Soạn Ngắm trăng 

ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Câu 1: Đọc kĩ phần phiên âm, phần dịch nghĩa và phần giải nghĩa chữ Hán để hiểu chính xác từng câu trong bài thơ. Học thuộc bản dịch thơ và nhận xét về các câu thơ dịch.

Trả lời:

– Học sinh tự đọc kĩ phần phiên âm và dịch nghĩa, dịch thơ.

– Nhận xét về các câu thơ dịch:

“Trong tù không rượu cũng không hoa,

Cảnh đẹp đem nay, khó hững hờ;

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”

– Trong bản dịch thơ các câu dịch so với bản gốc ta thấy có những câu thơ dịch chưa thoát ý, chưa sát nguyên tác, cụ thể:

+ Câu 3 bản dịch nghĩa là ‘trước cảnh đêm nay biết làm thế nào?”  trong bản dịch thơ là “khó hững hờ”, câu thơ như làm giảm đi sự xao xuyến, bối dối trong bài.

+ Hai câu cuối ý thơ dịch chưa thoát ý: từ nhòm trong câu thơ cuối là câu thơ giảm đi phần lãng mạn, tuy nó là từ đồng nghĩa.

Câu 2. Ở bài thơ này, Bác Hồ ngắm trăng trong hoàn cảnh như thế nào? Vì sao bác lại nói đến cảnh “Trong tù không rượu cũng không hoa”? Qua hai câu đầu, em thấy Bác có tâm trạng ra sao trước cảnh trăng đẹp ngoài trời?

Trả lời:

– Bác Hồ ngắm trăng trong hoàn cảnh: Vào lúc nửa đêm, trong nhà tù chỉ có bốn bức tường tối tăm, ngột ngạt và không có rượu có hoa để thưởng thức.

=> Hoàn cảnh đặc biệt cho thấy sự thiếu thốn, gian khổ của nhà tù. Ở nơi ngục tù mà người ta chỉ có thể nghĩ đến cái chết, sự tra tấn nhưng Bác đã quên đi hoàn cảnh và thân phận tù nhân của mình mà thoải mái đứng ngắm trăng, làm thơ.

– Bác nói đến “Trong tù không rượu cũng không hoa”: Cho thấy sự thiếu thốn của người tù, nhớ tới rượu và hoa là muốn thưởng thức trọn vẹn cái đẹp.

=> Người ngắm trăng trong hoàn cảnh đặc biệt: chốn ngục tù thiếu thốn, tối tăm.

– Tâm trạng của Người: bối rối, xốn xang “Đối thử lương tiêu nại nhược hà?” (Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ). Từ đó cho thấy tình yêu thiên nhiên say mê, rung cảm mãnh liệt của Bác trước vẻ đẹp của tạo hóa.

=> Cho thấy tâm hồn người tù nhân không bị vướng bận bởi những ách vật chất nặng nề, tâm hồn vẫn tự do, ung dung thưởng trăng đẹp.

Câu 3. Trong hai câu thơ cuối của bài thơ chữ Hán, sự sắp xếp vị trí các từ “nhân” (và thi gia), “song, nguyệt” (và minh nguyệt) có gì đáng chú ý? Sự sắp xếp như vậy và việc đặt hai câu dưới dạng đối nhau có hiệu quả nghệ thuật như thế nào?

Trả lời:

Trong hai câu thơ cuối của bài thơ chữ Hán, sự sắp xếp vị trí các từ “nhân” (và thi gia), “song, nguyệt” (và minh nguyệt) có sự đăng đối:

– Chữ “song” (cửa sổ) ở giữa cặp từ “nhân/nguyệt” – “minh nguyệt/thi gia”: người tù vượt qua song sắt, qua sự kìm kẹp để hướng ra ngoài ngắm trăng. Còn ánh trăng cũng nhòm qua khe cửa ngắm nhà thơ.

– Biện pháp nhân hóa: trăng trở thành người bạn tri âm tri kỷ từ rất lâu của người tù.

=> Từ đó, người và trăng đều chủ động gặp gỡ tự do, vượt qua những rào cản cửa sắt nhà tù. Cuộc ngắm trăng này trở nên thi vị khi hai tâm hồn tri kỉ tìm đến với nhau: người – trăng.

Câu 4. Qua bài thơ, em thấy hình ảnh Bác Hồ hiện ra như thế nào?

Trả lời:

Hình ảnh Bác Hồ qua bài thơ:

  • Là một người có tâm hồn thi sĩ lãng mạn, tinh tế.
  • Là Người tù – người chiến sĩ với sức mạnh tinh thần quả cảm, lạc quan.
  • Là người có tinh thần thép, tự do tự tại, phong thái ung dung vượt trên sự kìm kẹp của nhà tù.

=> Người tù cách mạng không màng tới những đói rét, xiềng xích của nhà tù, trái lại, tâm hồn lãng mạn, thăng hoa cùng với vẻ đẹp của tự nhiên.

Câu 5. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh nhận xét: “Thơ Bác đầy trăng”. Hãy chép lại những bài thơ Bác Hồ viết về trăng mà em biết (chú ý ghi rõ thời điểm sáng tác mỗi bài). Cuộc ngắm trăng trong bài Vọng nguyệt và hình ảnh trăng thể hiện trong các bài thơ khác của Bác có gì đáng chú ý?

Trả lời:

– Những bài thơ về trăng của Bác:

Cảnh khuya

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

(Năm 1947)

Rằm tháng giêng

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân;
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

(Tháng 2 năm 1948)

Thư Trung thu

Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung…

( Năm 1951)

– Cuộc ngắm trăng trong bài Vọng nguyệt và hình ảnh trăng thể hiện trong các bài thơ khác của Bác đáng chú ý ở: Trăng trong thơ của Bác có nhiều sắc vẻ, trạng thái khác nhau. Trăng được cảm nhận ở hoàn cảnh khác nhau: ngục tù, hay giữa trời nước bao la, lúc bận việc quân, lúc thư nhàn… Đồng thời, ánh trăng hiện lên như một người bạn tri âm, tri kỷ của Bác.

=> Thể hiện được tâm hồn nghệ sĩ, yêu thiên nhiên luôn lạc quan của Bác.