Soạn Ôn tập phần Tiếng Việt trang 190 – 191, sách giáo khoa Ngữ Văn 9 tập 1
I – CÁC PHƯƠNG CHÂM HỘI THOẠI
Câu 1 (Soạn Ôn tập phần Tiếng Việt): Ôn lại nội dung của các phương châm hội thoại
Trả lời:
+ Phương châm về lượng: nội dung lời nói khi giao tiếp phải đúng, đủ, không thừa, không thiếu.
+ Phương châm về chất: đừng nói những điều mà mình không tin là đúng, không có bằng chứng xác thực.
+ Phương châm quan hệ: nói đúng đề tài giao tiếp, tránh lạc đề, sai đề tài giao tiếp.
+ Phương châm cách thức: nói ngắn gọn, rành mạch, tránh mơ hồ, lan man khi giao tiếp.
+ Phương châm lịch sự: cần tế nhị và tôn trọng người khác khi giao tiếp.
Câu 2 (Soạn Ôn tập phần Tiếng Việt): Hãy kể một tình huống giao tiếp trong đó có một hoặc một số phương châm hội thoại nào đó không được tuân thủ.
Trả lời:
A: “Anh cho em hỏi ra Times city đi đường nào ạ?”
B: “Đi thẳng, rẽ phải”
=> Nhân vật B đã không tuân thủ phương châm hội thoại lịch sự.
II – XƯNG HÔ TRONG HỘI THOẠI
Câu 1 (Soạn Ôn tập phần Tiếng Việt): Ôn lại các từ ngữ xưng hô thông dụng trong tiếng Việt và cách dùng chúng.
Trả lời:
+ Các từ ngữ xưng hô thông dụng là: tao, tôi, tớ (Sử dụng khi người đối thoại ngang hàng và rất thân thiết với mình), mình, cậu, chúng ta, chúng tớ (sử dụng khi đối tượng giao tiếp ngang hàng nhưng hoàn cảnh, môi trường giao tiếp lịch sự hơn) nó, hắn, chúng nó, bọn nó, bọn kia (sử dụng khi đối tượng giao tiếp ngang hoặc hoặc bề dưới nhưng giao tiếp với thái độ không lịch sự)…
+ Tùy vào hoàn cảnh giao tiếp cũng như đối tượng giao tiếp để lựa chọn từ ngữ xưng hô cho phù hợp, lịch sự, lễ phép.
Câu 2 (Soạn Ôn tập phần Tiếng Việt): Trong Tiếng Việt, xưng hô thường tuân theo phương châm “xưng khiêm, hô tôn”. Em hiểu phương châm đó như thế nào? Cho ví dụ minh họa.
Trả lời:
+ Phương châm “xưng khiêm, hô tôn” có nghĩa là: người nói tự xưng mình một cách khiêm tốn, gọi người đối thoại một cách tôn kính hơn.
+ Ví dụ: “Quý khán giả” “quý cô” “quý ngài” tỏ ý tôn kính.
Câu 3: Thảo luận vấn đề: Vì sao trong tiếng Việt, khi giao tiếp, người nói phải hết sức chú ý đến sự lựa chọn từ ngữ xưng hô.
Trả lời:
Trong tiếng Anh, khi giao tiếp chỉ có “I – you” còn trong tiếng Việt, từ ngữ xưng hô rất phong phú, đa dạng. Vì vậy, khi giao tiếp chúng ta phải lựa chọn từ ngữ xưng hô sao cho phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng, công việc, quan hệ (thân, sơ). Nếu không lựa chọn từ ngữ “xưng khiêm hô tôn” thì sẽ gây mất lịch sự và kết quả cuộc hội thoại sẽ không được như ý.
III – CÁCH DẪN TRỰC TIẾP VÀ CÁCH DẪN GIÁN TIẾP
Câu 1: Ôn lại sự phân biệt giữa cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp.
Trả lời:
+ Cách dẫn trực tiếp là trích lại nguyên vẹn lời nói, suy nghĩ của nhân vật. Dùng dấu hai chấm và dấu ngoặc kép để ngăn cách với phần được dẫn trực tiếp.
+ Cách dẫn gián tiếp là thuật lại, nhắc lại lời hay ý của nhân vật, không ngăn cách bằng dấu hai chấm.
Câu 2: Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới
Trả lời:
+ Chuyển những lời đối thoại thành lời dẫn gián tiếp:
– Quân Thanh sang đánh, Quang Trung hỏi Nguyễn Thiếp, nếu nhà vua đem binh ra chống cự mưu đánh và giữ, cơ được hay thua thì Nguyễn Thiếp thấy như thế nào?
– Nguyễn Thiếp trả lời rằng bấy giờ trong nước trống không, lòng người tan rã, quân Thanh ở xa tới, không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, không hiểu rõ thế nên đánh nên giữ ra sao, nhà vua ra Bắc không quá mười ngày, quân Thanh sẽ bị dẹp tan.
+ Phân tích sự thay đổi từ ngữ:
– Từ xưng hô “tôi” ngôi thứ nhất trong lời đối thoại đã được thay đổi thành “Quang Trung” và “nhà vua” theo ngôi thứ 3.
– Từ chỉ thời gian “bây giờ” thay đổi thành “bấy giờ”, địa điểm đã bị tỉnh lược.