Không chỉ hình tượng chiến sĩ anh dũng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và Mỹ mới trở thành đề tài cho các nhà thơ, nhà văn sáng tác, mà hình tượng các anh hùng thời phong kiến cũng là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn sĩ. Trong đó có hình tượng của những quân sĩ, binh lính thời nhà Trần. Phân tích bài Thuật hoài của tác giả Phạm Ngũ Lão, các bạn sẽ hiểu hơn về điều này.
Phân tích bài Thuật hoài mở bài chi tiết
Trước khi đi vào phân tích bài thơ, chúng ta cần tìm hiểu qua về tác giả Phạm Ngũ Lão. Theo sử sách ghi lại, ông là một tướng quân văn võ song toàn. Ông nổi tiếng với câu chuyện ngồi đan sọt trên đường rồi mải lo nghĩ việc binh thư, đến nỗi quân đội của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đi ngang qua mà không biết. Đến nỗi, bị đâm vào đùi chảy máu cũng không hề hay biết. Chỉ đến khi đích thân Hưng Đạo Vương đến hỏi thăm thì ông mới thoát khỏi cơn suy nghĩ. Cũng theo sử sách, Phạm Ngũ Lão không chỉ là một tướng quân có tài thao lược bày binh bố trận, đánh trận giỏi mà còn có nhiều sáng tác thơ văn nói về chí làm trai và lòng yêu nước thương dân. Tuy nhiên, tất cả đã thất lạc và hiện chỉ còn sót lại hai tác phẩm bằng chữ Hán là Thuật hoài (Tỏ lòng) và Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương.
Tác phẩm Thuật hoài (Tỏ lòng) là bài thơ theo lối Đường luật súc tích và ngắn gọn. Bài thơ có nội dung khắc họa vẻ đẹp của hào khí Đông A, tôn vinh chí làm trai của một thời đại oai hùng trong lịch sử nước Việt.
Thuật hoài
Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
Dịch nghĩa
Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như gấu hổ, át cả sao Ngưu Đẩu.
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Ắt thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu
Dịch thơ
Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Công danh nam tử con vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
Chi tiết thân bài phân tích
Luận điểm 1: sức mạnh con người và hình tượng các tráng sĩ
Ngay từ những dòng đầu tiên, tác giả đã khắc họa rõ nét hình tượng những con người thời nhà Trần.
Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
(Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu).
Ở đây, Phạm Ngũ Lão đã cho người đọc thấy hỉnh ảnh quân sĩ nhà Trần qua hành động hoành sóc – cầm ngang ngọn giáo. Không phải cầm dọc, cũng chẳng cầm nghiêng, mà là cầm ngang nhằm nhấn mạnh tư thế oai nghiêm, hiên ngang anh dũng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ dân tộc đất nước. Tiếng Hán ông dùng “hoành sóc” sẽ diễn tả sâu sắc ý nghĩa hơn nhưng khi dịch ra tiếng Việt lại là “múa giáo” nghe có vẻ mềm mại, yếu ớt hơn. Vì thế, đọc bản Thuật hoài, độc giả vẫn cảm nhận rõ hơn sức mạnh kiên cường của các quân sĩ nhà Trần. Hơn thế, không chỉ cầm giáo trong một sớm một chiều mà trải mấy thu, nghĩa là năm nay qua năm khác, không chỉ ở một nơi mà khắp non sông. Nghĩa là quân sĩ của mọi vùng miền, mọi thời đại, vẫn luôn mang mình ý chí sắt đá, kiên cường để cùng đồng lòng bảo vệ gìn giữ non sông. Thật là câu thơ vẽ nên hình tượng người tướng sĩ giữa không gian mênh mông rộng lớn của giang sơn đất nước. Và họ đã bền bỉ, đấu tranh cho sự hòa bình của dân tộc dù thời gian đã qua đi mấy thu.
Tóm ại, qua câu thơ, độc giả có thể mường tượng ra hình ảnh tráng sĩ thời nhà Trần luôn ở trong tư thế bất khuất, anh dũng, luôn sẵn sàng xông ra trận mạc để lập chiến công, để bảo vệ nền hòa bình, tự chủ tự cường của dân tộc. Không chỉ vậy, hình ảnh các tráng sĩ ấy còn được sánh cùng với tầm vóc vĩ đại, kỳ vĩ rộng lớn của giang sơn, của vũ trụ bao la. Cho dù có ra đi chiến đấu bao lâu, ròng rã bao năm thì trái tim họ và tinh thần họ cũng không hề thấy mệ mỏi mà vẫn luôn bừng lên khí thế bất khuất, hùng dũng và hiên ngang.
Nếu như mỗi người dân thời Trần đều hiện lên bừng bừng khí thế và bền bỉ gan dạ thì đội quân nhà Trần, mà cụ thể là “Tam quân” (ba quân): tiền quân, trung quân, hậu quân đều hiện lên thật hùng mạnh. Nó là tổng hòa sức mạnh của toàn bộ tổng lực quân đội triều đình để bảo vệ lãnh thổ Đại Việt. “Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu”(Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu).
Nếu như con người thời Trần được miêu tả qua việc cầm giáo thì khí phách của quân đội nhà Trần được ví von với “tì hổ” (hổ báo). Hổ báo là những loài thú được xem là dũng mãnh nhất trong tự nhiên, là vua của muôn loài. Ví sức mạnh đội quân nhà Trần như hổ báo là để khẳng định và nhấn mạnh quân đội Đại Việt cũng không thua kém gì vó ngựa Nguyên Mông. Nước Đại Việt tuy nhỏ, nhưng khí thế và sự dũng mãnh thì không hề thua kém những ngoại bang rộng lớn.
Không chỉ ví với “tì hổ”, Phạm Ngũ Lão còn nói ba quân “Khí thôn ngưu”. Có nghĩa là hào khí anh hùng của ba quân mạnh mẽ, oai phong át cả trời cao bao la, không khí thế hào hùng, mạnh mẽ lấn át cả vũ trụ bao la, che khuất cả dải ngân hà, chòm sao Ngưu Đẩu. Tiếng Hán của ông hay thế, nhưng khi dịch sang tiếng Việt, “nuốt trôi trâu” đã làm giảm đi phần nào sức mạnh lẫm liệt của quân đội nhà Trần.
Bởi vậy, phân tích bài thơ Thuật hoài bản tiếng Hán, độc giả cảm nhận được tài năng nghệ thuật của tác giả. Ông đã sử dụng cách so sánh phóng đại, cường điệu độc đáo, kết hợp giữa lãng mạn và hiện thực, giữa cảm nhận chủ quan với hình ảnh khách quan để minh chức cho tầm vóc và sức mạnh của quân đội nhà Trần. Qua đó, cũng cảm nhận được niềm tự hào của Phạm Ngũ Lão khi được đứng trong hàng ngũ đội quân nhà Trần để tung hoành ngang dọc và chiến đầu vì dân vì nước. Ông không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của các tráng sĩ mà còn lấy làm hãnh diện vì họ.
Luận điểm 2: tâm tư của tác giả Phạm Ngũ Lão
Nếu hai câu thơ trên là bức tranh oai hùng đầy khí thế của con người và các tráng sĩ nhà Trần thì hai câu dưới lại tràn ngập sự suy tư và trầm lắng, thể hiện tâm trạng trăn trở, băn khoăn của tác giả.
“Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”.
(Công danh nam tử con vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu”
Có thể thấy ở đây, tác giả bày tỏ nỗi trăn trở về con đường công danh. Theo quan niệm xưa kia, sinh ra đã là phận nam nhi thì luôn có món nợ công danh. Đây là món nợ lớn mà không đáng nam nhi nào không phải trả. Nó cụ thể gồm hai mặt, một là lập nên những công trạng (để tạo nên sự nghiệp), hai là lập danh tiếng (để lại tiếng thơm cho muôn đời). Sinh ra là kẻ làm trai thì ắt hẳn phải thực hiện hoàn thành hai nhiệm vụ này thì mới xứng làm trai và mới trả được nợ với đời.
Với Phạm Ngũ Lão, mặc dù đã vào sinh ra tử cùng vua quan nhà Trần, cũng đã lập nhiều chiến công vang dội. Tuy nhiên, trong tâm tưởng của ông, món nợ công danh vẫn chưa trả đủ. Bởi thế, ông cảm thấy thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu. Có nghĩa là ông cảm thấy xấu hổ, cảm thấy mình chưa xứng với những tấm gương người xưa. Chuyện Vũ Hầu ở đây là câu chuyện về Khổng Minh. Một nhân vật nổi tiếng với tinh thần tận tâm báo đáp chủ tướng. Khổng Minh đã hết lòng, hết sức giúp Lưu Bị gây dựng nghiệp lớn và lưu lại tiếng thơm cho hậu thế muôn đời. Qua việc này, có thể thấy Phạm Ngũ Lão là một con người có nhân cách cao cả. Ông khát khao và luôn có những hoài bão lý tưởng đẹp đẽ về chí làm trai cũng như ý chí lập cong danh của các trang nam tử. Dù đã có thành tích nhưng ông không tự bằng lòng mà thấy vẫn chưa đủ. Thật là một con người nhiều ước mơ và nhiều khát vọng.
Sự độc đáo của hai thơ ở đây, đó là tác giả Phạm Ngũ Lão đã sử dụng điển tích điển cố để tăng thêm niềm ước vọng, và khát khao của tác giả. Nhờ điển tích chuyện Vũ Hầu mà độc giả càng cảm nhận được nhân cách cao đẹp của một bậc tướng sĩ trung thành của quân dân nhà Trần thời bấy giờ. Qua đó, cũng thể hiện tư tưởng tiến bộ của ông trong ý chí của người làm trai. Ông không ủng hộ sự ngủ quên trên chiến thắng, hay vui thú với những chiến tích nhỏ bé. Ông gửi gắm tới các trang nam tử nhà Trần hãy không ngừng khát vọng hơn nữa, để tạo nên nhiều chiến công vẻ vang hơn nữa, để không chỉ mang lại công danh cho mình mà còn là tiếng thơm cho con cháu muôn đời.
Phân kết bài chi tiết phân tích bài Thuật hoài
Để kết thúc phần phân tích bài Thuật hoài, các bạn cần khái quát lại những giá trị nghệ thuật và nội dung độc đáo của tác phẩm. Đó là bức tranh đầy hào hùng khí thế của một thời Đông A, trước vó ngựa Nguyên Mông. Đó là sức vóc của quân đội nhà Trần trước sự dũng mãnh của giặc xâm lược. Đặc biệt là ý chí làm trai của những tráng sĩ nhà Trần trên con đường công danh.
Qua bài Thuật hoài, chúng ta cũng rút ra được bài học ý nghĩa đói với thế hệ thanh niên ngày nay. Đó là hãy luôn sống có hoài bão và ước mơ. Hãy luôn biết vượt qua mọi gian lao thử thách để biến mơ ước thành hiện. Không chỉ sống vì mình, mà còn vì trách nhiệm với cộng đồng, với dân tộc với thế giới.