Soạn Vịnh Khoa Thi Hương Trang 33-34 Ngữ văn 11 Tập 1

HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM

Câu 1(Soạn Vịnh KHoa Thi Hương): Hai câu đầu cho thấy kì thi có gì khác thường? (Chú ý phân tích từ “Lẫn”)

Trả lời:

Hai câu thơ mở đầu có tính tự sự, nhằm kể lại kì thi. Khoa thi năm Đinh Dậu được nhà thơ giới thiệu một cách rất tự nhiên. Kì thi Hương được tổ chức theo đúng thời gian quy định, ba năm một lần. Điều này là hết sức bình thường.

Nhà nước ba năm mở một khoa thi

Trường Nam thi lẫn với trường Hà

Nhưng sự bất bình thường đã thể hiện trong câu thơ thứ hai, đó là cách thức tổ chức kì thi: “trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Từ “lẫn” đã thể hiện sự ô hợp, nhốn nháo trong thi cử. Tác giả không dùng từ “thi chung” hoặc một cách diễn đạt khác trang trọng hơn mà dùng từ “thi lẫn”. Cách nói ấy đã dự báo tính chất thiếu nghiêm túc của kì thi. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh sự nhốn nháo, lộn xộn trường thi.

Câu 2: Anh/chị có nhận xét gì về hình ảnh sĩ tử và quan trường? (Chú ý các từ “Lôi thôi” “ậm ọe” với biện pháp nghệ thuật đảo ngữ, các hình ảnh vai đeo lọ của các sĩ tử, miệng thét loa của quan phường) Từ hai câu thơ 3 và 4, anh/chị có cảm nghĩ như thế nào về cảnh thi cử lúc bấy giờ?

Trả lời:

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm ọe quan trường miệng thét loa

+ Lôi thôi, ậm ọe – mấy từ ngữ mà chỉ mới nghe thôi chúng ta đã thấy thiếu thiện cảm. Những từ này chỉ dùng để chỉ nhưng người nghèo khó, bần cùng, thấp cổ bé họng không có tiếng nói. Vậy mà các sĩ tử những người được học chữ nghĩa là dân trí thức nhưng lại được miêu tả từ trên xuống dưới đầy rẫy sự nhếch nhác, luộm thuộm. Điều này quả là châm biếm và hài hước. Ngay cả người trông thi (các quan trường) cũng chẳng có tác phong uy nghiêm gì của người chức cao vọng trọng, người thực thi nhiệm vụ quan trọng nhà nước. Họ không ngừng ậm ọe, miệng thì thét loa, cái oai mà họ cố tỏ ra không có chút oai nghiêm nào, chỉ cố nạt nộ nhưng thật giả vờ, nhạt nhòa và khiến cảnh quan trường trở nên nhốn nháo hơn.

Một kỳ thi Hương quan trọng như thế, không phải hàng năm mà phải ba năm có một lần, vậy mà trường thi láo nháo, lộn xộn như một cái chợ không chút uy nghiêm nào. Cảnh đáng lẽ phải nghiêm trang như vậy mà nhốn nháo chẳng ra sao cũng đủ hiểu cảnh suy vong của nền học vấn Nho gia lỗi thời.

Cách đảo trật tự cú pháp: “Lôi thôi sĩ tử”, “ậm ọe quan trường”

Các từ giàu hình ảnh: “lôi thôi, đeo lọ” cùng với những từ chỉ âm thanh: ậm ọe, thét loa

==> Đó là hình ảnh khái quát sự sa sút về nho phong sĩ khí do sự ô hợp, nhốn nháo của xã hội đưa lại.

Câu 3: Phân tích hình ảnh quan sử, bà đầm và sức mạnh châm biếm, đả kích của biện pháp nghệ thuật đối ở hai câu 5,6.

Trả lời:

+ Đối lập với hình ảnh sĩ tử và quan trường là hình ảnh quan sứ và bà đầm. Đây có lẽ là hình ảnh mang sức mạnh châm biếm nhất. Tên quan người Pháp đứng đầu bộ máy cái trị của tỉnh Nam Định được tiếp đón trọng thể dưới hàng lọng cắm rợp trời mà thường dùng cho vua quan chức cao, mụ đầm cũng chẳng kém, dù là vợ quan sứ, mụ ta ăn mặc diêm dúa váy lê quét đất một cách điệu đà. Hai con người ấy là tiêu biểu của sự phô trương, coi trọng hình thức, quy cách không đúng nghi lễ của một kì thi quan trọng.

Hai câu 5, 6 ánh lên nghệ thuật đối giữa lọng >< váy, trời >< đất, quan sứ >< mụ đầm, đối câu với câu, từ với từ không sót, không một chữ nào thừa. Kết hợp với hình ảnh sĩ tử, quan trường bên trên, bài thơ mạnh mẽ mỉa mai, châm biếm cảnh thi cử, bọn quan lại, thực dân hại dân tốn gạo nhà nước. Những hình ảnh đối lập tạo tiếng cười hài hước mà cũng đau xót, hình ảnh ẩn dụ nỗi xót xa về sự đi xuống, sa sút về chất lượng thi cử, xót xa vì bản chất xã hội thực dân phong kiến đang tàn phá xã hội và giáo dục.

==> Bốn câu thơ vạch trần sự nhếch nhác, tùy tiện của khoa cử lúc bấy giờ. Đồng thời ngầm thể hiện nỗi xót xa chua chát của nhà thơ và người đọc.

Câu 4: Phân tích tâm trạng, thái độ của tác giả trước cảnh tượng trường thi. Lời nhắn gọi của Tú Xương ở hai câu thơ cuối có ý nghĩa tư tưởng gì?

Trả lời:

Trước cảnh trường thi bát nháo lộn xộn. Hai câu kết chuyển đổi giọng điệu, giọng điệu chính của bài thơ là giọng điệu trào phúng, nhưng tới đây tác giả đã dùng giọng điệu trữ tình. Thể hiện sự ngao ngán, chán nản, xót xa của Trần Tế Xương trước sự thụt lùi của đất nước, thái độ lo lắng cho tương lai nước nhà. Cùng với đó là nụ cười mỉa mai, phẫn uất với chế độ thi cử đương thời và buồn cho sự chờ đợi không có hy vọng trên con đường khoa cử của riêng Trần Tế Xương. Bài thơ vừa mỉa mai châm biếm, vừa buồn xót xa, cũng gợi nhắc nỗi nhục mất nước đang ngấm sâu thấm thoắt từng ngày trong chế độ thi cử nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung tới các tử sĩ và chính bản thân mình.

Câu thơ vừa là lời tự vấn mình, vừa hướng đến những người đồng môn. Đó là lời kêu gọi, đánh thức lương tri. Câu hỏi phiếm chỉ:

Nhân tài đất Bắc nào ai đó

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

Không chỉ hướng đến các sĩ tử năm đó mà còn đến những người được xem là nhân tài đất Bắc. Từ một khoa thi bình thường, tác giả đã làm nổi bật bức tranh hiện thực xã hội đương thời, bên cạnh đó còn thể hiện nỗi đau, nỗi nhục mất nước của tác giả. Là con người biết trọng danh dự, với tấm lòng lo nước thương đời, ông Tú muốn đánh thức ý thức dân tộc trong con người Việt nam, nhất là những người tài, những người có trách nhiệm và có khả năng cứu nước, cứu đời.