Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) trang 37-39, sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11 tập 1 

I – HƯỚNG DẪN HỌC BÀI 

Câu 1 (Soạn Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ): Trong “Bài ca ngất ngưởng”, từ “ngất ngưởng” được sử dụng mấy lần? Anh (chị) hãy xác định ý nghĩa của từ “ngất ngưởng” qua các văn cảnh sử dụng đó.

Trả lời: 

+ Trong bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” từ “ngất ngưởng” được sử dụng 5 lần. 

+ Ý nghĩa của từ “ngất ngưởng” qua 5 lần sử dụng như sau: 

– Tiêu đề “Bài ca ngất ngưởng”, từ “ngất ngưởng” ở đây thể hiện sự cá tính, bản lĩnh của tác giả. 

– Trong câu “Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng” ý nói đến tài năng thao lược cũng như sự ngạo nghễ của tác giả trong lĩnh vực quân sự. 

– Trong câu “Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng” từ “ngất ngưởng” ở đây chỉ trạng thái không vững, lắc lư nghiêng ngả như sắp ngã.

– Trong câu “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng” ý nói với phong cách sống “ngất ngưởng” của ông cũng làm cho bụt cười khoái chí.

– “Trong triều ai ngất ngưởng như ông” từ “ngất ngưởng” thể hiện phong cách sống tài tử của Nguyễn Công Trứ. 

Câu 2 (Soạn Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ): Dựa vào văn bản Bài ca ngất ngưởng, anh (chị) hãy giải thích vì sao Nguyễn Công Trứ biết rằng việc làm quan là gò bó, mất tự do (vào lồng) nhưng vẫn ra làm quan.

Trả lời:

Nguyễn Công Trứ biết rằng việc làm quan là gò bó, mất tự do (vào lồng) nhưng vẫn ra làm quan vì: 

+ Nguyễn Công Trứ có ý chí lớn, muốn giúp dân giúp nước, xứng bậc một nhà nho chân chính, yêu nước. 

+ Nguyễn Công Trứ cho rằng là một trang nam nhi thì phải trả nợ công danh ở đời, phải phò vua giúp nước, gánh vác việc đời. 

+ Dù làm quan nhưng phong cách sống “ngất ngưởng” là tôn trọng cuộc sống phóng khoáng, tự do của chính bản thân tác giả. 

Câu 3 (Soạn Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ): Ở bài hát nói này, Nguyễn Công Trứ tự kể về mình. Vì sao ông cho mình là ngất ngưởng? Ông đánh giá sự ngất ngưởng của mình như thế nào?

Trả lời: 

+ Ở bài hát nói này, Nguyễn Công Trứ tự kể về mình, ông cho mình là ngất ngưởng, vì ông tự ý thức được bản lĩnh, phẩm chất, nhân cách hơn người của mình. 

+ Nguyễn Công Trứ đánh giá sự “ngất ngưởng” của mình như sau: 

Sống một cuộc sống phá cách, tài tử thể hiện khát vọng sống tự do khi người ta cưỡi ngựa thì ông cưỡi bò, đi thăm thú cảnh chùa mà vẫn đeo cung kiếm bên người và mang theo một đôi dì. 

– Ông không quan tâm đến những lời khen chê, được mất trong cuộc đời và khẳng định “trong triều ai ngất ngưởng được như ông” thể hiện sự đắc ý, sảng khoái về cái tôi độc đáo của mình, vượt qua mọi lễ nghi nho giáo đầy định kiến. 

Câu 4 : Đọc diễn cảm bài hát nói này. Hãy chỉ ra những nét tự do của thể hát nói so với thơ Đường luật và cho biết ý nghĩa của tính chất tự do đó.

Trả lời: 

+ Những nét tự do của thể hát nói so với thơ Đường luật là: 

– Không bị giới hạn về số câu: bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” có đến 19 câu. 

– Số chữ trong câu linh hoạt, không bị gò bó 

– Vần thơ phóng khoáng. 

– Không có niêm luật chặt chẽ như thơ Đường. 

+ Ý nghĩa của tính chất tự do trong bài thơ “Bài ca ngất ngưởng”  rất thích hợp để diễn tả cảm xúc phóng khoáng, ung dung tự tại của tác giả Nguyễn Công Trứ. 

II – LUYỆN TẬP 

Câu 1 : Theo anh (chị), so với “Bài ca phong cảnh Hương Sơn” (bài đọc thêm, tr.50), “Bài ca ngất ngưởng” có sự khác biệt gì về mặt từ ngữ.

Trả lời:

Trong bài “Bài ca phong cảnh Hương Sơn” và “Bài ca ngất ngưởng” có sự khác biệt về từ ngữ đó là: 

– Trong bài “Bài ca phong cảnh Hương Sơn” của Chu Mạnh Trinh sử dụng từ ngữ nhẹ nhàng, thể hiện phong cảnh thiên nhiên đất nước. 

– Trong bài “Bài ca ngất ngưởng” Nguyễn Công Trứ sử dụng từ ngữ phóng khoáng, ngạo nghễ để nói lên tính cách, lối sống của cá nhân.