Câu 1 (Ôn tập phần làm văn)
Vì sao một văn bản cần có tính thống nhất? Tính thống nhất của văn bản thể hiện ở những mặt nào?
Trả lời:
Khi xây dựng bất cứ văn bản dạng nào cũng cần có tính thống nhất. Bởi nếu không có sự kết nối, thống nhất giữa chủ đề, các đoạn văn sẽ khiến văn bản thiết sự tập trung, phân tán. Đặc biệt nó không đưa ra được vấn đề chính cần thể hiện, đôi khi còn bị lạc đề.
Tính thống nhất của văn bản thường được thể hiện trong các mặt:
- Tiêu đề, tiểu mục nhỏ trong văn bản.
- Mối quan hệ giữa các đoạn, phần của văn bản.
- Từ ngữ then chốt sử dụng trong văn bản.
Câu 2: Ôn tập phần làm văn
Viết thành đoạn văn từ mỗi câu chủ đề sau:
– Em rất thích đọc sách….
– …. Mùa hè thật hấp dẫn.
Trả lời:
– Đoạn 1: Em rất thích đọc sách, sách mang đến cho em nhiều kiến thức, hiểu biết mới. Đọc sách không chỉ giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy mà còn rèn luyện nhân cách. Hơn nữa, đọc sách có chọn lọc còn giúp ta mở rộng hiểu biết trên nhiều lĩnh vực. Mỗi khi đọc sách, em cảm giác rất thoải mái, thư giãn. Một số cuốn sách còn giúp truyền cảm hứng, giúp em xóa tan những áp lực của cuộc sống.
– Đoạn 2: Trong bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, mùa hè là mùa em yêu thích nhất. Hè đến là lúc tiếng ve sầu râm ra kẽ lá, những hàng phượng vĩ đỏ rực, hoa bằng lăng tím ngắt một góc trời. Mùa hè mang cho ta nguồn năng lượng đầy sức sống, niềm vui và cũng là lúc các cô cậu học trò vui nhất. Bởi đó là thời điểm kết thúc một năm học tập bận bịu, thời gian được nghỉ ngơi, thư giãn cùng gia đình ở những nơi biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Chỉ cần nghĩ tới thôi đã thấy mùa hè thật hấp dẫn!
Câu 3:
Vì sao cần phải tóm tắt văn bản tự sự? Muốn tóm tắt một văn bản tự sự thì phải làm như thế nào, dựa vào những yếu cầu nào?
Trả lời:
Tóm tắt văn bản tự sự là điều cần thiết, bởi:
- Giúp học sinh chắt lọc và hiểu rõ nội dung chính mà văn bản đang nhắc đến.
- Giới thiệu văn bản một cách ngắn gọn, đầy đủ ý, đúng chủ đề.
- Hỗ trợ việc học, nhớ khi cần thiết.
Muốn tóm tắt một văn bản tự sự, các em học sinh cần:
- Đọc kỹ văn bản, hiểu đúng chủ đề mà văn bản nhắc tới.
- Xác định rõ nội dung chính của văn bản.
- Viết bản tóm tắt một cách khách quan dựa trên hiểu biết sa khi đọc văn bản.
Câu 4:
Tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm có tác dụng như thế nào?
Trả lời:
Văn bản tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm giúp văn bản trở nên sinh động hơn. Cụ thể yếu tố miêu tả mang lại hình ảnh trực quan, giàu tính thực tế. Nhờ đó người đọc dễ dàng liên tưởng đến điều đang được nói đến.
Bên cạnh đó, yếu tố biểu cảm mang đến chiều sâu cho văn bản. Nó thể hiện thái độ, tình cảm của người viết đối với sự vật, hiện tượng. Vì thế văn bản có sức hút và xác thực hơn.
Câu 5: Ôn tập phần làm văn
Viết (nói) đoạn văn tự sự kết hợp với miêu tả, biểu cảm cần chú ý những gì?
Trả lời:
Để viết văn bản tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm, các em học sinh cần chú ý một số ý chính sau:
- Không nên quá sa đà vào miêu tả hay biểu cảm. Tất cả nên được thể hiện một cách chân thật nhất.
- Luôn xác định rõ mục đích của văn bản chính là tự sự hay kể chuyện.
- Yếu tố miêu tả, biểu cảm trong văn bản này chỉ là phụ, đóng vai trò nền tảng giúp văn bản có sức hút hơn.
Câu 6:
Văn bản thuyết minh có những tính chất như thế nào và có những lợi ích gì? Hãy nêu các văn bản thuyết minh thường gặp trong đời sống hằng ngày.
Trả lời:
Văn bản thuyết minh là dạng văn bản thông dụng trong đời sống hàng ngày. Nó cung cấp cho người đọc đặc điểm, tính chất, nguyên nhân cơ bản của sự vật, hiện tượng xung quanh chúng ta thông qua phương thức giới thiệu, trình bày kết hợp giải thích.
Dạng văn bản thuyết minh cần trình bày khách quan, trung thực, diễn đạt rõ ràng, chính xác, luận điểm, luận cứ chặt chẽ, hấp dẫn. Lợi ích của văn bản thuyết minh đó là cung cấp thông tin cụ thể, chính xác cho người đọc.
Một số loại văn bản thuyết minh thường gặp như:
- Giới thiệu sản phẩm mới, đặc sản địa phương.
- Giới thiệu danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử.
- Giới thiệu về tiểu sử của danh nhân, người nổi tiếng, nhà văn, nhà thơ,…
- Giới thiệu một tác phẩm mới.
Câu 7
Muốn làm văn bản thuyết minh, trước tiên cần phải làm gì? Vì sao phải làm như vậy? Hãy cho biết những phương pháp cần dùng để thuyết minh sự vật. Nêu ví dụ về các phương pháp ấy.
Trả lời:
Muốn soạn một văn bản thuyết minh, các em học sinh cần phải:
- Xác định rõ đối tượng cần thuyết minh là gì.
- Thu thập những thông tin, dữ liệu khách quan, có căn cứ về đối tượng cần thuyết minh.
- Cân nhắc lựa chọn phương pháp thuyết minh phù hợp.
- Lựa chọn bố cục.
Việc áp dụng như yêu cầu trên đây nhằm:
- Tập trung đúng đối tượng cần thuyết minh, không lan man, lạc đề.
- Xây dựng hệ thống lập luận chặt chẽ, tăng tính thuyết phục.
- Bố cục văn bản logic, phù hợp với đối tượng, sự vật nhắc đến.
Những phương pháp thường dùng để thuyết minh sự vật như:
- Nêu định nghĩa, giải thích. Ví dụ: Mưa là một hiện tượng tự nhiên, xảy ra do sự ngưng tụ của hơi nước trên bầu trời, dưới dạng những đám mây, khi gặp điều kiện lạnh, tạo thành giọt nước, nặng hơn không khí và rơi xuống mặt đất.
- Liệt kê. Ví dụ: Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là cây tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, luỹ tre thân mật làng tôi… đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn. (Cây tre Việt Nam – Thép Mới).
- Nêu ví dụ. Ví dụ cụ thể: Người ta cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm (ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đo la, tái phạm phạt 500 đô la). (Ôn dịch, thuốc lá).
- Dùng số liệu. Ví dụ: Ban đầu thế giới có hai người, đến 1995 thế giới có 5,63 tỉ người và đạt đến ô thứ 30 trên bàn cờ. (Bài toán dân số, Ngữ văn 8).
- So sánh. Ví dụ: Biển Thái Bình Dương chiếm diện tích gấp 3 lần đại dương khác cộng lại, gấp 14 lần diện tích biển Bắc Băng Dương.
- Phân loại, phân tích. Ví dụ: Huế là một trong những trung tâm văn hóa, nghệ thuật lớn của Việt Nam. Huế là sự kết hợp hài hòa giữa núi, sông và biển.
Câu 8:
Hãy cho biết bố cục thường gặp khi làm bài thuyết minh về:
– Một đồ dùng.
– Cách làm một sản phẩm nào đó.
– Một di tích, danh lam thắng cảnh.
– Một loài động vật, thực vật.
– Một hiện tượng tự nhiên,….
Trả lời:
Khi làm bài văn thuyết minh, các em học sinh có thể áp dụng bố cục 3 phần sau đây:
– Mở bài: Giới thiệu đối tượng cần thuyết minh.
– Thân bài: Trình bài cụ thể về đối tượng, chẳng hạn: Cấu tạo, đặc điểm, lợi ích, cách làm, sự ảnh hưởng,….
– Kết bài: Thể hiện thái độ với đối tượng được nhắc tới.
Câu 9: Ôn tập phần làm văn
Thế nào là luận điểm trong bài văn nghị luận? Hãy nêu ví dụ về một luận điểm và nói các tính chất của nó.
Trả lời:
Luận điểm trong bài văn nghị luận được hiểu là những quan điểm, tư tưởng, chủ trương người viết nêu ra trong văn bản. Mỗi luận điểm phải đảm bảo:
- Tính chính xác, rõ ràng, đáp ứng nhu cầu giải quyết vấn đề và làm sáng tỏ vấn đề được đặt ra.
- Luận điểm mang tính hệ thống bao gồm luận điểm chính và luận điểm phụ.
- Các luận điểm phải có mối liên kết chặt chẽ, phân biệt và sắp xếp theo trật tự hợp lý.
Ví dụ:
“Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay”. Nói thế có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói thế cũng có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử”.
(Sự giàu đẹp của tiếng Việt – Đặng Thai Mai)
- Luận điểm chính trong ví dụ: Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay
- Luận điểm phụ: tiếng Việt là một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển
Câu 10:
Văn bản nghị luận có thể vận dụng kết hợp các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm như thế nào? Hãy nêu một ví dụ về sự kết hợp đó.
Trả lời:
Văn bản nghị luận có sự kết hợp giữa yếu tố biểu cảm, tự sự, miêu tả sẽ tăng thêm tính thu hút. Trong đó, yếu tố tự sự có nhiệm vụ trình bày chuỗi sự việc nối tiếp nhau, thể hiện ý nghĩa người viết muốn nhắc tới.
Yếu tố miêu tả giúp người đọc dễ dàng hình dung đặc điểm, tính chất sự vật, hiện tượng được nhắc đến. Nhờ đó, văn bản nghị luận sinh động, hấp dẫn hơn, có sức truyền cảm hứng và thuyết phục.
Ví dụ: Văn bản “Cần tạo thói quen tốt trong đời sống” – Ngữ văn 7
- Yếu tố tự sự: Bàn về tập thói quen tốt, loại bỏ thói quen xấu trong đời sống hàng ngày.
- Yếu tố miêu tả: Miêu tả về những thói quen tối như: Dậy sớm, đúng hẹn, giữ lời hứa, luôn đọc sách,…. Những thói quen xấu gây hại đến cộng đồng, môi trường: Hút thuốc lá, hay cáu giận, mất trật tự,….
- Yếu tố biểu cảm: Thể hiện thái độ của bản thân đối với những thói quen tốt và thói quen xấu.
Câu 11:
Thế nào là văn bản tường trình, văn bản thông báo? Hãy phân biệt mục đích và cách viết hai loại văn bản đó.
Trả lời:
– Văn bản tường trình:
Khái niệm: Là văn bản trình bày trách nhiệm, thiệt hại của người tường trình trong các sự việc xảy ra có gây hậu quả cần phải xem xét.
Mục đích: Trình bày để người có trách nhiệm hoặc cấp có thẩm quyền nắm rõ sự việc để xem xét cách thức, phương pháp xử lý.
Cách viết: Một văn bản tường trình cần đảm bảo đầy đủ các mục:
- Thể thức mở đầu văn bản: Quốc hiệu, tiêu ngữ (ghi chính giữa), địa điểm và thời gian làm tường trình (ghi góc bên phải), tên văn bản (ghi chính giữa), người (cơ quan) nhận bản tường trình.
- Nội dung tường trình: Trình bày rõ thời gian, địa điểm, diễn biến sự việc, nguyên nhân, hậu quả, ai chịu trách nhiệm.
- Kết thúc văn bản tường trình: Lời đề nghị, cam đoan, chữ ký và họ tên người làm tường trình.
– Văn bản thông báo:
Khái niệm: Là văn bản truyền đạt thông tin của cơ quan, đoàn thể báo tới 1 hoặc nhiều người về một sự kiện, vấn đề nào đó.
Mục đích: Thông báo thường dùng để truyền đạt thông tin tới người khác để biết và thực hiện.
Cách viết: Văn bản thông báo cần đảm bảo bố cục 3 phần:
- Phần mở đầu: Tên cơ quan chủ quản, đơn vị trực thuộc (ghi góc trên bên trái), quốc hiệu, tiêu ngữ hoặc tên đoàn thể (ghi phần trên chính giữa trang giấy), địa điểm, thời gian làm thông báo (góc bên phải), tên văn bản (chính giữa).
- Phần nội dung thông báo: Về vấn đề gì.
- Phần kết thúc: Nơi nhận (phía dưới bên trái), ký tên và ghi đr họ tên chức vụ người trách nhiệm thông báo (phía dưới bên phải)
Trên đây là nội dung ôn tập phần làm văn chi tiết. Ngoài những ví dụ cụ thể nê trên, các em có thể tìm thêm thông tin trong các bài đã học. Chúc các em học tốt!