Bài mẫu phân tích Đây thôn Vĩ Dạ
Mở bài
Phong trào thơ Mới tuy diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng lại cho ra đời một loạt tên tuổi tài năng. Trong đó, Hàn Mặc Tử được xem là nhà thơ “điên” với phong cách độc đáo. Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ, ta sẽ thấy được nghệ thuật đặc sắc cũng như những tâm tư, nỗi niềm sâu kín của tác giả.
Thân bài
Khái quát tác giả, tác phẩm
Hàn Mặc Tử được đánh giá là nhà thơ nổi bật, có vị thế quan trọng trong phong trào thơ Mới nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung. Tuy cuộc đời ông có nhiều biến cố, bi thương nhưng ông lại là nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất. Thơ của ông cá tính, ma mị, mang những nỗi buồn và khát vọng rất riêng.
“Đây thôn Vĩ Dạ” được sáng tác năm 1938, in trong tập “Thơ Điên”. Bài thơ đã khắc hoạ lên một bức tranh làng quê đẹp, thơ mộng, trữ tình. Đồng thời cũng cất lên tiếng lòng thổn thức, khát khao hạnh phúc của chính nhà thơ.
Phân tích bài thơ
- Luận điểm 1: Bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật, con người thôn Vĩ
Trước hết, Hàn Mặc Tử tập trung miêu tả vẻ đẹp tươi sáng, đẹp đẽ của thiên nhiên nơi thôn Vĩ:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Câu hỏi tu từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” dường như là lời trách móc, mời mọc tha thiết của cô gái Huế, mong “anh” về chơi. Ngược lại nó cũng có thể là lời tự trách móc bản thân và dự cảm về tương lai của mình ở phía trước có gì bất trắc.
Tiếp theo đó, nhà thơ hồi tưởng về thôn Vĩ với những vẻ đẹp thiên nhiên giản dị, quen thuộc. Đó là ánh nắng “mới lên” trên những hàng cau. Là khu vườn xanh màu mỡ, xanh “mướt” “như ngọc”. Không gian mở ra cho người đọc cảm giác bước vào một khu vườn quê ngập tràn ánh sáng và màu sắc.
Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên, hình ảnh con người cũng hiện lên thông qua hình ảnh “lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Khuôn mặt “chữ điền” là biểu tượng cho sự phúc hậu, hiền lành, trung thực. Gương mặt ấy lại được “che ngang” bởi lá trúc nên càng trở nên kín đáo, duyên dáng hơn. Đó có thể là vẻ đẹp dịu dàng của người con gái xứ Huế, cũng có thể là chính khuôn mặt ngập ngừng, rụt rè của nhà thơ khi đối mặt với người mình thầm thương. Ở đây, tác giả đã sử dụng nghệ thuật cách điệu hoá tài tình. Bên trong những ngôi nhà vườn xinh xắn, sau những hàng tre, khóm trúc, thấp thoáng đâu đó bóng ai đó kín đáo, dịu dàng phúc hậu, làm trái tim thổn thức khôn nguôi. Ở khổ thơ này, con người và cảnh vật hòa quyện hài hòa với nhau, tạo nên bức tranh tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Qua đó thể hiện được tình cảm gắn bó sâu nặng, thiết tha của nhà thơ đối với thiên nhiên và con người xứ Huế
- Luận điểm 2: Cảnh buồn qua cái nhìn đầy nội tâm
Ngỡ tưởng sau bức tranh thiên nhiên tươi đẹp kia sẽ là những cảnh đẹp khác. Nhưng không, khổ thơ tiếp theo lại là không gian rộng lớn nhuốm đầy mất mát và nỗi buồn:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
Giữa không gian mênh mông ấy đã hiện lên hình ảnh của gió, mây, dòng nước, hoa bắp lay. Thế nhưng từng sự vật lại như chia lìa, tan tác. Hình ảnh “gió theo lối gió / mây đường mây” chỉ sự xa cách chia lìa khi gió đi một đường mây đi một ngả. Đó có lẽ là dự cảm không lành trước tai ương phía trước của tác giả.
Bên cạnh đó, hình ảnh “dòng nước buồn thiu / hoa bắp lay” ám chỉ sự trống vắng, cô quạnh đến nao lòng, Dòng sông lặng lờ như mang một nỗi buồn hắt hiu, không hề có bóng dáng của sự sống. Tác giả giờ đây như bừng tỉnh, tự hiểu được cảnh ngộ của chính mình. Bệnh tật, cô đơn, một mình nhà thơ đơn độc giữa cuộc đời, chỉ có thể gửi nỗi buồn vào dòng sông mà thôi.
Tiếp theo đó, Hàn Mặc Tử khắc họa không gian rộng lớn, mờ ảo với đầy ánh trăng. Đó là dòng “sông trăng”. Cách miêu tả độc đáo đã giúp hiện lên trước mắt người đọc không gian lạ, đẹp nhưng cũng rất thi vị. Dòng sông đó đang tràn ngập sắc vàng của trăng, lung linh và huyền ảo.
Ở trên con sông đó, có con thuyền mộng tưởng của chính nhà thơ.. Thuyền đậu trên bến sông trăng để “chở trăng về” một nơi nào đó trong mơ, không ai nắm rõ. Nó khơi gợi lên vẻ đẹp lãng mạn, nhẹ nhàng. Dường như tất cả sự vật m đang cùng nhau đắm chìm trong ánh trăng hư ảo, bồng bềnh, nửa thực nửa mơ. Con thuyền đó của “ai” không rõ, có thật đang diễn ra trước mắt không hay tất cả đều chỉ là cảm giác mơ hồ, ảo mộng?
Cuối khổ thơ, tác giả sử dụng câu hỏi tu từ “Có chở trăng về kịp tối nay?” nhằm ám chỉ nỗi chờ mong, niềm hi vọng thiết tha của nhà thơ. Nỗi niềm ấy dù là khát khao đấy, nhưng vẫn có cái gì đó man mác buồn, tưởng như chỉ là ước vọng không có lời đáp mà thôi. Ở khổ thơ này, tác giả đã cho thấy được khát vọng hạnh phúc tha thiết, mãnh liệt. Nếu ở khổ trước chỉ là nỗi e thẹn, ngại ngùng, thì đến đây đã trở nên mạnh mẽ hơn. Tác giả cũng đã lo lắng, sợ rằng không kịp “chở trăng về” để tận hưởng nữa.
- Luận Điểm 3: Bức tranh cảnh vật, tâm trạng con người chìm sâu vào mộng ảo
Sau sự lo lắng, tiếc nuối không thể đuổi kịp số phận, Hàn Mặc Tử đã mở ra không gian mộng tưởng, mà ở đó nhà thơ có thể nắm bắt được hạnh phúc cho mình:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Giờ đây, tác giả đang ở trong trạng thái vô thức, đang “mơ” và đắm chìm trong cõi mộng. Điệp từ “khách đường xa” nhằm nhấn mạnh khoảng cách xa xôi, không với tới. Những gì bản thân đang cảm nhận, người “khách” ấy chỉ là trong mơ mà thôi. Đến đây Hàn Mặc Tử đã nhận thức được nỗi cô đơn và trống trải của mình trước cuộc đời. Ngày tháng thì cứ trôi đi còn tình yêu cũng đang dần vụt mất khỏi tay với. Nhà thơ đã mơ thấy người con gái “nhìn không ra”, như là lời tự bảo với bản thân tất cả chỉ là mộng tưởng không có thật. Đồng thời đó cũng là nỗi tiếc nuối của tác giả khi không nhìn rõ bóng người thương.
Sau những mộng tưởng ấy, nhà thơ quay trở lại với thực tại phũ phàng. Nơi mình đang dưỡng bệnh cũng “mờ nhân ảnh” với sương khói mịt mùng. Nó đã làm mờ ảo cả bóng người, khiến tác giả không phân biệt được giữa thực và hư. Đây cũng là cách ám chỉ mối tình mong manh, xa vời, không trọn vẹn của chính bản thân mình.
Khép lại bài thơ, tác giả đã sử dụng câu hỏi tu từ “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Nó vừa như hỏi mình lại vừa hỏi người, vừa gần gũi nhưng cũng lai vừa xa xôi, vừa như hoài nghi lại vừa như giận hờn, trách móc. Đó là tâm trạng bâng khuâng, bất lực trong mặc cảm của tác giả. Đồng thời cho thấy niềm khát khao hạnh phúc của chính nhà thơ.
Kết bài phân tích Đây thôn Vĩ Dạ
Với việc sử dụng dày đặc biện pháp tu từ cùng những hình ảnh độc đáo, “Đây thôn Vĩ Dạ” đã khắc họa lên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nơi xứ Huế. Đồng thời cũng cho thấy nỗi khát vọng hạnh phúc của nhà thơ và cũng là niềm khao khát, yêu đời, yêu người của thi sĩ Hàn Mặc Tử.