Những tác phẩm văn học luôn để lại ấn tượng trong lòng người đọc không chỉ về tình huống truyện, về tuyến nhân vật mà còn về những phân cảnh diễn ra trong truyện. Phân tích cảnh đợi tàu của 2 chị em Liên người đọc sẽ hiểu rõ hơn về tác phẩm thú vị này.

Mở bài

Nhà văn Thạch Lam là một trong những nhà văn lớn trên văn đàn Văn học Việt Nam. Ông tham gia nhóm Tự lực văn đoàn. Với tuổi thơ có cuộc sống cơ cực và sinh ra trong thời loạn lạc nên phong cách sáng tác của ông có khuynh hướng lãng mạn, đặc biệt là trước Cách mạng tháng 8. Tác giả Thạch Lam luôn xoay quanh thế giới nội tâm của các nhân vật với những xúc cảm mơ hồ, mong manh và sầu bi.

Trước khi phân tích cảnh đợi tàu của 2 chị em Liên, các bạn cần khái quát qua tác phẩm truyện ngắn Hai đứa trẻ. Tác phẩm dù không có cốt truyện gay cấn, kịch tính nhưng thông qua tâm trạng của nhân vật Liên, cuộc sống nghèo khổ của những kiếp người hẩm hiu nơi phố huyện… đã đủ để mang đến cho người đọc nhiều xúc cảm khó quên và ấn tượng.

phan tich canh doi tau cua 2 chi em lien

Trong tác phẩm, có nhiều phân cảnh ấn tượng, nhưng cảnh để lại dấu ấn trong lòng độc giả hơn cả là cảnh tượng hai chị em Liên đợi tàu trong đêm khuya. Đó là hình ảnh kết tinh của những biện pháp nghệ thuật và tư tưởng tiến bộ của nhà văn Thạch Lam với bút pháp đầy trữ tình và nhân văn sâu sắc.

Thân bài chi tiết

 Luận điểm 1: Nguyên do khiến hai chị em Liên cố thức đợi tàu

Theo như Thạch Lam viết thì: “An và Liên đã buồn ngủ ríu cả mắt. Tuy vậy hai chị em vẫn cố gượng để thức khuya chút nữa, trước khi vào hàng đóng cửa đi ngủ. Mẹ vẫn dặn phải thức đến khi tàu xuống – đường sắt đi ngang qua ngay trước mặt phố – để bán hàng, may ra còn có một vài người mua. Nhưng cũng như mọi đêm, Liên không trông mong còn ai đến mua nữa. Với lại đêm họ chỉ mua bao diêm, hai gói thuốc là cùng. Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu. Chín giờ có chuyến tàu ở Hà Nội đi qua huyện. Đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya”.

Mặc dù đã buồn ngủ ríu cả mắt nhưng hai chị em Liên vẫn cố gắng gượng thức để đợi tàu đến. Một là vì hai chị em được mẹ dặn dò đợi tàu đến để bán hàng. Nhưng cũng như bao ngày khác, Liên không mong chờ có nhiều khách đến. Tuy vậy, hai chị em vẫn đợi tàu vì đó là chuyến tàu ở Hà Nội đi qua, là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Sở dĩ hai chị em đợi xem tàu không chỉ để xem nó chạy như thế nào mà thực chất là để thay đổi tâm trạng buồn bã chán chường ứ đọng trong ngày, cô muốn thay đổi cảm giác u buồn tăm tối nơi phố huyện nghèo nàn. Qua đây, độc giả có thể thấy, ở trong hai chị em Liên có sự khao khát, mong muốn khắc khoải muốn thay đổi cuộc sống và nhìn thấy những gì khác lạ với cuộc sống hiện tại.

Luận điểm 2: Hình ảnh hai chị em trước khi tàu đến

phan tich cnah doi tau cua 2 chi em lien

Phân tích cảnh đợi tàu của 2 chị em Liên, độc giả thấy, trước khi tàu đến, tâm trạng của hai chị em Liên vô cùng háo hức và xáo động. Mặc dù mi mắt An như sắp sửa rơi xuống nhưng cậu vẫn cố gượng dặn chị gọi dậy khi tàu đến. Bởi An không muốn bỏ lỡ.  Trong khi đó, “Liên khẽ quạt cho An, vuốt lại mái tóc tơ. Đầu em bé nặng dần trên người Liên; chị ngồi yên không động đậy. Qua khe lá của cành bàng ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một. Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu”. Liên mong ngóng, háo hức chờ đợi. Tâm hồn cô bỗng có chút mơ hồ gì đó mà chính cô cũng không hiểu.  Trong lúc đợi tàu, Liên cứ chăm chú nhìn về hướng đường ray để rồi chăm chú nhìn ngọn lửa xanh biếc, vểnh tai nghe tiếng còi vang lên vọng lại từ xa xôi. Khi dấu hiệu tàu đến xuất hiện, Liên vội vàng cuống quýt gọi An dậy. Cả hai lo sợ nếu không nhanh sẽ bị bỏ lỡ, không kịp nhìn thấy. Nhận được tín hiệu từ chị, An vội “nhỏm dậy”, “lấy tay giụi mắt” để cho tỉnh hẳn. “An nhổm dậy, lấy tay dụi mắt cho tỉnh hẳn. Hai chị em nghe thấy tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi. Một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”.

Một hành động thể hiện sự nhanh chóng, rất ngây thơ, đáng yêu và cũng đáng thương của một đứa trẻ đang ngủ ngon phải tỉnh giấc. Niềm háo hức mong ngóng đợi tàu của hai chị em như những đứa trẻ ngóng đợi mẹ đi chợ và mang về những món quà kỳ diệu. Và sâu xa hơn, đó là niềm mong đợi về một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống tù túng, tả nhạt thường ngày nơi phố huyện nghèo này.

Luận điểm 3: Tâm trạng của hai chị em Liên khi tàu đến

“Hai chị em chờ không lâu. Tiếng còi đã rít lên, và tàu rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”.

Lúc đoàn tàu đến, hai chị em Liên đứng dậy để nhìn cho rõ hình ảnh đoàn tau đang lao vụt qua. Đó là một khoảnh khắc khá ngắn ngủi, chỉ trong chốc lát thoáng qua, nhưng Liên đã kịp quan sát và nhìn thấy “những toa hạng trên sang trọng lố nhố người, đồng và kền lấp lánh và các cửa kính sáng” . Đó là những điều khác biệt so với bòng tối, cuộc sống nhàm chán thường ngày nơi phố huyện của chị em Liên. Qua câu hỏi bâng quơ cảm thán của An “Tàu hôm nay không đông, chị nhỉ?” Độc giả có thể cảm nhận được rằng việc đợi tàu này là ngày nào hai chị em cũng thực hiện. Dường như những chuyến tàu đêm đã quá quen thuộc với hai chị em những mỗi khi nó đi qua vẫn mang tới cảm giác mới mẻ và kỳ lạ đến thú vị.

Luận điểm 4: tâm trạng hai chị em khi tàu đi

“Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em còn nhìn theo cái chấm đỏ của chiếc đèn xanh trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre.

– Tàu hôm nay không đông nhỉ, chị nhỉ.

Liên cầm tay em không đáp. Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình khư kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng”.

phan tich canh doi tau cua 2 chi em lien

Đoàn tàu đến và đi nhanh như chớp mắt. Khi An hỏi chị, nhưng Liên đứng lặng ngắm đoàn tàu mà không đáp. Bởi lúc này trong tâm hồn cô có một sự xúc động khó tả. Liên nhớ về những ngày tháng xưa kia, nơi Hà Nội xa xăm và huyên náo, vui vẻ, với cuộc sống đủ đầy, giàu sang. Càng hồi tưởng lại cuộc sống xưa kia, Liên càng cảm thấy nuối tiếc và ngán ngẩm về cuộc sống hiện tại.

Con tàu đi, mang theo cả thế giới khác của chị em Liên lẫn của người dân nơi phố huyện đi theo. Để rồi khi những chấm nhỏ của chiếc đèn treo trên toa cuối cùng của chiếc tàu khuất sau rặng tre, thì bóng tối lại bao trùm lên phố huyện nghèo.

Khi đoàn tàu biến mất, hai chị em Liên lại trở lại với cảm giác chán chường, buồn bẻ của cuộc sống hàng ngày. Dường như niềm vui của hai chị em vừa lóe lên đã vụt tắt theo đoàn tàu. Tất cả thứ ánh sáng của đoàn tàu đã tan biến, giờ đây chỉ còn lại màn đêm với ánh đèn tù mù, chiếu sáng một vùng đất nhỏ bé xíu và chập chờn đi vào giấc ngủ của hai chị em Liên. Qua đây, người đọc cảm nhận được tâm trạng tiếc nuối, và khát khao về cuộc sống thay đổi tươi mới của chị em Liên.

Luận điểm 5: ý nghĩa của cảnh đợi tàu

Phân tích cảnh đợi tàu của 2 chị em Liên, người đọc cảm nhận được niềm thương cảm của tác giả Thạch Lam dành cho những phận người nghèo khổ trong xã hội cũ. Họ không có những mong ước cao sang, xa vời, mà chỉ đơn giản và rất nhỏ bé, đó là được nhìn thấy đoàn tàu vụt qua trong đêm khuya.

Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhìn thấy niềm lạc quan, tin tưởng về con người của tác giả Thạch Lam. Đó là dù cuộc sống tù túng, hẩm hiu nhưng họ vẫn khát khao có sự thay đổi. Họ gắn bó với nhau, rất cảm thông và yêu thương nhau nhưng tất cả đều mong mỏi và muốn thay đổi cuộc sống mặc dù nó rất rời rạc và mơ hồ. Điều này cũng chứng tỏ, cảnh chiều tàn, cảnh đoàn tàu vụt qua của ngày tàn nhưng cuộc đời và suy nghĩ của chị em Liên không tàn.

Kết bài chi tiết phân tích cảnh đợi tàu của 2 chị em Liên

Trong phần kết bài, các bạn cần nêu khái quát lại ý nghĩa của cảnh đợi tàu. Đó là cảnh tượng nêu lên niềm khao khát thay đổi cuộc đời, cuộc sống thường ngày của hai chị em Liên.

Phân tích cảnh đợi tàu của 2 chị em Liên, độc giả thấy được tài năng sử dụng nghệ thuật đặc sắc của tác giả. Đó là lối viết không cần cốt truyện phức tạp, nhưng vẫn đủ để khiến người đọc cảm nhận được toàn bộ bức tranh nội dung tác phẩm. Bút pháp hiện thực xen lẫn lãng mạn đã làm nổi bật nội tâm của các nhân vật. Ngôn ngữ, súc tích, ngắn gọn đơn giản nhưng giàu tính tạo hình, gợi cảm xúc, khiến đọc giả cảm nhận rõ rệt tâm trạng của nhân vật và toàn bộ cuộc sống của những phận nghèo nơi phố huyện tăm tối.