Bài soạn Viết đoạn văn trình bày luận điểm bao gồm giải chi tiết các câu hỏi trong SGK và minh họa viết đoạn văn mẫu.

I. TRÌNH BÀY LUẬN ĐIỂM THÀNH MỘT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN

1. Đọc các đoạn văn (SGK Ngữ văn 8, tập 2) và trả lời các câu hỏi:

Câu hỏi 1: Xác định chủ đề (câu nêu luận điểm) trong mỗi đoạn văn:

– Đoạn văn (a): Thật là chốn tụ hội trọng yếu của 4 phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

– Đoạn văn (b): Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng danh với tổ tiên ta ngày trước.

Câu hỏi 2: Câu chủ đề trong từng đoạn được đặt ở vị trí nào của đoạn (đầu hay cuối đoạn)?

– Câu chủ đề có thể đặt ở đầu đoạn văn, cũng có thể đặt ở cuối đoạn văn.

– Đoạn (a) viết theo cách quy nạp – câu chủ đề đặt ở cuối đoạn văn

– Đoạn (b) viết theo cách diễn dịch – câu chủ đề đặt ở đầu đoạn văn.

2. Đọc các đoạn văn (SGK Ngữ văn 8, tập 2) và trả lời các câu hỏi:

Trả lời câu hỏi a:

– Lập luận là việc sắp đặt các luận điểm và luận cứ thành một hệ thống có sức thuyết phục làm sáng tỏ vấn đề cần nghị luận.

– Luận điểm trong đoạn văn trên: Bản chất chó của vợ chồng Nghị Quế. (Câu chủ đề – câu đặt ở cuối đoạn).

– Cách lập luận của đoạn văn trên là cách tương phản

Trả lời câu hỏi b:

Cách lập luận (theo cách tương phản): Ban đầu đưa ra cách vợ chồng Nghị Quế thích, yêu chó. Sau đó miêu tả cách vợ chồng nhà này đối xử với người thì “giở giọng chó má”.

=> Cách lập luận này giúp làm nổi bật luận điểm, bản chất chó má của giai cấp địa chủ.

Trả lời câu hỏi c:

Việc sắp xếp các ý với trật tự trong đoạn văn giúp nếu bật được luận điểm, chứng minh được bản chất xấu xa của vợ chồng Nghị Quế. Nếu tác giả thay đổi trật tự sắp xếp các ý sẽ làm cho luận điểm mờ nhạt, đoạn văn không có tính thuyết phục.

Trả lời câu hỏi d:

Khi trình bày đoạn văn, những cụm từ chuyện chó con, giọng chó má, thằng nhà giàu rước chó vào nhà, chất chó đểu của giai cấp nó được xếp cạnh nhau giúp làm cho cách lập luận thêm chặt chẽ, luận điểm được nổi bật và bản chất thú vật của vợ chồng Nghị Quế được làm rõ.

II. LUYỆN TẬP VIẾT ĐOẠN VĂN TRÌNH BÀY LUẬN ĐIỂM

Câu 1: Đọc hai câu văn sau (trong SGK) và và diễn đạt mỗi ý thành một luận điểm ngắn gọn, rõ.

Trả lời:

Câu văn (a): Trước hết là cần tránh lối viết dài dòng, lan man.

Câu văn (b):  Ngoài việc mê viết, Nguyên Hồng còn thích truyền nghề cho bạn trẻ.

Câu 2: Đọc đoạn văn sau đây (trong SGK) trình bày luận điểm gì và sử dụng các luận cứ nào? Hãy nhận xét cách sắp xếp luận cứ và cách diễn đạt của đoạn văn.

– Luận điểm của đoạn văn được nêu ra ngay trong câu mở đầu: “Tôi thấy Tế Hanh là người tinh lắm”. Để làm sáng tỏ luận điểm này, tác giả đã sử dụng các luận cứ :

+ Tế Hanh đã ghi được những nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương.

+ Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi với mỗi con người.

Nhận xét sắp xếp luận cứ: Hai luận cứ trên được trình bày theo một trình tự hợp lý, lô-gíc. Luận cứ thứ hai là hệ quả từ luận cứ thứ nhất. Chính điều này đã tạo ra sự hợp lý, tính lô-gíc và thuyết phục cho đoạn văn.

Câu 3: Viết các đoạn văn ngắn triển khai ý các luận điểm sau:

a) Học phải kết hợp với làm bài tập mới hiểu bài

Học phải kết hợp với làm bài tập mới hiểu bài. Mục đích của việc học là nắm bắt tri thức, nhưng củng cố những tri thức học được quan trọng không kém. Thực tế trí nhớ của con người có giới hạn, nhiều kiến thức từ sách vở sau một thời gian học nhưng không thực hành sẽ dẫn đến bị mai một, rơi rụng. Vì vậy, sau khi học kiến thức, làm bài tập sẽ giúp người học am hiểu và nắm chắc hơn. Có câu châm ngôn “Lý thuyết chỉ là màu xám, cây đời mãi mãi xanh tươi”. Lý thuyết phải được soi chiếu, áp dụng vào bài tập, từ lý thuyết tìm ra hướng giải quyết tong bài tập, kiến thức vì thế mới trở nên có ích. Ngoài ra, việc làm bài tập đều đặn sẽ giúp củng cố kiến thức học được một cách hiệu quả. Những người làm bài tập chăm chỉ, kiến thức thu nhận được không chỉ giúp củng cố tri thức mà còn giúp nâng cao tầm hiểu vấn đề khi tiếp cận với thực tế (vấn đề bài tập đưa ra).

b) Học vẹt không phát triển được năng lực tư duy

Học vẹt là việc nói thao thao như vẹt nhưng không hiểu mình nói gì. Nhiều người luôn chỉ cố học thuộc lòng mà không nắm được bản chất vấn đề. Học vẹt sẽ làm cho trí não con người trở nên lười biếng, chây ì. Bởi khi gặp vấn đề chúng ta không tư duy để phân tích, giải thích thì các kĩ năng tư duy thiết yếu không được rèn luyện, mài rũa. Vì vậy, học vẹt không phát triển được năng lực tư duy.

Câu 4:

viet-doan-van-trinh-bay-luan-diem1

Trả lời:

Để làm sáng tỏ luận điểm “Văn giải thích cần phải viết cho dễ hiểu”, các luận cứ có thể đưa ra:

– Mục đích của văn giải thích: là để giải thích cho người đọc hiểu rõ về một vấn đề nào đó.

– Nếu người viết không viết mạch lạc, dễ hiểu, thì người đọc không hiểu được lời văn dẫn đến không tiếp nhận được vấn đề mà người viết muốn trình bày.

– Vì vậy, yêu cầu đầu tiên của một bài viết là phải viết rành mạch, giản dị, tránh dùng các từ ngữ cầu kỳ, tối nghĩa, những câu có cấu trúc phức tạp.

– Bên cạnh đó, khi viết người viết cần chú đến đối tượng tiếp nhận là ai để lựa chọn ngôn ngữ phù hợp, nhằm đạt được hiệu quả biểu đạt cao.