Mục lục

Soạn Chí Phèo – Phần 2: Tác phẩm Trang 146-156 Ngữ văn 11 Tập 1

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

(Soạn Chí Phèo – Phần 2: Tác phẩm)

Câu 1: Cách vào truyện của Nam Cao độc đáo như thế nào? Hãy nêu ý nghĩa tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo trong đoạn văn mở đầu thiên truyện.

Trả lời:

+ Nam Cao đã mở đầu thiên truyện một cách độc đáo, ấn tượng đó chính là tiếng chửi của Chí Phèo. Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời […].  Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. […] Đã thế, hắn chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Chí Phèo chửi trời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi cha đứa nào đẻ ra hắn.

Hắn chửi vậy, nhưng không có ai chửi nhau lạị với hắn bởi ai cũng nghĩ “chắc nó trừ mình ra! Chí Phèo chửi phải chăng là hắn say rượu? Nhưng không!  hắn càng uống càng tỉnh. Có người nói rằng, hắn chửi vì hắn say rượu không làm chủ được bản thân, nhưng thưc sự trong con người Chí Phèo cái say và cái tỉnh đang xen nhau song song cùng tồn tại.

Bởi thế tiếng chửi của Chí Phèo chính là sự giao tiếp của hắn với đời, hắn muốn được nói chuyện, muốn nói chuyện giao tiếp với mọi người.

+ Ý nghĩa tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo trong đoạn văn mở đầu thiên truyện:

– Tiếng chửi của Chí Phèo chính là phản ứng của hắn trước toàn bộ cuộc đời bất hạnh. Nó bộc lộ tâm trạng bất mãn tột độ của một con người ý thức được rằng mình đã bị xã hội ruồng bỏ. Những tiếng chửi vô nghĩa, không được xã hội đón nhận, lắng nghe. Một khi đã bị tước mất quyền làm người thì mọi tiếng chửi rủa, than khóc, tỉnh táo hay say xỉn đều vô tác dụng.

Chí Phèo thích kêu làng kêu xóm, đối với một người bình thường thì những tiếng kêu ấy ngay tập tức gây được sự chú ý của mọi người; nhưng đối với Chí lại khác, dù hắn kêu làng như một người bị đâm thì giỏi lắm chỉ làm cho Thị Nở kinh ngạc còn cả làng vẫn không ai động dạng… mà đáp lại lời hắn chỉ có lũ chó xắn xôn xao trong xóm.

Những chi tiết này cho thấy một kiếp sống cô độc của người nông dân bị tha hóa, bị xã hội ruồng bỏ, không còn tư cách làm người. Chí Phèo tồn tại như một “bóng ma” nhưng là một “bóng ma” lạc lõng và không gây kinh sợ cho ai cả.

Câu 2(Soạn Chí Phèo – Phần 2: Tác phẩm): Việc gặp gỡ Thị Nở đã có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời Chí Phèo? Những gì đã diễn ra trong tâm hồn Chí Phèo sau cuộc gặp gỡ đó?

Trả lời:

+ Ý nghĩa của cuộc gặp gỡ Thị Nở đối với cuộc đời Chí Phèo:

– Cuộc gặp gỡ với Thị Nở là những giây phút Chí Phèo được trở lại “làm người”, được ước mơ, suy nghĩ và tỉnh táo thực sự. Khi bị ốm, trước sự săn sóc ân tình và tình yêu thương của Thị Nở, tâm trạng của Chí bắt đầu diễn biến khá phức tạp. Sự săn sóc của người đàn bà xấu xí, khốn khổ đã khơi dậy bản chất lương thiện vốn bị chèn lấp từ lâu trong con người Chí Phèo bởi những vết sẹo chằng chịt không thể xóa. Lòng thương yêu chân thành, sự đồng cảm của hai con người cùng bị xã hội xa lánh, họ đến với nhau như một cơ hội hồi sinh hiếm có. Nam Cao đã thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của mình đối với hình tượng người nông dân bị tha hóa khi sáng tạo ra chi tiết gặp gỡ của Chí phèo với Thị Nở.

+ Sau cuộc gặp gỡ đó diễn biến tâm trạng của Chí Phèo trở nên phức tạp

– Lần đầu tiên, từ những ngày ở tù về, Chí thấy mình hoàn toàn tỉnh táo và lần đầu tiên sau những cớn say triền miên, kể từ ngày ở tù về giờ hắn mới nghe được những âm thanh quen thuộc của cuộc sống đời thường. Và khao khát được sống lương thiện đã trỗi dậy trong hắn. Chí bắt đầu nghĩ về đời mình về những ngày đã qua và những ngày sắp tới. Anh cảm nhận rõ sự cô độc và bất hạnh của đời mình. Chí mong ngóng Thị Nở, khao khát được cùng Thị xây dựng một gia đình. Hắn cũng từng là anh điền hiền lành, từng có ước mơ là có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm. Hắn nhận ra mình đã già mà vẫn cô độc. Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao.

=> Thị Nở là người dẫn đường cho Chí trở về cuộc sống con người.

Câu 3(Soạn Chí Phèo – Phần 2: Tác phẩm): Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối chung sống. Vì sao Chí Phèo có hành động thật dữ dội, bất ngờ (uống rượu, xách dao đi giết Bá KIến rồi tự sát)?

Trả lời:

Nam Cao thật tình là một tác giả biết miêu tả nội tâm nhân vật một cách sâu sắc. Sau sự biến chuyển từ con người lưu manh sang bản chất lương thiện, ông cũng miêu tả hết sức sâu sắc về Chí Phèo khi ước mong trở về làm người lương thiện bị cự tuyệt.

– Nguyên nhân của điều này được nói đến và phản ánh chính là những định kiến xã hội nửa phong kiến áp đặt lên bà cô của thị Nở. Bà cô cay nghiệt chê trách tên chuyên rạch mặt ăn vạ Chí Phèo để thị Nở từ chối chung sống, từ chối cái nguyện vọng được làm người lương thiện của Chí.

Trong cái xã hội ấy, Chí đã hoàn toàn bị vứt bỏ khiến khát vọng làm người lương thiện của cậu rơi vào bi kịch, đau đớn thay Chí không thể quay đầu làm người lương thiện trong cái xã hội ấy nữa.

– Khát vọng bị chối bỏ, Chí dữ dội hơn, điên dại hơn, hắn bất ngờ uống rượu, uống mãi, rồi hắn xách dao đòi giết Bá Kiến rồi tự sát. Hắn nói hắn đến nhà thị Nở, song hắn lại cầm dao đến cửa nhà Bá Kiến, hắn đòi lương thiện. Trong tâm thức của Chí, Bá Kiến mới chính là kẻ gây nên bi kịch đời hắn.

– Cái chết của Chí Phèo chính là lời tố cáo xã hội sâu sắc, đẩy con người vào bước đường cùng, bước đường của sự tha hóa người nông dân, kết cục của nó chính là cái chết.

– Từ cái chết và hình ảnh mơ hồ về cái lò gạch trong đầu thị Nở, Nam Cao cho ta thấy cảm quan hiện thực sâu sắc của ông, đó là thực trạng xung đột giai cấp trong xã hội nông thôn Việt lúc bấy giờ. Chí Phèo bị tha hóa, nhưng đó mới là điển hình cho những gì khốn khó tủi hổ nhất của những người nông dân còn điểm sáng sự lương thiện.

Câu 4(Soạn Chí Phèo – Phần 2: Tác phẩm): Qua hình tượng nhân vật Chí Phèo, hãy làm rõ nghệ thuật điển hình hóa của Nam Cao (chú ý việc khắc họa tính cách và nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lý nhân vật).

Trả lời:

Chí Phèo là một tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân văn sâu sắc, mới mẻ. Tác phẩm đã thể hiện tài năng truyện ngắn bậc thầy của Nam Cao trong việc xây dựng những nhân vật điển hình bất hủ; nghệ thuật trần thuật linh hoạt, tự nhiên mà vẫn nhất quán, chặt chẽ, ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt là việc xây dựng nghệ thuật điển hình hóa nhân vật.

Chí Phèo, Bá Kiến là hình ảnh tượng trưng cho nghệ thuật điển hình hóa nhân vật của Nam Cao. Về cái chung – riêng, cái độc đáo – khái quát, quen – lạ.

Chí Phèo và Bá Kiến là hai nhân vật điển hình cho các tầng lớp xã hội cơ bản của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng, vừa là những người có cá tính độc đáo và có sức sống mạnh mẽ. Tâm lí nhân vật được miêu tả sắc sảo, tinh tế, đi sâu vào nội tâm để diễn tả những diễn biến phức tạp phát sinh trong cuộc đời. Bá Kiến là đại diện cho thế lực cường hào ác bá. Mối quan hệ của Chí Phèo và Bá Kiến thể hiện quá trình bị tha hóa của Bá Kiến từ anh canh điền, hiền lành bị Bá Kiến đẩy vào tù và trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Khắc họa thành công nhân vật Chí Phèo – người nông dân hiền lành, lương thiện bị xã hội tàn bạo đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa, bị tàn phá cả nhân hình nhân tính. Hắn sinh ra đã là một bi kịch, từ một anh nông dân hiền lành hắn trở thành tên lưu manh chuyên rạch mặt ăn vạ, cuối cùng trở thành con quỷ dữ. Đời hắn chưa bao giờ tỉnh. Sau đêm gặp thị Nở tâm lý của Chí Phèo đã thay đổi phức tạp. Hắn cảm nhận được những âm thanh của cuộc sống đời thường, hắn nhận ra mình đã già nhưng vẫn còn đơn độc. Hắn muốn sống chung với thị Nở, thèm lương thiện.

Với khát vọng được làm người lương thiện của Chí Phèo sau cái hôm gặp thị Nở tác giả vẫn luôn khẳng định bản chất lương thiện của người nông dân ngay cả khi bị vùi dập. Qua đây, Nam Cao thể hiện được tư tưởng nhân đạo, lòng yêu thương, niềm tin yêu của ông vào những con người khốn khổ. Chí Phèo còn là tiếng kêu cứu của những con người khốn khổ, bí bách cùng quẫn không lối thoát bị xã hội ruồng bỏ để xã hội hiểu được hãy cho họ – những con người lầm đường lạc lối cơ hội trở về với cuộc sống lương thiện, cơ hội được hòa nhập cộng đồng.

Câu 5: Ngôn ngữ kể chuyện của tác giả và ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn này có gì đặc sắc?

Trả lời:

+ Những đặc sắc trong ngôn ngữ kể chuyện của tác giả và ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn này:

– Tác phẩm Chí Phèo đã thể hiện tài năng truyện ngắn bậc thầy của Nam Cao. Một trong số những nghệ thuật đó là nghệ thuật trần thuật linh hoạt, tự nhiên phóng túng mà vẫn nhất quán, chặt chẽ. Đó là giọng điều trần thuật hài hòa có sự kết hợp giữa lời đối thoại và lời độc thoại, giữa gián tiếp và lời nửa tiếp.

– Với ngôn ngữ nhân vật, nó gần với đời sống, lời tiếng của người nông dân Việt Nam trong xã hội lúc ấy. Đọc cả câu chuyện chúng ta có có thể cảm nhận được Nam Cao đang ở trong câu truyện đó, là người quan sát cả làng Vũ Đại và rồi thoảng như vào sâu trong nội tâm nhân vật Chí Phèo. Vì vậy, nhiều đoạn có sự lồng ghép giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Ví dụ: đoạn kể về tiếng chửi của Chí, đoạn tả tâm trạng Chí sau cuộc gặp với Thị Nở và khi bị từ chối… Đối thoại Chí với Bá Kiến, Chí với Thị Nở… Giọng điệu trần thuật này là những đóng góp quan trọng của Nam Cao trong quá trình hiện đại hóa của thể loại truyện ngắn hiện đại Việt Nam.

Câu 6: Tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao qua truyện ngắn này?

Trả lời:

Nam Cao là người có tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương. Ông gắn bó sâu nặng, giàu ân tình với quê hương và những người nghèo khổ bị áp bức, khinh miệt trong xã hội cũ. Ông quan niệm không có tình thương đồng loại thì không đáng gọi là người (Đời thừa). Đó chính là những lý do dẫn Nam Cao đến với con đường nghệ thuật hiện thực “vị nhân sinh” và tạo nên những tác phẩm thấm đượm tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật ấy của ông là tác phẩm Chí Phèo.

Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong truyện ngắn này mới mẻ và sâu sắc ở chỗ nhà văn đã phát hiện và miêu tả phẩm chất tố đẹp của người lao động ngay khi tưởng như họ đã bị cái xã hội tàn ác cướp mất cả bộ mặt lẫn linh hồn người thể hiện qua việc tố cáo mạnh mẽ xã hội thuộc địa phong kiến tàn bạo, cái xã hội đã cướp đi nhân tính con người và đẩy họ đến bước đường cùng của sự tha hóa – cái chết. (Tư tưởng nhân đạo của phần lớn các cây bút hiện thực khác chủ yếu thể hiện ở sự đồng cảm với nỗi khổ của người nông dân, lên án cái xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy họ vào đường cùng, ngợi ca phẩm chất của họ).

LUYỆN TẬP

(Soạn Chí Phèo – Phần 2: Tác phẩm)

Câu 1(Soạn Chí Phèo – Phần 2: Tác phẩm): Trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao viết: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có”.

Với những hiểu biết về sự nghiệp sáng tác của Nam Cao, anh (chị) hãy phát biểu ý kiến của mình về quan niệm nghệ thuật nói trên của nhà văn. 

Trả lời:

+ Bài tham khảo:

Nam Cao là một trong số không nhiều các nhà văn suốt cuộc đời cầm bút đã luôn luôn tìm kiếm, đấu tranh, tự vượt lên mình để hướng tới những sáng tạo đích thực. Trong Đời thừa ông viết: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.

Ở mỗi thời kỳ mang tính chất bước ngoặt cho cuộc đời của một nghệ sĩ Nam Cao đều có những tác phẩm đánh dấu một bước nhận thức mới của mình. Những năm mới vào nghề, ông đã chịu ảnh hưởng khá nặng của chủ nghĩa lăng mạn. Dần dần ông đã hiểu ra rằng “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối” và nó chỉ có thế là những “tiếng đau khổ… thoát ra từ những kiếp lầm than”. Song tư tưởng này cũng chỉ thể hiện một quan niệm tiến bộ là phải trả văn chương cho cuộc đời, phải bám rễ vào cuộc sống hiện thực mà thôi. Ông cũng không tán thành với quan niệm hiện thực dễ dãi “hời hợt, chỉ tỏ được cái bề ngoài của đời sống” cũng như thế văn chương mòn cũ “chẳng đem lại một chút mới lạ gì”. Quan niệm về nghề văn của ông hết sức nghiêm túc, đầy ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp: nghề văn là một hoạt động sáng tạo, nghệ sĩ là một người sáng tạo. Quan niệm này không phải là hoàn toàn mới nhưng điều đáng trân trọng ở đây là Nam Cao đã ý thức về điều này rất sâu sắc và trong tác phẩm Đời thừa ông đã đặt ra như là một quan niệm sống và viết, một cuộc đấu tranh gian khổ tự vượt lên mình, chiến thắng mọi cám dỗ, trở ngại cả trong đời sống và trong cuộc đời của một nhà văn nghèo để theo đuổi lý tưởng của đời mình.

Trước hết văn chương không thừa nhận những cách viết dễ dãi, không chấp nhận những nhà văn có trái tim vô cảm trước đời sống cho dù anh ta có “khéo tay” đến mức nào. Văn chương cũng không chỉ là chuyện nghề nghiệp mà còn là cuộc đời cho nên dù anh có tay nghề cao thì đó cũng chưa phải là điều đảm bảo để trở thành một nghệ sĩ chân chính. “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Ở đây Nam Cao muốn nhấn mạnh đến hoạt động sáng tạo của nhà văn và nghề văn nói chung: chỉ có đào sâu, tìm tòi thì mới có thể “tìm thấy bản ngã của mình”, mới khẳng định được chỗ đứng của mình trong văn chương và cũng chỉ có như vậy mới có thể biết “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.

Trong luận điểm của Nam Cao cần chú ý tới cả hai khía cạnh: những tìm tòi, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có” vừa là lĩnh vực của nội dung vừa là những hình thức nghệ thuật. Nhà văn bám sát hiện thực, biết “mở lòng ra đón lấy tất cả những vang động của đời” thì điều đó cùng với tài nặng sẽ trở thành những tiền đề vững chắc cho hoạt động sáng tạo của anh ta. Những vấn đề mới mẻ, cách viết độc đáo, những sáng tạo mới cả trong lĩnh vực nội dung và nghệ thuật thể hiện sẽ là sáng tạo đích thực mà nhà văn cóng hiến cho nghệ thuật và cho cuộc đời.

Nam Cao đã phát biểu một quan niệm thật xác đáng về nghề văn và nhà văn. Nếu như họ mỗi khi đọc một tác phẩm, một đoạn văn nào đó của mình được viết một cách cẩu thả lại “đỏ mặt”, tự mắng mình “như một thằng khốn nạn… một kẻ bất lương… ty tiện”, tự coi mình “là một kẻ vô ích, một người thừa” thì điều đó cũng có nghĩa là nhân vật – tư tưởng này cũng là một phần của chính lương tâm, nhân cách Nam Cao. Cả cuộc đời cầm bút của ông đã chứng minh điều đó.

Điểm qua một vài chủ đề, nhân vật chính của Nam Cao đã thấy ông trung thành với quan niệm của mình đến mức nào và những gì do ông sáng tạo, khơi nguồn cho văn chương Việt Nam có ý nghĩa thật to lớn, ít có nhà văn nào so sánh được. Hai loại nhân vật chính trong sáng tác của Nam Cao là người nông dân và người trí thức tiểu tư sản vốn đã từng xuất hiện trong văn học Việt Nam trước khi ông bước chân vào làng văn nhưng có thể nói ít ai viết về họ sâu sắc và cảm động như vậy. Những Tư cách mõ, Lang Rận, Dì Hảo, Lão Hạc, Chí Phèo, Trẻ con không được ăn thịt chó… không chỉ sắc sảo, mới lạ, gay gắt, ám ảnh ở tính vấn đề của chúng mà những điển hình nông dân này đã làm lu mờ đi khá nhiều hình ảnh người nông dân khác trong văn học giai đoạn này. Sống mòn, Trăng sáng, Mua nhà, Nước mắt là những bi kịch tinh thần của thời đại, bi kịch của những trí thức có ý thức về đời sống, khao khát vươn tới cái đẹp, cái thiện nhưng bị bóp nghẹt trong cuộc đời thường bị “áo cơm ghì sát đất”. Rõ ràng Nam Cao đã bỏ qua cái “hiện thực bề ngoài” ở họ là chuyện cơm áo hằng ngày, đói rét, tủi cực để nhìn thấy những điều sâu lắng hơn.

Những sáng tạo của Nam Cao trong nghệ thuật viết truyện, dựng cảnh, sử dụng chi tiết, phân tích tâm lý đem thêm ý nghĩa vào cho các câu chuyện bình thường, vu vơ, “những chuyện không muốn viết” … là một trong những đóng góp lớn của ông cho văn chương. Ông đã khơi nhiều nguồn chưa ai khơi, sáng tạo ra nhiều cái mới mẻ, chưa từng có trong văn học.

Câu 2(Soạn Chí Phèo – Phần 2: Tác phẩm): Vì sao truyện ngắn Chí Phèo được coi là một kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại?

Trả lời:

Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao ra đời đã gây một tiếng vang lớn trên văn đàn Việt Nam thời bấy giờ. Truyện ngắn xuất sắc này được coi là kiệt tác xuất sắc nhất của nền văn xuôi Việt Nam và đã đưa Nam Cao lên vị trí hàng đầu trong đội ngũ các nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945 vì đã xây dựng được hình tượng tiêu biểu điển hình- Chí Phèo.

Hình tượng có giá trị tố cáo xã hội sâu sắc là nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên – một nông dân lương thiện bị bần cùng hoá, lưu manh hóa. Chính vì có ý nghĩa hiện thực to lớn và giá trị nghệ thuật xuất sắc nên truyện ngắn này được đánh giá là một kiệt tác trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Đây là hiện tượng thành công nhất của ngòi bút hiện thực Nam Cao. Chí Phèo không chỉ điển hình cho một bộ phận cố nông bị lưu manh hóa mà nhân vật này còn có ý nghĩa khái quát rộng lớn hơn: cuộc đời và số phận của Chí thể hiện một quy luật phổ biến trong xã hội cũ là quy luật bần cùng hóa- lưu manh của những người dân nghèo. Từ một anh canh điền hiền lành, lương thiện với ước mơ “có một gia đình nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải” Chí đã biến thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” chuyên rạch mặt ăn vạ.

Với ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo, Nam Cao đã khắc họa thành công hình tượng Chí Phèo, một nhân vật điển hình vừa có tính riêng sinh động vừa mang tính chung phổ biến. Sự thức tỉnh của Chí là một phát hiện đầy sâu sắc, đầy tính nhân đạo của Nam Cao khi xây dựng nhân vật. Hơn nữa, Chí phèo lại như một nhân vật mở đường cho luồng tư tưởng mới, dám đứng lên chống lại cái ác (giết chết Bá Kiến) tuy rằng vẫn tự sát nhưng đó đã góp phần to lớn cho việc thay đổi tư tưởng người nông dân thời bấy giờ, ko phại nhẫn nhục mà biết vùng dậy đòi công lí cho bản thân, chứ ko bế tắc như Lão Hạc phải tự sát, hay chạy vào đêm tối như chị Dậu.

Ngoài ra, tác phẩm còn có cốt truyện độc đáo, các tình tiết giàu kịch tính, luôn biến hóa mang lại nhiều bất ngờ cho người đọc. Cách dẫn chuyện linh hoạt và đậy hấp dẫn: mở đầu bằng tiếng chửi. Từ tác phẩm, những nhân vật điển hình như Chí Phèo hay cả Bá Kiến đã bước thẳng vào cuộc sống, tên nhân vật đã trở thành tên gọi chung cho loại người mang tính cách tương tự như nhân vật trong tác phẩm và những danh xưng ấy còn tồn tại dai dẳng cho đến ngày nay.

Chính vì những lí do trên đây mà người ta đánh giá Chí Phèo của Nam Cao chính là kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại bởi nó không chỉ mang lại giá trị cho một giai đoạn đã qua mà còn mang lại nhiều bài học cho cả thế hệ ngày hôm nay.