Soạn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) trang 107 – 115, sách giáo khoa Ngữ Văn 11 tập 1
I – HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
Câu 1 (Soạn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân): Tình huống truyện của tác phẩm “Chữ người tử tù” là gì? Tác dụng của tình huống này đối với việc thể hiện tính cách nhân vật và kịch tính của truyện?
Trả lời:
+ Tình huống truyện của tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân là: cuộc gặp gỡ éo le giữa viên quản ngục (đại diện cho quyền lực) nhưng lại say mê cái đẹp và Huấn Cao ( tử tù) lại là người sáng tạo ra cái đẹp tại nơi tù ngục dơ bẩn.
+ Tác dụng của tình huống truyện đã góp phần thể hiện tính cách nhân vật và kịch tính của truyện, cụ thể như sau:
– Trên bình diện xã hội Huấn Cao và quản ngục là hai người ở vị trí đối lập nhau, không thể nào có nét tương đồng.
– Trên bình diện nghệ thuật thì họ lại là tri âm tri kỷ khi Huấn Cao lại là người mà quản ngục muốn xin chữ và lạ thay chính người bị tử tù lại là người mở đường lương thiện cho cuộc sống của viên quản ngục. Đây chính là giá trị cốt lõi của tư tưởng “nghệ thuật vị nhân sinh”.
Câu 2 (Soạn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân): Phân tích vẻ đẹp độc đáo của hình tượng Huấn Cao. Qua nhân vật Huấn Cao, anh (chị) có nhận xét gì về quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp.
Trả lời:
+ Phân tích vẻ đẹp độc đáo của hình tượng Huấn Cao
– Huấn Cao là một người tài hoa, có tài viết chữ rất đẹp, rất nhiều người mơ ước có được chữ của Huấn Cao treo trong nhà và trong đó có viên quản ngục nơi mà Huấn Cao đang bị giam giữ.
– Là anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, hội tụ đầy đủ yếu tố hiên ngang, khí phách, ung dung, tự tại không hề sợ hãi khi phải ra pháp trường. Vậy nên, dù là tử tù nên Huấn Cao không hề quỵ lụy trước chế độ cầm quyền và chính điều đó làm cho quản ngục khiếp sợ.
– Bên cạnh đó, Huấn cao còn là người có thiên lương trong sáng, nhân cách cao cả. Khi thấy quản ngục yêu thích cái đẹp, ông đã thể hiện thái độ tôn trọng trước một nhân cách đẹp giữa chốn lao tù bẩn thỉu, dơ dáy. Ông không ngần ngại cho viên quản ngục chữ và cho lời khuyên chân thành trước khi đi thụ án tử.
+ Nhận xét quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp
– Hình tượng Huấn cao chính là quan điểm của Nguyễn Tuân về cái đẹp. Nguyễn Tuân cho rằng cái tài phải đi với cái tâm trong sáng, cái đẹp và cái thiện luôn song hành cùng nhau không thể tách rời.Tác giả rất yêu mến, ca ngợi Huấn Cao như một phần tiếc nuối nền văn hóa cũ đang dần bị thay thế. Đây là tư tưởng nghệ thuật tiến bộ, đáng trân trọng của tác giả.
Câu 3 (Soạn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân): Nhân vật quản ngục có phẩm chất gì khiến Huấn Cao cảm kích coi là “một tấm lòng trong thiên hạ”, và tác giả coi đó là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.
Trả lời:
Nhân vật quản ngục có phẩm chất khiến Huấn Cao cảm kích coi là “một tấm lòng trong thiên hạ” và coi đó là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ” là:
+ Quản ngục làm nghề trông coi tù ngục nhưng lại có thú chơi thanh tao, chuộng cái đẹp khao khát có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà.
+ Quản ngục là người rất biết nhìn người, quý trọng nhân tài, có lý tưởng sống cao cả
+ Quản ngục là người biết giữ “thiên lương” biết trân trọng cái đẹp, có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” cảm phục tài năng của Huấn Cao. Ông đã đối đãi rất tử tế với Huấn Cao và những người bạn tù.
+ Ông suy nghĩ về cái nghề của mình và cho rằng bản thân chọn nhầm nghề, cho thấy cái mác quản ngục chỉ là tấm áo khoác ngoài của một tâm hồn đẹp.
+ Tác giả coi đó là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ” là bởi trong mỗi con người đều tiềm ẩn tâm hồn yêu thích cái đẹp, trong môi trường của cái ác, cái xấu nhưng tâm hồn ấy vẫn không bị vấy bẩn.
Câu 4 (Soạn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân): Phân tích đoạn văn tả cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong nhà lao. Vì sao tác giả lại coi đây là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”?
Trả lời:
+ Phân tích đoạn văn tả cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong nhà lao
Có thể nói đoạn văn tả cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong nhà lao là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Một cảnh tượng cho chữ vô cùng “bất thường”. Nhà tù nơi chỉ tồn tại cái xấu và cái ác, bẩn thỉu tối tăm lại là nơi diễn ra cảnh cho chữ thiêng liêng và xúc động, khác hẳn với cảnh tượng xin chữ ở những nơi trang trọng, tôn nghiêm.
Thời điểm xin chữ của Huấn Cao cũng rất đặc biệt, đó là cái đêm trước khi Huấn Cao bị di lý đi chịu án tử hình. Ông đã dành trọn vẹn những giây phút cuối đời để tặng lại những nét chữ cuối cùng đại diện cái đẹp, thanh tao cho viên quản ngục.
Tiếp đó, vị thế của người cho chữ và xin chữ cũng vô cùng khác lạ. Người cho chữ (nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp) lại ở vị thế của tử tù vốn dĩ phải được giáo hóa thế nhưng chính Huấn Cao lại là người đưa ra những lời khuyên chân thành cho viên quản ngục. Huấn Cao không giống một tử tù, ông vẫn oai phong để ban ân huệ cuối cùng cho người khác.
Còn người xin chữ là viên quản ngục đại diện cho thế lực cầm quyền, cai quản tử tù thì lại đối xử “biệt nhỡn liên tài” với Huấn Cao, tiếp nhận, bái lĩnh trước những lời khuyên của kẻ tử tù, cúi đầu mang ơn.
Cảnh cho chữ đặc biệt này cho thấy rằng, vị thế trên bình diện xã hội và bình diện nghệ thuật rất khác nhau, có thể đảo lộn lại vị trí mà nó vốn có. Qua cảnh cho chữ ấy, Nguyễn Tuân muốn nhấn mạnh sự chiến thắng của cái đẹp đại diện cho sự thiện lương, nhân cách cao cả của con người.
+ Vì sao tác giả lại coi đây là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”?
– Không gian cho chữ: bẩn thỉu, tối tăm, nơi cái ác ngự trị
– Thời gian cho chữ: nửa đêm – thời gian cuối cùng sắp kết thúc cuộc đời của một con người.
– Người cho chữ: tử tù Huấn Cao
– Người xin chữ: viên cai ngục
Câu 5 (Soạn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân): Anh (chị) có những nhận xét gì về bút pháp xây dựng nhân vật, bút pháp miêu tả cảnh vật, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân trong “Chữ người tử tù”?
Trả lời:
+ Bút pháp xây dựng nhân vật lý tưởng hóa, theo cảm hứng lãng mạn.
+ Bút pháp miêu tả cảnh vật sử dụng nghệ thuật so sánh, tương phản đối lập để làm nổi bật lên đạp – xấu, thiện – ác…
+ Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ giàu tính tạo hình, tác giả dùng nhiều từ Hán Việt, từ cổ để tạo không khí trang nghiêm của một thời kỳ đã vang bóng.
II – LUYỆN TẬP
Câu 1 (Soạn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân): Anh (chị) hãy viết một đoạn văn trình bày cảm nghĩ của mình về nhân vật Huấn Cao trong truyện “Chữ người tử tù”.
Trả lời:
Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, nhân vật Huấn Cao trong truyện “Chữ người tử tù” được khắc họa là một con người tài hoa, chữ viết “đẹp và vuông lắm” nổi tiếng khắp tỉnh Sơn. Điều này làm cho viên quản ngục lúc nào cũng mong chờ xin được chữ của ông để treo trong nhà. Với khí phách hiên ngang, bất khuất, quyết không chịu khuất phục trước cường quyền, dù bị vào chốn lao tù nhưng Huấn Cao vẫn không sợ, ông vẫn ngạo nghễ, ung dung tự tại như một chuyến đi chơi. Huấn Cao là người có thiên lương trong sáng và cao đẹp. Dù ở chốn lao tù, ông vẫn trân trọng trước một nhân cách đẹp là viên quản ngục và ông sẵn sàng cho chữ và nói ra những lời khuyên chân thành nhất cho viên quản ngục trước khi ra pháp trường.