Bài mẫu Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến
Nói đến Quang Dũng, người ta nghĩ ngay đến người nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông không thể không nhắc đến đó chính là Tây Tiến. Tác phẩm nói về những người lính Tây Tiến lúc làm nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt – Lào, trong đó hầu hết là thanh niên Hà Nội, phần đông là học sinh, tiểu tư sản trí thức tuy chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ nhưng vẫn phơi phới tinh thần lãng mạn anh hùng. Để hiểu rõ hơn về đoàn quân đặc biệt ấy, chúng ta hãy cùng phân tích hình tượng người lính Tây Tiến ngay sau đây.
Mở đầu bài thơ, Quang Dũng thể hiện nỗi nhớ của mình về đoàn quân Tây Tiến:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.”
Nỗi nhớ của nhà thơ dường như theo tiếng gọi “ơi” mà vang vọng khắp núi rừng sông suối, những thổn thức, mong mỏi cũng được bật lên vô cùng tinh tế với cách ngắt nhịp 4/3 khéo léo. “Nhớ chơi vơi” ở đây hẳn chẳng phải là một nỗi nhớ đời thường mà có một chút gì đó trống trải, hụt hẫng và cả nao lòng, tưởng là dịu nhẹ mơn man nhưng lại có sức ám ảnh khôn xiết. Vần “ơi” được lặp lại làm câu thơ như kéo dài ra, theo đó là bao xúc cảm khó nói thành lời. Ngay sau đó nhà thơ đã cụ thể hóa nỗi nhớ của mình:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”
Sài Khao và Mường Lát hiện lên là những địa danh xa xôi, hẻo lánh, là nơi mà người lính dừng chân để nghỉ ngơi trong buổi ngày tàn sau một ngày hành quân vất vả. Chi tiết “sương lấp”, “hoa về”, “đêm hơi” là cái lãng mạn phả vào hiện thực gian nan, tạo nên nét vẽ độc đáo về Tây Tiến. Đọc hai câu thơ, người đọc cảm nhận được trước mắt là một không gian huyền ảo, thơ mộng, bao trùm tất cả là niềm nhớ thương vô bờ bến. Thế nhưng thả hồn lãng đãng chưa được lâu, các chiến sĩ lại phải tiếp tục đối mặt với hiện thực tàn khốc:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”
Có thể nói rằng chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, chặng đường hành quân gian khổ của người lính Tây Tiến đã được lột tả một cách chân thực. Các từ láy giàu tính tạo hình “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” gợi lên không gian được mở ra nhiều chiều. Chỉ đọc thơ thôi mà sao cảm nhận được cả sự gập ghềnh, trắc trở, quanh co của thiên nhiên, một chút sơ sẩy là có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Nhịp thơ bẻ đôi “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” gợi tả sự nguy hiểm tột cùng, sự sống chết mà các chiến sĩ phải đối mặt dường như chỉ còn trong gang tấc. Giữa khó khăn hiểm trở như thế, hình ảnh “súng ngửi trời” hiện lên đầy vui tươi và hóm hỉnh, nó làm ta liên tưởng đến câu “đầu súng trăng treo” trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Nếu “Súng” và “trăng” của Chính Hữu tưởng là đối lập nhau giữa lãng mạn và hiện thực khắc nghiệt thế nhưng lại hòa quyện cùng nhau thật mềm mại, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp giữa rừng hoang sương muối thì “súng” và “trời” của Quang Dũng ở đây cũng như thế. Bên cạnh đó, đọc câu thơ ta còn cảm nhận được khí phách hiên ngang của người lính giữa thiên nhiên hoang sơ lạnh lẽo, con người làm chủ vạn vật, khẳng định sự bản lĩnh kiên cường của chính mình. Cảnh mưa cuối khổ thơ được tác giả miêu tả trong bảy thanh bằng cùng rất nhiều âm tiết mở, gợi tả một không gian mênh mông, dàn trải “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Tiếp tục phân tích hình tượng người lính Tây Tiến, ta sẽ thấy vẻ đẹp của tinh thần nỗ lực, vượt lên mọi khó khăn gian khổ của họ:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời,
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.”
Hình ảnh nhân hóa “thác gầm thét”, “cọp trêu người” là những dẫn chứng sống động nhất về bao gian khổ hiểm nguy mà các chiến sĩ phải trải qua. Chúng luôn rình rập ở đâu đó, gợi lên một nỗi gì hoang sơ và man dại. Thời gian “chiều chiều”, “đêm đêm” được nhắc đến làm cho những thứ vốn nguy hiểm càng trở nên hiểm nguy, vậy mới thấy được tinh thần “thép” của những người anh hùng khi băng qua chốn rừng thiên nước độc để hướng về mục đích cuối cùng là bảo vệ Tổ Quốc. Từ láy “dãi dầu” gợi nên hình ảnh anh đội bao nhiêu nắng, hứng bao nhiêu mưa, ngấm vào người bao nhiêu sương đêm gió lạnh trong cuộc hành quân khốc liệt để rồi phải dừng bước chân “gục lên súng mũ bỏ quên đời”. “Bỏ quên đời” thật ra là sự ra đi vĩnh viễn thế nhưng đọc câu thơ ta thấy đâu đó một chút bất cần, bất cần mà lại đầy dũng khí. Cái chết đối với người lính Tây Tiến chỉ nhẹ tựa lông hồng, sự hy sinh các anh xem rất đỗi nhẹ nhàng đó sao mà bi tráng và hào hùng quá. Lúc chiến đấu khốc liệt, khô khan là thế nhưng khi quay về cuộc sống thường nhật, trong mỗi người lính đều có phần lãng mạn, say mê vẻ đẹp của đời:
“ Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ,
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ.”
Sau những giờ nước sôi lửa bỏng, xả thân mình vào bom đạn hiểm nguy, hình ảnh người lính lúc bây giờ hiện lên thật gần gũi. Từ “bừng” được sử dụng trong câu đầu của khổ thơ vô cùng đắt giá, nếu trước đó tác giả vẽ ra một khung cảnh u tối với cái chết, sự hi sinh thì đến đây mọi thứ như được bừng sáng, không chỉ là không gian, màu sắc mà có cả tâm trạng con người. Hơi ấm từ bó đuốc lan tỏa sưởi ấm bao cõi lòng tưởng chừng như đã nguội lạnh từ lâu. Ba câu thơ sau là cái nhìn say đắm, tình tứ của những người lính Tây Tiến trước vẻ đẹp duyên dáng của người con gái Tây Bắc, tâm hồn các anh đang bay bổng, say mê trong không khí ấm áp tình người.
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”
Hình ảnh khói bếp, nồi cơm từ trước đến giờ luôn là điều bình dị đầy yêu thương khắc sâu trong tâm khảm của mỗi con người, nó gợi nhớ về một không gian đầm ấm, quyện chặt tâm hồn người đi xa. Hai câu thơ được tác giả viết nên đầy nhẹ nhàng nhưng chất chứa nỗi bâng khuâng nhung nhớ khôn nguôi về Tây Tiến.
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?”
Với dụng ý gợi nhiều hơn tả, các hình ảnh hiện lên không rõ nét mà chỉ như hư như thực, chỉ là dáng hình mờ ảo rất khó định hình, nắm bắt. Qua không gian hoang sơ vắng lặng ấy, ta cảm nhận được một nỗi buồn đang trào dâng dù chỉ là trong lặng lẽ.
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Có lẽ khi đọc “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc” chúng ta sẽ bật cười nhưng ngẫm kĩ sẽ thấy buồn nhiều hơn là vui. Buồn vì thương cho các anh đã phải chịu đựng những cơn sốt rét rừng hoành hành đến nỗi rụng hết tóc, xanh hết cả da. Thế mà ở đây Quang Dũng lại viết “không mọc tóc” ở thế đầy chủ động và ngạo nghễ như khẳng định “không thèm mọc tóc” chứ chẳng phải vì bệnh tật. Chi tiết “mắt trừng” diễn tả cái nhìn đầy dữ dội của người tráng sĩ xưa đồng thời gợi nên hình ảnh khuôn mặt hốc hác do điều kiện vật chất thiếu thốn. Ở trong cái dáng hình đáng lẽ phải yếu ớt, xanh xao ấy người lính Tây Tiến lại hiện lên đầy oai phong, lẫm liệt, đặc biệt hơn là chẳng thiếu nét lãng mạn, hào hoa:
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”
Giải thích cho điều này vô cùng dễ hiểu, bởi lính Tây Tiến là những chàng trai xuất thân từ đất Hà Thành nên họ mang vào chiến trường cả nét thi vị, lãng mạn của tâm hồn mình. Họ mơ về Hà Nội là không gian khác hẳn với đời sống nơi chiến trường, đó là nỗi nhớ quê hương tha thiết, trong đó còn có “dáng kiều thơm” là bóng dáng người thương của các chiến sĩ Tây Tiến. Đó là nguồn động lực để họ vững vàng chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước.
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.”
Trong cuộc hành quân đầy gian nan hiểm trở ấy, đã có không ít chiến sĩ phải nằm lại mãi mãi. Những từ Hán Việt “biên cương”, “viễn xứ” được nhà thơ sử dụng thể hiện sự trang nghiêm, tôn kính với người anh, người đồng đội, người em của mình. Họ ra đi với tinh thần chẳng tiếc nuối tuổi trẻ, thanh xuân của bản thân bởi vì ngay từ đầu đã có cho mình lý tưởng cao đẹp “mùa xuân đất nước là mùa xuân của người lính tôi”. Mặc chiếc “áo bào” quý giá anh về với đất mẹ ngoan cường, nghe sông Mã gầm lên khúc bi hùng lần cuối. Với cảm hứng lãng mạn dồi dào, Quang Dũng đã bất tử hóa hình ảnh của người lính Tây Tiến, vẻ đẹp bi tráng, hào hùng lẫm liệt của họ vẫn còn mãi trong tâm trí của những người ở lại.
Với tài năng của mình, Quang Dũng đã viết nên bài thơ mà bất cứ ai đọc qua cũng khó lòng thôi suy ngẫm. Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến càng khiến cho tác phẩm càng trở nên đáng nhớ hơn bao giờ hết. Ở những chàng trai ấy vừa có cái ngang tàng khí phách nhưng cũng vừa lãng mạn hào hoa. Chính họ đã góp phần làm nên đất nước của chúng ta ngày hôm nay.