Bài mẫu Phân tích người vợ nhặt

Mở bài

Trong kháng chiến chống Pháp, bên cạnh những tác phẩm khích lệ tinh thần chiến đấu thì mảng đề tài hiện thực đời sống của nhân dân cũng được các tác giả khai thác triệt để. Trong đó, “Vợ nhặt” của Kim Lân được đánh giá là tác phẩm đặc sắc, có ý nghĩa lớn lao. Thông qua việc phân tích người vợ nhặt, chúng ta sẽ thấy được thực trạng xã hội lúc bấy giờ cùng vẻ đẹp ẩn sâu bên trong con người lương thiện.

Thân bài

Khái quát tác giả, tác phẩm

Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn trong nửa sau thế kỉ XX. Ông có sở trường viết về đề tài nông thôn và người nông dân. Đặc biệt, ông có biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật độc đáo với văn phong giản dị nhưng gợi cảm, hấp dẫn. Ngôn ngữ truyện của ông sống động, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân và mang đậm màu sắc nông thôn. Ông rất am hiểu và gắn bó sâu sắc với những phong tục và đời sống làng quê Bắc Bộ xưa. Do vậy, truyện Kim Lân luôn gần gũi như hơi thở hàng ngày.

Phân tích người vợ nhặt
Chân dung tác giả Kim Lân

“Vợ nhặt” có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được Kim Lân viết dang dở và thất lạc bản thảo sau Cách mạng tháng Tám. Sau năm 1954, khi hoà bình lập lại, ông đã dựa theo đó và sáng tạo nên tác phẩm này. Tác phẩm không chỉ khắc họa nên bức tranh toàn cảnh của xã hội bây giờ mà còn ngợi ca những vẻ đẹp của con người khi đối diện với nghịch cảnh.

Phân tích nhân vật

  • Luận điểm 1: Là hiện thân của số phận nghèo đói, bấp bênh

Phân tích người vợ nhặt Trước hết, Kim Lân đã khắc hoạ lên hình tượng người vợ nhặt với ngoại hình và tính cách mang tính tiêu biểu. Lần đầu nhân vật này xuất hiện là khi đang “ngồi lẫn trong đám con gái chờ nhặt hạt rơi hạt vãi trước cổng chợ tỉnh”. Sau khi nghe Tràng hò một câu chơi cho đỡ nhọc: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh”, thị “ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng” và “cười tít mắt” với anh. Lần tiếp theo, trái ngược với sự vui vẻ như lần đầu, giờ đây thị lại xuất hiện với ngoại hình “gầy vêu vao, “áo quần tả tơi như tổ đỉa”, “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt”. Thị nổi bật với “hai con mắt trũng hoáy”, hốc hác và thiếu sức sống. Có lẽ chính cái đói khát đã khiến thị càng nhếch nhác, tội nghiệp hơn rất nhiều. Cái đói không chỉ tàn hại dung nhan của thị mà còn ảnh hưởng tới nhân phẩm và tính cách của thị. Chính vì đói, thị trở nên “chao chát”, “chỏng lỏn”, “chua ngoa, đanh đá”. Thị “cong cớn”, “sưng sỉa” khi giao tiếp, nói chuyện với Tràng.

Cuộc gặp gỡ của người vợ nhặt với anh cu Tràng


Cái đói khiến thị quên cả việc phải giữ lòng tự trọng và ý tứ cần có của người con gái. Gặp lại Tràng, thị cứ thế đòi Tràng thực hiện lời hứa đãi ăn lần trước. Để rồi khi được ăn, thị “sà xuống cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Qua  những miêu tả rất thật ấy, thị hiện lên tiêu biểu cho hoàn cảnh của người dân khi bị đẩy vào bước đường cùng, bị cái đói khát dày vò.

  • Luận điểm 2: Nhân vật có một lòng ham sống mãnh liệt

Tuy nhiên, với trái tim tràn đầy yêu thương của mình, Kim Lân đã khắc họa người vợ nhặt với nhiều phẩm chất đáng quý. Khi anh cu Tràng đùa với thị: “có muốn theo tớ về nhà thì ra khuân đồ lên xe rồi ta cùng về” thì người thị lại im lặng. Khi đó, thị đã ngầm đồng ý mà không chút nào phân vân, do dự. Mặc dù không biết Tràng có xuất thân ra sao, nhân cách thế nào, thị vẫn chấp nhận đi theo. Đó là xuất phát từ khao khát được sống và nhu cầu bám lấy sự sống của thị. Lúc này, thị đã bất chấp hoàn cảnh để có thể được sống tiếp, được có cái ăn.

Khi chấp nhận đi theo Tràng, tức là thị đã bám lấy niềm hy vọng sống cho mình. Khi cận kề với cái chết, thị không buông xuôi sự sống mà vẫn vượt lên trên nghịch cảnh để sống và xây dựng mái ấm gia đình cho riêng mình. Ở thị, ta thấy được niềm tin yêu, lạc quan của một con người đang sống trong đói khổ. Như chính tác giả Kim Lân đã nói: “Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai”.

  • Luận điểm 3: Sự tinh tế, biết điều của thị

Không chỉ có niềm ham sống mãnh liệt, người vợ nhặt còn hiện lên với các phẩm chất khác. Trước hết, trái ngược với vẻ ngoài tưởng chừng bỗ bã, thị lại tinh tế và biết điều đến lan. Điều này được Kim Lân khắc họa trên quãng đường về nhà cùng Tràng. Anh cu Tràng thì tự mãn, sung sướng, vênh vênh tự đắc. Còn thị thì cảm thấy vô cùng xấu hổ. Trước cái nhìn “săm soi”, trước những lời bông đùa của người dân ngụ cư, thị chỉ biết ngượng nghịu. Thị rất thiếu tự tin khi đối mặt với mọi người, “chân nọ bước díu cả vào chân kia”, “cái nón rách tàng che nửa khuôn mặt”.

Khi về đến nhà chồng, thị nhìn thấy “ngôi nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”. Lúc ấy, thị chỉ biết “nén một tiếng thở dài”. Đó là tiếng thở dài thể hiện sự thất vọng, ngao ngán, nhưng cũng là sự chấp nhận của thị với thực tế của mình. Trong tiếng thở dài đó, ta thấy được sự lo lắng cho tương lai ngày mai lại vừa thấy cả những trách nhiệm và lo toan của thị về hoàn cảnh của nhà chồng, nơi mình sẽ gắn bó sau này. Bây giờ, có lẽ là thị đã ý thức được trách nhiệm của mình. Thị sẽ cùng chồng gây dựng gia đình này thêm ấm êm, hạnh phúc. Tấm lòng đó của thị là vô cùng đáng quý và rất đáng trân trọng giữa xã hội mà nhân cách con người bị lu mờ bởi đói khát, khổ đau.

Khi vào trong nhà, thị trở nên e thẹn, dè dặt “ngồi mớm” vào mép giường. Khi gặp bà cụ Tứ, thị ý tứ, lễ phép chào bà đến những hai lần vì tưởng bà không nghe thấy. Thị hiện lên là một người con dâu ngoan, cư xử chừng mực. Khi Tràng thưa chuyện với mẹ, thị chỉ biết im lặng “đứng vân vê tà áo đã rách bợt”, không nói điều gì. 

Có thể thấy, bên trong cái vẻ chỏng lỏn của mình, thị hiện lên với những nét thuỳ mị, biết lo toan và vun vén cho gia đình nhỏ. Sau đêm tân hôn, người phụ nữ ấy có sự thay đổi hoàn toàn về tính cách, tâm trạng. Thị dậy rất sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp, thu vén nhà cửa để trông thoáng đạt hơn. Hơn ai hết, Tràng cảm nhận đầy đủ sự thay đổi tuyệt vời ấy: “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu, đúng mực không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như những lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. Phải chăng tình yêu đích thực và hạnh phúc lứa đôi đã giúp thị thay đổi, trở nên tốt đẹp hơn?

Trong bữa cơm đầu tiên tại gia đình chồng, dù bữa ăn chỉ có “niêu cháo lõng bõng, mỗi người được lưng hai bát đã hết nhẵn”, lại phải ăn cháo cám nhưng thị vẫn bằng lòng, thậm chí vui vẻ. Thị đến và đã đem sinh khí mới mẻ cho gia đình này. Ngoài ra, những thông tin mới mẻ về thời cuộc cũng được thị nắm rõ và truyền đạt lại cho mẹ con Tràng. Nghe tiếng trống thúc thuế, thị nói với mẹ chồng: “Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy”. Chính sự hiểu biết này của thị đã giúp Tràng giác ngộ về con đường phía trước mà anh sẽ lựa chọn. Lúc này, “trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói ầm ầm đi trên đê Sộp, phía trước có lá cờ đỏ to lắm”. Ta có thể thấy rằng nhân vật người vợ nhặt cũng là người truyền tin cho Cách mạng, là người có cái nhìn thời cuộc sáng suốt và thấu đáo.

Kết bài

Phân tích người vợ nhặt Bằng ngòi bút của mình, Kim Lân đã khắc hoạ chân dung người vợ nhặt với nhiều nét tính cách và phẩm chất đáng quý. Qua đó, vẻ đẹp của người nhân dân trong chiến tranh gian khổ cũng được nhấn mạnh và trân trọng.