Đã từng có rất nhiều học giả từng phân tích bài Mộ của Hồ Chí Minh. Đây là bài thơ thấm đẫm tinh thần dân tộc của người tù chính trị. Ở đó ta thấy được tài hoa của Hồ Chí Minh và tinh thần anh hùng của người tù chính trị. Cùng phân tích bài Mộ để cảm nhận được tinh thần lạc quan, yêu đời của Hồ Chí Minh trong từng câu chữ.
Phân tích chi tiết
Mở bài
Mộ (Chiều tối) là bài thơ số 31 trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt ghi lại cảnh xóm núi lúc ngày tàn trên đường từ nhà lao Thiên Bảo đến nhà lao Long Tuyền. Mộ được đánh giá là một trong những bài thơ tiêu biểu của Bác khi kết hợp giữa nét cổ điển và tinh thần hiện đại. Ở đó, ta thấy bức tranh thiên nhiên vẽ nên sinh động, và ẩn sâu trong đó là tâm sự của người tù chính trị.
Thân bài
Mở đầu bài thơ, Bác đã mở ra khung cảnh thiên nhiên núi rừng rộng lớn. Đó là không gian dài rộng với những cánh chim mỏi mệt đang tìm về tổ:
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Dịch nghĩa
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Cánh chim và chòm mây là hình ảnh biểu tượng của khung cảnh buổi chiều. Đây không đơn thuần là hình ảnh không gian, nó còn gợi lên cho tác giả những liên tưởng về thời gian. Khi di chuyển giữa rừng núi, để nắm được thời gian đều phải dựa vào những điều này.
Thời gian chiều tối là lúc đoàn tụ, ai ai cũng hối hả trở về đoàn tụ với gia đình. Những cánh chim nhỏ sau một ngày kiếm ăn miệt mài, buổi chiều tối là lúc tìm về chốn ngủ. Nhưng đó cũng là quãng thời gian người ta thấy vô cùng cô đơn và lạc lõng.
Giữa không gian rộng lớn ấy, con người và cảnh vật đều bắt đầu rơi vào trạng thái tĩnh. Những chòm mây trôi hững hờ càng làm nổi bật sự yên bình ấy. Có lẽ ở đây, tác giả đã dùng hình ảnh mây để miêu tả chính mình. Chòm mây chẳng có nhà, lúc nào cũng trôi lững lờ như vậy, chẳng biết đi đâu về đâu, cũng như Bác đang trong chốn lao tù phải cô độc bước đi một mình.
Ở hoàn cảnh đơn độc như vậy nhưng Bác lại chẳng có cảm giác tuyệt vọng. Dường như lòng yêu nước nồng nàn đã giúp Bác ung dung, bình tĩnh và lạc quan vượt lên mọi sự giam cầm về thể xác. Bác hòa mình cùng thiên nhiên để cảm nhận sự thư thái, nhẹ nhàng. Ẩn sau khung cảnh nhẹ nhàng lúc chiều tối ấy, người ta thấy được ý chí vượt lên khó khăn của Bác. Ở đây, hình ảnh mây bay lững lờ cũng chính là niềm khao khát của người tù chính trị. Đó là khao khát được tự do như mây trời, được trở về quê hương và hòa mình với thiên nhiên vạn vật. Nhờ thế, bức tranh thiên nhiên trở nên có hồn hơn.
Và giữa khung cảnh thiên nhiên mênh mông, tĩnh mịch ấy, đâu đó có xuất hiện của bóng dáng con người:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng
Dịch nghĩa
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng
Hình ảnh cô em xóm núi xuất hiện như một tia sáng làm cho bức tranh thiên nhiên rộng lớn trở nên sôi động, vui tươi hơn. Giữa sự tĩnh của thiên nhiên là sự “động” của con người. Những công việc hàng ngày của con người như “xay ngô tối” như tô đậm, khắc họa rõ nét phẩm chất đáng quý của người dân lao động. Cô gái ấy hiện lên với vẻ đẹp lao động cần cù, khỏe mạnh và tràn trề sức sống.
Cùng với đó là hình ảnh “lô dĩ hồng” như tia sáng xua đi cái lạnh lẽo nơi núi rừng. Nó còn là biểu tượng cho sự sống, cho hoạt động của con người. Với người tù chính trị như Bác, hình ảnh lò than rực rộng không chỉ sưởi ấm trái tim cô đơn, lạnh lẽo, đó còn là tia sáng của hy vọng, của tương lai. Dường như đó chính là tia sáng soi rọi cho Bác để quên đi nỗi khổ tù đày của bản thân. Người lấy sự bình dị thường ngày để tiến về phía trước. Ở đây, bánh xe thời gian đã chuyển dần từ chiều tà đến đêm khuya. Tưởng rằng không gian đêm khuya càng tĩnh mịch hơn, nhưng nhờ sự xuất hiện của con người, bức tranh ấy đã có hồn.
Kết bài
Mộ là bài thơ được kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại. Bài thơ đã miêu tả khung cảnh thiên nhiên và đời sống với một vẻ đẹp giản dị và vô cùng sâu sắc. Qua đó ta thấy được tình yêu và sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Dù là bức tranh được nhìn khi bị giam cầm chốn ngục tù nhưng Hồ Chí Minh đã mang đến cho chúng ta khung cảnh rất chân thực, thể hiện niềm khao khát về ngày được tự do.
Phân tích bài Mộ ta thấy được tâm hồn lạc quan của Bác. Dù trong bất cứ tình huống nào dù đang chịu đau khô về thể xác trong xiềng xích nhưng vẫn giữ tinh thần thép trong cuộc sống.