Bài mẫu phân tích
Đã từng có nhiều bài viết phân tích 7 câu thơ đầu bài Đồng chí. Đó là sự cảm nhận rõ nét về hình ảnh của người lính trong bom đạn khói lửa. Trong mỗi bài phân tích, hình ảnh tình đồng chí, đồng đội của các chiến sĩ giải phóng quân như những bức tượng tạc muôn đời. Muối phân tích 7 câu thơ đầu bài Đồng chí hay cần làm rõ được những luận điểm, thủ pháp nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng.
Mở bài
Chính Hữu là nhà thơ chiến sĩ nổi tiếng với các tác phẩm viết về người lính và hai cuộc chiến tranh. Các tác phẩm của ông luôn chất chứa những nỗi niềm về tình đồng chí, đồng đội và tình yêu quê hương đất nước. “Đồng chí” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Chính Hữu được viết năm 1948. Tác phẩm được in trong tập “Đầu súng trăng treo” và được giới phê bình văn học đánh giá rất cao về ý nghĩa và giá trị nghệ thuật. Tình đồng chí, đồng đội sâu nặng mà tác giả nhắc đến được thể hiện rõ nét trong 7 câu thơ đầu của bài thơ.
Thân bài
- Luận điểm 1: Tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng, thấu cảm
Mở đầu đoạn thơ, Chính Hữu đã miêu tả rõ nét xuất thân của những người lính cách mạng. Đó là những người lính đi lên từ:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Những ngôn từ thật bình dị, chân thật về xuất thân của những người lính. Đó là những người nông dân nghèo vì tình yêu quê hương đất nước mà bỏ cuốc thuổng, ruộng vườn để đứng lên chiến đấu. Ở đây, tác giả đã sử dụng kết cấu sóng đôi, đối ứng để tạo nên sự gần gũi. Đó là “quê hương anh – làng tôi”, là “nước mặn đồng chua – đất cày lên sỏi đá”. Dường như hoàn cảnh của những người lính chẳng có gì khác nhau. Họ tương đồng ở chỗ đều xuất thân từ những làng quê nghèo khó.
Việc sử dụng cụm thành ngữ “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” càng gợi ra trước mắt ta sự nghèo khó của những vùng quê nghèo ven biển quanh năm bị nhiễm mặn. Là sự bươn chải khổ cực của những vùng quê miền núi, nơi đất khô cằn, cây cối khó canh tác vì toàn sỏi đá. Có lẽ vì đồng cảm vì cảnh ngộ, nên chỉ mới gặp nhau nhưng:
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Từ những người xa lạ ở những miền quê khác nhau, nhưng khi đã cùng đứng chung hàng ngũ, cùng lý tưởng và mục đích chiến đấu, “họ” trở thành những người thân của nhau. Ở đây Chính Hữu đã sử dụng từ “đôi” thay vì “hai” để gợi lên sự thân thiết ngay từ khi mới gặp mặt. Mặc dù là bất ngờ, “chẳng hẹn” mà gặp nhưng cuộc gặp gỡ này của những người lính như là lời hẹn từ trước. Đó là lời hẹn với quê hương đất nước, bởi anh và tôi đều chung ý chí chiến đấu, một lòng yêu nước, cùng tự nguyện nhập ngũ để quen nhau.
Lời hẹn của những người lính nảy sinh từ điều kiện của đất nước. Cái hẹn không lời mà tác giả nhắc đến mang bao ý nghĩa sâu trong tâm hồn người lính. Tình đồng chí được vun đắp thêm qua những nhiệm vụ, qua lý tưởng chiến đấu.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Câu thơ là bức tranh tả thực mà tác giả ghi lại khi những người lính làm nhiệm vụ. Đó là hình ảnh sát cánh bên nhau cùng hành quân làm nhiệm vụ. Ở đây, Chính Hữu vẫn dùng hình ảnh sóng đôi để miêu tả “súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Với người lính, “súng” là một vật vô cùng quan trọng, đó là biểu tượng cho sự lý trí, cho sức chiến đấu, nó không thể tách rời được với người lính.
Hình ảnh “súng bên súng” không chỉ đơn thuần là miêu tả người lính, nó còn thể hiện cho sự gian truân, vất vả của người lính. Trên đường hành quân, có đôi khi mệt mỏi, những người lính ngồi lại bên nhau. Và lúc ấy tình đồng chí đồng đội càng trở nên bền chặt hơn bao giờ hết. Thế nên “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”.
Câu thơ ấy vừa là miêu tả hiện thực nơi chiến khu Việt Bắc, vừa là sự khó khăn người lính phải trải qua. Cái lạnh, giá buốt về đêm khiến cho những chiến sĩ lạnh đến mức đôi khi còn bị sốt cao. Nhưng dù môi trường có khắc nghiệt đến đâu thì những người lính đã tự ủ ấm cho nhau bằng cách chung tấm chăn mỏng manh. Thời tiết ngoài kia có giá lạnh, nhưng bên trong tình đồng chí đồng đội đã làm cho những người lính cảm thấy ấm áp từ trong lòng.
Để rồi họ trở thành những “đôi tri kỷ”¸ họ thân thiết, thấu hiểu nhau hơn. Thế nên câu thơ nghe có vẻ giá lạnh, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được cái ấm tỏa ra từ tình đồng chí, đồng đội.
- Luận điểm 2: Sự thiêng liêng, cao cả của tình đồng chí
Câu thơ cuối là một sự đặc biệt, sự thiêng thiêng, cao cả được gói trọn trong hai tiếng “Đồng chí”. Nghe sao mà thân thuộc đến vậy. Thêm dấu chấm cảm cuối câu tạo cho ta cảm xúc lâng lâng khó tả. Dường như tình đồng chí, đồng đội chẳng có từ ngữ nào có thể diễn tả hết được. Bởi thế, chỉ dùng hai từ ấy thôi là đủ để người ta cảm nhận. Đó là tiếng gọi xúc động từ con tim, phải thật trân trọng lắm mới có thể thốt ra được hai tiếng thiêng liêng ấy.
“Đồng chí!” như một sự gắn kết và làm rõ thêm được sự trân trọng mà tác giả dành cho mối lương duyên này. Nghe hai từ ấy bình dị mà sâu sắc. Nó càng làm thêm vẻ đẹp tinh thần, sức mạnh của những người lính cách mạng.
Lời kết
Càng phân tích 7 câu thơ đầu bài Đồng chí của Chính Hữu càng thấy được sự tài hoa trong việc sử dụng ngôn từ để miêu tả cảm xúc. Khổ thơ đã khơi gợi lại những kỷ niệm đẹp, tình cảm gắn bó của những người lính trong những ngày gian khổ. Đồng thời, nó mang đến cho người đọc dâng trào bao cảm xúc.
>> Có thể bạn quan tâm: Phân Tích Khổ Thơ Cuối Bài Tràng Giang Của Tác Giả Huy Cận