Mở bài phân tích Viếng lăng Bác
Viết về Bác có lẽ là chủ đề được rất nhiều nhà văn, nhà thơ lựa chọn để gửi gắm niềm kính yêu với vị cha già của dân tộc. “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là tác phẩm nổi bật, chứa chan tình cảm của tác giả, thay lời muốn nói của biết bao người dân Việt Nam. Phân tích Viếng lăng Bác, ta sẽ thấy được tình cảm trân trọng, kính yêu của tác giả khi đến thăm lăng Bác.
Thân bài phân tích Viếng lăng Bác
Khái quát tác giả, tác phẩm
Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ Giải phóng Miền Nam thuở chống Mỹ cứu nước. Những áng thơ của Viễn Phương luôn chứa chan tình cảm, giọng thơ dịu dàng mà sâu lắng. Thơ ông nhỏ nhẹ, giàu chất trữ tình dù nói về thực tại chiến tranh khốc liệt, đau thương. Sau Cách mạng, thơ của ông chuyển hướng viết về hòa bình, về cuộc sống đời thường, nhưng lời thơ vẫn dạt dào và chất chứa nhiều tình cảm như thế.
“Viếng lăng Bác” được Viễn Phương sáng tác năm 1976. Đây là thời điểm miền Nam vừa được giải phóng, hòa bình lập lại trên mọi miền Tổ quốc, công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hoàn thành. Vì vậy, ước mong được thăm viếng lăng Bác của đồng bào cả nước đã có thể thành hiện thực, đặc biệt là với nhân dân miền Nam. Nhà thơ Viễn Phương là một trong những người đầu tiên được ra thăm lăng Bác. Tại đây, nhà thơ đã sáng tác ra những vần thơ sâu lắng, dạt dào tình cảm đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Phân tích bài thơ
- Luận điểm 1: Niềm xúc động dạt dào khi đến thăm lăng Bác
Mở đầu bài thơ, tác giả sử dụng vần thơ rất nhẹ nhàng mà chứa chan tình cảm:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
Từ chiến trường miền Nam, nhà thơ Viễn Phương mang theo bao tình cảm thắm thiết của đồng bào và chiến sĩ ra viếng lăng Bác Hồ kính yêu. Tác giả đã thay mặt nhân dân miền Nam để ra viếng người cha hiền từ. Đại từ nhân xưng “con” khiến lời thơ thân thuộc, rưng rưng nỗi xúc động của người con đối với vị cha già kính yêu. Đây là cuộc hành hương của người chiến sĩ, cũng là cuộc hành hương của những người con về với cội nguồn. Nhà thơ cũng dùng từ “thăm” thay vì “viếng”, là cách nói giảm, nói tránh, né đi nỗi đau thương mất mát. Dù Bác đã đi xa, thế nhưng có lẽ người cha ấy chỉ đang ngủ một giấc ngủ dài, chờ đợi những người con nơi xa ra thăm mà thôi.
Ngay từ xa, nhà thơ đã nhìn thấy hàng tre ẩn hiện trong sương khói trên quảng trường Ba Đình lịch sử. Màn sương trong câu thơ gợi lên một không khí thiêng liêng, huyền thoại. Cây tre, hàng tre “đứng thẳng hàng” trong làn sương mỏng, ẩn hiện thấp thoáng, mang màu sắc “xanh xanh”. Hàng tre ấy vô cùng thân thuộc được nhân hóa, trải qua “bão táp mưa sa” vẫn “đứng thẳng hàng” như dáng đứng của con người Việt Nam kiên cường, bất khuất trong bốn nghìn năm lịch sử, dù trải qua biết bao đau thương và mất mát:
“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát,
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam,
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”.
Từ cảm thán “Ôi” biểu thị niềm xúc động tự hào. Hình ảnh hàng tre xanh hiện lên ngay từ đầu, là hình ảnh mang tính chất tượng trưng, giàu ý nghĩa liên tưởng sâu sắc. Từ lâu, hình ảnh cây tre đã mang những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam: “mộc mạc, thanh cao, ngay thẳng, bất khuất…” (Thép Mới). Thông qua khổ thơ, ta có thể thấy được nỗi xúc động nghẹn ngào, niềm tự hào vô bờ của tác giả khi được ra thăm vị cha già kính yêu của dân tộc.
- Luận điểm 2: Cảm xúc trước đoàn người vào thăm lăng Bác
Trong khổ thơ tiếp theo, tác giả dành nhiều tình cảm để nói về Bác với giọng thơ xúc động, tự hào:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
Ở đây, tác giả đã đã khéo léo dùng hình ảnh ẩn dụ “mặt trời” để gợi nhắc tới Bác Hồ. Ánh “mặt trời” của thiên nhiên vẫn “ngày ngày” chiếu sáng trên lăng, cũng như Bác là mặt trời của dân tộc, mang ánh sáng ấm áp và tin yêu cho nhân dân Việt Nam. Thời gian qua đi, ngày rồi lại đêm, vầng thái dương ấy vẫn “rất đỏ”, sáng mãi trong trái tim của dân tộc. Hình ảnh đó ẩn dụ cho sự vĩnh hằng, trường tồn của Bác với triệu triệu người dân Việt Nam. Điệp ngữ “ngày ngày” ám chỉ thời gian vô tận, như một quy luật bất biến, tượng trưng cho tấm lòng người dân chưa bao giờ thôi nhớ Bác. Và có lẽ, ánh mặt trời của tạo hóa dù lớn lao đến đâu, cũng phải cúi mình, kính cẩn trước “mặt trời trong lăng” luôn sáng và “rất đỏ”.
Hai câu thơ sau, tác giả miêu tả dòng người thành kính, trang nghiêm khi tiến vào lăng Bác. Dòng người đông đúc ấy chẳng khác nào một “tràng hoa” muôn sắc ngàn hương, từ mọi miền đất nước nô nức đến quảng trường Ba Đình lịch sử để viếng lăng Bác. Hình ảnh ẩn dụ “tràng hoa” đã diễn tả tấm lòng biết ơn, sự thành kính của nhân dân đối với vị cha già dân tộc:
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.
Trong nỗi nhớ thương, mỗi người như một bông hoa tươi đẹp nhất, mang trong mình nỗi nhớ thương và lòng thành kính, yêu mến đối với vị lãnh tụ. Để rồi tiếp nối nhau, kết với nhau thành một “tràng hoa” dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân”. Cuộc đời của Bác đẹp như những mùa xuân, luôn hết mình và tỏa hương thơm suốt bảy mươi chín năm cuộc đời. Qua khổ thơ, Viễn Phương đã gửi gắm sự biết ơn sâu sắc công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, niềm thành kính vô bờ của nhân dân đối với Bác.
- Luận điểm 3: Cảm xúc khi vào lăng
Ở khổ thơ thứ ba, tác giả nói về sự vĩnh hằng, bất diệt của Bác. Bác như đang nằm ngủ, một giấc ngủ “bình yên” trong một khung cảnh thơ mộng:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
Tác giả đã sử dụng cách nói giảm, nói tránh để tránh đi nỗi mất mát, đau thương khi đất nước không còn Bác. Bác chỉ như đang “nằm trong giấc ngủ bình yên” mà thôi. Đó cũng là thái độ nâng niu, trân trọng giấc ngủ của Bác. Cả một đời lo cho dân, cho nước, nay hòa bình đã lập lại, Bác cuối cùng có thể ngủ một giấc ngủ trọn vẹn. Hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền” nhân hóa cho ánh đèn tỏa ra từ lăng Bác. Cũng là ẩn dụ chỉ vẻ đẹp thanh cao, sáng chói của vị lãnh tụ.
Cùng với đó, “trời xanh” biểu tượng cho sự trường tồn, bất diệt của Bác trong trái tim của nhân dân Việt Nam. Bác luôn sống mãi, vĩnh hằng cùng non sống, đất nước. Thế nhưng biết là thế, nhà thơ vẫn không khỏi xót xa, đau đớn, tiếc thương vì sự ra đi của vị cha già: “mà sao nghe nhói ở trong tim”. Có cái gì cứ nhức nhối, nghẹn ngào, như cứa vào trong tim của người con khi phải đối diện với sự thật, là vị cha già ấy đã mãi ra đi, không còn được thấy Người cười nói, đứng đó đọc bản Tuyên ngôn năm nào.
- Luận điểm 4: Những tình cảm, cảm xúc trước lúc ra về
Trong khổ thơ cuối, nhà thơ thể hiện nỗi lưu luyến, buồn thương khi ra về:
“Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”
Ngày mai phải ra về, phải xa nơi yên nghỉ của Bác, cảm xúc bỗng “thương trào nước mắt”. Tác giả không muốn phải rời xa, lưu luyến không rời. Và ước gì có thể trở thành “con chim”, “đóa hoa”, “cây tre” để ngày ngày có thể ở bên Bác. Đó đều là những sự vật đẹp nhất, kết tinh niềm nhớ nhung tha thiết, mãnh liệt của hàng triệu người dân với Bác Hồ. Cuối bài thơ, tác giả một lần nữa sử dụng hình ảnh “cây tre”, tạo kết cấu đầu cuối tương ứng cho tác phẩm, khiến cho bài thơ dù đã kết thúc nhưng vẫn đau đáu những nỗi niềm không chỉ của riêng tác giả mà còn là của cả nhân dân Việt Nam.
Kết bài phân tích Viếng lăng Bác
Với thể thơ 8 chữ, giọng thơ thiết tha, sâu lắng cùng những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc, Viễn Phương đã khắc họa được nỗi xúc động, thành kính cùng nỗi tiếc thương vô bờ của người con đối với vị cha già dân tộc. Dù ra đời sau, khi đã có hàng trăm bài thơ viết về Bác, thế nhưng “Viếng lăng Bác” vẫn là áng thơ khiến hàng triệu người dân Việt Nam thổn thức, tượng trưng cho tấm lòng kính yêu vô bờ của nhân dân Việt Nam với Người.