Soạn từ trái nghĩa chi tiết:
I – THẾ NÀO LÀ TỪ TRÁI NGHĨA?
Câu hỏi 1 (SGK trang 128): Đọc lại bản dịch thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” của Tương Như và bản dịch thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” của Trần Trọng San. Dựa vào các kiến thức đã học ở Tiểu học, tìm các cặp từ trái nghĩa trong hai bản dịch thơ đó.
Trả lời: Các cặp trái nghĩa trong hai bản dịch đó như sau:
– Trong bài “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh”: ngẩng – cúi
– Trong bài “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”: trẻ – già; đi – trở lại.
Câu hỏi 2 (SGK trang 128): Tìm từ trái nghĩa với từ: già trong các trường hợp: rau già, cau già.
Trả lời: Từ trái nghĩa với “già” trong trường hợp: rau già, cau già là: non.
II – SOẠN TỪ TRÁI NGHĨA: SỬ DỤNG TỪ TRÁI NGHĨA
Câu hỏi 1 (SGK trang 128): Trong hai bài thơ dịch trên, việc sử dụng các từ trái nghĩa có tác dụng gì?
Trả lời: Trong hai bài thơ dịch trên, việc sử dụng các từ trái nghĩa có tác dụng tạo các hình tượng tương phản, gây ấn tượng mạnh làm cho câu thơ thêm sinh động, hình ảnh được khắc sâu, làm nổi bật rõ tình cảm muốn biểu đạt của tác giả.
Câu hỏi 2 (SGK trang 128): Tìm một số thành ngữ có sử dụng từ trái nghĩa và nêu tác dụng của việc dùng các từ trái nghĩa ấy.
Trả lời:
– Một số thành ngữ có dùng từ trái nghĩa là:
+ Lá lành đùm lá rách
+ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng
+ Gần nhà xa ngõ
+ Mắt nhắm mắt mở
– Việc sử dụng các từ trái nghĩa trong thành ngữ trên có tác dụng làm cho lời ăn tiếng nói sinh động hơn, dễ nhớ, ấn tượng mạnh.
III – LUYỆN TẬP
Câu hỏi 1 (SGK trang 129):
Tìm từ trái nghĩa trong những câu ca dao, tục ngữ dưới đây:
– Chị em như chuối nhiều tàu,
Tấm lành che tấm rách, đừng nói nhau nhiều lời.
– Số cô chẳng giàu thì nghèo,
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.
– Ba năm được một chuyến sai,
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê.
– Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng,
Ngày tháng mười chưa cười đã tối.
Trả lời:
Những từ trái nghĩa trong những câu ca dao, tục ngữ trên là:
+ lành – rách
+ giàu – nghèo
+ ngắn – dài
+ đêm – ngày
+ sáng – tối
Câu hỏi 2 (SGK trang 129): Tìm từ trái nghĩa với những từ in đậm trong các cụm từ sau đây:
Trả lời:
– Tươi:
+ cá tươi>< cá ươn
+ hoa tươi >< hoa héo, hoa tàn
– Yếu
+ ăn yếu >< ăn khỏe
+ học lực yếu >< học lực khá, học lực giỏi
– Xấu
+ chữ xấu >< chữ đẹp
+ đất xấu >< đất tốt, đất màu mỡ
Câu hỏi 3 (SGK trang 129): Điền các từ trái nghĩa thích hợp vào các thành ngữ sau:
Trả lời:
– Chân cứng đá mềm
– Có đi có lại
– Mắt nhắm mắt mở
– Chạy sấp chạy ngửa
– Vô thưởng vô phạt
– Bên trọng bên khinh
– Buổi đực buổi cái
– Bước thấp bước cao
– Chân ướt chân ráo
Câu hỏi 4 (SGK trang 129): Hãy viết một đoạn văn ngắn về tình cảm quê hương, có sử dụng từ trái nghĩa.
Trả lời:
Dù đã đi xa quê hương nhưng tôi luôn nhớ về nó. Mỗi lần có chuyện buồn, ký ức của tôi về quê hương lại ùa về, khiến lòng tôi cảm thấy nhỏ bé khi sống tại một thành phố rộng lớn. Tôi nhớ, dòng sông bên lở bên bồi, uốn quanh nơi ngày xưa chúng tôi vẫn thường tắm. Tôi nhớ những ngôi nhà thấp nhỏ ven sông, khác hẳn với những tòa nhà cao tầng như nơi tôi sống. Tôi cũng nhớ da diết con đường làng vắng vẻ nhưng thân thương hơn rất nhiều con đường tấp nập, chật chội mà hàng ngày tôi đi làm. Tôi rất yêu và nhớ quê hương của mình.