Với các thi sĩ, ý tưởng sáng tác luôn gắn liền với đời sống hằng ngày. Nếu Xuân Diệu là tình yêu, Chính Hữu là tình đồng chí, Nguyễn Khoa Điềm là tình yêu đất nước thì với Bằng Việt là tình cảm gia đình. Đúng vậy, gia đình có hạnh phúc thì đất nước mới giàu mạnh. Do đó, các bạn phân tích bài Bếp lửa của nhà thơ không chỉ thấy tầm quan trọng của bếp lửa mà còn cảm nhận được tình yêu của hai bà cháu cao quý như thế nào!
Phân tích chi tiết phân tích bài Bếp lửa
Mở bài
Bằng Việt là nhà thơ thuộc thế hệ trưởng thành từ phong trào kháng chiến chống Mỹ. Bởi thế, thơ ông mang hơi hướng mượt mà, trong trẻo, xoay quanh những kỷ niệm đẹp và khát vọng tuổi trẻ. Theo chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt, tác phẩm “Bếp lửa” được ông sáng tác vào năm 1963, khi đang du học ở Liên xô. Đây là một trong những bài thơ đầu tiên ông sáng tác. Tuy nhiên, với lời thơ mộc mạc, ý nghĩa thơ sâu sắc, gần gũi, Bếp lửa vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả và vẫn giữ một vị trí quan trọng tron nên thi ca Việt Nam.
Tác phẩm được in trong tập “Hương cây – Bếp lửa”. Trước đây và cả sau này, vẫn chưa có tác phẩm nào viết về tình cảm bà cháu hay như Bếp lửa của Bằng Việt. Khi phân tích bài Bếp lửa, các bạn sẽ cảm nhận rõ hơn nhận định ấy!
Thân bài
- Luận điểm 1: Hình ảnh bếp lửa quen thuộc vùng thôn quê
Không để độc giả phải đợi lâu, ngay từ những câu đầu tiên, tác giả đã giới thiệu về hình ảnh bếp lửa quen thuộc ở bất kỳ làng quê nào của Việt Nam:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
“Một bếp lửa” được lặp lại hai lần, nhằm nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của nó trong cuộc sống của người nông dân. Bếp lửa ấy thường sẽ xuất hiện vào sáng sớm hoặc khi chập choạng tối. Lúc đó còn chờn vờn sương và mang hơi ấm đến cho căn bếp. Đặc biệt bếp lửa ở đây gắn liền với người bà. Tác giả nhắc đi nhắc lại bếp lửa bởi nhìn thấy bếp lửa là nhà thơ lại nhớ đến bà. Nhớ về người bà tần tảo nắng mưa. Ánh sáng hắt ra từ bếp lửa ấy chính là tình yêu thương của người cháu dành cho bà. Nó đang bùng lên dữ dội và da diết khôn nguôi.
Phân tích bài Bếp lửa, mặc dù khổ thơ đầu chỉ có 3 câu ngắn ngủi nhưng ta thấy, tác giả đã khéo léo giới thiệu được vẻ đẹp tiềm ẩn của bếp lửa, đồng thời lồng ghép được sự thiêng liêng về tình cảm bà cháu trân quý.
- Luận điểm 2: Kỷ niệm ấu thơ về nạn đói kinh hoàng
Khi đang ở nơi xa, con người ta bao giờ cũng mang nỗi nhớ nhà mãnh liệt hơn, da diết hơn. Bởi thế, khi hình ảnh bếp lửa xuất hiện đã kéo theo hàng loạt những ký ức thơ ấu của tác giả sống dậy, tuôn trào như một thước phim quay chậm:
“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”
Người ta bảo, trẻ con có khả năng ghi nhớ kỳ diệu những điều chúng tự thấy đáng nhớ. Và đoạn thơ trên thể hiện rất rõ điều đó. Năm ấy, nhà thơ Bằng Việt mới 4 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in nạn đói khủng khiếp xảy ra năm 45. Năm mà nhà văn Kim Lân đã miêu tả: “Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Một đứa trẻ bốn tuổi sẽ cảm thấy thế nào trước cảnh tượng đó. Tuy không quá hãi hùng nhưng vẫn là cái đói mòn đói mỏi. Và đứa trẻ ấy không thể quên hình ảnh người cha “khô rạc ngựa gầy”. Khổ cực là thế, nỗi khiếp đảm về cái chết là thế nhưng giờ đây trong tâm trí cậu bé ấy chỉ còn lại là cảm giác khói bếp hun nhèm mắt. Đó là những giây phút cùng bà ngồi bên ánh lửa bập bùng. Và cậu bé biết dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, hai bà cháu cũng sẽ trải qua. Phân tích bài Bếp lửa ở 5 câu thơ này, ta thấy giống như là một lời tự sự, giãi bày nỗi lòng riêng của tác giả nhưng lại như đang nói hộ lòng của rất nhiều người cháu đã từng có một người bà bên ánh lửa bếp như thế. Những tiếng thơ như thổn thức đã thực sự chạm vào trái tim độc giả. Khiến người đọc vừa xúc động vừa trân trọng hơn thứ tình cảm thiêng liêng này.
- Luận điểm 3: Ký ức những tháng ngày bên bà
Thế rồi cậu bé ấy dần lớn lên bên bà và bên bếp lửa. Cậu được bà chăm lo bữa ăn, giấc ngủ. Cậu được bà dạy bảo những điều hay lẽ phải. Có thể nói, khi phân tích bài Bếp lửa, ta thấy rõ, cả tuổi thơ của tác giả gắn liền với người bà. Chiến tranh khốc liệt, bố mẹ vắng nhà, tác giả may mắn khi được sống với bà. Dù là 8 năm ròng xa bố mẹ nhưng người cháu ấy đã có bà chở che.
“Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
Những vẫn thơ của tác giả như gợi cho ta nhớ tới hình ảnh người bà vẫn thường trong những buổi trưa hè, kể cho cháu nghe những câu chuyện cổ tích: “Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?/Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế”. Hình ảnh tu hú xuất hiện ở đây gợi cho độc giả khung cảnh làng quê hiu hắt, vắng bóng người. Tiếng tu hú kêu nghe càng tha thiết, chan chứa bao nỗi lòng khắc khoải, suy tư. Bởi thế mà tác giả mới sử dụng câu hỏi tu từ “Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà/ Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”. Câu thơ như xoáy vào lòng tác giả lẫn độc giả. Nhà thơ yêu bà biết bao nhiêu, thương bà biết nhiêu nhưng đành bất lực trước sự tàn khốc của chiến tranh. Tác giả chỉ có thể gửi gắm tâm tư vào thiên nhiên, những gì của tạo hóa ban cho vô điều kiện. Cuộc sống cơ cực là thế nhưng hai bà cháu vẫn luôn nương tự vào nhau. Cháu ở với bà không chỉ được chăm ăn, chăm ngủ mà còn được học hành thành người tử tế: “Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”. Bà đúng là mẫu người phụ nữ trung hậu, đảm đang của Việt Nam. Dù việc nhà khốn khổ trăm bề nhưng bà vẫn hết lòng lo cho việc nước. Điều đó, vẫn còn hiện rõ trong ký ức của nhà thơ:
“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
Tình yêu đất nước của người bà cũng truyền sang cả người cháu. Mặc dù khi ấy, cháu còn bé chưa thể hiểu hết những điều bà nói. Nhưng hành động tốt đẹp đó của bà đã in sâu trong tâm trí cháu và thành điểm sáng để cháu suốt đời noi theo.
Nhà thơ sử dụng lối đối thoại dân giã giữa người bà và người cháu nhưng lại toát lên vẻ đẹp về tình yêu quê hương đất nước thiêng liêng. Vì không muốn người bố nơi chiến trận lo lắng, người bà đã dặn dò cháu không được tiết lộ chuyện chẳng may ở nhà. Người bà ấy trước mưa bom lửa đạn của quân giặc vẫn vững lòng, không hề sợ hãi. Chính những điều ấy đã giúp người cháu, nhà thơ nhận ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng:
“Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”
Luận điểm 4: Chiêm nghiệm về cuộc đời bà
Không chỉ khơi gợi trong tâm hồn tác giả những ký ức ngọt bùi về người bà và tuổi thơ gian khổ, ngọn lửa ấy còn mang tới cho nhà thơ những chiêm nghiệm đáng quý về cuộc đời.
Khi phân tích bài Bếp lửa, đến phần cuối, ta thấy nhà thơ đã nhận ra ngọn lửa bà nhóm cũng là ngọn lửa của niềm tin và hy vọng. Đó là ngọn lửa của tình yêu thương bà dành cho cháu, và cũng là ngọn lửa soi sáng đường cho cháu đi muôn nơi.
“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”
Tác giả nhận ra, đời bà thật lận đận và lắm gian truân. Thế nhưng bà đã nhóm lên trong tâm hồn trẻ nhỏ những bài học sâu sắc. Bà cho người cháu ấy hiểu sống ở đời là phải biết sẻ chung vui, là phải biết chia sắn ngọt bùi. Bếp lửa kỳ lạ và thiêng liêng như chính tình bà dành cho cháu vậy!
“Giờ cháu đã đi xa.
Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”
Những câu thơ cuối là lời tác giả gửi gắm đến bà. Dù biết rằng nơi xa bà sẽ chẳng thể nghe thấy tiếng cháu gọi. Nhưng tác giả biết bà sẽ nghe thấy tiếng lòng mình. Bởi bà rất yêu cháu, bà rất hiểu cháu. Bởi bà như bếp lửa kia luôn ở bên tác giả, dõi theo những bước đi của ông trên con đường trưởng thành.
Kết bài
Quả thực, một đất nước vũng mạnh là một đất nước mà ở đó nhà nhà đều hạnh phúc. Qua việc phân tích bài Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt, ta càng thấy giá trị to lớn của tình yêu thương gia đình. Chỉ khi người trong gia đình biết quý trọng nhau thì khi ra ngoài xã hội họ mới biết tôn trọng người khác. Với hình ảnh bếp lửa độc đáo và tình bà cháu mộc mạc đơn sơ, nhưng tác giả đã khái quát lên cả một giá trị quan tốt đẹp. Thông điệp bài thơ không chỉ nằm ở tình cảm cá nhân mà còn là tình yêu quê hương đất nước là tình làng nghĩa xóm và tình người với người.