Mùa thu luôn là một trong những mùa thiên nhiên tạo nhiều cảm hứng cho các nhà thơ, nhà văn sáng táng nên những tác phẩm bất hủ. Với “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu, mùa thu không thể lọt qua ánh mắt nhạy cảm và trái tim xốn xang ấy. Vì vậy, khi phân tích bài thơ Đây mùa thu tới của nhà thơ Xuân Diệu, chắc hẳn các bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp kỳ diệu cùng những nét buồn mênh mang của “nàng thu”.
Mở bài
Trước khi đi vào phân tích bài thơ Đây mùa thu tới cụ thể và chi tiết, các bạn cần giới thiệu qua tác giả Xuân Diệu.
Nhà thơ Xuân Diệu là một trong bảy thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Ông cũng là một trong những đại biểu tiêu biểu cho phong trào Thơ mới với hai tập thơ nổi tiếng là Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Mỗi tác phẩm thơ của ông đều được độc giả đón nhận rất nồng nhiệt đặc biệt là các bài thơ tình. Do đó, ông còn được mọi người gọi là “ông hoàng thơ tình”. Ngoài viết thơ, ông còn viết truyện ngắn, nhiều bút ký, phê bình văn học, và báo chí.
Xuân Diệu được xem là một trong những nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới. Thơ ông luôn mang màu sắc khác biệt, với cách dùng từ ngữ độc đáo, sáng tạo và khác lạ khiến người đọc bị lôi cuốn và hấp dẫn. Những ai đã từng ngẫm qua thơ ông một lần ắt hẳn sẽ không bao giờ quên được niềm khao khát sống được hòa mình vào thiên nhiên của tác giả.
Nếu như trước Cách mạng thơ ông đậm chất tự sự cá nhân thì sau Cách magnj, thơ Xuân Diệu đã hướng vào thực tế đời sống, mang đậm chất thời sự của thời cuộc. Đặc biệt, ông ý thức được trách nhiệm của mình với đời, với dân tộc nên những tác phẩm của ông đã thêm những lời ca ca ngợi Cách mạng và hướng về cuộc sống tương lai tươi đẹp.
Bài thơ Đây mùa thu tới được nhà thơ Xuân Diệu in trong tập Thơ thơ. Đây là một trong những bài ông viết trước Cách mạng nên vẫn còn mang tâm trạng buồn thương. Cùng phân tích bài thơ để hiểu hơn về mùa thu theo cách cảm nhận của Xuân Diệu nhé!
Phần thân bài phân tích chi tiết
Luận điểm 1: phân tích khổ thơ đầu
Ngay từ tiêu đề “Đây mùa thu tới”, độc giả đã phần nào hiểu được nội dung chủ yếu của bài thơ là gì. Đó là nói về mùa thu nhưng không phải là giữa mùa thu hay cuối thu. Mà là đương lúc mùa thu mới tới, đất trời vừa mới tiễn biệt mùa hè để đón thu tới. Khi ngắm nhìn sự chuyển đổi của đất trời đó, nhà thơ Xuân Diệu phát hiện ra:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”.
Đập vào mắt nhà thơ đầu tiên khi mùa thu đến là hình ảnh rặng liễu rũ. Nếu người thường, thấy rặng liễu ấy sẽ mang dáng vẻ dịu dàng ê ấp, thế nhưng, ở đây nhà thơ lại thấy rặng liễu như mang tâm trạng buồn bã như đang chịu tang, như đang trong cảnh biệt li chết chóc. Từng cành lá buông xuống, được nhà thơ ví như những giọt lệ tuôn rơi. Thật là một cảnh sắc thật buồn thê lương. Dường như ẩn đàng sau hình bóng rặng liễu là hình ảnh một thiếu phụ đang khóc lóc trong cảnh đưa tang. Đọc câu thơ lên mà độc giả cảm thấy buồn đến nao lòng. Đến hai câu tiếp, nhà thơ thông báo “mùa thu tới mùa thu tới” với màu sắc mờ nhạt và lá vàng, lại càng nhán mạnh thêm sự ảm đạm trong bức tranh thu mới tới.
Ở khổ thơ này, nhà thơ đã dùng những từ ngữ nhân hóa, khiến cho mùa thu cũng mang dáng vẻ của con người, biết khóc, biết buồn, biết dệt lá. Qua đây, chúng ta có thể cảm nhận được tâm trạng sầu thảm trước cuộc sống của nhà thơ.
Luận điểm 2: phân tích khổ 2
Phân tích bài thơ Đây mùa thu tới đến khổ thơ 2, chúng ta càng thấm thía hơn khung cảnh ảm đạm của mùa thu. Dưới con mắt nhạy cảm, tinh tế nhưng đầy u uất của nhà thơ, mùa thu tới mang theo sự chia lìa, khi các loài hoa thay nhau rụng xuống. Thay vì sắc xanh tươi trẻ của mùa hè thì giờ đây sắc đỏ đã chiếm chỗ và xua đuổi màu xanh đi để chiếm trọn không gian thu cho riêng mình. Không những thế, mùa thu tới mang theo những cơn gió heo may se se lạnh, khiến cho cành lá rung rinh một cách run rẩy chứ không phải rung rinh vui vẻ như khi mùa hè. Cùng với đó là những cành cây rụng hết là chỉ còn trơ xương gầy mỏng mảnh thiếu sức sống.
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”.
Cả khổ thơ, tác giả đã dùng màu sắc và các nét chấm phá để khắc họa lên bức tranh thu đầy xơ xác và khô héo. Dường như nó ẩn chứa dáng vẻ thất vọng, chán chường của tâm trạng con người. Con người trước Cách mạng tháng tám hay chính nhà thơ đang thấy mình thiếu sức sống, không biết bấu víu vào đâu và cảm thấy run rẩy trước dòng chảy của thời gian. Bốn câu thơ đều sử dụng phép đảo ngữ, nhằm nhấn mạnh những thay đổi của thiên nhiên khi mùa thu tới và cũng nhằm làm nổi bật nét thu đầy buồn thương.
Luận điểm 3: phân tích khổ thơ 3
Nếu như những câu thơ trên, nhà thơ mới phác họa bức tranh thu qua những đổi thay của thiên nhiên, thì tới khổ thơ tiếp theo nhà thơ đã nói tới sự vần chuyển của cả vũ trụ lẫn con người. Ở đây, nhà thơ không gọi là bóng trăng, hay ánh trăng mà gọi là “nàng trăng”. Cụm từ ấy cho độc giả thấy nàng trăng như cô gái ngẩn ngơ tiếc nuối trước sự đổi thay của đất trời, của thời gian. Trăng thu không sáng vành vạch như thường mà lại thỉnh thoảng ngẩn ngơ như đang mơ tưởng hay tiếc nuối điều gì.
“Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…
Non xa khởi sự nhạt sương mờ…
Đã nghe rét mướt luồn trong gió…
Đã vắng người sang những chuyến đò…”
Không chỉ trăng ngẩn ngơ mà núi non cũng trở nên mờ nhạt. Dường như vạn vật đều trở nên hiu quạnh, mờ ảo khi bước chân mùa thu tới. Đã thế, đâu đó còn có những cơn gió lạnh đầu mùa, khiến cho cả đất trời lẫn con người bỗng trở nên buốt giá, là lạnh lẽo. Cũng chính vì thế mà những chuyến đò vốn tập nập hàng ngày giờ trở nên nên vắng vẻ, chẳng còn ai qua sông. Điều đó chứng tỏ sức sống của con người cũng trở nên khô cằn, con người đều lui về ở ẩn. Điệp từ “đã” ở đây tác giả sử dụng nhằm nhấn mạnh rằng mùa thu đã tới thực sự. Mùa thu không còn mới tới nữa mà đã bao trùm lên khắp không gian, cảnh vật và hồn người.
Luận điểm 4: phân tích khổ thơ 4
Qua quá trình phân tích bài thơ Đây mùa thu tới của nhà thơ Xuân Diệu, chúng ta cảm nhận nét đẹp sầu bi của mùa thu. Thu chẳng còn vẻ đẹp lãng mạn mộng mơ mà chất chứa đầy nỗi buồn u uất. Đó cũng chính là tâm trạng của hầu hết các thi sĩ, nhà văn Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 khi đất nước còn trong cảnh lầm than, khi mọi sự đang còn trong vòng luẩn quẩn và đời sống con người đang bị chà đạp bởi những thế lực tàn bạo nửa thực dân nửa phong kiến.
“Mây vẩn từng không, chim bay đi,
Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì”.
Chính bởi tâm trạng đang buồn rầu nên tác giả đã nhuốm màu buồn đó lên cảnh thu. Mặc dù có thể, mùa thu không đến nỗi sầu đau như thế. Nhưng vì quá uất hận, quá bi thương nên nhà thơ Xuân Diệu đã không thể giấu được lòng mình. Ông đã gửi gắm qua những câu thơ về mùa thu đầy xót xa. Đặc biệt ở khổ thơ cuối. Nhà thơ đã cho xuất hiện một loạt hình ảnh thể hiện sự chia ly, sự tử biệt. Rồi giữa khung cảnh mùa thu tang thương ấy, hình ảnh người thiếu nữ buồn không nói càng làm cho bức tranh trở nên sầu thảm. Người thiếu nữ ấy nhìn xa xăm, vô định, nghĩ ngợi mông lung về điều gì mà không biết chính xác là điều gì. Dường như đó cũng chính là tâm tư của nhà thơ khi đang khao khát điều gì đó nhưng lại không thể biết chính xác là điều gì. Cái hình ảnh “tự cửa” nhìn xa xăm không nói sao mà buồn thảm sao mà bất an và nhiều lo lắng đến thế. Dường như con người đang không biết bấu víu vào đâu, không biết đi đâu về đâu giữa cuộc đời đầy bất an đó.
Luận điểm 5: nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm
Toàn bộ bài thơ một là một bức tranh mùa thu buồn được vẽ bằng những bút pháp nghệ thuật độc đáo. Nhà thơ đã sử dụng những từ láy gợi cảm giác như “run rẩy”, “ngẩn ngơ”, “đìu hiu”, “mỏng manh”… Nhờ những từ đó là bức tranh thu trở nên sinh động hơn, có sức hút hơn với người đọc. Đặc biệt, những cách đảo ngữ thú vị càng giúp bài thơ bộc lộ rõ hơn sự biến chuyển của thời gian và tâm trạng não nề của tác giả. Với thể thơ tự do, nhà thơ cho thấy tâm hồn của mình thật phóng khoáng, không bị gò bó rào cản trong một khuôn mẫu nào cả. Nhờ thế mà bài thơ cũng dễ đi vào lòng người, dễ hiểu, dễ thuộc và dễ cảm hơn.
Phần kết bài chi tiết phân tích bài thơ Đây mùa thu tới
Đã có rất nhiều nhà thơ lấy mùa thu làm chủ đề trong tác phẩm của mình. Nếu Nguyễn Khuyến là chùm thơ thu với nỗi buồn hoang vắng hiu quạnh thì ở đây, Xuân Diệu là nỗi buồn chia li đầy tang thương sầu muộn. Đó cũng chính là tâm trạng chung của hầu hết các thi sĩ, nhà văn của Việt Nam trước Cách mạng tháng 8.
Nhưng thật may, sau Cách mạng, cái nhìn của họ đã trở nên tươi đẹp hơn và căng tràn sức sống hơn.
Phân tích bài thơ Đây mùa thu tới, chúng ta thêm thấm thía hơn vẻ đẹp buồn mênh mang của một mùa trong bốn mùa thiên nhiên thú vị.