Soạn Lục Vân Tiên gặp nạn (Trích Truyện Lục Vân Tiên) Trang 118-121 Ngữ văn 9 Tập 1
I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
Câu 1(Soạn Lục Vân Tiên gặp nạn): Tìm chủ đề của đoạn trích
Trả lời:
Chủ đề của đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” là:
– Tác giả phê phán cái ác, đề cao và ca ngợi cái thiện.
– Thể hiện niềm tin của tác giả vào những điều tốt đẹp ở đời, giữa nhân cách cao cả và những toan tính thấp hèn.
– Thể hiện thái độ quý trọng và niềm tin của tác giả đối với nhân dân lao động.
Câu 2: Hãy phân tích tâm địa độc ác của Trịnh Hâm qua hành động hãm hại bạn mình là Lục Vân Tiên. Em có nhận xét gì về giá trị nghệ thuật của đoạn thơ tự sự này?
Trả lời:
+ Tâm địa độc ác của Trịnh Hâm được thể hiện qua hành động hãm hại bạn mình là Lục Vân Tiên. Cụ thể:
– Hành động hãm hại, đẩy Lục Vân Tiên xuống sống ngay trong lúc chàng cần giúp đỡ nhất của nhân vật Trịnh Hâm là hành động bất nhân, bội nghĩa. Bất nhân là vì Trịnh Hâm độc ác, đang tâm hãm hại một con người mù lòa, bất lực, đang trong cơn hoạn nạn, không nơi nương tựa, tinh thần vô cùng quẫn bách, hắn đẩy Vân Tiên ngã xuống sông, nhưng lại còn giả bộ xót thương bạn thể hiện sự âm mưu, dối trá, gian xảo của Trịnh Hâm.
– Bội nghĩa là vì hắn đã phản bội lại bạn bè, phản bội lại lời hứa của chính mình khi mà Vân Tiên là người bạn của Trịnh Hâm. Hai người gặp gỡ nhau trên đường ra kinh ứng thí, có giao tình tốt đẹp. Khi biết mình gặp được Trịnh Hâm, Vân Tiên mừng rỡ đã có lời nhờ cậy: “Có thương xin khá giúp nhau phen này”.
Trịnh Hâm cũng đã từng hứa hẹn:
“Đương cơn hoạn nạn gặp nhau
Người lành nỡ bỏ, người sau sao đành”
Hắn đã đồng ý giúp đỡ là sẽ đưa Vân Tiên trở lại quê nhà nhưng cuối cùng lại đang tâm hãm hại chàng thể hiện sự lật lọng, gian xảo của Trịnh Hâm.
– Hắn giết hại Lục Vân Tiên ngoài sự bất nhân bất nghĩa độc ác dã man còn thể hiện sự hẹp hòi, ích trỉ, gen tức, đố kị với Lục Vân Tiên Trịnh Hâm đố kị với Lục Vân Tiên vì Lục Vân Tiên có ưu thế và vượt trội hơn hắn vì vậy hắn đã giết Vân Tiên để Lục Vân Tiên không còn có khả năng cạnh tranh thi cử với hắn nữa, con đường công danh sự nghiệp của hắn sẽ rộng mở. Dục vọng điên cuồng và bản tính thấp hèn đã biến Trịnh Hâm trở thành kẻ độc ác, nhẫn tâm ghê gớm.
+ Gía trị nghệ thuật của đoạn thơ”
Chỉ với 8 dòng thơ ngắn, Nguyễn Đình Chiểu không đi sâu vào chi tiết nhưng vẫn khiến cho người đọc hiểu và thấy được tội ác tày đình mà gã họ Trịnh đã gây ra. Có lẽ tác giả không muốn nói nhiều về cái ác, ông dành phần lớn các vần thơ để nói về cái thiện, cái tốt đẹp, cũng có phần ngụ ý cái ác không tồn tại được lâu dài, sớm muộn cũng nhường chỗ cho cái thiện lên ngôi.
– Tác giả đã sắp xếp các tình tiết hợp lý, diễn biến hành động nhanh gọn, lời thơ vẫn giữa được vẻ mộc mạc, bình dị vốn có của tác phẩm và qua đó đã bộc lộ được bản chất, tính cách của con người Trịnh Hâm.
Câu 3: Đối lập với cái ác, cái thiện được biểu hiện như thế nào qua đoạn trích?
(Gợi ý phân tích:
- Cảnh ông Ngư và gia đình cứu vớt Vân Tiên.
- Lời nói của ông Ngư đối với chàng.
- Cuộc sống lao động của ông Ngư.
Đoạn thơ nói lên thái độ, tình cảm của tác giả đối với nhân dân lao động như thế nào?
Trả lời:
+ Sự đối lập giữa cái thiện và cái ác được bộc lọ rõ nét qua đoạn trích. Cụ thể:
– Đối lập với sự độc ác của một Trịnh Hâm là gia đình lão Ngư ông nghèo khó mà lương thiện. Một ông Ngư chài lưới bao dung, tốt bụng và đầy nhân ái, đã giúp đỡ cứu vớt Lục Vân Tiên.
“Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ.
Hối con vầy lửa một giờ,
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày.
Vân Tiên vừa ấm chơn tay,
Ngẩn ngơ hồn phách như say mới rồi.”
– Sau khi vớt Vân Tiên lên bờ, cứu sống chàng, biết được hoàn cảnh khốn khó và trớ trêu của Lục Vân Tiên. Ông Ngư đã cưu mang và giúp đỡ chàng, dù nghèo khó, bữa cơm với vị tương cà nhưng tình người thì đồng đầy yêu thương. Lời nói của ông ngư chân thành, mộc mạc, ân cần hỏi han, chăm sóc, muốn cưu mang tấm thân bệnh tật của Lục Vân Tiên
Ngư rằng: “Người ở cùng ta,
Hôm mai hẩm hút với già cho vui”.
– Giúp đỡ Vân Tiên nhưng ông cũng chẳng màng đến lòng biết ơn hay trông chờ sự báo đáp “Dốc lòng nhân nghĩ há chớ trả ơn”. Ông cho rằng cứu giúp người lúc cảnh nguy khốn, là chuyện thường tình, phải đạo làm người.
– Nếu Trịnh Hâm hẹp hòi bao nhiêu thì Ngư ông rộng lượng bấy nhiêu. Nếu cuộc sống của Trịnh Hâm là sự ganh đua, tị nạnh, nhỏ nhen, ích kỉ thì cuộc sống của Ngư ông rất đỗi thanh cao, không bon chen tiền bạc, danh lợi. Một đời sống ung dung tự tại, phóng khoáng, tự do và trong sạch. Hoàn toàn xa lạ với những tính toan, sẵn sàng chà đạp cả danh dự, lương tri để đạt được mục đích, âm mưu của bản thân. Cuộc sống của Ngư ông dù nghèo nàn về vật chất nhưng ngập tràn niềm vui và tin yêu cuộc sống. Hài hoà giữa tình người với trời đất cao rộng, với thiên nhiên đẹp đẽ nên thơ.
“Nước trong rửa ruột sạch trơn,
Một câu danh lợi chi sờn lòng đây.
Rày voi mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió đêm này chơi trăng.
Một mình thong thả làm ăn,
Khoẻ quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm.
Nghêu ngao nay chích mai đầm”
+ Qua việc thể hiện sự đối lập giữa thiện- ác trong đoạn trích, Nguyễn Đình Chiểu đã tố cáo lên án những kẻ bất nhân, thiếu tình người. Đồng thời, gửi gắm ước mơ về vẻ đẹp chân – thiện – mỹ trong mỗi người. Gửi gắm niềm tin và khát vọng vào tính thiện, vào lòng nhân ái của con người, đó là tinh thần tương thân tương ái, đạo lí nhân nghĩa và cao đẹp muôn đời.
Câu 4: Hãy chọn những câu mà em cho là hay nhất trong đoạn thơ rồi trình bày cảm nhận của em về cảm xúc của tác giả và ngôn ngữ miêu tả, biểu cảm trong những câu thơ ấy.
Trả lời:
Những câu thơ em thấy hay nhất và thích nhất trong đoạn trích là:
“Ngư rằng: “Lòng lão chẳng mơ
…
Tắm mưa trải gió trong vời Hàn Giang”.
– Hình ảnh về những người dân lao động bình thường, hiện lên một cách rất giản dị nhưng sáng ngời phẩm chất. Họ là những con người nghèo khổ mà nhân hậu, vị tha, trọng nghĩa. Trong đoạn thơ cuối bài là những lời ông lão tâm sự với Vân Tiên về cuộc đời mình, đây cũng là những câu thơ hay nhất trong bài. Hay vì cái ngôn ngữ mộc mạc, bình dị nhưng giàu tính biểu cảm, và tượng hình tạo cảm giác phóng khoáng, chân chất của ông Ngư. Cuộc sống của ông tràn đầy sức sống, hòa quyện với thiên nhiên rộng lớn nào là “hứng gió”, “chơi trăng”, khỏe thì đi quăng chài kéo lưới, mệt thì lại thả câu, “Nghêu ngao nay chích mai đầm”.
Ông hoàn toàn làm chủ cuộc sống của mình, “vui thầm” chẳng phải bon chen với ai. Cũng chẳng phải vì ngu học mà ông mới phải chân lấm tay bùn, ông Ngư cũng “Kinh luân đã sẵn trong tay”, nhưng lại thích “thung dung” với một chiếc thuyền nan “tắm mưa chải gió” tránh xa nơi ồn ào phố thị, người ghen kẻ tức.
– Cả đoạn thơ là cảm hứng đầy lãng mạn của tác giả, hình ảnh thơ phong phú đẹp đẽ, ý tứ phóng khoáng, lời lẽ uyển chuyển, giàu sức gợi cảm. Truyền vào lòng người đọc, người nghe cái tâm hồn phiêu lãng, niềm mơ ước cuộc sống dung dị, bình thường nhưng hạnh phúc, tự do, được làm chủ cuộc đời, hướng con người đến chữ thiện, tránh xa những cái tầm thường, giả dối, độc ác.
II. LUYỆN TẬP
(Soạn Lục Vân Tiên gặp nạn) Trong truyện Lục Vân Tiên còn những nhân vật nào có thể xếp vào cùng một loại với ông Ngư ở đoạn trích này? Họ có những đặc điểm chung gì? Tác giả muốn gửi gắm ý tường nào thông qua các nhân vật đó?
Trả lời:
+ Trong Truyện Lục Vân Tiên, những nhân vật có thể xếp vào cùng một loại với ông Ngư là: Giao long, Du thần, ông Tiều, Hớn Minh.
+ Những nhân vật ấy đều có điểm chung là những người hiền lành có nhân cách cao cả, có lòng tốt, sẵn sàng cứu giúp người khác trong cơn hoạn nạn.
+ Thông qua những nhân vật này, tác giả gửi gắm tư tưởng nhân đạo, niềm tin vào công lý và chính nghĩa, niềm tin vào tấm lòng nhân ái của con người trong cuộc sống.