Khái quát bài thơ Tây Tiến
Để phân tích bài thơ Tây Tiến cần tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của nó. Tây Tiến là đơn vị bộ đội được thành lập năm 1947. Trong đoàn quân Tây Tiến, Quang Dũng giữ chức đại đội trưởng. Những người lính trong đoàn Tây Tiến phần lớn là học sinh, trí thức phải chiến đấu trong những hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn. Tuy nhiên, tinh thần của những người lính vẫn luôn lạc quan, yêu đời.
Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Khi dự hội nghị ở Phù Lưu Chanh, ông bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm với các đồng đội ở đoàn quân Tây Tiến. Chính vì những cảm xúc đó, nhà thơ đã viết nên bài “Tây Tiến”. Ban đầu, bài thơ có tựa đề “Nhớ Tây Tiến”. Đến năm 1957 bài thơ được in trong tập “Mây đầu ô” thì được bỏ từ “nhớ”. Cùng phân tích bài thơ Tây Tiến để thấy rõ nét hình ảnh người lính được khắc họa như thế nào.
Phân tích bài thơ Tây Tiến chi tiết
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Mở đầu bài thơ, tác giả đã thể hiện nỗi nhớ da diết đoàn quân Tây Tiến. “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” câu thơ như tiếng lòng của nhà thơ. Đó là tiếng gọi tha thiết của một người từng gắn bó máu thịt với nơi đây. Chỉ một câu thơ người ta thấy được sự tiếc nuối nhưng cũng chưa đầy hoài niệm. Nỗi nhớ của tác giả chẳng có từ ngữ nào có thể diễn tả nỗi, đó là nỗi nhớ “chơi vơi” mênh mông và sâu nặng.
Dường như nỗi nhớ được bao trùm lên cả không gian và thời gian. Tác giả nhớ chi tiết đến từng cành cây, ngọn cỏ. Những địa danh như “Sài Khai”, “Mường Lát” “Pha Luông” đều là những nơi gắn bó mật thiết với người lính Tây Tiến.
Càng đi sâu phân tích bài thơ Tây Tiến càng thấy sự khéo léo của tác giả qua từng câu chữ. Chỉ qua mấy câu thơ, tác giả đã tái hiện được bức tranh thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Nhưng cùng với đó cũng cho thấy sự khó khăn của những người lính đã phải trải qua. Đó là những ngày “sương lấp đoàn quân mỏi”, rồi lại “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” đến đường đi cũng chẳng dễ dàng. Quang Dũng cũng đã sử dụng những câu thơ đầy sinh động, chỉ một câu thôi “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” đã làm cho người đọc thấy được những nguy hiểm luôn rình rập.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Khó khăn chồng chất khó khăn được Quang Dũng khéo léo lồng ghép. Tây Tiến có lẽ là nơi “rừng thiêng nước độc” đến mức “oai linh gầm thét” mỗi chiều. Vùng đất này như một ma cung, nơi nào cũng được thiên nhiên “bố trí” những thử thách khi người lính đi qua.
Miêu tả những gì khó khăn, hiểm trở như vậy là Quang Dũng muốn làm nổi bật lên hình ảnh người lính. Những khó khăn ấy khiến “anh bạn dãi dầu không bước nữa”. Đó là cách nói giảm nói tránh mà tác giả nhắc tới những người lính đã hy sinh. Nhắc đến cái chết nhưng lại không làm người ta đau quá sâu sắc, đó là sự khéo léo của Quang Dũng. Dù hy sinh, nhưng hình ảnh “Gục lên súng mũ bỏ quên đời” lại khiến ta thấy được sự ngang tàn và yêu đời của người lính.
Phân tích bài thơ Tây Tiến để thấy những kỷ niệm đẹp, tình quân dân sâu nặng
Phân tích bài thơ Tây Tiến sẽ thấy, Quang Dũng không chỉ nhớ về sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đoàn quân Tây Tiến từng đi qua. Mà đó còn là nỗi nhớ về những kỷ niệm đẹp, tình quân dân sâu nặng.
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi ”
Đó là mùi của cơm mới, mùi của gia đình nơi bếp lửa ấm bập bùng. Dường như tới đây tác giả lại khắc khoải về nỗi nhớ gia đình. Những người lính cất đi bút vở để khoác cây súng trên vai thì chỉ cần thoảng mùi cơm lên khói thôi thì nỗi nhớ quê, nhớ gia đình sẽ chực trào đến.
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Và chính tấm lòng ấm áp của người dân nơi đoàn quân Tây Tiến đi qua đã giúp những người lính như vơi bớt nỗi nhớ quê hương. Nếu thiên nhiên nơi đoàn quân đi qua khắc nghiệt bao nhiêu, thì vẻ đẹp con người lại lung linh bấy nhiêu.
Chính sự chân thành của con người nơi đây đã khiến những người lính trẻ nơi Hà thành phải đắm say. Đó là những đêm “doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” khi những cô gái dân tộc thiểu số vùng cao chuẩn bị “xiêm áo” e ấp cùng người lính trẻ nhảy điệu nhạc vui tươi.
Tình người nơi đoàn quân Tây Tiến đi qua càng làm cho người lính thêm vững tin. Trong giây phút vui vẻ, người lính cũng không quên trăn trở về những vận mệnh của dân tộc. Hình ảnh Tây Bắc một chiều sương với “dáng người trên độc mộc” phảng phất nét buồn và suy tư.
- Hình ảnh người lính xuất hiện hiên ngang bất diệt nhưng cũng đầy bi thương
Và gửi lại những tình cảm chân thành của những cô gái dân tộc thiểu số, đoàn quân tiếp tục hành trình. Ở khung cảnh này, hình ảnh người lính được Quang Dũng khắc họa hết sức chi tiết. Đó là những con người hiên ngang bất diệt, ở họ toát lên vẻ đẹp vừa bi tráng lại rất tài hoa.
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Phân tích bài thơ Tây Tiến ta thấy được sự sâu sắc của Quang Dũng. Chỉ thông qua hình ảnh của đoàn quân Tây Tiến ta thấy được sự khốc liệt của thiên nhiên, của thời cuộc. Nhưng cũng từ đó thấy được hình ảnh ngang tàng của người lính với “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”. Dường như căn bệnh sốt rét hoành hành cùng với rừng thiêng nước độc làm tóc không thể mọc nổi.
Nhưng dù có bao khó khăn, người lính khoác trên mình “quân xanh màu lá” luôn mang theo những ước mơ và hy vọng về một ngày mai tươi sáng, đó là một “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Sử dụng hình ảnh “mắt trừng”, “dữ oai hùng” là tác giả muốn thể hiện khí thế ngang tàn của người lính. Và rồi đang “gửi mộng qua biên giới”, tác giả đã phải sực tỉnh khi những người đồng đội, đồng chí của mình bị bỏ mạng nơi chiến trường. Đó là cảm giác đau xót khi thấy “rải rác biên cương mồ viễn xứ”.
Những người lính “chẳng tiếc đời xanh”, họ bỏ lại tương lai, bỏ cả mẹ già đang trông ngóng để về với đất mẹ. Sự ra đi của họ không chỉ khiến đồng đội tiếc thương, mà ngay cả trời đất cũng phải “gầm lên khúc độc hành”.
“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.”
Đoạn cuối bài thơ, Quang Dũng như muốn trút hết tâm tư, như một lời khẳng định, lời thề với những người đồng đội đã khuất, với tổ quốc. Người lính Tây Tiến luôn sẵn sàng, họ ra đi chẳng hẹn ngày trở lại “người đi không hẹn ước”. Ở đây, tác giả khéo léo sử dụng hình ảnh “đường lên thăm thẳm một chia phôi” vừa là để thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên và vừa thể hiện nỗi nhớ thương của người ở lại. Dường như, người lính Tây Tiến đã bỏ lại những ước mơ, hoài bão cá nhân nơi Hà Thành, để mang trên vai mình trọng trách to lớn với tổ quốc. Vậy nên, cuối bài Quang Dũng mới sử dụng hình ảnh mùa xuân để gợi mở “ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Bởi mùa xuân là mùa của những khởi đầu mới, thông qua hình ảnh này tác giả muốn mở ra một tương lai tươi sáng.
Với ngòi bút tài hoa của mình, Quang Dũng đã xây dựng thành công hình ảnh người lính Tây Tiến qua phân tích bài thơ Tây Tiến. Đó là những hình ảnh không thể nào quên vừa bi tráng, vừa tài hoa. Kết hợp phác họa chân dung người lính với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ càng làm cho Tây Tiến trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.