy sọp, khuôn mặt xám xịt nhưng thị vẫn có sự hồn nhiên, xởi lởi của người lao động nghèo, biểu hiện qua việc khi nghe câu hò vui của Tràng, thị đã vui vẻ giúp đỡ.
Ở lần thứ hai gặp Tràng, thị đã sưng sỉa mắng anh, từ chối ăn trầu để được ăn một thứ gì đó “ấm bụng” hơn, đến khi được mời ăn thì mắt sáng lên, vội vàng sà xuống ăn một mạch bốn bát bánh đúc. Đỉnh điểm là khi nghe Tràng đùa vui thị đã quyết định theo anh về thật bởi thị biết trong tình cảnh này đó là cơ hội để có thể tiếp tục sự sống. Qua đây nhà văn Kim Lân đã cho người đọc cảm nhận được sâu sắc cái đói khổ không chỉ khiến ngoại hình bị biến dạng mà còn làm méo mó cả nhân cách con người nhưng bên cạnh đó chúng ta vẫn có sự cảm thông với thị bởi đây không phải từ bản chất mà chỉ do đói nghèo xô đẩy, tác động.
Ở người vợ nhặt này, ta thấy một khát vọng sống mãnh liệt khi cô quyết định theo một người đàn ông xa lạ về nhà, thấy cảnh nhà người ngao ngán nhưng vẫn chịu đựng để có cơ hội sống. Ở nhà Tràng, thị là một người ý tứ và nết na, mọi cử chỉ, hành động của cô đều thể hiện điều đó, với Tràng và với bà cụ Tứ. Vậy mới thấy rằng cái đói chẳng thể nào nhấn chìm bản tính thiện lương, tốt đẹp của con người mãi mãi mà chỉ là trong phút chốc nào đó mà thôi. Giống như Tràng, thị cũng có niềm tin vào tương lai, thị kể chuyện phá kho thóc trên Bắc Giang, Thái Nguyên để thắp lên hy vọng cho gia đình mới, đặc biệt là cho người chồng đặc biệt của mình. Đọc tác phẩm, ta thấy thương người phụ nữ này nhiều hơn là giận và mong sao cô cùng những người thân yêu có được cuộc sống no ấm.
- Luận điểm 5: Nhân vật bà cụ Tứ
Bà cụ Tứ là một người mẹ yêu thương con hết mực, ngạc nhiên trước sự xuất hiện của người phụ nữ lạ thế nhưng về sau bà hiểu ra biết bao cơ sự, bà thương cho con trai vì trong tình cảnh đói khát mới lấy được vợ, thương cả người phụ nữ khốn khổ kia vì cùng đường mới phải lấy con trai bà. Qua cách bà đối xử với nàng dâu mới, cách bà bảo ban các con làm ăn, cách bà nói về tương lai với niềm lạc quan ta thấy được bà là người mẹ hiền từ, chất phác và nhân hậu.
Bằng cách đặt nhân vật của mình vào tình huống éo le, độc đáo rồi từ đó thể hiện tâm trạng, tính cách, phẩm chất đáng quý của họ, cộng thêm việc sử dụng ngôn ngữ bình dị, gần gũi, nhà văn Kim Lân đã viết nên một tác phẩm chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc. Phân tích Vợ nhặt ta không chỉ có cơ hội “tiếp xúc” với các nhân vật đặc biệt, hiểu được nhiều điều hay mà còn được chứng kiến cảnh cơ hàn của đất nước trong quá khứ để thêm trân quý cuộc sống hiện tại.