Soạn Quá trình tạo lập văn bản trang 45-46, sách giáo khoa Ngữ Văn 7, tập 1
I – CÁC BƯỚC TẠO LẬP VĂN BẢN
Câu 1 (Soạn Quá trình tạo lập văn bản trang 45-46): Khi nào thì người ta có nhu cầu tạo lập (làm ra, viết, nói) văn bản? Lấy việc viết thư cho một người nào đó làm ví dụ, hãy cho biết điều gì thôi thúc người ta phải viết thư.
Trả lời:
- Trong cuộc sống mỗi khi chúng ta cần trình bày ý kiến, trao đổi, thể hiện nguyện vọng nào đó….thì cần tạo lập văn bản.
- Ví dụ: Bố em công tác xa nhà, lâu rồi bố không về thăm, em rất nhớ bố, không biết bố có khỏe không, đồng thời em muốn khoe với bố về thành tích học tập của bản thân nên em đã viết thư cho bố để thể hiện những điều ở trên cho bố biết, chắc chắn khi nhận được thư của em bố rất vui.
- Điều thôi thúc người ta phải viết thư là do nhu cầu muốn trao đổi thông tin với người khác
Câu 2 (Soạn Quá trình tạo lập văn bản trang 45-46): Để tạo lập một văn bản, ví dụ như viết thư, trước tiên phải xác định rõ bốn vấn đề: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết về cái gì? Viết như thế nào”. Bỏ qua vấn đề nào trong bốn vấn đề đó cũng không thể tạo ra được một văn bản.
Trả lời:
Để tạo lập một văn bản như viết thư cho bố, em sẽ cần phải xác định các vấn đề cơ bản như:
- Viết cho ai: Viết thư cho bố
- Viết để làm gì: Viết thư cho bố vui và bất ngờ
- Viết về cái gì: Viết thư hỏi thăm tình hình sức khỏe của bố cũng như thông báo tình hình học tập học kỳ I cho bố nắm được.
- Viết như thế nào: Viết thư với 3 phần chào hỏi, thông báo tình hình và cuối cùng là chúc sức khỏe bố.
Câu 3: Sau khi đã xác định được bốn vấn đề đó, cần phải làm gì để viết được văn bản?
Trả lời:
Sau khi đã xác định được bốn vấn đề cơ bản trong tạo lập văn bản đó là: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Viết về cái gì?” chúng ta cần phải vạch ra xem ý nào cần viết trước, ý nào cần viết sau để sắp xếp văn bản cho thật logic và mạch lạc.
Câu 4: Chỉ có ý và dàn bài mà chưa viết thành văn thì đã tạo được một văn bản chưa? Hãy cho biết việc viết thành văn ấy cần đạt được những yêu cầu gì trong các yêu cầu dưới đây:
- Đúng chính tả.
- Đúng ngữ pháp.
- Dùng từ chính xác.
- Sát với bố cục.
- Có tính liên kết.
- Có mạch lạc.
- Kể chuyện hấp dẫn.
- Lời văn trong sáng.
Trả lời:
Chỉ có ý và dàn bài mà chưa viết thành văn thì chưa tạo được một văn bản hoàn chỉnh. Để viết thành văn cần đạt các yêu cầu như:
- Đúng chính tả
- Đúng ngữ pháp
- Dùng từ chính xác
- Sát với bố cục
- Có tính liên kết
- Có tính mạch lạc
- Lời văn trong sáng
- Riêng đối với thể loại văn bản tự sự, kể chuyện đòi hỏi kể chuyện hấp dẫn.
Câu 5: Trong sản xuất bao giờ cũng có bước (khâu, công đoạn) kiểm tra sản phẩm. Có thể coi văn bản cũng là một loại sản phẩm cần được kiểm tra sau khi hoàn thành không? Nếu có thì sự kiểm tra ấy cần dựa theo những tiêu chuẩn cụ thể nào?
Trả lời:
Văn bản cũng là một loại sản phẩm cần được kiểm tra sau khi hoàn thành. Sự kiểm tra ấy cần dựa theo những tiêu chuẩn đã nêu ở trên, cụ thể như sau:
- Định hướng chính xác: Văn bản viết/ nói cho ai, để làm gì, về cái gì và như thế nào?
- Tìm ý và sắp xếp ý để có một bố cục rành mạch, hợp lý, thể hiện đúng định hướng ở trên.
- Diễn đạt các ý đã ghi trong bố cục thành những câu đoạn văn chính xác, trong sáng, có mạch lạc và liên kết chặt chẽ với nhau.