Bài mẫu chi tiết phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật mị
Trong nền văn học Việt Nam, Tô Hoài là cái tên không còn xa lạ, ông nổi tiếng với những tác phẩm mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, gây ấn tượng với người đọc bởi vốn hiểu biết sâu rộng về đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của con người các vùng miền. Tiêu biểu cho phong cách của Tô Hoài là truyện ngắn Vợ chồng A Phủ với hình tượng nhân vật Mị. Hãy cùng Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị để hiểu hơn về tác phẩm cũng như nhà văn tài ba này.
Sức sống tiềm tàng được hiểu là sức sống vốn có của con người nhưng bị hoàn cảnh bên ngoài tác động làm che khuất đi, tưởng như đã lụi tàn tắt ngúm nhưng luôn thường trực bên trong chờ cơ hội trỗi dậy. Mở đầu tác phẩm, Mị xuất hiện với hình ảnh làm việc lầm lũi, công việc với cô từ lâu đã trở thành một thói quen, làm không ngừng nghỉ cả đêm lẫn ngày “quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên”. Mị làm việc nhiều đến nỗi “tưởng mình là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm thôi”. Mị thờ ơ với sự trôi chảy của thời gian, tê liệt về mặt cảm xúc để rồi trở thành “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu ngay từ đầu đã như vậy, xót xa là trước đây Mị đã từng có một cuộc sống tự do đầy tươi đẹp. Theo ngòi bút của Tô Hoài, chúng ta được chứng kiến những ngày tháng trước khi Mị về làm dâu nhà thống lí Pá Tra.
- Luận điểm 1: Mị trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra
Mị là cô gái người Mông trẻ trung, hồn nhiên và đặc biệt là có tài thổi sáo “thổi lá cũng hay như thổi sáo có biết bao nhiêu người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Mị cũng đã từng yêu và được yêu, luôn khao khát đi theo tiếng gọi của tình yêu.
Đối với gia đình, Mị là người con hiếu thảo và chăm chỉ, sẵn sàng làm nương ngô để trả nợ thay cho bố, chỉ vậy thôi cũng đủ để ta biết được ý thức giá trị cuộc sống tự do của Mị lớn đến nhường nào.
- Luận điểm 2: Sức sống tiềm tàng của Mị khi rơi vào cảnh con dâu gạt nợ
Thế rồi người ta cũng bắt Mị về làm con dâu gạt nợ, đúng nghĩa là con dâu gạt nợ nên người ta nào có yêu thương gì Mị, cúng trình ma xong họ bóc lột sức lao động Mị, hết đánh rồi trói, nơi Mị sống chẳng phải dành cho người sống mà chính là địa ngục trần gian để rồi “có đến mấy tháng trời đêm nào Mị cũng khóc”. Thời gian bỏ đi một khoảng xa, Mị dần trở nên chai sạn với nỗi đau, lúc nào mặt cũng buồn rười rượi, Mị chỉ biết làm việc như một cỗ máy, không cảm xúc, không còn quan tâm đến năm dài tháng đoạn, mối giao cảm giữa Mị với cuộc sống bên ngoài thu hẹp lại chỉ còn ở “căn buồng âm u kín mít, có một chiếc cửa sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng.” Rơi vào cảnh đời éo le, sức sống tiềm tàng của Mị đã bao lần trỗi dậy, đầu tiên là khi Mị có ý định tự tử bằng lá ngón, Mị không chấp nhận cuộc sống mất tự do nên quyết định tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Cầm nắm lá ngón trên tay chạy về nhà lạy cha lần cuối thế nhưng khi về đến, Mị mới nhìn thấy rõ bi kịch gia đình mình, Mị sống không yên nhưng lại không được chết vì khi Mị chết đi, mọi sự sẽ đổ lên đầu người cha già yếu. Mị không có sự lựa chọn cho riêng mình, Mị phải ở đó làm con dâu gạt nợ cho đến mãn đời. Không những bị đày đọa về mặt thể xác, Mị còn chịu sự đè nén, áp bức về tinh thần, bị trói buộc bởi cường quyền của xã hội phong kiến thối nát, bởi sự mê tín dị đoan của người dân miền núi “nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”.
- Luận điểm 3: Sự trỗi dậy của sức sống tiềm tàng trong Mị
Con người bị giam giữ nhưng ngoài kia thiên nhiên mãi tự do, để đêm hội mùa Xuân đến bên, đánh thức một lần nữa hơi ấm vẫn len lỏi tận sâu trong tim người con gái Tây Bắc. Âm thanh của cuộc sống bên ngoài nào là tiếng trẻ con chơi quay, tiếng sáo gọi bạn tình ùa vào tâm trí Mị, làm trỗi dậy những kí ức tươi đẹp trong quá khứ. Mị lẩm nhẩm theo lời bài hát ngoài xa, trong khoảnh khắc tâm hồn cô trở về với thanh xuân tươi đẹp, khao khát tình yêu hạnh phúc. Mị lén lấy hũ rượu uống ừng ực từng bát, uống cho trôi đi bao uất ức khổ đau, uống như thể đang khát khô tình yêu và sự sống. Kỳ lạ là càng uống Mị càng tỉnh, Mị ý thức được sự tồn tại của bản thân với khao khát tự do, chấm dứt sự tù đày “thấy phơi phới trở lại”, “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Rồi Mị bắt đầu di chuyển, cô quấn lại tóc, mặc váy hoa, muốn ra ngoài kia tận hưởng những gì mình xứng đáng có được. Khi bị A Sử trói, lòng Mị vẫn lơ lửng theo tiếng sáo, theo tiếng hát của tình yêu đến nơi bao cặp gái trai đang vui chơi nhảy múa. Qua đây có thể thấy rằng dù hiện thực đầy đau thương, luôn cố gắng làm thui chột cả ý chí, mơ ước, con người Mị nhưng trong tâm hồn cô luôn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, chỉ chờ cơ hội mà bùng lên mạnh mẽ. Và cơ hội đó đã đến khi Mị nhìn thấy A Phủ bị trói trong đêm mùa đông, đây cũng là thời khắc chứng minh sức sống tiềm tàng của Mị lên đến đỉnh điểm. Ban đầu mị dửng dưng bởi sau đêm tình mùa xuân cô trở lại là cái xác không hồn “Nếu A Phủ là cái xác đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với lửa”, cảnh người ta bị trói, bị hành hạ trong nhà thống lí đã thành lệ thường nhưng đến khi “lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”, Mị trở nên đồng cảm với anh, Mị thương cho mình và thương cho kiếp người bị đày đọa “có lẽ ngày mai người kia sẽ chết, chết đau,…phải chết”.
Cô suy nghĩ đến việc mình cần làm ngay lúc này, sẵn sàng chịu trói thay cho A Phủ, dù có phải chết cô cũng không thấy sợ. Bình tĩnh và can đảm hơn bao giờ hết, Mị rút dao cắt dây trói cho A Phủ, như cắt sự trói buộc khỏi cuộc đời mình. Mị đã nghĩ đến cái chết như một việc sẽ đến thế nhưng khi thấy A Phủ chạy đi, chạy đến với một cuộc sống tự do thì cô chợt bừng tỉnh, Mị cũng muốn sống và khao khát được sống như anh, ý chí “phải sống” nâng bước chân Mị chạy theo A Phủ. Hành động của nhân vật lúc này tuy bất ngờ nhưng vô cùng hợp lý, nó là kết quả mỹ mãn cho một cuộc chiến nội tâm hồi hộp đầy phức tạp. Chẳng đao to búa lớn, sức sống tiềm tàng của Mị đã đạp đổ cường quyền, thần quyền của bè lũ thống trị miền núi, cho người ta hy vọng về một cuộc đời tự do, tươi đẹp hơn.
Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị không chỉ giúp ta thấy được vẻ đẹp của người con gái Tây Bắc mà còn cảm nhận được sâu sắc giá trị nhân đạo của tác phẩm, rằng chỉ có sự tự vùng dậy của bản thân theo sự dẫn dắt của cách mạng mới giải phóng được con người khỏi kiếp ngựa trâu, nô lệ. Đồng thời qua đây tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của Tô Hoài đã được khẳng định vững vàng, khiến người đọc không khỏi trầm trồ thán phục.
Nếu yêu thích bài viết trên của mình, mọi người hãy truy cập vào phantich.com.vn để có thể đọc được nhiều bài phân tích hơn về văn học Việt Nam, trau dồi thêm cho mình vốn từ thật hay nhé.