Dưới đây là tài liệu phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà các bạn học sinh đang tìm kiếm. Các bạn hãy vận dụng và tham khảo vào bài làm văn của mình một cách sáng tạo và hiệu quả nhất nhé!
Mở bài
Trước khi đi vào phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, các bạn cần giới thiệu khái quát qua tác giả Nguyễn Quang Sáng. Ông sinh 1932 và mất năm 2014. Ông sinh ra và lớn lên ở tỉnh An Giang. Khi đến tuổi trưởng thành, ông tích cực tham gia kháng chiến và giữ nhiều chức trách quan trọng về lĩnh vực văn hóa thông tin trong quân đội. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã trải qua cả hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp.
Chính vì bản thân trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ nên những tác phẩm của ông luôn thấm đẫm màu sắc và nhịp sống miền đất Nam Bộ. Mỗi tác phẩm đều ra đời với tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, trong ý thức lao động nghệ thuật nghiêm túc và tâm huyết. Bởi ông tâm niệm, đã cầm bút viết là phải trung thực và nhiệt huyết với tác phẩm của mình.
Tuy rằng nhà văn Nguyễn Quang Sáng chưa từng qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào nhưng ông lại có một niềm đam mê vĩnh cửu với văn chương. Vì thế, ông luôn nỗ lực hết mình trong quá trình viết lách của bản thân. Và mọi sự cố gắng của ông đều đã được đền đáp xứng đáng khi mỗi tác phẩm ra đời đều được độc giả đón nhận nhiệt liệt. Nhiều trong số tác phẩm đó còn được dựng thành các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, tạo được tiếng vang và dấu ấn mạnh mẽ cho lòng người xem.
Có thể thấy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng sáng tác rất nhiều thể loại khác nhau từ truyện ngắn, đến tiểu thuyết đến cả kịch bản phim. Và hầu hết các tác phẩm của ông đều có nội dung xoay quanh đất và người, cũng như nhịp sống của vùng đất Nam Bộ anh dũng.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông được nhiều người yêu mến đó là truyện ngắn Chiếc lược ngà. Đây là tác phẩm ông sáng tác năm 1966, cảm hứng từ câu chuyện có thật của một nữ giao liên khi ông đi công tác. Câu chuyện ca ngợi tình cha con, tình đồng chí trong những năm tháng chiến tranh đau thương và mất mát. Đặc biệt, hình ảnh nhân vật ông Sáu hiện lên trong chuyện gây ám ảnh cho người độc về một người cha hết mực yêu thương con.
Chi tiết phần thân bài
Luận điểm 1: ông Sáu là một chiến sĩ Cách mạng anh dũng
Theo lời kể của tác giả, thì ông Sáu là một chiến sĩ Cách mạng trung thành và anh dũng. Ngay sau khi tỉnh bị chiếm, anh cùng đồng đội thoát ly để tham gia kháng chiến. Mặc dù lúc đó con gái chưa trong tuổi nhưng anh vẫn gạt tình cảm riêng của gia đình để ra đi cùng đồng đội góp phần giải phóng quê hương, đất nước. Chỉ điều này thôi cũng đủ cảm nhận, ông Sáu là người yêu Cách mạng, biết hy sinh hạnh phúc riêng của bản thân vì hạnh phúc chung của toàn dân tộc. Nhất là khi nỗi khát khao được bé Thu nhận ba đã được đền đáp sau bao ngày mong đợi. Nếu không biết hy sinh xúc cảm niềm vui riêng thì ông Sáu đã xin ở lại thêm ngày nữa với con nhưng không, ông đã cùng đồng đội tiếp tục lên đường. Ông khóc và giấu niềm hạnh phúc cùng nỗi đau riêng vào trong để hy vọng chiến tranh sớm kết thúc để về với con.
Rồi vết sẹo,vết thương trên mặt ông Sáu là chứng tích cho những dũng cảm gan dạ của anh nơi chiến trận. Dù cuộc chiến khốc liệt đã làm khuôn mặt ông không còn như xưa nhưng ông vẫn không hề quan tâm. Ông vẫn tiếp tục tham gia kháng chiến để quyết tâm đánh đuổi quân thù.
Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ông cùng đồng đội phải chịu bao đau khổ thiếu thốn: “Về công việc và đời sống ở rừng, tôi có thể kể cho đến sáng, có đêm bị biệt kích vây bắt đến ba lần, có ngày không gạo ăn, ăn toàn là bắp…”. Gian khổ là vậy nhưng ông Sáu vẫn anh dũng chiến đấu để rồi “Một ngày cuối năm năm mươi tám, năm đó ta chưa võ trang – trong một trận càn lớn của quân Mỹ – ngụy, anh Sáu bị hy sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mỹ bắn vào ngực”. Lúc ông chết nấm mộ không được đắp cao vì sợ quân giặc phát hiện rồi đào lên truy vết. Mặc dù chết và sống trong lặng lẽ, nhưng cuộc đời ông Sáu là cuộc đời của một người lính Cách mạng kiên cường, chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp.
Luận điểm 2: ông Sáu là một người hết mực yêu thương con
Càng phân tích nhân vật ông Sáy trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, độc giả càng cảm động trước tâm hồn thánh thiện của người đàn ông vùng đất Nam Bộ này. Ông ra đi kháng chiến khi con gái chưa trong một tuổi nhưng tỏng lòng ông luôn dâng trào nỗi nhớ con da diết. Mỗi lần vợ lên thăm ở chiến khu, ông đều mong ngón con đi theo, nhưng vì đường xá gian nan, khó khăn nên ông đành chịu nhìn ngắm con qua bức ảnh vợ gửi cho. Đến lúc được về thăm, tâm trạng ông nôn nao, xốn xang, cồn cào. Ông nóng lòng được ôm ấp con vào lòng đến nỗi xuồng chưa cập bến đã vội vàng nhảy lên, khiến người đồng đội ngồi cùng phải chao đảo trên xuồng.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng miêu tả chi tiết cảnh ông Sáu về nhà trong ba ngày phép. Ba ngày đó là ba ngày đầy xúc cảm của cả cha lẫn con. Khi vừa bước xuống xuồng, ông vội bước dài, thấy con chơi ở sân, ông vừa gọi to tên con vừa dang rộng vòng tay để đón con. “Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động. Mỗi lần bị xúc động, vết thẹo dài bên má phải lại đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ. Với vẻ xúc động ấy và hai tay vẫn đưa về phía trước, anh chầm chậm bước tới, giọng lặp bặp run run”. Một cảnh tượng vừa đáng thương vừa đáng yêu của một người cha đi xa bao ngày.
Thế nhưng ngược lại với mong đợi của ông, bé Thu lại bỏ chạy. Cái phản ứng bất ngờ của cô bé, khiến ông Sáu sững sờ. Tác giả Quang Sáng miêu tả: “Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương, và hai tay buông xuống như bị gãy”. Thật là một cách so sánh độc đáo và ấn tượng. Nỗi đau của ông Sáu như bị đứt lìa một khúc ruột vừa thấy rõ vừa cảm nhận qua từng thớ thịt. Ông vừa xót xa vừa thấy buồn tủi kinh khủng. Đã thế, trong ba ngày ở nhà, khi ông Sáu cố gắng quẩn quanh bên con thì cô bé lại tránh né. Ông cố tình để cô bé gọi một tiếng “ba” nhưng cô bé gan lỳ cương quyết không gọi. Tình huống bé Thu gọi trống không ông vào ăn cơm, hoặc không chịu gọi ba để nhờ ông giúp chắt nồi cơm sôi, khiến ông đau lòng như xát muối. Ông muốn khóc mà không khóc được đành phải cười trừ. Đình điểm cho nỗi khát khao được cô bé gọi con khi ông thể hiện sự quan tâm gắp cá vào bát cho con. Nhưng trái với sự ân cần dịu dàng của ông thì cô bé lại thể hiện thái độ không tôn trọng, hất cá xuống đất, khiến ông không kiềm chế được đã đánh con. Nhưng sau khi đánh con, ông lại cảm thấy vô cùng ân hận, ông càng thương con hơn. Quá yêu con, quá nhớ con nên ông đã không thể kiềm soát được xúc cảm của mình, mặc dù ông đã kiên trì, đã nhẫn nại chờ đợi. Nhưng vì thời gian quá ít ỏi, ngày mai ông phải đi rồi và chẳng biết bao giờ mới gặp lại nên ông muốn Thu hãy nhanh chóng nhận ba. Và rồi sự chời đợi kiên trì và tình yêu thương vô bờ của ông đã chạm đến trái tim bé Thu. Trước khi ông lên đường, khi nghe ông chào “ba đi nghe con” ông đã được cô bé gọi “ba” và ôm chầm lấy. Cô bé hôn lên cổ, lên mặt lên cả vết thẹo của ông. Ông xúc động, hạnh phúc đến độ rơi nước mắt: “Không ghìm được xúc động và không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con”. Là một chiến sĩ kiên cường trên chiến trường, nhưng đứng trước tình yêu của con, ông Sáu cũng không thể giấu nổi xúc cảm của mình. Ông sống đúng với bản thân là một người cha tràn đầy tình yêu thương con gái. Cảnh tượng chia ly đó khiến cho mọi người xung quanh cũng không kìm được nước mắt. Không những thế, khi trở lại chiến trường để vơi đi nỗi nhớ con, ông dành hết thời gian để tỉ mẫn làm một chiếc lược ngà để tặng con. Đến lúc bị trúng đạn, trước lúc nhắm mắt, ông cố gắng gượng nhắn nhủ đồng đội mang lược về cho con gái. Quả thật là một tình cảm cha con thiêng liêng cao quý, tuyệt vời và vĩ đại.
Phần chi tiết kết bài
Qua việc phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, độc giả càng yêu quý và trân trọng hơn tình cảm phụ tử thiêng liêng cao quý. Ông Sáu không chỉ là một chiến sĩ Cách mạng anh dũng, kiên cường, luôn hy sinh hạnh phúc riêng vì nền tự do và hạnh phúc chung của quê hương đất nước. Ông Sáu còn là một người đàn ông Nam Bộ bình dị, là một người cha hết mực yêu thương con. Dưới ngòi bút miêu tả đặc sắc của mình, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đặt nhân vật vào một tình huống độc đáo để bộc lộ rõ rệt nội tâm nhân vật. Với ngôn từ hết sức mộc mạc, dung dị và đậm chất Nam Bộ, nhà văn Quang Sáng đã xây dựng nhân vậy ông Sáu điển hình cho người chiến sĩ kiên trung trong chiến trận nhưng cũng rất nhân hậu, tình cảm trong đời sống thường nhật. Nhân vật ông Sáu thực sự đã để lại trong tâm trí người đọc những ấn tượng sâu sắc về tình yêu thương gia đình nồng nàn và tha thiết.