“Quê hương là gì hở mẹ/ Mà sao cô giáo bảo phải yêu/ Quê hương là gì hở mẹ/ Mà ai đi xa cũng nhớ nhiều”. Từ lâu, quê hương đã trở thành nguồn cảm hứng để các nhà thơ nhà văn Việt Nam phóng tác. Phân tích bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính, các bạn sẽ thấy rõ hơn tầm quan trọng của quê hương và hình ảnh quê hương trong tim mỗi người khác biệt như thế nào.
Chi tiết mở bài phân tích Chân quê
Để bài viết của mình đươc sâu sắc hơn, trước khi phân tích bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính, các bạn hãy dành thời gian khái quát về tác giác thú vị này.
Nguyễn Bính là người con của vùng đất Vụ Bản, Nam Định. Đây là một vùng quê Bắc bộ nổi tiếng với truyền thống khoa bảng, văn chương. Nơi đây cũng là quê hương của Trạng Lường Lương Thế Vinh, hay Trạng Nguyên Nguyễn Hiền. Vùng đất này còn được biết đến với những làn điệu chèo giao duyên của các liền anh liền chị. Chính vì sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đậm chất văn hóa đó mà Nguyễn Bính có những sáng tác thơ ca vô cùng độc đáo và khác biệt.
Trong khi các thi sĩ cùng thời chọn phong cách thơ tự do phong khoáng, ảnh hương của Tây phương thì ông lại đi con đường riêng. Người ta ví ông như tiếng đàn bầu dân tộc giữa giàn hợp xướng dương cầm. Ông sử dụng chất liệu truyền thống để viết lên những vân thơ lay động lòng người.
Tác phẩm Chân quê là một trong những bài thơ gắn liền với tên tuổi của ông. Bài thơ đã được phổ nhạc và rất được nhiều khan giả mến mộ.
Thân bài chi tiết phân tích bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính
Luận điểm 1: Lý giải tiêu đề Chân quê
Khi phân tích bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính, các bạn cần hiểu rõ tiêu đề tác phẩm. Bởi không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại lấy cụm từ đó đặt tên cho đứa con tinh thần của mình.
Theo từ điển tiếng Việt, cách hiểu nôm na nhất ở đây, “chân quê” chính là những cái gốc gác của quê hương. Đó là những cái móng rễ, của quên hương mà mỗi người sinh ra trên đời đều được thừa hưởng.
Nhưng lí giải văn vẻ và sâu sắc hơn thì “chân quê” chính là vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của vùng thôn quê, của những người con quê. Đó là sự chân thật trong lối sống bình dị, giản đơn của người dân quê. Đó là sự chân chất, thật thà, thẳng thắn, hồn nhiền, trong sáng, không chút vụ lợi, tối tăm của người dân quê. Đó là vẻ đẹp yên bình, thanh bần nhuốm màu lên khung cảnh, cuộc sống ở quê. Tất cả những điều đó, người ta khái quát lại thành hai tiếng “chân quê”.
Có lẽ rất yêu mến và mong muốn gìn giữ cái vẻ đẹp “chân quê” ấy nên tác giả đã không ngần ngại đặt tên cho tác phẩm của mình. Ông muốn khẳng định, mỗi người đều cần phải giữ “chân quê”.
Luận điểm 2: Hình ảnh em đi tỉnh về
Bài thơ “Chân quê” thực chất là một câu chuyện tình yêu giữa chàng trai và cô gái thôn quê. Chính thế nên ngay từ câu thơ đầu tiên, tác giả đã cho nhân vật “em” xuất hiện. Tuy nhiên, cô gái ấy xuất hiện trong hoàn cảnh mới “đi tỉnh về”. Ngày xưa, nói đến lên tỉnh là đến một nơi rất xa. Bởi ngày xưa, cuộc sống thường chỉ phía sau lũy tre làng, xoay quanh bến nước, gốc đa sân đình. Vì thế, sự kiện ai đó đi tỉnh được coi là cực kỳ trọng đại và mới lạ. Nếu như các chàng trai cô gái yêu nhau, khi người con gái đi xa như vậy, các chàng sẽ vô cùng lo lắng. Bởi ở chốn thị thành náo nhiệt, sẽ làm thay đổi con người, tâm hồn cô gái. Vì thế mà: “Hôm qua em đi tỉnh về/Đợi em ở mãi con đê đầu làng”. Cụm từ “đợi mãi” cho thấy sự sốt ruột, đứng ngồi không yên của chàng trai khi đón cô gái đi tỉnh về. Mà không phải đợi trong làng mà ra tận đê đầu làng. Như vậy càng chứng tỏ, chàng trai vô cùng lo lắng, bồn chồn, tự hỏi không biết cô gái của mình đi tỉnh về sẽ như thế nào.
Bao nhiêu nhớ nhung mong ngóng, bỗng trở thành nỗi xót xa, đau đơn khi thấy cô gái xuất hiện trước mắt với hình ảnh không thể bất ngờ hơn.
“Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!”
Những trang phục như khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm là những trang phục của người thành thị, với lối sống xa hoa đua đòi. Nó dành cho các cô gái lẳng lơ, suốt ngày rong chơi đàn đúm. Ấy thế mà giờ, nó lại vận vào người em. Nhìn em rộn rang trong trang phục đó mà khiến lòng “tôi” thêm khổ thêm sầu.
Phân tích bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính đến đây mới thấy, môi trường xã hội có sự ảnh hưởng mạnh mẽ tới con người như thế nào. Hôm qua em mới đi tỉnh về thôi mà dường như mọi thứ ở con người em đã thay đổi. Thay đổi từ bộ trang phục cho tới lối đi đứng. Mà con gái, dù là thôn quê hay thành thị, thì cái quần, cái áo cũng thể hiện rõ phần nào tính cách. Và cũng luôn được chú trọng. Bởi thế em đi về và những điều “chân quê” trong em đã không còn. Không còn áo yếm lụa sồi, chẳng còn cái dây lưng đũi mà hai người mới nhuộm hồi sang xuân. Cả cái khăn mỏ quả, cả cái quần nái đen… Tất cả những trang phục truyền thống, những vẻ đẹp tiêu biểu của thôn quê đã biến đi đâu mất.
“Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Liên tục là những câu hỏi dồn dập tác giả đưa ra như để cứu vớt lại những gì còn sót của “chân quê”. Những trang phục ấy không đơn giản chỉ là trang phục của người con gái của chàng trai yêu mà đó còn là những kỷ niệm đẹp đẽ giữa hai người. Làm sao chàng trai biết cô gái sở hữu những trang phục đó. Chỉ có thể là mỗi lần gặp gỡ trò chuyện với nhau, cô gái lại vận những trang phục ấy. Nhiều đến nỗi, đẹp đến nỗi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong trí nhớ của chàng trai. Chàng trai đau đớn xót xa không chỉ vì vẻ thôn nữ trong trắng của người yêu đang bị mai một mà dự cảm nhận ra một sự đổi thay trong tình cảm của hai người.
Đoạn thơ nói về quê nhưng cũng chính là nói về nỗi lòng của chàng trai dành cho cô gái. Chàng trai muốn khẳng định vẻ đẹp thành thị kia không hợp với cô gái chút nào. Cô gái hãy trở lại như xưa, hãy trân trọng những nét đẹp thôn dã mà không phải ai cũng có được ấy.
Luận điểm 3: Ước nguyện giữ lấy chân quê
Phân tích bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính ở những câu thơ tiếp theo, chúng ta sẽ hiểu hơn tình cảnh của chàng trai và cô gái. Chàng xót xa trước cảnh tượng ấy. Chàng biết rằng nếu nói ra người con gái sẽ mất lòng, sẽ tự ái. Vì có thể, cô gái muốn thay đổi để đẹp hơn trong mắt chàng trai. Để được chàng yêu thương hơn. Nhưng khổ nỗi nó lại không như ý muốn. Chàng trai càng nhìn cô gái càng cảm thấy bi ai. Thế nên, dù kết quả ra sao, chàng vẫn quyết định:
“Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa”
Không phải là “xin” mà tác giả sử dụng từ “van” trong van nài. Van nài ở đây mang hàm nghĩa là chàng trai đã thấu hiểu tấm lòng của cô gái. Nhưng chàng mong cô gái hãy suy nghĩ lại. Chàng trai tha thiết, xuống nước nhờ cô gái “hãy giữ nguyên quê mùa”. Không phải là xin xỏ cô gái điều gì đó chàng làm sai mà là vừa nhờ vả vừa cầu khẩn cô gái. Đúng là một cách dùng từ hoàn hảo và không thể thay thế. Chàng thẳng thắn chấp nhận sự “quê mùa” chữ không thể chấp nhận lối thành thị nửa mùa.
Đến hai câu tiếp theo, chàng trai kể ra chi tiết “quê mùa” mà cô gái đã từ bỏ đó là giống “Như hôm em đi lễ chùa/ Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!”. Khá khen thay cho tài năng khôn khéo của chàng trai mà cũng chính là tác giả. Chàng đã không ví dụ cách ăn mặc của cô gái trong trường hợp khác mà chính là hôm đi lễ chùa. Mà đi lễ chùa bao giờ cũng thể hiện sự thành kính, tôn trọng của người tham quan. Do đó, chàng muốn nhận được sự thành kính, tôn trọng như trong lần đi đó. Bởi chàng muốn nàng hiểu, nếu cô mặc như thế không chỉ riêng chàng trai vừa lòng mà hết thảy thần linh, đất trời cũng ưng mắt.
Để lý lẽ của mình thêm thuyết phục cô gái, chàng trai tiếp tục đưa ra những dẫn chứng chính xác giúp cô gái nhận ra điều mình đang làm là sai. Nhà thơ hay chàng trai khẳng định:
“Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê”
Đúng vậy, hoa chanh đã nở ra ở giữa vườn chanh thì sẽ mãi là hoa chanh chứ không thể là hoa đồng tiền, hay hoa tuy luýp. Không chỉ thế, thầy u mình, tổ tiên mình cũng đều là “chân quê” thì có sao mình phải thành thị nửa mùa. Mình gìn giữ chân quê không chỉ riêng mình mà đó là cả một thế hệ, cả một dòng tộc. Em giữ chân quê, quê mùa không chỉ riêng cho anh, mà còn cho chính em, cho thầy u, cho xóm làng, cho quê hương đất nước. Thật là những lí lẽ hết thức xác thực.
Nhà thơ đi từ việc kể về những chi tiết thay đổi. Sau đó, bày tỏ xúc cảm và suy nghĩ của mình trước sự thay đổi đó. Rồi tới việc khẳng định lại vẻ đẹp của cô gái khi thật sự là mình như thế nào rồi nâng tầm quan trọng của sự gìn giữ đó lên thành cái chung của cả một dân tộc. Từng đó luận điểm thôi cũng đủ khiến cô gái kia phải nghĩ ngợi lại.
Thê nhưng dù sao đi nữa, dù cô gái có trở về “chân quê” xưa thì chàng trai hay chính tác giả vẫn man mác buồn. Bởi: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Dù em đã trở về là cô gái thôn quê như ngày xưa, nhưng ít nhiều hương phố xa hoa đã vấn vương trên người, trong tâm hồn cô gái ấy. Chúng thay thế cho hương đồng gió nội, cho những sự trong sáng thanh khiết của cô gái.
Kết bài
Có thể nói, phân tích bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính, người đọc càng nhận rõ hơn tình yêu quê hương đất nước của tác giả. Không những thế, ông còn đau đáu trước những thay đổi của xã hội. Khi mà rất nhiều cô gái thôn quê ra thành thị đã trở nên hư hỏng và biến chất.
Bài thơ là một câu chuyện tình yêu tha thiết và chân thực. Ý nghĩa và thông điệp của câu chuyện thơ ấy đến ngày nay vẫn luôn đúng, luôn sâu sắc.