Mở bài
Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành sinh năm 1920 – mất năm 2000. Ông sinh trưởng trong gia đình nho học ở Huế và là một trong những lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Các tác phẩm của Tố Hữu gắn liền với chặng đường hoạt động cách mạng của ông. “Lượm” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Tố Hữu về hình ảnh em bé liên lạc hồn nhiên, trong sáng mà anh dung kiên cường. Cùng phân tích bài thơ Lượm để thấy được những nét khắc họa chân thật nhất mà tác giả đã ghi lại.
Bài thơ “Lượm” được sáng tác năm 1949 trong thời kỳ kháng chiến chống pháp. Bài thơ được in trong tập Việt Bắc và gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều thế hệ học trò. Hình ảnh chú bé Lượm được Tố Hữu khắc họa một cách đẹp đẽ, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.
Thân bài phân tích bài thơ Lượm
- Luận điểm 1: Phân tích bài thơ Lượm – Hình ảnh cậu bé hồn nhiên, trong sáng
Mở đầu bài thơ, Tố Hữu đã mở ra cuộc gặp gỡ tình cờ giữa người chiến sĩ và chú bé liên lạc:
Ngày Huế đổ máu
Chú Hà Nội về
Tình cờ chú cháu
Gặp nhau Hàng Bè
Cuộc gặp gỡ tình cờ của hai chú cháu giữa đất trời Thủ đô làm cho người ta liên tưởng tới những người đi xa trở về. Người chiến sĩ và cậu bé Lượm đều là những người vì tình yêu dân tộc, yêu quê hương mà đứng lên bảo vệ tổ quốc. Hình ảnh cậu bé Lượm hiện lên trong mắt anh chiến sĩ giải phóng quân thật đẹp, thật chân thực:
Chú bé loắt choắt
Cái xác xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Chỉ một đoạn ngắn, Tố Hữu đã dùng liên tục 4 từ láy giàu giá trị tạo hình: loắt choắt, thoăn thoắt, xinh xinh, nghênh nghênh. Bằng những từ ngữ, tác giả đã thể hiện rõ hình ảnh một cậu bé ngây thơ, hồn nhiên. Dù giữ nhiệm vụ liên lạc, nhưng sự hồn nhiên của trẻ thơ không mất đi nơi cậu bé Lượm. Cậu bé ấy hàng ngày vẫn làm nhiệm vụ giao liên, nhưng trên hết cậu bé luôn vui vẻ:
Ca-lô đội lệch
Mồm huyết sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng…
Sự đáng yêu của cậu bé Lượm không chỉ qua hành động, mà còn qua cả trang phục, lời nói. Đều đặn mỗi ngày cậu bé chỉ mang đơn giản “cái xắc xinh xinh” để được văn kiện, giấy tờ quan trọng. Chẳng dùng những từ hoa mỹ, thế mà Tố Hữu làm người ta nhớ đến Lượm thật gần gũi. Sự tinh nghịch của cậu bé còn thể hiện qua chiếc “ca-lô đội lệch”. Rồi tác giả còn sử dụng hình ảnh ví von vô cùng tinh tế “như con chim chích/ Nhảy trên đường vàng”. Hình ảnh những chú chim chích bé nhỏ được Tố Hữu khéo léo dùng để ví von chú bé Lượm. Bởi những chú chim luôn có cảm giác tự do, tự tại với đời, thoải mái hót ca như chính sự yêu đời của Lượm vậy. Đó cũng là tình cảm yêu mến của tác giả đối với cậu bé.
- Luận điểm 2: Tình yêu cách mạng và sự hy sinh anh dung của Lượm
Nét ngây thơ, hồn nhiên của Lượm còn được thể hiện trong chính tình yêu với cách mạng. Dường như việc đưa thư liên lạc với Lượm đã trở thành niềm vui mỗi ngày:
Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà
Niềm vui của Lượm chính là niềm vui được hoạt động cách mạng, được cống hiến sức lực nhỏ bé của mình cho đất nước. Lấy hình ảnh Lượm, tác giả như muốn nói đến thế hệ trẻ trong thời kỳ kháng chiến. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của người chiến sĩ và chú bé Lượm làm cho người đọc thấy những nét đẹp ẩn chứa trong tâm hồn cậu bé. Đó là một nét hồn nhiên, ngây thơ của tuổi trẻ nhưng cũng hết sức nhiệt huyết với nhiệm vụ, với cách mạng. Đến khi chia tay, người ta vẫn thấy một cậu bé: Mắt cười híp mí/Má đỏ bồ quân”
Những hình ảnh tinh nghịch của cậu bé Lượm với giọng văn khỏe khoắn bỗng chùng xuống khi người chiến sĩ nghe tin cháu đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ:
Cháu đi đường cháu
Chú lên đường ra
Đến nay tháng sáu
Chợt nghe tin nhà
Những câu thơ mang nỗi niềm nghẹn ngào, bàng hoàng. Đó là giây phút tác giả chẳng thể nào nói nên lời, chỉ biết thốt lên: “Ra thế/ Lượm ơi!”. Tiếng gọi “Lượm ơi” sao nghe chua xót quá. Dường như nó là tiếng nấc nghẹn của tác giả trước tin cậu bé liên lạc nhỏ đã hy sinh. Qua câu thơ ấy, ta thấy được sự bàng hoàng đến mức không tin đó là sự thật.
Sau phút nghẹn ngào ấy, tác giả nhớ về cậu bé Lượm, nhớ về những ngày tháng cậu bé giao liên ấy làm nhiệm vụ. Đó là những hình ảnh chân thực nhất về Lượm – một chú bé gan góc, kiên cường và dung cảm:
Một hôm nào đó
Như bao hôm nào
Chú đồng chí nhỏ
Bỏ thư vào bao
Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề “Thượng khẩn”
Sợ chi hiểm nghèo
Ở đây, tác giả đã dùng những hình ảnh vô cùng gần gũi để nhắc về Lượm. Nhiệm vụ của Lượm ngày nào cũng như ngày nào cũng là cầu nối liên lạc nơi tiền tuyến. Tác giả đã gọi Lượm bằng cái tên thân thương “chú đồng chí nhỏ” như là một sự thân tình, gần gũi. Dường như tác giả không xem Lượm là một cậu bé con mà chính là đồng đội, đồng chí.
Dù nhỏ tuổi, nhưng Lượm không ngại khó khăn, gian khổ. Làm nhiệm vụ đưa thư, thường xuyên phải di chuyển qua những nơi nguy hiểm và đối mặt với cái chết nhưng chú bé Lượm vẫn gan dạ “sợ chi hiểm nghèo”. Vượt qua những nguy hiểm “đạn bay vèo vèo”, chú bé Lượm vẫn dung cảm “vụt qua mặt trận” để làm tròn nhiệm vụ của mình. Chú bé ấy chẳng bao giờ nao núng trước nòng súng, bom đạn của quân thù.
Cùng với những nguy hiểm ấy, trên hành trình làm nhiệm vụ của Lượm cũng có những giây phút thanh bình đến lạ:
Đường quê vắng vẻ
Lúa trổ đòng đòng
Ca-lô chú bé
Nhấp nhô trên đồng
Đó là những hình ảnh bình dị của làng quê. Có lẽ với những hình ảnh này tác giả muốn làm giảm đi nỗi đau, nỗi nghẹn ngào khi nhắc tới sự hy sinh của Lượm. Thế rồi, nỗi đau đớn về sự hy sinh của người đồng chí nhỏ càng làm tác giả thêm day dứt. Hình ảnh ấy ám ảnh sâu sắc đến tâm trí tác giả:
Bỗng lòe chớp đỏ
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ
Một dòng máu tươi
Chỉ trong 4 câu thơ tác giả đã dùng liên tiếp hai câu cảm thán. Đó chính là cảm xúc của tác giả ngay lúc ấy, một sự đau đớn đến ngỡ ngàng khi Lượm hy sinh. “Thôi rồi, Lượm ơi!” nghe sao mà đau xót, cứa vào tim can của người nghe. Ai mà tin được sự thực ấy, một cậu bé hồn nhiên, vui vẻ, một người đồng chí dung cảm, kiên cường ấy lại hy sinh. Sự buông thõng ở câu thơ ấy như nỗi đau đớn đến tột cùng, đau đến nỗi chẳng thể nói ra thành lời.
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng
Tác giả muốn đến khi ngã xuống, Lượm cũng được hy sinh ngay trên chính quê hương của mình, giữa mùi thơm của lúa mới. Thế nên tác giả đã dùng hình ảnh “tay nắm chặt bông” vừa là để tự xoa dịu nỗi đau, vừa để hình ảnh Lượm hy sinh thật nhẹ nhàng. Hình ảnh “hồn bay giữa đồng” mà tác giả sử dụng có lẽ muốn khẳng định dù hy sinh nhưng linh hồn, tinh thần yêu nước của Lượm vẫn còn sống mãi. Quê hương, đất nước vẫn luôn bao bọc, chở che cho linh hồn nhỏ bé ấy.
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca-lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng…
Cuối cùng Tố Hữu đã không khép lại bài thơ bằng sự đau khổ, buồn thảm mà khép lại bằng hình em bé Lượm hồn nhiên, tinh nghịch. Bằng những hình ảnh ấy, tác giả muốn khẳng định một lần nữa hình ảnh cậu bé liên lạc Lượm với “ca-lô đội lệch” với “cái xắc xinh xinh” vẫn sẽ ở mãi trong lòng của tất cả mọi người.
Lời kết
Bằng lời kể nhẹ nhàng, kết hợp hài hòa giữa ngôn từ và nhịp điệu, Tố Hữu đã thực sự thành công khi xây dựng hình tượng chú bé Lượm. Hình ảnh chú bé Lượm được khắc ghi như một bức tượng tạc trong lòng mọi người, đó là chú bé hồn nhiên nhưng vô cùng anh dũng.
Càng phân tích bài thơ Lượm ta càng thấy sự tài tình trong ngòi bút của Tố Hữu. Chỉ bằng những từ ngữ gần gũi, tác giả đã khắc họa nên một hình mẫu lý tưởng đại diện cho thế hệ trẻ một thời.