Bố cục bài Phong cách Hồ Chí Minh
Tác phẩm được chia thành 2 phần, mỗi phần sẽ hàm chứa nội dung, chủ đề khác nhau. Cụ thể:
– Phần 1 (từ đầu … rất mới, rất hiện đại): Phần này thể hiện những tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại trong con người Bác.
– Phần 2 (còn lại): Nêu lên lối sống giản dị mà thanh cao của Người.
I – Đọc hiểu văn bản Phong cách Hồ Chí Minh
Câu 1:
Vốn tri thức văn hóa nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu rộng như thế nào? Vì sao Người lại có được vốn tri thức sâu rộng như vậy?
Trả lời:
Vốn tri thức văn hóa nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu rộng, uyên bác: Hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân trên thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc, từ các nước châu Phi, châu Á, châu Mỹ,…
Để có được vốn tri thức sâu rộng như vậy, Người đã:
- Tự học nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga để có thể dễ dàng tiếp xúc văn hóa của các nước, vùng trên thế giới.
- Người làm nhiều nghề lấy vốn sống từ thực tiễn và lao động.
- Tới đâu, Người cũng chủ động học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật bằng một sự uyên thâm.
- Bác Hồ chịu ảnh hưởng và tiếp thu văn hóa của tất cả các nước. Nhưng Người tiếp thu một cách có chọn lọc, lựa chọn những cái đẹp, cái hay đồng thời phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản.
Câu 2:
Lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông của Bác Hồ được biểu hiện như thế nào?
Trả lời:
Lối sống bình dị của Bác Hồ được biểu hiện qua các mặt như:
- Nơi ở, làm việc: Là một vị Chủ tịch nước nhưng Người chỉ dùng nhà sàn nhỏ bằng gỗ làm “cung điện” cho riêng mình. Nhà sản chỉ vỏn vẹn vài phòng tiếp khách, họp hành, làm việc và ngủ, đồ đạc mộc mạc, đơn sơ.
- Trang phục giản dị: Bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ như những chiến sĩ Trường Sơn.
- Ăn uống đạm bạc: Những món ăn dân tộc không cầu kỳ như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa.
- Tư trang ít ỏi: Một chiếc vali con, vài bộ áo quần, vài vật kỷ niệm.
Câu 3 – Phong cách Hồ Chí Minh
Vì sao có thể nói lối sống của Bác là sự kết hợp giữa giản dị và thanh cao?
Trả lời:
Lối sống của Bác Hồ không phải được thần thánh hóa mà nó là lối sống thanh cao, giản dị, bởi:
- Đây không phải là cảnh sống kham khổ, cơ cực mà Người chọn lối sống giản dị nhưng vẫn mang đến hạnh phúc thanh cao cho tâm hồn và thể xác.
- Thông qua cách bài trí chỗ ở, sinh hoạt hàng ngày ta thấy được sự ung dung, thanh thản chứ không lo toan, tất bật.
- Vẻ đẹp tâm hồn Người hòa quyện sâu sắc giữa lãng mạn và hiện thực cuộc sống. Vậy nên người ta thấy được sự giản dị nhưng không hề sơ sài, đạm bạc chứ không cơ cực.
Câu 4:
Nêu cảm nhận của em về những nét đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh
Trả lời:
Phong cách Hồ Chí Minh gợi lên cho em lối sống rất dân tộc. Nó làm em nhớ đến câu chuyện của các vị hiền triết trong lịch sử như Nguyễn Trãi ở Côn Sơn hay Nguyễn Bỉnh Khiêm ở quê nhà. Lối sống ấy vẫn còn có thể áp dụng tới ngày nay, giúp em nâng cao thói quen tiết kiệm, không hoang phí.
Hơn nữa, qua văn bản trên, em thấy con người Bác là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Người không ngừng tìm tòi, học hỏi để trau dồi trí lực, nâng cao giá trị bản thân và mang đến những quyết định đúng đắn, không quá sa đà, mất kiểm soát.
Luyện tập
Tìm đọc và kể lại những câu chuyện về lối sống giản dị mà cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trả lời:
Một số câu chuyện về Bác các em có thể tham khảo
Câu chuyện 1:
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ sống và làm việc trên Chiến khu Việt Bắc, Người luôn luôn giữ một nếp sống giản dị và thanh bạch. Đất nước giải phóng, hòa bình lập lại, trở về Thủ đô, là Chủ tịch nước nhưng Bác vẫn giữ nếp sống ấy.
Tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, vào mùa hè nắng chang chang, trời oi ả, Bác vẫn đi bách bộ ra tận đình Hội đồng (Hội đồng Chính phủ hay họp ở ngôi đình cổ này) cách ba, bốn trăm mét. Mồ hôi ra ướt áo.
Trời quá nóng bức, bác sĩ Lê Văn Mẫn đi bên cạnh quạt cho Bác. Lúc đầu vì chưa chuẩn bị nên bác sĩ mang theo quạt lông chim, Bác phê bình nhẹ nhàng: Chú làm như ở trong triều ấy. Thấy vậy, ông vội cất đi. Khi Bác đi qua bụi cọ ông nghĩ ra cách cắt mảnh lá cọ làm quạt, chắc Bác vừa ý.
Quạt lá cọ có cái tiện là nếu đầu tua rách thì cắt bớt đi. Ngày hôm sau ông đã có quạt lá cọ đi phe phẩy bên cạnh Bác. Sau khi đi bách bộ xong Bác bảo để quạt lại cho Bác.
Về sau ở trong cơ quan xuất hiện rất nhiều quạt lá cọ. Bác sợ lạc mất quạt của mình nên châm thuốc lá vào quạt làm dấu. Bác cũng dùng quạt giấy, nhưng quạt giấy có nhược điểm là lúc mới có mùi hôi, khó chịu, lúc cũ hay gẫy nan. Theo ý Bác ông đã phải làm nẹp băng dính mấy nan gẫy rồi, nhưng Bác không chịu cho thay cái mới.
Câu chuyện 2:
Bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, kể lại rằng: Khi làm việc ở văn phòng Bác, đôi khi bà còn đảm nhận việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác. Công việc này giúp bà có điều kiện được gần Bác và học tập được rất nhiều.
Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh hoà bình của Bác, được ông Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá đi vá lại. Cầm chiếc áo gối của Bác, bà rưng rưng nước mắt, bà nói với ông Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá.
Câu chuyện 3:
“Mỗi bữa ăn của Bác chỉ có một niêu cơm nhỏ, một đĩa tai hoặc mũi lợn luộc, một chút mắm chua. Khi ăn, bao giờ Bác cũng gắp tai, mũi lợn ra một chiếc đĩa nhỏ rồi lấy chén đậy lại.
Sau đó, Bác lấy dao khoanh tròn niêu cơm, lấy cháy ra ăn trước. Ăn xong, Bác bưng xuống bếp đưa cho tôi và anh em cán bộ phục vụ đĩa thịt tai lợn và bảo chỗ này Bác chưa gắp đến, các chú ăn đi.
Chúng tôi nhìn nhau rơi nước mắt, chỉ có vài miếng thịt mỏng mà Bác còn phần chúng tôi thì… ‘.
Trên đây là hướng dẫn soạn bài Phong cách Hồ Chí Minh – Ngữ Văn 9 tập 1. Hy vọng qua đây các em đã nắm chắc kiến thức bài học và ghi nhớ một cách logic.