Những câu chuyện thời chiến luôn là một trong những đề tài khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Những nhân vật đặc sắc đã tạo nên sự thành công cho các tác phẩm. Phân tích nhân vật bé Thu trong Chiếc lược ngà các bạn sẽ hiểu hơn về điều này.
Mở bài
Trước khi đi vào phân tích nhân vật bé Thu trong Chiếc lược ngà, chúng ta cùng khái quát giới thiệu qua về tác giả Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm Chiếc lược ngà.
Theo đó, Nguyễn Quang Sáng vừa là một chiến sĩ, vừa là một nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm về kháng chiến rất độc đáo và ý nghĩa. Ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền Tây sông nước, An Giang. Năm 1946, ông xung phong vào bộ đội và đã tham gia ở nhiều đơn vị, thực hiện nhiều nhiệm vụ và ở nhiều chiến trường khác nhau. Sau giải phóng, ông tham gia nhiều vai trò trong Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2014, ông mất tại nhà riêng ở TP.HCM. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến như Con chim vàng, Đất lửa, Chiếc lược ngà…
Trong đó, tác phẩm Chiếc lược ngà được Bộ Giáo dục đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn THCS. Tác phẩm có nội dung kể về tình cảm cha con đầy xúc động và thiêng liêng giữa nhân vật ông Sáu và bé Thu. Tác phẩm được ông sáng tác vào năm 1966, dựa trên câu chuyện có thật khi ông đến công tác ở một vùng sông nước miền Tây. Câu chuyện không chỉ mang tới cho người độc sự cảm thông và niềm xúc động trước tình yêu của ông Sáu dành cho con gái mà còn ấn tượng mạnh với cô con gái. Cùng phân tích cô bé Thu trong Chiếc lược ngà để cảm nhận rõ nét hơn về nhân vật thú vị này nhé!
Thân bài chi tiết phân tích nhân vật bé Thu trong Chiếc lược ngà
Luận điểm 1: hoàn cảnh của bé Thu
Câu chuyện Chiếc lược ngà xảy ra khi chiến tranh kháng chiến chống Mỹ vẫn diễn ra vô cùng ác liệt. Bé Thu có ba đi chiến đấu khi mới chưa được một tuổi. Bởi thế, trong trí nhớ của cô bé, ba chỉ là một người giống như trong ảnh mà cô bé vẫn được mẹ cho xem. Chính điều đó, đã tạo nên bi kịch và tình huống khó xử khi ba trở về thăm cô bé sau 8 tám năm xa cách. Bởi chiến tranh đã tàn phá khuôn mặt của ba, khiến trên đó có những bết thẹo nhìn đáng sợ và bé Thu đã không nhận ra ba của mình. Để rồi, trong những ngày ba về thăm, cô bé đã trải qua những cung bậc cảm xúc vừa đau thương vừa hạnh phúc ngọt ngào.
Luận điểm 2: Nhân vật bé Thu hiện lên là một cô bé ương ngạnh, bướng bỉnh
Phân tích nhân vật bé Thu trong Chiếc lược ngà, độc giả không khỏi ấn tượng với cảnh tượng khi ông Sáu trở về thăm nhà và gặp bé Thu sau tám năm xa cách. Khi ông Sáu vừa vội vàng nhảy từ xuồng xuống để vào sân khi thấy bé Thu đang ngồi chơi ở sân thì ngược lại với tâm trạng háo hức của ba, cô bé lại phản ứng vô cùng bất ngờ. Cô bé “giật mình tròn mắt nhìn”. Bé Thu ngơ ngác nhìn người đàn ông trước mặt với vẻ lạ lùng nhìn rồi bỗng mặt tái đi. Sau đó, cô bé chạy vụt đi và kêu thét lên gọi “má, má”. Điều này, chứng tỏ cô bé rất cảnh giác với người lạ. Cô bé không phải là một đứa trẻ dễ bị dụ dỗ hay bắt nạt.
Tiếp đến, trong 3 ngày ông Sáu nghỉ phép, cô bé Thu càng thể hiện rõ tính ương ngạnh của mình. Cô bé không chịu chấp nhận đó là ba.
Đầu tiên, Thu không chịu để ông Sáu ngủ cùng với bé và mẹ. “…nó tuột xuống giường, đứng dưới đất chồm lên, nắm tay anh kéo ra. Kéo không được, nó kê miệng cắn. Cho đến ngay anh đi, tay anh vẫn còn hằn sâu những dấu răng của con”. Trong khi ông Sáu cố tình quanh quẩn ở bên để vỗ về, âu yếm thì bé Thu lại tìm mọi cách lẩn trổn, xa lánh và không chịu gọi một tiếng “ba”. Mẹ hiểu ba, mong muốn bé Thu gọi ba nên đã cố tình tạo tình huống để bắt buộc cô bé gọi. Thế nhưng cô bé vẫn không chịu. Lúc má bảo nó gọi ba vào ăn cơm, nó không chịu gọi. Đến nỗi, mẹ giận, dọa đánh, nó mới chịu gọi, nhưng lại gọi trống không: “Vô ăn cơm”. Ông Sáu nghe thấy, nhưng cố tình không đáp để bắt cô bé phải gọi ba, nhưng cô bé vẫn gọi trống không và còn quay lại bảo mẹ “Com gọi rồi mà người ta không nghe”. Cô bé bực bội, còn xem ba mình là người xa lạ. Đến nỗi, ông Sau nghe xong cũng lắc đầu cười chua xót và chịu thua. Sự bướng bỉnh, gan lì của bé Thu tiếp tục được tác giả miêu tả trong ngày tiếp theo, khi mẹ đi vắng và chỉ còn bé Thu ở nhà với bố. Mặc dù mẹ dặn có việc gì cần thì gọi ba, nhưng cô bé cả ngày im lặng. Đến lúc nấu cơm, cơm sôi, nhưng nồi cơm hơi to, nó không thể nhắc xuống để chắt nước được. Lúc đó bé Thu mới nhìn lên ông Sáu cầu cứu, tuy nhiên nó vẫn nói một cách trông không: “Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái”. Mặc cho chú đồng đội đi cùng ba gợi ý là phải gọi “ba chắt nước giùm con” nhưng con bé vẫn không chịu nói. Nó tiếp tục nói trống không và ông Sáu tiếp tục giả vờ không để ý. Đến khi “nó hơi sợ, nó nhìn xuống, vẻ nghĩ ngợi, nhắc không nổi, nó lại nhìn lên. Tiếng cơm sôi như thúc giục nó. Nó nhăn nhó muốn khóc. Nó nhìn nồi cơm, rồi nhìn lên chúng tôi”. Cứ nghĩ cô bé sẽ chịu thua mà gọi ba nhưng rồi “nó loay hoay rồi nhón gót lấy cái vá múc ra từng và nước, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ. Con bé đáo để thật”. Qua đoạn này, độc giả có thể thấy, bé Thu rất bướng bỉnh nhưng cũng là một cô bé rất thông minh và biết cách xử lý tình huống. Đặc biệt, cô bé có tính kiên định và dường như không gì có thể lay động được bé Thu.
Đỉnh điểm của sự ương ngạnh diễn ra trong bữa cơm hôm đó. Khi ông Sáu tỏ ra quan tâm, gắp vào bát cô bé cái trứng cá thì bé Thu đã cư xử không lễ phép. “Nó liền lấy đũa xoi vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng ra, cơm văng tung tóe cả mâm”. Khi bị ba đánh đòn, mọi người những tưởng cô bé sẽ nằm vật ra để khóc lóc, ăn vạ. Nhưng ngược lại, “… nó ngồi im, đầu cúi gằm xuống. Nghĩ thế nào nó cầm đũa, gắp lại cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm. Xuống bến, nó nhảy xuống xuồng, mở lòi tói 1 cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng, khua thật to rồi lấy dầm bơi qua sông. Nó sang qua nhà ngoại, méc với ngoại và khóc ở bên ấy”. Có thể thấy, bé Thu thực sự là một cô bé cá tính và không dễ bị cảm xúc chi phối.
Luận điểm 3: Nhân vật bé Thu rất yêu thương ba
Nếu như những ngày trước, bé Thu tỏ ra là một cô bé bướng bỉnh và ương ngạnh thì ngày trước khi ông Sáu lên đường, tình cảm cha con trổi dậy trong lòng bé Thu, khiến người chứng kiến và người đọc phải xúc động đến nghẹn ngào. Hôm đó, khi ba đang bận tiếp khách, đóng gói đồ đạc, chào tạm biệt bà con lối xóm thì bé Thu “lúc đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa của và cứ nhìn mọi người đang vây quanh ba nó. Vẻ mặt của nó có cái gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của con bé trông rất dễ thương. Với đôi mi dài uốn cong, vò như không bao giờ chớp, đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa”. Sở dĩ, bé Thu có sự thay đổi đó vì trước hôm đó, nó đã được giải bà ngoại giải thích về vết thẹo trên má ông Sáu. Cô bé đã suốt đêm thao thức không ngủ được, vừa ân hận, vừa căm giận quân giặc vừa thương ba mình. Để rồi, lúc ông Sau chào tạm biệt nó để đi, dường như có cái gì cuộn trào lên trong tâm hồn nó. Nó không chỉ không cáu kỉnh nữa mà còn chạy vội lại ôm chầm lấy ba, rồi kêu lên những tiếng “ba” xé lòng. Dường như tiếng gọi đấy cất lên từ trong sâu thẳm tâm hồn cô bé ngây thơ với những khát khao tình cha con đã bị kìm nén trong suốt 8 năm đợi chờ. “Nó vừa kêu vừa chạy xô tới dang hai chân ôm lấy cổ ba nó”.
Cô bé hôn lên khắp người ông Sáu, rồi nó hôn lên cả vết thẹo dài trên má ông. Nó vừa khóc, vừa ôm chặt cổ ba, chân quắp chặt lấy ba, và cương quyết không để ba đi nữa. Cảnh tưởng chia ly ấy khiến những người chứng kiến phải nghẹn ngào, cổ nghẹn ứ vì xúc động. Ai cũng thương cho hai ba con cô bé. Thời gian quá ngắn ngủi mà tình cảm thì quá đậm sâu và thiêng liêng. Qua đây, có thể thấy, nhân vật bé Thu hiện lên là một cô bé có tình yêu thương cha vô cùng mãnh liệt và vô hạn. Cô bé yêu người cha của mình rất nhiều nên khi thấy người không giống trong ảnh thì cương quyết không nhận. Nhưng khi được giải thích, thì cô bé vô cùng ân hận và tiếc nuối. Cô bé đau xót nhận ra mình đã không dành cho ba nhiều thời gian hơn. Quả là một câu chuyện vô cùng xúc động.
Kết bài chi tiết
Chiếc lược ngà là một trong những truyện ngắn đặc sắc về tình cha con mà không phải tác phẩm nào cũng làm được. Ngoài nhân vật ông Sáu thì nhân vật bé Thu cũng để lại trong lòng độc giả nhiều ấn tượng.
Phân tích nhân vật bé Thu trong Chiếc lược ngà, độc giả có thể nhận thấy nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã thành công trong việc khắc họa tâm lý nhân vật, đặc biệt là tâm lý trẻ con vô cùng tinh tế, và phù hợp. Điều này thể hiện tình yêu của nhà văn với con người, và với đối tượng thiếu nhi.